Sunday, December 11, 2016

Bài 3: Con người tự chủ là ai ?

Nguyễn Khánh Trung

Triết gia Rousseau mô tả về hình ảnh lý tưởng của một người trẻ vào độ tuổi 15 qua nhân vật Emile trong tác phẩm Emile hay là về giáo dục thế này :
“Trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do... Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép” (tr. 277).
Nói đến con người tự chủ là nói đến 3 khía cạnh : cái đầu (trí tuệ) ; trái tim (đạo đức và cảm xúc) ; thể chất hành động.
Lần lượt tôi sẽ trình bày 3 khía cạnh này :
Tự chủ về trí tuệ
 Trí tuệ liên quan đến học hành, tri thức, tư duy, tư tưởng, sáng tạo… Mục tiêu của mọi sự học và sự dạy chân chính trong gia đình, ngoài nhà trường và ngoài xã hội liên quan đến mặt tri thức đều phải dẫn đến giúp người học đạt được sự tự chủ về mặt trí tuệ.
Ông cha ta nói «con hơn cha là nhà có phúc », thế hệ sau phải khá hơn thế hệ trước thì xã hội mới đi lên được.

Khi còn nhỏ, người lớn nên chuyển tải cho trẻ một số kiến thức và kỹ năng cơ bản để làm nền, nhưng điều quan trọng là làm sao để chúng có tư duy độc lập, có chính kiến, cao hơn nữa là có khả năng vượt qua những điều đã có và hướng đến sáng tạo, phát minh ra được những điều mới, cải tiến được hoàn cảnh hiện tại thì mới thúc đẩy xã hội phát triển…
Còn học kiểu tầm chương trích cú, học giỏi kiểu thi đua thuộc lòng và làm theo «lời thánh hiền » và chỉ dừng lại như vậy thì đó là một kiểu lùi về quá khứ và đi xuống ! Vì khi đã xem tư tưởng, lời nói của ai đó là thánh chỉ, thì phải lệ thuộc vào đó. Bởi lẽ xưa nay có mấy ai qua mặt được các thánh.
Vấn đề là, thánh hiền dù có hay có đúng tới đâu cũng đã là người thiên cổ, người của quá khứ, ở đó làm gì có internet, facebook hay youtupe (dĩ nhiên ở đây, tôi đang nói đến giáo dục, đến tư tưởng, đến khoa học chứ không nói đến tôn giáo)
Lời thánh hiền có rất nhiều trong xã hội phong kiến mang màu sắc Khổng giáo đã tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta, nó vẫn còn ảnh hưởng và chi phối cách nghĩ và cách làm của người VN hiện tại.
Nền giáo dục hiện nay vẫn còn đầy những «lời thánh hiền » đang được áp đặt lên hàng triệu con trẻ vốn rất khác nhau.
Lời thánh hiền có hay ho cách mấy nếu dồn hàng triệu trẻ em vào đó thì đều không tốt vì đã đóng khung tư duy, đồng phục tư tưởng, điều mà sự giáo dục tử tế không muốn…
Những điều này đi ngược lại với tính duy biệt và tính chủ thể được thiên phú cho con người và dĩ nhiên nó cản trở sự phát triển của các cá nhân và xã hội (xem bài 1).
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang thực hiện đổi mới, nhưng chỉ đổi mới hình thức cành nhánh bên ngoài, đổi mới các kỹ thuật mà không thay đổi nền móng và « hệ điều hành », không thấy nhắm đến một nền giáo dục khai phóng, nghĩa là không đặt ra mục tiêu giáo dục tự chủ trí tuệ cho học sinh.
Trong khi mục tiêu hàng đầu giáo dục gia đình cũng như nhà trường tại các nước phát triển là giáo dục tự chủ cho con trẻ mà tự chủ về mặt trí tuệ là một nội dung quan trọng.
Giáo dục gia đình tại VN hiện nay bị giáo dục nhà trường cuốn theo, các bậc cha mẹ dẫu có thương con nhưng vẫn phải đội trên đầu gánh nặng văn hóa khổng giáo đã tồn tại hàng ngàn năm, phải sống và chịu ảnh hưởng của xã hội hiện tại.
Vậy nên, các phụ huynh vẫn còn rất nhấn mạnh trên các giá trị mang tính tuân thủ, sử dụng sự áp đặt trong cách giáo dục, quá đề cao điểm số, bằng cấp…
 Mà không chú ý đến tinh thần thực học thực làm, không ý thức sứ mạng cuối cùng của giáo dục là phải giúp con cái mình tự khai phóng bản thân và đạt đến sự tự chủ.
Mọi sự áp đặt một chiều trong giáo dục một cách quá đáng đều xa rời bản tính tự nhiên nơi con người, đều chống lại sự phát triển của từng cá thể và của cả xã hội.
 Cũng có nghĩa là, xã hội nào càng tôn trọng trẻ, xem trẻ là chủ thể, là tác nhân, là một bên trong quá trình giáo dục, thì xã hội đó càng phát triển.
Người Phần Lan là một ví dụ điển hình. Họ có một nền giáo dục phổ thông bậc nhất thế giới và cũng có một xã hội thịnh vuợng với nhiều cái nhất.
 Người Phần tôn trọng trẻ, xem trẻ là những chủ thể duy biệt, từ đó họ đề cao phương pháp khác biệt hóa, luôn đặt trẻ làm trung tâm trong mọi khâu của giáo dục và lấy việc giáo dục tự chủ, khai phóng con người làm mục tiêu chính.
  

 Kỳ tiếp : Tự chủ về mặt đạo đức và cảm xúc.  

No comments:

Post a Comment