Sunday, June 23, 2013

Trẻ ở đâu sống tốt nhất?

 Nguyễn Huỳnh Mai

Giới thiệu tổng quát

UNICEF, tháng tư vừa qua, mới công bố nghiên cứu về sự an toàn và hạnh phúc – hay giá trị sống – well-being – của trẻ em ở các nước giàu.
Nghiên cứu theo phương pháp tổng thể, chọn năm tiêu chỉ và so sánh cuộc sống của trẻ dưới năm tiêu chỉ ấy ở 29 quốc gia được xem như giàu, có nền kinh tế phát triển.
Năm tiêu chỉ này gồm:
- điều kiện vật chất trong đó có mức thu nhập của gia đình
- sức khỏe và điều kiện an ninh
- giáo dục
- đặc thù của cuộc sống liên hệ đến rủi ro rượu, ma túy
- môi trường sống và nhà ở
Kết quả tổng quát, Hà Lan và bốn xứ Bắc Âu (Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển) chiếm năm vị trí đầu bảng, là những nơi mà trẻ sống tốt nhất. Trong khi các nước ở miền nam châu Âu như Tây Ban Nha, Hy lạp, Ý và Bồ Đào Nha ở vị trí gần cuối bảng.
Mỹ, được xem như một trong những nước giàu nhất thế giới nhưng ở đó trẻ không hẳn là sống tốt, hạng 26, chỉ tốt hơn ba xứ nghèo hơn nhiều là Lituania, Lettonia và Roumania.
Pháp và Canada ở vị trí trung bình (hạng13 và 17) .
Bỉ được xếp hạng 9 nhưng Hà Lan và Bỉ đứng đầu bảng theo tiêu chỉ giáo dục.
Đầu bảng về tiện nghi nhà ở cho trẻ là Thuỵ Sĩ và về sức khỏe là Iceland.
Bảng xếp hạng tổng quát xin đọc từ trái sang phải ở mỗi dòng.
1.Hà lan 2.Na Uy 3.Iceland
4.Phần Lan 5.Thụy Điển 6. Đức
7.Luxembourg 8.Thụy sĩ 9. Bỉ
10.Ireland 11.Đan Mạch 12. Slovenia
13.Pháp 14.Czech 15.Bồ Đào Nha
16.Anh 17.Canada 18.Áo
19.Tây Ban Nha 20.Hungary 21.Ba Lan
22.Ý 24.Estonia 25.Slovaquia
25.Hy Lạp 26.Mỹ 27.Lituania
28.Lettonia 29.Roumania


Về triết lý?
Mặc dù có khủng hoảng kinh tế, mặc dù một số nước tiến triển có đi chậm hơn cho một số phương diện nhưng trên bình diện giá trị sống của trẻ, thập kỷ từ những năm 2000 đến nay cho thấy nhiều hoàn thiện đáng kể.
Đại đa số các nước tiến triển ý thức được rằng trẻ con là sinh khí của quốc gia. Không những chỉ về phương diện tinh thần mà cả phương diện kinh tế. Đầu tư lo cho sức khỏe, học hành và các kỹ năng cho giới trẻ là đầu tư cho tương lai kinh tế và là những đầu tư có hiệu quả cao nhất.
Kết quả của nghiên cứu mà UNICEF vừa công bố cho ta ít nhất là ba… bài học
A. Những nước, nơi mà trẻ sống tốt nhất cũng là những quốc gia dân chủ nhất, trong đó ít hố sâu của sự bất bình đẳng – các nước Bắc Âu. Trong những nước này, không tới 10% trẻ phải sống trong nghèo khổ (= lợi tức kém hơn 50% của lợi tức bậc giữa – revenu médian) – Ở Mỹ, hơn 20% trẻ ở trong trường hợp này – sự kiện liên quan đến Mỹ, ta sẽ bàn sau.
B. Không có liên hệ trực tiếp hay hổ tương giữa tổng sản lượng quốc gia PIB và việc trẻ sống thoải mái. Mà thí dụ Mỹ là một minh họa – Mỹ được xem như một trong những nước giàu nhất nhưng điều kiện sống của trẻ thì lại ở gần cuối bảng.
Tương tự như thế, trẻ ở Slovénia sống tốt hơn trẻ ở Canada dù là Canada giàu hơn.
C. Các nước khác cũng nên làm một nghiên cứu tương tự để phân tích cuộc sống của giới trẻ ở nước mình. Mỗi nước có thể so sánh những hoàn cảnh sống của trẻ ở nước mình với những kết quả của nghiên cứu UNICEF hầu cải thiện mức sống của giới trẻ. Đó là một điều rất cần cho tương lai sức khỏe và cho sự phát triển của toàn xã hội.
Ý kiến của các em?
UNICEF đã đề cập đến một vấn đề mà hiện ta gọi là sự thoải mái chủ quan, giá trị sống nhận định bởi từng cá nhân. Ở đây, nghiên cứu hỏi trực tiếp mỗi cá nhân nhận định và cho điểm độ bằng lòng về cuộc sống của họ. Nhiều nghiên cứu đã thực hiện trên người lớn nhưng chưa có chương trình nào đặt trên đối tượng trẻ con.
Kết quả của nghiên cứu UNICEF Innocenti 11 cho thấy là 95% trẻ ở Bắc Âu, trên một thang từ 1 tới 11, khi tự đánh giá giá trị của cuộc sống của mình, các em cho điểm cao hơn 6 – trong khi con số này chỉ là 84% ở các trẻ người Mỹ.
Những đánh giá chủ quan này đi xa hơn và hỏi các em về những liên hệ xã hội với bạn cùng lứa tuổi và với cha mẹ các em. Kết quả, khoảng 80% trẻ ở Hà Lan cho rằng bạn chúng dễ thương trong khi chỉ có 56% trẻ ở Mỹ có cùng ý kiến.
Trường hợp của Mỹ?
Những khác biệt giữa các nước Bắc Âu và Mỹ không chối vào đâu được.
Những nước Bắc Âu thường giúp đở các gia đình có con nhỏ để chúng có thể lớn lên trong những điều kiện khả quan. Những chương trình nuôi đạy trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở đều miễn phí (hay giá tùy theo lợi tức của cha mẹ) và có chất lượng. Tất cả mọi trẻ đều được hưởng một hệ thống săn sóc bảo hiểm sức khoẻ rất hiệu quả.
Nước Mỹ thì trái lại. Với chủ nghĩa cá nhân và với chính sách kinh tế thị trường tự do… phúc lợi cho trẻ không được như ở các nước Bắc Âu.
Cụ thể, chính phủ phải lo một bảo đảm tối thiểu an ninh xã hội cho mỗi công dân nhưng cuộc sống của người nghèo ít được quan tâm (một trong những lý do giải thích hiện tượng này là vì các người nghèo không là một sức ép trong các cuộc bầu cữ, họ ít đi bầu hơn và cuối cùng tiếng nói của họ thành yếu ớt và họ ít được bảo vệ).
Vài thí dụ điển hình: tỉ lệ trẻ sinh non ở Mỹ cao hơn ở Bắc Âu, trẻ sơ sinh cân nhẹ hơn, số trẻ bị thừa cân ở lứa tuổi 11- 15, ngược lại, cao hơn. Bạo lực ở Mỹ mà nạn nhân là trẻ con hay thanh niên trẻ tuổi cũng cao hơn. Nếu không thì hiện tượng trẻ phải chứng kiến các hình thức bạo lực trong xã hội cũng xãy ra nhiều hơn (số án giết người ở Mỹ cao gấp 5 lần số này ở Bắc Âu chẳng hạn).
Mỹ đang phải trả giá rất đắc hiện tượng trẻ con phải sống trong sự nghèo khổ, có vấn đề về sức khỏe hay không được học hành đàng hoàng: tỉ lệ trẻ con phạm tội ở Mỹ cao, thất nghiệp vì không có chuyên môn, phải sống lây lất trong một nước giàu…
Cùng với chủ nghĩa cá nhân và kinh tế thị trường, những tàn dư của cái kỳ thị màu da tiếp tục để lại cho xã hội Mỹ nhiều bài toán khó. Mà trước mắt là giá trị sống của trẻ tại Mỹ không cao.
Thế còn trẻ ở Bỉ sống thế nào?
Bỉ đứng hạng 9 về giá trị sống của trẻ cho tổng thể trên 29 nước công nghiệp giàu. Nhưng hạng 6 nếu cộng thêm vào ý kiến nhận xét của trẻ.
Thứ hạng không tốt lắm của Bỉ có thể được hiểu vì Bỉ có đến 10,3 % trẻ sống trong nghèo khổ – định nghĩa của mức nghèo là lợi tức của gia đình kém hơn 50% của mức lợi tức bậc trung của quốc gia.
Nghèo dẫn đến điều kiện sống khó khăn. Bỉ đứng hạng 13-14 cho hai tiêu chỉ nhà ở và tiện nghi vật chất.
Về tiêu chỉ bạo lực, Bỉ ở vào hạng 13.
Mặc dù còn vướng bận phải nhiều vấn đề về bất bình đẳng ở học đường, trên tiêu chỉ giáo dục, Bỉ đứng hạng 2, chỉ sau Hà Lan.
Về tiêu chỉ về an ninh và rủi ro của cuộc sống, Bỉ xếp hạng 13.
Tựu chung, trẻ ở Bỉ sống được, trên mức an cư trung bình, nhưng trừ thứ hạng về giáo dục, Bỉ còn phải cố gắng hơn cho tương lai để trẻ tiếp tục sống tốt, hầu bảo vệ tiền đồ của xứ sở.
Để kết luận, Gordon Alexander, giám đốc Phòng nghiên cứu của UNICEF, nói rằng: “Giữa lúc khủng hoảng kinh tế như hiện nay, hay những thời điểm lúc tài chính tốt hơn, UNICEF khuyên các chính phủ và các đối tác xã hội đặt trẻ con và thanh niên vào trọng tâm những hoạch định và quyết định chính trị. Mỗi phương án đề ra đều phải minh bạch chứng tỏ những kết quả hay hệ lụy đến trẻ con, thanh niên, người trưởng thành còn nhỏ tuổi vì những nhóm này không có tiếng nói hay khi họ nói thì không được nghe trong các qui hoạch”.
Tài liệu tham khảo:
Adamson, Peter, Child Well-being in Rich Countries: A comparative overview.
Innocenti Report Card 11 UNICEF, 2013.
http://www.unicef.be/fr/press-release/le-bien-etre-des-enfants-des-progres-en-peril
http://www.unicef.org/french/policyanalysis/index_68637.html
http://www.project-syndicate.org/commentary/new-unicef-study-of-poor-children-in-rich-countries-by-jeffrey-d–sachs/french#SGLiKlOlzLYMsEf8.99
http://www.unicef.fr/contenu/actualite-humanitaire-unicef/bien-etre-des-enfants-dans-les-pays-riches-des-progres-en-peril-2013-04-09

Nguon:  http://hocthenao.vn/2013/06/24/tre-o-dau-song-tot-nhat-nguyen-huynh-mai/

No comments:

Post a Comment