Friday, June 21, 2013

Thư gửi các con của một bà mẹ Việt ở Mỹ – Phan Hương

Phan Hương

Các con thân yêu,
Thế là lại kết thúc một năm học!
Sáng nay mẹ đến dự lễ “tốt nghiệp” lớp 4 của em Tâm.  Ở bên Mỹ không có lễ khai giảng hay bế giảng long trọng với trống dong, cờ mở, với khấu hiệu và những bài diễn văn. Tất cả chỉ gói gọn trong một buổi gặp mặt thân mật ấm cúng giữa thầy cô, học sinh và phụ huynh.  Mấy hôm trước mẹ đã đăng ký mang dưa hấu đến buổi liên hoan hôm nay. May là mẹ đăng ký sớm không thì hết suất vì rất nhiều phụ huynh muốn đóng góp. Phải công nhận ở bên này các nhóm phụ huynh học sinh hoạt động thật hiệu quả, mẹ chưa bao giờ làm trưởng nhóm nhưng vẫn luôn cố gắng đóng góp chút gì đó cho những buổi liên hoan của lớp.
Hôm nay hai lớp làm chung, tổng cộng có khoảng 40 học sinh cùng với bố mẹ, chắc số người tham dự khoảng hơn 100 người. Sau lời giới thiệu của hai cô giáo, mẹ được em Tâm dẫn đi coi những gì em đã làm trong suốt mấy tháng qua. Mấy dãy dài máy tính là nơi mà em và các bạn đã miệt mài viết về những quyển sách đã đọc, những nhân vật, những con người mà em yêu thích hoặc ngưỡng mộ.  Em chọn viết về Harry Potter, bộ truyện được rất nhiều các bạn ở lứa tuổi như em ưa thích. Em chọn viết về tiểu sử của Steve Jobs, một con người đặc biệt với rất nhiều thăng trầm, cũng là người đã làm ra những chiếc máy tính em đang dùng. Nhìn một thư viện đầy sách với những chiếc bàn xinh xắn, những chiếc ghế bọc đệm màu xanh, mẹ chợt nghĩ các con đã thật may mắn được học ở một môi trường quá tuyệt vời!
Phải, các con đã rất may mắn được sinh ra và lớn lên ở một đất nước văn minh, một đất nước tự do với rất nhiều sự lựa chọn, giúp con người ta phát triển tối đa khả năng sáng tạo; được học ở những ngôi trường tốt nhất với một nền giáo dục uyển chuyển, linh hoạt, giúp các con phát triển về mọi mặt cả về trí tuệ lẫn thể lực.
Đọc những điều này chắc các con sẽ chẳng hiểu gì đâu nhưng mẹ có thể đưa ra cho các con một vài ví dụ cụ thể:
- Khi các con bước vào vỡ lòng, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng nhà trường vẫn chuẩn bị sẵn những lớp học tiếng Anh dành riêng cho những bạn có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh như các con. Lớp tiếng Anh này có từ cấp 1 lên cấp 3. Nhờ vậy mà có rất nhiều bạn có thể theo kịp lớp sau một thời gian ngắn sang Mỹ, mặc dù trước đó không biết một chữ tiếng Anh!
- Khi các con bắt đầu học chữ cái, ngoài nhận biết mặt chữ, người ta rất chú trọng cách phát âm của những chữ đó để khi đánh vần các từ, các con có thể tự suy luận từ cách phát âm. Việc đánh vần sai là chuyện bình thường và cô giáo cũng không sửa khi viết sai chính tả. Lúc đầu mẹ  ngạc nhiên về cách dạy này lắm nhưng sau này mẹ mới hiểu tiếng Anh phát âm như thế nào thì đánh vần như thế đó, tất nhiên có những nguyên tắc mà đến bây giờ mẹ vẫn chưa hiểu hết.
 - Các con không phải lo luyện vở sạch chữ đẹp, thêm vào đó chữ viết ở đây đã được cải tiến đến mức không thể đơn giản hơn được nữa. Có thể vì ở Mỹ họ cho rằng sau này tất cả mọi người đều dùng máy tính và trên máy tính thì có hàng chục kiểu phông chữ, muốn uốn lượn, viết thẳng, viết nghiêng, nét thanh nét đậm, kiểu gì cũng có cho nên khỏi phải luyện chữ làm gì.
 - Dù học tiếng Anh, học toán, hay các môn khoa học, ngoài sách vở với những tranh ảnh minh họa hấp dẫn, các con luôn được nhà trường hoặc bố mẹ tìm cho những website vừa học vừa chơi, vô cùng sinh động giúp các con hiểu mọi vấn đề một cách dễ dàng hơn. Khi có những vấn đề thời sự nóng hổi như bầu cử Mỹ, động đất ở Haiti, sóng thần ở Nhật Bản… thỉnh thoảng các con vẫn được nhà trường phát cho tạp chí Times for Kids để hiểu được những gì đang diễn ra quanh mình.
 - Khi các con bắt đầu tập viết những đoạn văn ngắn rồi từ đó dần dần học cách viết truyện, các con luôn được khuyến khích viết bất kể điều gì mình thích.  Cho đến bây giờ mẹ vẫn còn giữ các mẩu truyện các con viết. Chẳng hạn truyện “Carl and his adventure” (Cuộc phiêu lưu của Carl – HTN) anh Tuệ viết, kể về chính mình và cậu em trai “hay gây phiền phức” của anh ấy. Hoặc truyện  “Tâm and his underground adventure” (Cuộc phiêu lưu trong lòng đất của Tâm – HTN) cũng là một câu chuyện được viết bởi trí tưởng tượng và xen lẫn thực tế.
 - Rồi mẹ đã ngạc nhiên khi một hôm em Tâm về hỏi mẹ “Mẹ có biết tại sao cờ nước Mỹ lại có 13 sọc trắng đỏ nằm ngang và một hình chữ nhật màu xanh đậm ở góc với 50 ngôi sao trắng?” rồi em say sưa giải thích “13 sọc trắng tượng trưng cho 13 bang đầu tiên của nước Mỹ còn 50 ngôi sao tượng trưng cho toàn bộ 50 bang hiện có”. Và mẹ nhận ra rằng đó chính là cách các con học lịch sử, đơn giản vậy thôi nhưng nhờ vậy mà nhớ lâu. Cách đây 2 tuần mẹ đã giúp anh Tuệ viết một bài phân tích về cuốn tiểu thuyết “To Kill the Mocking Bird” (Giết con chim nhại – HTN), tác giả Harper Lee được xuất bản từ năm 1960, được tái bản nhiều lần và còn được dựng thành phim. Cuốn truyện nói về vấn đề kỳ thị, phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và da đen ở Mỹ. Đó là một phần của lịch sử nước Mỹ. Cô giáo đã đưa ra nhiều gợi ý và anh Tuệ đã chọn viết về “Justice” tức là sự công bằng của mọi người trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ không phân biệt màu da, giới tính, tôn giáo… Những bài tập kiểu này rất nhiều, nó cho phép các con tự tìm tòi nghiên cứu, tự nói lên suy nghĩ, chứng kiến của mình.
 - Gần đây anh Tuệ bắt đầu đọc những truyện nói về lứa tuổi của anh ấy như “The Outsiders” (Người ngoài cuộc – HTN), tác giả S.E. Hinton và “We beat the street: How a Friendship Pact Led to Success” (Tuổi trẻ hè phố: Bạn bè đồng lòng dẫn tới thành công – HTN) được viết bởi ba người bạn Sampson Davis, George Jenkins và Rameck Hunt. Đây đều là những câu chuyện có thật nói về tình anh em, tình bạn mà nhờ nó những cậu thanh niên với những gia cảnh khác nhau,  bị bao bủa bởi tội phạm, ma túy… đã phải đấu tranh gay gắt với chính mình, với những cám dỗ xung quanh để thay đổi số phận. Mẹ đã đọc những quyển sách đó và nhận thấy rằng ở Mỹ người ta không tô vẽ một xã hội công bằng, văn minh mà người ta đưa ra những bức tranh thực tế nhất, kể cả khi nó xấu xí, bẩn thỉu, gai góc nhưng từ đó lại toát lên tình người, đạo đức sống.
 - Trong tất cả các tiết học, anh Tuệ vẫn nói anh ấy thích nhất giờ thể dục (Gym). Anh ấy ước ao giá như ngày nào cũng được đi tập thể dục tiết đầu, nhờ đó mà anh ấy tỉnh ngủ. Phải rồi, giờ thể dục các con được làm quen với tất cả các môn thể thao từ chạy nhảy, bóng đá, bóng rổ đến bóng ném, bóng chày… Trường học nào cũng có ít nhất một phòng tập lớn và bên ngoài thì có một sân bóng rộng. Trường cấp 3 thì có thêm bể bơi, đường chạy…
Các con thân yêu!
Để kể hết những cái “lý tưởng” về môi trường các con đang học thì nhiều lắm.  Mẹ không có ý định chỉ ca ngợi nước Mỹ bởi nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề lắm, kể cả trong trường học. Mẹ lại càng không có ý định so sánh giữa môi trường của các con với môi trường của mẹ ngày xưa bởi sự so sánh đó rất khập khiễng. Tuy nhiên mẹ muốn nói một điều với các con rằng các con đang có được những gì tốt nhất mà cả bố và mẹ đã phấn đấu rất nhiều để mang lại cho các con. Chẳng riêng gì bố mẹ đâu mà tất cả các ông bố bà mẹ khác đều như vậy. Nhiều bạn bè của mẹ cũng chỉ vì chuyện học hành của con cái mà cố gắng trụ lại trên đất Mỹ mặc dù cuộc sống đôi lúc cũng căng thẳng, mệt mỏi, trống trải, tù túng lắm. Mẹ còn biết rất nhiều người khác làm lụng vất vả ở Việt Nam, cố gắng dành dụm chỉ để gửi con sang Mỹ học…

Nguon:  http://hocthenao.vn/2013/06/21/thu-gui-cac-con-cua-mot-ba-me-viet-o-my-phan-huong/

No comments:

Post a Comment