Tuesday, June 4, 2013

Làm khác đi, bắt đầu từ mục đích dạy sử

NGUYỄN KHÁNH TRUNG (IRED)
 
 TTCT - Tôi trở lại với trường hợp Phần Lan, quốc gia đang rất nổi tiếng nhờ thành công trong giáo dục phổ thông của họ, như là một căn cứ, thông qua đó giúp chúng ta tự định vị mình đang ở đâu và đang thật sự có những vấn đề gì.
 

Trước tiên tôi sẽ bàn đến các tiêu chí về một mẫu hình học sinh lý tưởng liên quan đến môn học này mà nhà trường Phần Lan lấy làm mục tiêu đào tạo. 

Mục tiêu môn học
Tại Phần Lan, mục tiêu môn sử cũng như các môn học khác của bậc giáo dục cơ bản được quy định trong chương trình cốt lõi quốc gia (VN thường gọi là chương trình khung - BTV). Tài liệu này trình bày mục tiêu và nội dung tổng quát của môn học dành cho học sinh bậc giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), mô tả những khía cạnh về một mẫu hình lý tưởng phải như thế nào.
Học sinh Phần Lan bắt đầu học sử từ lớp 5. Chúng tôi xin lấy những quy định quốc gia dành cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 để phân tích, theo đó học sinh phải:
• Nắm và sử dụng được những thông tin về lịch sử.
• Biết sử dụng nhiều nguồn, so sánh giữa các nguồn và xây dựng ý kiến, góc nhìn dựa trên những nguồn này.
• Hiểu rằng dữ liệu lịch sử có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
• Giải thích được mục đích và hệ quả của hoạt động con người.
• Đánh giá các lựa chọn thay thế trong tương lai dựa trên những bằng chứng về sự thay đổi trong lịch sử.

Cụ thể hơn, tài liệu mô tả mẫu hình của học sinh sau khi đã kết thúc lớp 8 như sau:
• Biết cách phân biệt đâu là những yếu tố giải thích một vấn đề chính với những yếu tố thứ cấp.
• Sẵn sàng đọc và giải thích những nguồn thông tin khác nhau.
• Biết đặt các sự kiện lịch sử được học vào bối cảnh thời gian phù hợp và sắp xếp theo đúng trình tự thời gian.
• Biết cách giải thích nguyên nhân, theo nhiều mặt trong cuộc sống, vì sao con người từng hành động khác hẳn so với cách họ làm ngày nay.
• Biết cách trình bày nguyên nhân gây ra cũng như hệ quả mang lại của những sự kiện lịch sử.
• Sẵn sàng trả lời câu hỏi về quá khứ bằng cách sử dụng thông tin các em có được từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm những thông tin các em tìm kiếm được thông qua những phương tiện công nghệ hiện đại.
• Trình bày một cách có hệ thống những ý kiến, lý luận và đánh giá về những sự kiện hay hiện tượng.
Chúng ta thấy những gì mà việc giảng dạy môn học này nhắm tới ở trên là đào tạo những kỹ năng và thái độ khách quan khoa học mà học sinh cần phải sở đắc, tuy ở đây mới chỉ là những mục tiêu dành cho học sinh lứa tuổi trung học cơ sở. Chúng ta không thấy những đòi hỏi bắt học sinh thuộc lòng các nội dung có sẵn, mà là những đòi hỏi liên quan đến phương pháp sử học, đến cách tư duy độc lập, đến khả năng phân tích và phê phán - những điều có lẽ rất xa lạ đối với học sinh cùng lứa tuổi ở nước ta.
Để thực hiện mục tiêu này, giáo viên sử dụng các phương pháp sư phạm chủ động như tổ chức cho các em tự nghiên cứu văn bản, làm việc nhóm, thuyết trình, tập cho các em tìm kiếm phân loại thông tin, thẩm định các nguồn dữ liệu, đánh giá và phê phán chúng... 

Cách thức đánh giá kết quả học tập
Học sinh Phần Lan không phải học để thi. Từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh chỉ phải trải qua một kỳ thi cuối lớp 9. Trong suốt các năm học, quyền đánh giá học sinh thuộc về giáo viên đứng lớp, giáo viên lại phối hợp với từng học sinh để làm điều này chứ không áp đặt một chiều.
Về việc này, một cô giáo dạy lớp 6 chia sẻ: “Học sinh tự lập bảng đánh giá bản thân, tự cho mình một số điểm, tôi cũng cho các em một số điểm nhất định. Các bài kiểm tra (do giáo viên tự tổ chức) đóng một vai trò nhỏ trong đó, nhưng kết quả học tập cũng phụ thuộc vào cách thức hoạt động trong lớp của học sinh. Ví dụ nếu học sinh tích cực phát biểu, các em sẽ có thêm điểm cộng”.
Với cách làm như trên, thầy trò cùng bàn bạc và đi đến một bản báo cáo chung bằng số, với những nhận xét bằng lời vào cuối mỗi năm học. Những bản báo cáo này như là lý lịch học tập và rèn luyện của học sinh, không những miêu tả mặt kiến thức mà còn miêu tả tất cả khía cạnh trong quan niệm giáo dục toàn diện của người Phần Lan mà mục tiêu giáo dục quốc gia đã xác định.
Trở lại vấn đề học và dạy sử ở VN, đọc các sách giáo khoa sử, cũng như sách giáo viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn học này, tôi thấy mục tiêu của việc dạy được mô tả chủ yếu là chuyển tải những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa cho học sinh, làm cho học sinh ghi nhớ các sự kiện, các mốc thời gian, các ý nghĩa rút ra từ bài học...
Ví dụ mục tiêu của bài học “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, trong sách giáo khoa lịch sử và địa lý lớp 5 là: Học xong bài này, học sinh biết: 1) Trương Định là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam kỳ. 2) Với lòng yêu nước, Trương Định đã không tuân theo lệnh vua, kiên quyết ở lại cùng nhân dân chống quân Pháp xâm lược (tr. 9)...
Trường học nước ta không dạy cho các em các phương pháp sử học, khả năng tư duy độc lập, phân tích và phê phán các sự kiện lịch sử... như chúng ta thấy trong trường hợp Phần Lan. Cả hệ thống giáo dục phổ thông VN hiện nay là dạy - học để đi thi và các đề thi phần lớn nghiêng về kiểm tra trí nhớ mà không dạy cho các em khả năng nhận định những kiến thức đó thế nào, đúng hay sai...
Như vậy, quan niệm về hình ảnh lý tưởng của một học sinh giỏi sử giữa ta và Phần Lan là hoàn toàn khác biệt. Một bên là hình ảnh của một nhà sử học với khả năng phản biện, tư duy độc lập, biết các kỹ năng đọc sử và giải thích sử...; một bên là hình ảnh của một học sinh ghi nhớ tốt những gì có sẵn để trả bài nhằm có những điểm số tốt mà không cần biết những gì có sẵn đó như thế nào.
Điều đó không chỉ làm các em chán ghét môn sử mà đẩy chúng ra xa với những chuẩn mực quốc tế trong việc quan niệm thế nào là giỏi là dở, chẳng đem lại lợi ích gì cho riêng người học và sự phát triển xã hội nói chung.

Nguon:  http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/551576/lam-khac-di-bat-dau-tu-muc-dich-day-su.html

No comments:

Post a Comment