Tuesday, July 30, 2013

Lương giáo viên cao hay thấp? – Nhóm nghiên cứu đề tài 01/2010


HTN: Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Quỹ Hoà bình và Phát triển do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó Chủ tịch nước chủ trì tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Học Thế Nào xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn trích  báo cáo kết quả đề tài với nội dung phản ánh thực trạng chính sách tiền lương và phụ cấp giáo viên. Tiêu đề do Nhóm biên tập Học Thế Nào đặt.

Nghị quyết TW 2 (khóa 8) của Đảng CSVN đã yêu cầu “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.[1] Để thể chế hóa, Luật Giáo dục đã quy định tại Điều 81, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Ở đây, theo Điều 82 của đạo luật này, các phụ cấp khác là: phụ cấp cho giáo viên dạy các trường nội trú, bán trú và dự bị đại học dành cho con em người dân tộc thiểu số; phụ cấp cho giáo viên các trường năng khiếu về khoa học, nghệ thuật, thể dục-thể thao, và các trường dành cho trẻ em khuyết tật v.v… Ngoài ra, giáo viên dạy ở những vùng KTXH đặc biệt khó khăn (như vùng núi, hải đảo, vùng cách xa các trục lộ giao thông còn được hưởng phụ cấp khu vực và được chính quyền địa phương tạo điều kiện về chỗ ở (như xây nhà công vụ hoặc cấp đất thổ cư).
Những quy định của Luật Giáo dục về lương và phụ cấp đối với giáo viên được thể hiện cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ liên quan đến tiền lương và phụ cấp của công chức, viên chức trong đó có quy định riêng thang bảng lương cho giáo viên. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, giáo viên mỗi cấp học được hưởng lương theo ngạch, mỗi ngạch lại gồm có một số bậc. Cụ thể, giáo viên tiểu học được xếp 3 ngạch:  giáo viên tiểu học,  giáo viên tiểu học chính, giáo viên tiểu học cao cấp; giáo viên THCS được xếp 2 ngạch: giáo viên THCS, giáo viên THCS chính; giáo viên THPT được xếp 2 ngạch:  giáo viên trung học,  giáo viên trung học cao cấp. Tiền lương cụ thể ứng với mỗi bậc được tính căn cứ vào tiền lương cơ bản – đơn vị chung cho tất cả các loại công chức, viên chức của chính phủ. Để cải thiện mức sống cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoặc cũng có trường hợp, để đối phó với tình trạng lạm phát/ mất giá của đồng nội tệ, cứ một vài năm Chính phủ lại nâng lương cơ bản, từ đó tất cả các bậc lương và phụ cấp của giáo viên (cũng như của công chức, viên chức các ngành nghề khác) vốn được tính theo lương cơ bản đều được nâng lên.[2]

Sunday, July 28, 2013

12 ĐIỀU NGẠC NHIÊN VỀ GIÁO DỤC MẦM NON NHẬT BẢN


Một bà mẹ Trung Quốc sống ở Kyoto đã rất ngạc nhiên về hệ thống giáo dục mầm non cũng như thói quen của những đứa trẻ ở Nhật Bản. Cô chia sẻ những điều mình quan sát được.
Cô viết: "Trước khi tới Nhật, Tiantian - Thiên Thiên - (con gái cô) đã từng học ở một trường mẫu giáo của Bắc Kinh 1 năm. Vì vậy, các bạn có thể hiểu rằng, chúng tôi cũng không xa lạ gì với môi trường này. Song, có những điều ở các trường mẫu giáo Nhật Bản đã khiến tôi phải ngạc nhiên".

1. Cần rất nhiều túi để tới trường
Vào một ngày, họ (nhà trường) nói chúng tôi cần phải chuẩn bị một số lượng túi nhất định với các kích cỡ khác nhau:
Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày. Sau đó thì túi A phải có chiều dài nhất định, túi B phải có chiều rộng nhất định, túi C phải đựng vừa trong túi D, túi E vừa trong túi F. Tôi đã không thể tin được điều đó.
Thậm chí, một vài trường mẫu giáo còn yêu cầu các bà mẹ phải có những chiếc túi riêng của mình.
Sau 2 năm, chúng tôi đã quen với điều đó và những đứa trẻ trở nên rất thành thục trong việc đặt đồ đạc vào đúng chiếc túi của nó. Và tôi cho rằng, lý do người Kyoto không ngại ngần khi phải phân loại rác thải là vì họ đã được dạy điều này từ khi còn ở trường mẫu giáo.

2. Bọn trẻ xách túi mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ
Đó là điều thực sự làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhận thấy những người lớn Nhật Bản, dù là bố mẹ hay ông bà bọn trẻ đều không phải xách bất kì chiếc túi nào cả, trong khi bọn trẻ phải xách tất cả những chiếc túi đủ kích cỡ này (ít nhất là 2 đến 3 chiếc). Và đáng ngạc nhiên hơn nữa là bọn trẻ còn có thể chạy rất nhanh!
Còn với chúng tôi thì sao? Có thể, đó không phải là thói quen của chúng tôi hoặc có lẽ nó là một yếu tố văn hóa, song tôi mang tất cả những chiếc túi, còn Tiantian thì không phải mang gì cả.
Hai ngày sau, giáo viên của Tiantian tới và nói chuyện với tôi: “Mẹ Tiantian à, con gái chị có thể tự làm được mọi việc ở trường…”. Người Nhật có thói quen là chỉ nói nửa câu, sau đó để người nghe tự hiểu.
Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng, cô giáo đang nói về chuyện gì. Song thấy tôi trầm ngâm nên cô ấy nói tiếp: “...việc xách những chiếc túi chẳng hạn…”. Sau sự nhắc nhở tế nhị này, tôi đã để cho Tiantian xách tất cả những chiếc túi của cháu.
Trong một cuộc họp phụ huynh, tôi đã nói với mọi người rằng thói quen của người Trung Quốc là bố mẹ nên xách mọi thứ thay cho trẻ con. Lúc đó, đến lượt các bà mẹ Nhật ngạc nhiên đến mức không nói được lời nào. Và sau đó họ hỏi: ‘Tại sao?’
Tại sao ư? Có phải là vì người Trung Quốc chúng tôi yêu những đứa con của mình nhiều hơn không?

Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông

  Hồng Hạnh

(Dân trí) - Để chứng minh cho chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành quá tải, nặng về kiến thức, lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra những minh chứng về sự quá tải này.
 >>  “Học vẹt” do chương trình, sách giáo khoa quá nặng!

Chương trình, sách giáo khoa sẽ được đổi mới sau năm 2015.
Chương trình, sách giáo khoa sẽ được đổi mới sau năm 2015.

Chỉ ra những thông tin cụ thể về hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nặng về kiến thức văn hóa và khoa học, nhẹ về giáo dục nhân cách, các kỹ năng sống, nặng tính hàn lâm, lý thuyết, nhẹ thực tiễn và kỹ năng thực hành, ông Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra những minh chứng cụ thể ở một số môn học phổ thông. Cụ thể:

Giáo viên, chuyên gia “kêu than” về chương trình, SGK nặng và khó

 Hồng Hạnh

(Dân trí) - Lỗi chính tả, học vần khó đọc, kiến thức vừa nặng lại trừu tượng, khó hiểu… đó là những nhận xét của giáo viên và chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa hiện nay.
 >> Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông

Méo mồm để đánh vần
 
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhận định: Chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ. Đã đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên, NGƯT Nguyễn Thị Hiền cho rằng chương trình giáo dục tiểu học chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho học sinh. Đối với sách giáo khoa (SGK) còn nặng và khó. Một số chương trình của lớp trên được đưa xuống lớp dưới để dạy học nhưng khi cập nhật những kiến thức này học sinh còn gặp nhiều khó khăn như cộng trừ trong phạm vi 100 của lớp 2 đưa xuống lớp 1; Phép nhân của lớp 3 đưa xuống lớp 2; Bốn phép tính của phân số của lớp 5 đưa xuống lớp 4…
 
Giáo viên, chuyên gia “kêu than” về chương trình, SGK nặng và khó
Theo NGƯT Nguyễn Thị Hiền, chương trình giáo dục tiểu học chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức...
Những hạn chế, bất cập của chương trình, SGK bậc tiểu học, NGƯT Nguyễn Thị Hiền đã nêu ra dài tới 11 trang từ lớp 1 đến lớp 5 ở các môn học.
Điển hình như phần học vần lớp 1, nếu học sinh học xong phần vần khi đọc thêm các văn bản ngoài như báo, truyện… nếu gặp vần khó thường không đọc được. Nguyên nhân do các vần khó đọc như: uyt, oeo, oao, uyu, oong… không dạy ở phần vần và đưa vào các bài tập sau mỗi bài tập đọc ở phần Luyện tập tổng hợp.

Thursday, July 25, 2013

Thủ tướng chủ trì cuộc họp bàn về đổi mới căn bản - toàn diện giáo dục



Sáng 24.7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015.
Cuộc họp tập trung thảo luận về 2 nội dung chính: Dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Chương trình công tác giai đoạn 2013-2015 của hội đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sự nghiệp giáo dục của nước ta đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng; tuy nhiên, nền giáo dục còn những tồn tại, hạn chế nhất định bắt nguồn từ nguyên nhân: Tư duy về giáo dục còn chậm được đổi mới; chưa coi trọng đúng mức vai trò quan trọng của khoa học giáo dục; công tác quản lý giáo dục còn có những bất cập; chưa coi trọng đúng mức đến công tác thanh tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục...

Tuesday, July 23, 2013

Bộ GD lộ ’bí mật quốc gia’ khống chế trần tốt nghiệp?

Mi An

(Trái hay Phải)- Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành đã tuân theo “chỉ đạo mật” của Bộ để giữ cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 không được cao hơn tỷ lệ các năm trước. Bí mật này mới được lộ ra trong hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 mới đây, giống như một quả bom gây sốc cho dư luận.





Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7 vừa qua, ngành giáo dục đã làm cho dư luận một phen té ngửa. Đó là trong phần tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.  
Thêm một thông tin động trời khác nữa là một lãnh đạo Sở GDĐT đã tỏ thái độ rất bức xúc vì Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước thay vì đáng lẽ họ phải được khen theo lẽ thường.
Đọc những thông tin tường thuật về phiên tổng kết năm học của ngành giáo dục trên các báo, tôi thực sự choáng váng đến nỗi không dám tin vào mắt mình. Tại sao một chuyện phản giáo dục như vậy lại diễn ra ngay trong chính môi trường giáo dục? Tại sao lại có chuyện ngược đời: bị cắt danh hiệu thi đua vì để cho học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn năm trước?
Có nền giáo dục của nước nào được (hay bị) chỉ đạo một cách trớ trêu như nền giáo dục nước ta không? Tôi tự hỏi, bao nhiêu học sinh đã bị trượt oan, đã bị các thầy cô của họ đánh cho kỳ trượt để đảm bảo số lượng học sinh đỗ không “vượt trần” do Bộ quy định? Bao nhiêu cuộc đời có thể đã có một hướng rẽ khác, nếu như các thầy cô tôn trọng kết quả thật của bài thi các em?
Theo như báo cáo tổng kết của Bộ, thì việc “quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử”. Nghe thật nực cười, có phải Bộ đã “làm xiếc” với kết quả thi cử, kìm giữ tỷ lệ đỗ không cho vượt quá cao để chứng minh rằng ngành mình không chạy đua với căn bệnh thành tích? Nhưng đó chính là bệnh thành tích nặng đến mức vô phương cứu chữa chứ còn gì?

Sunday, July 21, 2013

Phần Lan đã dẫn đầu thế giới về giáo dục như thế nào?


Toner Wagner – một giáo sư nổi tiếng về giáo dục tại Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ), trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: đâu là những kỹ năng cần thiết cho những người trẻ trong xã hội tri thức ngày nay, đã đặt chân đến Phần Lan.

Ngưỡng mộ hệ thống giáo dục “không giống ai” của đất nước này, vào năm 2011 Toner đã cùng với nhà làm phim Robert Compton tạo nên một bộ phim tài liệu dài hơn một giờ đồng hồ về nền giáo dục Phần Lan với tên gọi: “The Finland Phenomenon: Inside The World’s Most Surprising School System” – “Hiện tượng Phần Lan – Bên trong hệ thống trường học đáng ngạc nhiên nhất trên thế giới”.

Wednesday, July 17, 2013

Dạy, Học và Giáo Dục Giả Hiệu

 Mortimer J. Adler, ICEVN

Mortimer Adler là một triết gia, và là một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ. Adler sinh năm 1902 và mất năm 2001, thọ 99 tuổi. Adler được coi là một trong những triết gia về giáo dục thuộc trường phái Perennialism, một lý thuyết giáo dục chủ trương rằng con người, dù ở bất cứ nơi nào, cùng sở hữu và chia sẻ một bản năng chung-lý tính­-một bản năng xác định con người. Từ nhận định này, Adler chủ trương rằng nền giáo dục phổ thông phải đồng nhất cho mọi học sinh. Mọi học sinh đều phải được dạy để có 3 loại kiến thức: kiến thức phổ thông; kỹ năng tư duy; và hiểu biết về tư tưởng và giá trị. Mỗi loại kiến thức khác nhau đòi hỏi một phương pháp dạy khác nhau. Adler cùng Max Weismann thành lập Trung tâm Nghiên cứu các Tư Tưởng Vĩ Đại và ông cũng đề nghị một chương trình giảng dạy các tác phẩm kinh điển (Great Books) của văn hóa Tây phương cả hai trình độ trung học và đại học tại Mỹ và Canada.

Ai cũng biết, hay chắc phải biết, rằng nhồi sọ không phải là sự giảng dạy theo đúng nghĩa của nó, và kết quả của nhồi sọ là cái gì đó trái ngược hẳn với cái học chân chính. Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng, hầu hết những gì đang diễn ra trong trường lớp của chúng ta không là gì khác hơn lối dạy học nhồi sọ.
Vì sao chuyện này lại xảy ra? Vì sao chúng ta lại quá sức lầm lẫn bản chất của dạy và học đến nỗi để cho những trò giáo dục giả hiệu xảy ra tràn lan trong học đường đến như thế?
Chỉ vì ta đã đánh mất ba nhận thức căn bản về bản chất của dạy và học, và do đó, đưa đến ba giả thuyết sai lầm sau đây:

Monday, July 15, 2013

Nghệ Thuật Giảng Dạy

 Mortimer J. Adler, ICEVN

Socrates đã đưa ra một nhận định sâu sắc và căn bản về bản chất của giảng dạy khi so sánh nghệ thuật giảng dạy với nghề bà đỡ đã có từ lâu đời. Cũng giống như bà đỡ giúp cho bà mẹ sinh con, người thầy giúp cho tâm trí [của học sinh] tự tìm ra ý tưởng, kiến thức, và sự hiểu biết. Khái niệm cơ bản ở đây là: giảng dạy là một nghệ thuật có vai trò giúp đỡ khiêm tốn mà thôi. Người thầy không sản xuất ra kiến thức hay nhồi nhét những tư tưởng vào tâm trí trống rỗng và thụ động của học sinh. Chính người học, chứ không phải người dạy, mới là người sản xuất đóng vai chính trong sự sản xuất kiến thức và ý tưởng.
Người xưa đã phân biệt những kỹ năng của y sĩ và nông gia với kỹ năng của người thợ đóng giày hay thợ xây nhà. Aristotle gọi nghề thuốc và nghề nông là những nghệ thuật hợp tác, bởi vì những nghề này phụ với thiên nhiên để đạt đến những kết quả mà thiên nhiên có thể tạo ra. Giày dép và nhà cửa không thể thành hình được nếu không có bàn tay của con người; nhưng cơ thể con người vẫn đạt được sự khỏe mạnh mà không cần đến y sĩ, cây cỏ và thú vật vẫn lớn được mà không cần có bàn tay của nông gia. Tay nghề của y sĩ và của nông gia chỉ giúp cho sức khỏe và sự tăng trưởng được chắc chắn và đều đặn mà thôi.
Giảng dạy, giống như làm ruộng và chữa bệnh, là một nghệ thuật hợp tác giúp cho thiên nhiên làm những điều “tự nhiên,” và khi có sự hợp tác này thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta đã học được nhiều điều mà không có thầy nào dạy hết. Có những cá nhân kiệt xuất đã có được sự hiểu biết sâu rộng mà chỉ được đi học rất ít. Nhưng đối với đa số chúng ta, tiến trình học sẽ chắc chắn hơn, bớt nhọc nhằn hơn nếu được người thầy giúp đỡ. Sự hướng dẫn có phương pháp của thầy cô giúp cho việc học của ta – nhấn mạnh là của ta và do ta – dễ dàng và có hiệu quả hơn.

Wednesday, July 10, 2013

Thi riêng hay thi chung?

Ngọc Hà, Hải Minh

Điều này được xem là “vượt kế hoạch” khi trước đó bộ liên tục khẳng định “ba chung” sẽ vẫn là hằng số cho việc tuyển lựa sinh viên của các trường ĐH, CĐ ít nhất cho đến năm 2015.

Trước đó, những lùm xùm về xét duyệt đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh cho thấy dù là cơ quan quản lý nhà nước nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong xử lý thông tin, xét duyệt đề xuất của các trường. Một bản đề án tuyển sinh chia làm năm tiêu chí, đến khi chủ động thông tin cho báo chí Bộ GD-ĐT lại tự động rút gọn thành hai tiêu chí và lại là hai tiêu chí dễ bị “ném đá” nhất.
Diễn giải về sự lạ đời này, nhà văn Nguyên Ngọc – chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh – nói: “Năm tiêu chí của chúng tôi gồm: 1/điểm thi ĐH, 2/điểm thi tốt nghiệp THPT, 3/kết quả tổng kết ba năm THPT, 4/kết quả kiểm tra về khả năng tư duy và 5/kết quả phỏng vấn trực tiếp. Mỗi tiêu chí được đánh giá bằng 20% tổng số điểm. Sau khi trường trình lên, lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục gọi điện gợi ý bỏ tiêu chí đầu tiên về điểm thi ĐH đi, đề án sẽ được phê duyệt.
Tôi thật sự ngạc nhiên vì cứ nghĩ mình chỉ tính điểm thi ĐH bằng 1/5 tổng điểm xét tuyển có thể khiến bộ không vui vì… coi nhẹ kỳ thi quốc gia. Đồng ý với đề nghị của bộ, trường định nhấn mạnh vào hai tiêu chí 4, 5 vì biết chắc dựa vào thi tốt nghiệp THPT cũng như kết quả học tập THPT không đáng tin cậy, dễ gây phản ứng. Nhưng tôi phải thêm một lần ngạc nhiên nữa khi Bộ GD-ĐT đưa phương án của trường ra dư luận lại chỉ gom vào hai tiêu chí 3 và 4, dựa vào kết quả học phổ thông”.
Song, nói đi thì nói lại. Bộ không lo lắng không được. Trong những phương án tuyển sinh riêng trình lên bộ lần này có trường còn đưa ra tiêu chí độc đáo: ưu tiên xét tuyển thí sinh là học sinh các trường THPT trên cả nước có trùng tên với trường ĐH và thí sinh có hộ khẩu thường trú tại quận có dự án của trường ĐH này (?!).

Tuesday, July 9, 2013

Ý NIỆM ĐẠI HỌC NHƯ MỘT GIÁ TRỊ CỐT LÕI


Ý niệm đại học

Tác giả Karl Jaspers
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Khoa học - Giáo dục
Dịch giả Hà Vũ Trọng & Mai Sơn
Năm xuất bản 2013
Đơn vị xuất bản Nxb Hồng Đức & ĐH Hoa Sen

Bui Van Nam Son
Ý NIỆM ĐẠI HỌC
NHƯ MỘT GIÁ TRỊ CỐT LÕI
I
“Ý niệm đại học” là cách dịch tinh tường và tinh tế nhan đề tác phẩm nổi tiếng của Karl Jaspers[1]. Bởi, “Idee/Idea” ở đây không có nghĩa đơn giản là “ý tưởng”, theo nghĩa là “suy nghĩ” hay “ý kiến” nào đó về đại học. Jaspers, một trong những triết gia hàng đầu của thế kỷ 20, đã cố ý sử dụng thuật ngữ “Ý niệm” tiêu biểu của bậc tiền bối là Immanuel Kant để chỉ Nguyên tắc của lý tính, lý tưởng để vươn tới tuy không bao giờ đạt được trọn vẹn, như ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường cho kẻ lữ hành. Vâng, theo Jaspers, quả có một Ý niệm về đại học, và Ý niệm này (xin viết hoa để phân biệt!) là Tinh thần sống động, là Hồn của đại học. Nhưng, một khi phải bàn về “Ý niệm đại học” là mặc nhiên thú nhận rằng Ý niệm ấy đang bị xem nhẹ, ánh sáng dẫn đường ấy đang bị lu mờ, hồn cốt ấy đang phai nhạt và có nguy cơ tan biến. Tương lai cho nền đại học đã bị sa đọa như thế phụ thuộc vào sự khôi phục Tinh thần nguyên thủy. Jaspers thừa biết rằng con đường trở về lại với thời cổ điển là vô vọng, nhưng một sự tái tạo theo tinh thần của Humboldt trong những điều kiện kinh tế-xã hội mới mẻ là cần thiết, và, hơn thế, là có thể làm được. Theo Jaspers, đại học hiện đại đứng trước sự chọn lựa: “hoặc thành công trong việc giữ vững nền đại học (…) bằng sự tái sinh của Ý niệm trong nỗ lực kiên quyết hiện thực hóa một hình thái tổ chức mới, hoặc đại học sẽ cáo chung trong tính chức năng [đơn thuần] của những cơ sở khổng lồ đào tạo những chuyên viên khoa học-kỹ thuật”[2]. Khôi phục nguyên si mô hình đại học cổ điển của Humboldt là bất khả thi, bởi Ý niệm không phải là cái gì tĩnh tại và đã hoàn tất, độc lập với sự phát triển của bản thân Tinh thần và thoát ly khỏi những hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì thế, tái sinh Ý niệm phải đi liền với sự đổi mới nó. Có những yêu sách truyền thống vẫn còn giá trị, nhưng, mặt khác, phải phù hợp với những hoàn cảnh mới.
Câu hỏi lập tức đặt ra: “Ý niệm” ấy là gì? Và tại sao nền đại học hiện đại - nói riêng là đại học Đức, đối tượng trực tiếp của Jaspers trong sách này - lại xa rời Ý niệm của nó? Đâu là những nguyên nhân bên trong và bên ngoài? Nếu không giải đúng những câu hỏi này, cương lĩnh “hồi sinh và đổi mới” chỉ là một giấc mơ hão huyền.
Quyển “Ý niệm Đại học” được K. Jaspers biên soạn ở Heidelberg (Đức) ngay sau Thế Chiến II, sau thảm họa kinh hoàng của bạo lực, khủng bố, chiến tranh và tội ác diệt chủng. Ông sử dụng bản sơ thảo cùng tên từ 1923, viết lại và bổ sung nhiều ý tưởng mới trước tình hình nghiêm trọng: sự tàn phá nền học thuật Đức nói chung và nền đại học Đức nói riêng của chủ nghĩa quốc xã[3], cùng với trách nhiệm cá nhân nặng nề của ông trong trọng trách xây dựng lại Đại học Heidelberg với tư cách là một thành viên lãnh đạo đại học.

Monday, July 8, 2013

Kỷ niệm về trường Normale

 Ngô Bảo Châu

Khi mới tới Pháp vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có rất nhiều điều làm tôi thắc mắc. Có thắc mắc lớn, có thắc mắc nhỏ. Một trong những thắc mắc nhỏ là tại sao trên trang đầu của sách giáo khoa, của sách giáo trình đại học, ngay dưới tên tác giả thường có dòng chữ in nghiêng có nội dung khá giống nhau. Ví dụ như: “Agrégé d’histoires, ancien élève de l’Ecole Normale Supérieure” (Thày giáo sử, cựu học sinh trường Sư phạm cao cấp).
Tôi đem cái thắc mắc của mình đến chỗ ông Jacques Vauthier, giáo sư đại học Paris 6, người đỡ đầu tôi vào thời gian đó. Ông Vauthier cười và nói rằng, đấy là cái cách người Pháp làm duyên. Đúng là làm duyên kiểu tây rồi, nhưng như ai đó đã nói, mình phải có thế nào thì mới có thể duyên được đến thế. Tôi trả lời ông Vauthier là ở nước tôi, không thấy ai xưng là học sinh cũ của trường hay của học viện nào, thay vào đó họ hay xưng bằng bốn năm chữ viết tắt in hoa, dễ gây hiểu lầm và đoán mãi mới ra.
Sau khi học một năm ở trường Paris 6, ông Vauthier gửi tôi qua trường Normale với tư cách “dự thính viên tự do”. “Tự do” ở đây hoá ra lại không bằng “không tự do”. Học sinh “không tự do” của trường Normale trước đó đã phải cầy bừa hai năm ở “lớp chuẩn bị”, chuẩn bị cho cuộc thi tuyển gắt gao vào các “trường lớn” của Pháp mà trong đó hai nơi danh giá nhất là trường Normale và trường Polytechnique. Đậu vào hai trường này, học sinh nghiễm nhiên có biên chế công chức tập sự, được hưởng một mức lương tập sự, không hẳn là cao, những cũng vời vợi so với mức học bổng của sinh viên bình thường. “Dự thính viên tự do” như tôi không phải học lớp chuẩn bị, không thi tuyển, nhưng cũng không có biên chế và tất nhiên là không có lương. Sau đó, có lẽ do được chiếu cố đến “ý chí phấn đấu”, tôi được chuyển sang ngạch “học sinh chính thức không lương”, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy mình vẫn mãi là một “dự thính viên tự do”.

Tuesday, July 2, 2013

Khoảng rộng sáng tạo cho cả thầy và trò



Vũ Quần Phương

Hiện tình đáng buồn của môn văn hôm nay hẳn phải là kết quả một suy thoái tiệm tiến nhiều năm, nảy sinh từ một nhầm lẫn nào đó trong quan niệm về chức năng văn chương, về phương pháp dạy và học văn.

Khi lều chõng của lối thi cựu học bút lông giấy bản xếp lại, nền học mới “á â u ơ ngọn bút chì” (Tú Xương) khai sinh. Cách dạy và học văn theo tân học cũng hình thành và đã đào tạo nên nhiều nhà phê bình nghiên cứu, nhà sáng tác văn chương tài năng, tạo dựng nền văn chương hiện đại của nước nhà. Cách dạy và học văn ấy chắc hẳn phải có chỗ hợp lý nên mới có đóng góp như vậy. Và hiện tình đáng buồn của môn văn hôm nay hẳn phải là kết quả một suy thoái tiệm tiến nhiều năm, nảy sinh từ một nhầm lẫn nào đó trong quan niệm về chức năng văn chương, về phương pháp dạy và học văn.

Về chương trình môn văn trung học
Muốn tác động tới trí tuệ của trò, thầy phải có kiến thức sâu sắc. Muốn tác động tới cảm xúc, thầy phải có cảm hứng khi truyền thụ. Vế trước nhờ đào tạo mà có. Vế sau trông đợi nhiều ở phẩm chất tâm hồn, dù rằng phẩm chất này qua rèn luyện cũng có thể hình thành và phát triển. Nhưng để hai điều kiện tiên quyết đó được cộng hưởng tác động trong giảng dạy thì người thầy cần có một khoảng không gian sáng tạo đủ rộng.
Phải chăng do quá coi trọng chức năng giáo dục, nhất là giáo dục chính trị, mà trong cấu tạo chương trình các nhà tu thư khi chọn tác phẩm hoặc khi luận bình đã để văn chương lấn sang xã hội học, chính trị học, biến văn chương thành một môn giáo dục công dân thô sơ?
Văn chương làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đủ thứ nhưng lại quên tuyên truyền cho chính mình. Tuyên truyền bằng vẻ đẹp say người của mỹ học văn chương. Khi chọn lựa những tác phẩm văn chương cả cổ điển lẫn hiện đại để đưa vào giảng dạy, người soạn sách thường nặng về phẩm chất hiện thực, có giá trị như chứng tích tố cáo xã hội cũ mà coi nhẹ những tác phẩm lãng mạn trữ tình, ẩn chứa những cảm xúc, những khát vọng hay nông nỗi sâu sắc của con người. Trò và rồi cả thầy cứ mơ hồ dần những giá trị thẩm mỹ, nơi người đọc được hưởng thụ cái hay, cái mê đắm thiết cốt của văn chương, nơi tâm hồn con người được cất cánh cao hơn mặt bằng so bì sai đúng hơn thua.
Do vậy văn chương mất dần sức hấp dẫn với trò và cũng lấy dần cảm hứng dạy của thầy. Dạy văn mà chọn sự thì dễ dạy, dễ học nhưng không sâu sắc, không say mê. Dạy vào tâm thì người dạy khó truyền thụ, người học khó nắm bắt, nó dễ mơ hồ. Nhưng đấy mới là chỗ đến của văn chương. Phân biệt sự và tâm nhiều khi không dễ, ranh giới giữa chúng có khi mảnh như sợi tóc nhưng khác biệt về chất lại như hai thế giới.
Vào ngày tết một năm sáu mươi nào đó, buổi văn nghệ dành cho nhi đồng trên Đài Tiếng nói VN mở đầu bằng lời đồng thanh của các cháu: “Chúng cháu kính chúc Bác Hồ mạnh khỏe sống lâu”. Rồi: “Chúng cháu kính chúc các bác Trung ương Đảng…”. Hai câu chúc đồng dạng về hình thức, đồng dạng cả về nội dung nhưng là hai khác biệt.
Bác Hồ, các cháu biết. Các cháu chúc Bác là chúc một con người cụ thể như khi chúc ông bà, cha mẹ. Trong lời chúc ấy mang tình cảm, mang sự sống. Nhưng khi chúc các bác trung ương, với tuổi các cháu, là chúc một khái niệm, chả biết bác trung ương là bác cụ thể nào nên không thể có tình cảm ẩn trong lời chúc. Lời chúc không có đối tượng, trẻ con nói mà vô cảm, chỉ là làm một việc hình thức. Việc không gây tổn hại nhỡn tiền, nhưng cứ lặp đi lặp lại từ lời chúc đến lời hứa, lời thề, cứ nói điều mà mình không nghĩ, không cảm sẽ làm hỏng nhân cách, làm suy thoái nền tảng văn hóa. Các nhà soạn sách cần tinh tường loại bỏ những bài văn không văn như lời chúc không chúc trên đây để trả lại phẩm chất hàng đầu của văn chương là cảm xúc chân thật. Cần phân biệt đức Phật với ông tượng gỗ, phân biệt quốc kỳ với vuông vải đỏ có ngôi sao. Một đằng mang hồn, một đằng chỉ là cái xác vật chất.
Tìm nhân sự có đủ năng lực thẩm định văn chương và kinh nghiệm sư phạm để cấu tạo chương trình học văn cho các lớp trung học là việc không dễ. Cần nhiều cẩn trọng và công sức. Những nhà sư phạm, nhà nghiên cứu và nhà văn, nhà thơ nên có sự phối hợp. Đầu tư một lần làm nền tảng và duy trì liên hệ trong mỗi lần chỉnh sửa.

Monday, July 1, 2013

Bài học từ thất bại



 Vĩnh Hà, Thư Hiên

Trong nhiều môn học phổ thông đang loay hoay tìm hướng đi, văn là môn còn nhiều tranh cãi nhất. Không chỉ học trò mệt mỏi với văn mẫu, những bài văn ngô nghê hay nổi loạn rải đầy các kỳ thi, mà cả giáo viên và người viết sách cho môn học này cũng đang loay hoay tìm cho mình một lối thoát…

Nói cho công bằng, chương trình – sách giáo khoa (SGK) môn văn triển khai sau năm 2000 được đưa vào nhiều quan điểm tiến bộ, từ chương trình, nội dung, tác động đến cách dạy, cách học đều được dự liệu ít nhiều đổi mới… Tiếc là nhiều cái mới đã không được thực hiện, không tạo nên được chuyển biến thật sự.
“Dạy học văn đang ngày càng đi chệch hướng. Nếu ví việc dạy học văn như con tàu đang chạy trên đường ray thì giờ đây mọi ngả đường đều đã bật đèn đỏ” – thầy Chu Sơn, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, người gắn bó nhiều năm với dạy học văn ở phổ thông, đánh giá.

Tư tưởng “đọc – hiểu” chết yểu
PGS Nguyễn Hoành Khung (ĐH Sư phạm Hà Nội), thành viên ban thẩm định SGK môn văn cấp THPT hiện hành, nhận xét: “SGK văn THPT bộ nâng cao đã đưa được tư tưởng rất mới là đọc – hiểu. Nhưng tiếc là bộ sách này ít được sử dụng do chương trình phân ban bị phá sản ngay từ khi bắt đầu và việc thực hiện cũng không triệt để”.
GS Trần Đình Sử là tổng chủ biên bộ SGK nâng cao mà PGS Nguyễn Hoành Khung đề cập ở trên. Ông cũng chính là người phụ trách việc biên soạn chương trình dạy học môn ngữ văn cấp THPT mà Bộ GD-ĐT cho triển khai đại trà trên cả nước từ năm 2006 đến nay. Theo ý tưởng của GS Trần Đình Sử, thiết kế chương trình môn ngữ văn gồm hai trục chính là đọc – hiểu (phần giảng văn) và rèn kỹ năng viết, nói (phần làm văn).
Với tư tưởng đọc – hiểu, các tác giả chương trình đưa vào nhiều văn bản với các phong cách khác nhau thay vì chỉ đưa những trích đoạn, những tác phẩm văn học thuần túy. Những người biên soạn chương trình hi vọng sẽ trang bị cho học sinh năng lực đọc – hiểu, năng lực tiếp nhận thông tin khi xử lý một văn bản bất kỳ. “Trước đó người ta quen với việc giảng văn, nghĩa là học sinh được hiểu tác phẩm văn học qua cách hiểu của người thầy, thậm chí các em chưa chắc được học văn đích thực mà là học lời giảng của thầy. Nếu quán triệt quan điểm đọc – hiểu trong dạy văn thì sẽ không còn tình trạng học sinh chỉ nghe giáo viên giảng, ghi chép, học thuộc lòng” – một thành viên trong ban biên soạn chương trình nói.
TS Phạm Xuân Thạch, phó chủ nhiệm khoa ngữ văn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) – người tham gia thẩm định SGK cấp THPT, cũng nhận xét “bộ SGK THPT chương trình nâng cao được viết khá tốt, đưa được tinh thần dạy văn theo cách thức giúp học sinh đọc – hiểu thay vì nặng tính giảng – chép như chương trình cũ”.
Nhưng đọc – hiểu đã chết yểu trên thực tế. Bởi dù tư tưởng đọc – hiểu có trong thiết kế chương trình, được cụ thể hóa ở SGK bộ nâng cao nhưng đã không được sự chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt ở tầm vĩ mô, và do vậy không được tiếp nhận, áp dụng để tạo nên một chuyển biến thật sự trong dạy văn. Không phải tất cả tác giả được Bộ GD-ĐT mời tham gia biên soạn SGK đều ủng hộ tư tưởng đọc – hiểu.
Những người làm chương trình từng đề nghị Bộ GD-ĐT họp báo công bố và khẳng định tính pháp lý của chương trình nhưng bị từ chối. Bởi vậy nên mạnh ai nấy làm. Khi tổ chức tập huấn cho giáo viên phổ thông, nhóm chủ trương đọc – hiểu hướng dẫn nội dung SGK theo tinh thần đọc – hiểu, yêu cầu việc dạy học môn ngữ văn phải thực hiện theo hướng này. Nhưng sang một cuộc tập huấn khác do nhóm không ủng hộ đọc – hiểu chủ trì, tư tưởng này lại bị phủ nhận.
Việc thực thi ở các nhà trường thế nào, Bộ GD-ĐT cũng không có cơ chế kiểm soát nhằm bắt buộc giáo viên phải dạy học theo phương thức đọc – hiểu. Cách thi cử càng xa lạ với đọc – hiểu khi năm này qua tháng khác chỉ nhăm nhăm vào mục tiêu kiểm tra các kiến thức được đóng khung vào một số tác phẩm nhất định nên làn sóng học thuộc lòng văn mẫu vẫn ngày càng phổ biến.