Wednesday, January 18, 2017

Trật tự giao thông phải được xem xét từ mặt xã hội

Nguyễn Khánh Trung

Phải chăng những vấn đề giao thông hiện nay như nạn kẹt xe, tai nạn và sự mất trật tự đang phản ánh điều gì đó trong xã hội? Những biện pháp giải quyết được đề nghị hiện nay trên báo chí và trong các nghị trường có đủ để giải quyết vấn đề tận căn? Xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Nguyễn Khánh Trung (Pháp) bàn về vấn đề giao thông ở nước ta.


Hình ảnh đập vào mắt chúng ta thường ngày là cảnh lưu thông loạn xạ trong các thành phố lớn, xe hai, ba, bốn bánh chen chúc nhau, chẳng ai nhường ai, bất chấp luật lệ giao thông. Cái giá phải trả của sự loạn xạ này là tai nạn giao thông và kẹt xe. Theo thống kê chính thức, ở nước ta hiện nay, trung bình khoảng 33 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày. Cứ nhìn xuống mặt đường từ Ðồng Nai về TP.HCM, sẽ thấy đầy dẫy những vết vôi trắng đánh dấu những tai nạn đã xảy ra. Nhìn mà rợn tóc gáy! Chưa kể những vụ tai nạn này làm thương tật hàng trăm người mỗi ngày mà đa số là người trẻ, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam phải mất khoảng 885 triệu USD mỗi năm vì tai nạn giao thông. Sự mất trật tự trong giao thông cũng là nguyên nhân gây ra nạn kẹt xe khắp nơi trong thành phố mà báo chí liên tục phản ánh trong mấy tuần nay. Đã kẹt là cứ như “tơ vò”, với đủ thứ loại xe to nhỏ lưu thông đủ chiều khó mà lập lại trật tự. Hàng ngàn phương tiện rú ga, nhả khói làm môi trường đã ô nhiễm trở nên càng ngột ngạt. Ðây là nguyên nhân của vô số bệnh tật có tính tập thể trong dân chúng, khói bụi ảnh hưởng nặng nề đến môi sinh và sức khỏe cộng đồng.


Theo tôi, ở đây không đơn thuần là vấn đề giao thông, nhưng những gì đang xảy ra trên các nẻo đường đang phản ảnh một hiện tượng xã hội mà nguyên nhân của nó đến từ giáo dục, từ môi trường văn hóa xã hội. Sự mất trật tự trên đường trở nên quá phổ biến, quá bình thường trong xã hội ta. Người vi phạm cũng như người tham gia giao thông dường như đã mặc nhiên chấp nhận những chuyện trái ngang trên đường, xem những chuyện bất thường là bình thường. Người vi phạm chẳng hề thấy xấu hổ, người chứng kiến vi phạm chẳng hề đấu tranh, không hề phản ứng.
 
Ở các nước văn minh, chưa kể những chế tài nghiêm khắc dành cho những người vi phạm, khi ai đó không tuân thủ quy tắc giao thông, liền gặp ngay phản ứng gay gắt của người đi đường làm đương sự xấu hổ, nhờ đó mà người điều khiển phương tiện ẩu tả nhất cũng phải nghiêm túc hơn khi tham gia giao thông. Tâm lý bình thường hóa các sai phạm trên đường ở ta đã làm phai mờ ý thức về luật lệ giao thông, ý thức về những chuẩn mực của cái hay cái đẹp, cái lịch thiệp, cái văn hóa ứng xử của người đi đường. Những điều này thậm chí còn bị đảo lộn. Quả vậy, nếu ai đó tự nguyện chấp hành luật giao thông nghiêm túc, có khi lại bị coi là người bất bình thường. Nghĩa là sự lệch lạc trên đường phố đang có khuynh hướng trở thành bình thường trong xã hội ta. Chuyện ngược đời này đã trở thành những đề tài đàm tiếu cho khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam. Thật chẳng đáng tự hào gì!

 
Tai nạn và kẹt xe đang là đề tài nóng bỏng hiện nay vì đã đến mức không chấp nhận nổi nữa, những người có trách nhiệm đưa ra nhiều kế hoạch giải quyết: mở rộng đường, bố trí làm lệch ca, học lệch giờ... Theo tôi, những giải pháp được đề nghị này hoàn toàn mang tính tình thế khi nước đã "đến chân". Tôi nghĩ, chúng ta phải nhìn vấn đề kẹt xe và tai nạn giao thông hiện nay như một hiện tượng xã hội, chứ không đơn giản chỉ là chuyện riêng của giao thông. Hiện tượng này liên quan đến giáo dục, đến môi trường văn hóa xã hội. Như vậy, về lâu dài, những giải pháp giải quyết cũng phải mang tính xã hội. Cảnh sát giao thông có thể xử lý người vi phạm, chứ không thể giáo dục ý thức, trang bị các chuẩn mực, các thói quen có văn hóa cho người đi đường. Ðó là chưa kể khi nguời vi phạm và cảnh sát đều không có lòng tự trọng thì có thể giải quyết với nhau bằng tiền bạc. Thực tế là nạn mãi lộ đang xảy gần như công khai khắp nơi, làm cho tình cảnh càng rối ren hơn.
 
Làm sao giáo dục cho người dân ý thức khi đi đường, làm sao tạo ra một môi trường tốt với lối ứng xử văn minh trên đường phố, mà ai đã từng sống hoặc đi thăm các nước văn minh đều ít nhiều cảm nhận được. Thật khó, những điều này không thể tạo ra một sớm một chiều, bởi nó liên quan đến việc giáo dục nhân cách của con người. Mà để nhân cách con người phát triển tốt, trưởng thành, được nội tâm hóa đầy đủ những điều hay cái đẹp, nhất thiết lại phải cần đến môi trường gia đình, khu xóm, trường học và xã hội nói chung thật tốt.
 
Quay lại với các vấn đề giao thông, sự lệch chuẩn trên đường rõ ràng đang phản ánh sự phi chuẩn mực nói chung trong xã hội, một mối liên hệ đáng suy ngẫm mà tôi không thể đề cập hết ở đây. Tôi sợ rằng, nếu chúng ta không tìm cách cải thiện môi trường văn hóa đi đường để xây dựng lại hệ thống các giá trị đúng đắn, làm quy chuẩn ứng xử cho mọi người khi tham gia giao thông, thì kẹt xe và tai nạn giao thông sẽ còn tăng, đe dọa nghiêm trọng đến an sinh xã hội. Nhất là khi lượng xe bốn bánh, xe phân khối lớn xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự tăng trưởng về mặt kinh tế. Tôi nghĩ, nếu ở Việt Nam, ai cũng có xe hơi như ở các nước phát triển, kẹt xe và tai nạn chắc sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều. Ở Tây cũng có tai nạn giao thông, nhưng ít lắm so với chúng ta. Ở Pháp chẳng hạn, số người chết vì tai nạn giao thông chỉ trung bình là 1,6 người mỗi ngày. Thế mà họ đã báo động!
 
Giao thông là huyết mạch của một đất nước, một nước phát triển và văn minh phải là một nước có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, tốc độ lưu thông cao nhưng phải đảm bảo an toàn. Ðể được như vậy, ngoài việc hệ thống đường sá phải thật tốt, quy hoạch phải hợp lý, luật lệ giao thông phải nghiêm minh, thì ý thức người đi đường là quan trọng.
 
Tóm lại, để giải quyết các vấn đề giao thông, ngoài nhiệm vụ của cảnh sát, ngoài chuyện mở rộng đường sá, cần đề cao nhiệm vụ của giáo dục, nhiệm vụ gạn đục khơi trong môi trường văn hóa xã hội của nhà trường, của các hội đoàn, các tôn giáo, của những người có trách nhiệm lo về mặt tinh thần cho xã hội. Làm sao tạo được các khu xóm, khu phố văn minh như ở các nước văn minh chứ không như những “khu phố văn hóa” có tính hình thức ở xứ ta; làm sao giáo dục được ý thức tự nguyện của người đi đường, làm sao làm nổi bật được những chuẩn mực, những giá trị đúng đắn trong xã hội nói chung và trên đường phố nói riêng. Rất khó, rất phức tạp, nhưng phải thực hiện. Nếu không, chúng ta chẳng xứng đáng thụ hưởng những thành quả của văn minh vật chất, chúng ta sẽ què quặt, khập khiễng khi sự tăng trưởng về kinh tế không song hành với sự tiến bộ về văn hóa xã hội mà thực tế hiện nay, sự khập khiễng này đang thể hiện hàng ngày trên các nẻo đường.

Nguồn: Vietnamnet

No comments:

Post a Comment