Sunday, June 9, 2013

Chương trình bậc phổ thông ở Bỉ

Nguyễn Huỳnh Mai

Vài nét tổng quát có liên hệ gần hay xa đến hệ thống giáo dục ở Bỉ
Nước Bỉ, trước nhất là một quốc gia được chia ra làm ba vùng hành chính khác nhau, vùng nói tiếng Hà Lan, vùng nói tiếng Pháp và vùng Thủ đô Bruxelles. Đó là chưa kể tới một phần nhỏ dân tình nói tiếng Đức và có một chính phủ riêng nữa.
Sự phức tạp hành chính và chính trị này cộng vào một truyền thống dân chủ lâu đời – dù là thể chế vẫn còn giữ một hoàng tộc, một vị vua nhưng thực sự không có quyền – đã là hai trong những lý do giải thích tình thế đặc biệt của hệ thống giáo dục ở Bỉ.
Quyền được đi học và sự tự do giáo dục được thừa nhận trong Hiến Pháp (điều 17 và 24 của Hiến Pháp Bỉ cùng với những luật triển khai, ban hành tiếp theo). Rốt cuộc, giáo dục thành cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi trẻ đến năm tròn 18 tuổi (*). Ngân sách cho giáo dục phải ít nhất là 7% của tổng sản lượng quốc gia – tổng sản lượng này ở vào khoảng 400 tỉ đô la mỗi năm – tức là một ngân sách giáo dục khoảng 28 tỉ đô la/năm cho một dân số tổng cộng chỉ hơn 10 triệu người.

Theo nghiên cứu PISA 2009, Bỉ đứng hạng 8 cho hai môn văn và toán và hạng 15 cho môn khoa học (trên 65 quốc gia tham dự nghiên cứu). Nếu so sánh với ngân sách dành cho giáo dục thì kết quả này rất là khiêm nhường, nếu không nói là… thua lỗ hay thất bại, theo ý kiến của một số nhà quản trị và nhà giáo – ngân sách dành cho giáo dục của Phần Lan, quốc gia được xem như có một nền giáo dục cơ sở tốt nhất châu Âu, cũng theo các kết quả PISA – chỉ ở khoảng 5% tổng sản lượng quốc gia của nước này.
Trong một quốc gia có cấu trúc vùng miền như thế, về giáo dục, hệ thống gồm ít nhất là ba cơ quan tổ chức (pouvoir organisateur hay gọi tắt là PO) của các trường học – dù là cả ba đều được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Ba cơ quan tổ chức ấy là:
. hệ thống các trường tư (đa phần là Công giáo) với khoảng 55% tổng số học trò
. hệ thống của ba Vùng Miền (tiếng Pháp hay tiếng Hà Lan và thủ đô) với khoảng 25% học trò
. hệ thống của làng xã và tỉnh lo dạy cho 20% học trò, số còn lại.
Số học trò quan trọng vì ngân quĩ tài trợ dựa trên các con số này, một loại package hay enveloppe cho tất cả chi tiêu đủ loại cho sinh hoạt của trường. Từ đó, các trường hoàn toàn tự do quản lý ngân sách của mình và hoàn toàn không phải trình báo cho cơ quan tài trợ chính phủ.

Chương trình học ở Bỉ?
Trước nhất, tìm trên trang của cơ quan lo về giáo dục của vùng nói tiếng Pháp của Bỉ:
http://www.enseignement.be/index.php?page=25279&navi=297
ta sẽ thấy định nghĩa các chương trình học là những điểm tựa, những mẫu, những thí dụ về các tình huống sư phạm, những nội dung học hành, bắt buộc hay không bắt buộc và những hướng dẫn về phương pháp dạy học mà cơ quan tổ chức tự đề ra để đạt đến những kỹ năng ấn định bởi chính phủ cho một năm học nào đó, một cấp hay một trình độ nào đó.
Tức là không có một chương trình bắt buộc. Đa dạng nhưng cùng hướng tới đào tạo kỹ năng căn bản để học trò có thể thành tự lập ra sống ở đời hay tiếp tục học sau giáo dục cưỡng bách.
Với nguyên tắc tự do sư phạm, căn bản là không có một chương trình học chung bó buộc. Mỗi cơ quan tổ chức (PO) đề nghị chương trình của mình tùy theo định hướng của giáo dục, tùy theo đặc thù của học sinh và tùy theo khả năng đủ loại của nhân lực, quản lý… Chương trình này sau đó phải được Ủy ban đặc trách về chương trình học chấp thuận. Để được chấp thuận, các chương trình chỉ cần tuân thủ những chủ đích đào tạo mà Bộ Giáo dục đề xướng và chấp nhận sự kiểm soát của Bộ này.
Trên thực tế hai điều kiện này cũng được áp dụng một cách rất nhẹ nhàng. Chương trình học ở Bỉ thành một tổng thể gồm nhiều chương trình khác nhau.
Khái niệm “đường đi” - curriculum, tiếng La tinh, được áp dụng ở đây.
Đường đi là diễn tiến của quá trình học trong khuôn khổ một dự án giáo dục (projet éducatif) .
Dự án giáo dục bao gồm tổng thể các giá trị triết lý văn hóa, các sự lựa chọn và các lý thuyết dựa trên đó cơ quan tổ chức hay PO của trường học định nghĩa những chủ đích giáo dục.
Để định nghĩa một cách rất là sơ sài, dự án giáo dục của các trường công lập (PO là chính phủ vùng hay của tỉnh và làng xã) là đào tạo những công dân tự do, có trách nhiệm trong tinh thần tôn trọng mọi ý kiến chính trị và tôn giáo (liberté et responsabilité des citoyens dans la démocratie et le pluralisme d’opinions).
Các trường thuộc tổ chức Công giáo thì chọn đào tạo những con người giàu nhân bản, bình đẳng và tự do.
Dự án sư phạm (projet pédagogique) «dịch» dự án giáo dục ra thành những chủ đích cụ thể đồng thời đưa ra những lựa chọn về phương pháp để thực hiện dự án giáo dục .
Cũng thí dụ một cách rất ngắn gọn, dự án sư phạm của các trường công lập tại Bỉ là mang tới cho tất cả học sinh những hiểu biết đa ngành, đa tôn giáo, trong đó có cả triết lý của người không có đạo. Công dân giáo dục là một môn học để sống cùng nhau trong xã hội. Nhưng trường cũng có những môn giáo lý để học sinh có thể chọn tùy theo tín ngưỡng của mình. Khoa học là kiến thức căn bản để giải mã thế giới và vũ trụ trong đó ta sống.
Dự án sư phạm của các trường Công giáo là giúp trẻ có đủ hành trang để vào đời, có ý thức, đủ khả năng tự lập, thực thi quyền tự do lựa chọn cuộc sống của mình trong niềm tin của tôn giáo. Giáo lý được dạy nhiều lần trong tuần (2 hay 3 tùy trường). Ngoài ra từ phòng ốc, nhà thờ nhỏ trong khuôn viên trường, cách bài trí, tượng Chúa và Đức Mẹ, đọc kinh trước bữa ăn… đều nhuộm màu tín ngưỡng.
Bối cảnh đó ít nhất là điểm chung của cộng đồng học đường, gợi cho học trò tinh thần tập thể và lòng yêu người cùng… hội cùng thuyền để sống với nhau trong hòa bình.
Điểm chung của tất cả các dự án là đào tạo những người có hiểu biết – hiểu biết để sống tốt hơn cho cá nhân mình, hiểu biết để sống cùng với người khác trong xã hội.
Trong dấu ngoặc, người viết bài này, ngày xưa đã được dạy rằng đi học để «Mai giúp nhà giúp nước» – dự án hay chủ đích đó hoàn toàn vắng bóng trong các dự án giáo dục ở Bỉ. Người đi học không phải «trả nợ xã hội», một khái niệm rất Á đông và cũng là khái niệm của Jean-Jacques Rousseau trong Khế ước xã hội (Le Contrat social).
Mỗi trường lại có một hay nhiều dự án riêng của trường (projet d’établissement) – tức là những sự lựa chọn đặc thù, trong khuôn khổ của dự án giáo dục và dự án sư phạm, những công tác cụ thể mà ê-kíp giáo viên và hiệu trưởng của trường quyết định thực thi.
Các yếu tố quyết định của dự án riêng của trường là :
  • những chi tiết đặc thù của học trò về văn hóa, xã hội, những nhu cầu và ước vọng của các em cũng như nhữna thuận lợi và khó khăn để dẫn dắt các em đi vào tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới
  • những ước vọng tương lai và những định hướng của các em và của phụ huynh về nghề nghiệp hay học vấn sau đó
  • bối cảnh xã hội và văn hóa chung quanh trường. Một trường làng khác trường trong các thành phố là thế dù cùng cơ quan tổ chức, cùng dự án giáo dục và dự án sư phạm.
Chính vì vậy có trường tổ chức thêm học sinh ngữ từ mầm non, có trường tổ chức những lớp chuyên toán hay chuyên văn chương, cỗ ngữ, có trường đưa học sinh mỗi năm, trong từ hai đến bốn tuần, dự các lớp trao đổi quốc tế…
Dự án của bất cứ trường nào thường có chủ đích là thực thi tốt nhất các liên hệ xã hội (như UNESCO chủ trương: học để sống cùng nhau) – giữa trò với thầy, dĩ nhiên rồi – mà cả đến những liên hệ giữa các thành viên xa hơn trong cộng đồng giáo dục – cha mẹ học trò, các tổ chức lo sức khoẻ thể xác và tâm lý học trò, các trường giúp trò kém làm bài tập thêm…
“Văn hóa trường” là một cái gì rất đặc biệt. Nhiều khi, trong một giảng đường ở năm đầu Đại học, giảng viên có thể “nhận diện” những cựu học trò của trường X hay trường Y.
Như thế, nguyên tắc tự do sư phạm được thực thi hầu như là tuyệt đối. Chủ đích có thể chung, nhưng cách đi đến chủ đích hoàn toàn tự do. Chương trình học vì vậy co giản tùy hệ thống trường, tùy cơ quan tổ chức, tùy ban giám hiệu và hội đồng giáo sư của trường và trước tiên, cha mẹ có quyền chọn trường cho con.
Và tất cả đều miễn phí, kể cả sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo cũng do trường cung cấp hay cho mượn.
Chủ đích của giáo dục là cần thiết. Nội dung, thời gian để đạt được kết quả hay phương pháp sư phạm… có thể co giản, uyển chuyển thay đổi tùy trường hợp tùy đối tượng, tùy các “diễn viên” của thao tác học và dạy.
Chính vì thế, nói về chương trình học ở Bỉ, bất cứ nhà xã hội học về giáo dục cũng sẽ nói: chủ đích chung nhưng rất nhiều khác biệt trong cách thực hiện các chủ đích. Đa dạng là đặc điểm lớn nhất của chương trình học ở Bỉ.

Những điểm son và những vấn đề còn tồn tại
Một bối cảnh tự do giáo dục và quyền được đi học, đi học miễn phí… như thế có vẻ rất… thần tiên, hay ít nhất là lý tưởng.
Đa số, hay đại đa số học trò ở Bỉ hạnh phúc ở trường – con số có khi lên đến 82-85%, tùy năm và tùy nghiên cứu khảo sát (Voyé Liliane, 1986 ; Retzohazy Rudolf, 1991, 2001, 2011).
Bên cạnh đó cần ghi nhận thêm là các trường học hệ thống giáo dục ở Bỉ còn được tiếp sức bởi các cơ quan giúp chăm sóc trẻ về sức khỏe, tâm lý và xã hội (chữ Pháp là những trung tâm PMS - Centres Psycho Médicaux Sociaux).
Hệ thống giáo dục ở Bỉ còn gồm những trường đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật. Các trường này hoàn toàn bố trí chương trình học tùy theo khả năng có thể của học sinh và được sự cộng tác thường trực của đội ngũ Bác sĩ, tâm lý gia, cán sự xã hội…
Nhưng một số vấn đề và khó khăn vẫn tồn tại:
Khó khăn lớn nhất là việc ngồi lại lớp hay sự thất bại trên đường học vấn của trò.
Giáo dục tùy theo trò. Thế mà trò vẫn không thành công. Một cách chung chung, trong sáu năm tiểu học cơ sở, có đến gần 25% học sinh ít nhất là một lần không… đạt chuẩn, và phải ngồi lại lớp, thông thường là các em này đi từ các gia đình có chổ đứng khiêm tốn trong xã hội.
Khó khăn thứ nhì là một vấn đề nhức nhối: sự bất bình đẳng ở học đường và giữa các trường.
Tất cả trẻ đều phải đi học, nhưng có những em thành công tốt, học lên cao, còn một số em khác lại lận đận hơn. Phần lớn là do xuất xứ từ gia đình.
Có những trường “giỏi” và có những trường “bình thường” mà không phải do “lỗi” của ban giảng huấn mà phần lớn là do thành phần xã hội của học sinh (tùy thuộc vào đặc thù của học sinh ghi tên vào học, tùy thuộc vào khu phố nơi trường và tùy thuộc vào tỉ lệ học sinh gốc người nước ngoài…).
Một thí dụ nhỏ: thường những trường thuộc Thiên chúa giáo đạt được giá trị sư phạm cao hơn các trường khác – các trường này được chọn bởi những thành phần xã hội “cao” và trường còn được, ngoài tài trợ theo số học trò của quốc gia, hưởng một số phương tiện sinh hoạt hay phòng ốc đi từ phía Nhà Thờ.
Trường học không đủ khả năng xóa bỏ các bất bình đẳng từ gia đình để cho các em có khả năng “tỏa sáng” và tiến thân theo đúng giá trị nội tại và các cố gắng của mỗi em (Van Haecht Anne, 2005).
Vấn đề thứ ba vẫn còn tồn tại là vấn đề bạo lực ở trường học.
Nếu so sánh với thống kê của thế giới hay của những nước láng giềng, vấn đề bạo lực ở trường tại Bỉ ít hơn về số lượng, ít quan trọng hơn về độ nghiêm trọng nhưng vẫn có (náo loạn, đánh nhau, đòi các trò bé phải tống tiền (racket), đập phá phòng ốc…). Một số nhà xã hội học cho rằng giáo dục cưỡng bách tới năm 18 tuổi là một trong những nguyên nhân (dài quá, có những trò không chịu được được sự “gò bó” của học đường). Thất bại ở trường là một nguyên nhân khác (le décrochage scolaire).
Nâng cao hơn nữa đối thoại với học trò là phương thức mà các trường ưu tiên dùng để chống bạo lực (Galand Benoit, 2011).

(*) Chú thích: Từ 16 tuổi, học sinh có quyền đi tập sự nghề nhưng vẫn phải đến trường ít nhất là cho nửa thời gian để học về văn hóa.

Nguồn tham khảo chính
:
. Les systèmes éducatifs en Belgique: Similitudes et divergences. OCDE, 1991.
. Hai sites internet :
http://www.restode.cfwb.be/pgres/projetsCF/projet_pedag.htm
http://www.segec.be/fedefoc/Pedagogique/projedupeda.htm
và site đã dẫn ở trên :
http://www.enseignement.be/index.php?page=25279&navi=297
Nguon:  http://hocthenao.vn/2013/06/10/chuong-trinh-bac-pho-thong-o-bi-nguyen-huynh-mai/

No comments:

Post a Comment