Sunday, September 4, 2016

Ở nước Pháp, người ta không dạy cho trẻ con kiến thức


(GDVN) - Mục tiêu của giáo dục Pháp không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức.


LTS: Pháp là quê hương của các triết gia, của các nhà giáo dục, những tư tưởng triết lý chi phối nền giáo dục hiện nay của họ được xây dựng và thừa hưởng từ truyền thống phong phú này.

Đề cập đến triết lý giáo dục, các học giả thường nhắc đến triết gia Rousseau (1712 – 1778). Vậy triết lý giáo dục của Pháp hướng đến trang bị cho học sinh những gì?

Trong kỳ 2 của chủ đề “triết lý giáo dục”, TS. Nguyễn Khánh Trung  hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh nêu chi tiết, cụ thể những mục đích của nền giáo dục nước Pháp.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


J J Rousseau và mục tiêu giáo dục 
Trong tác phẩm “Emile hay là về giáo dục” được xuất bản năm 1762, triết gia này đã vẽ lên một chân dung lý tưởng về học sinh được đào tạo sau tuổi 15, thông qua nhân vật Emile bao gồm nhiều mặt.

Đó là con người tự lập, tự tin vào bản thân, mạnh khỏe về cơ thể và tinh thần, chân tay lanh lẹ, “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do... Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép” (tr. 277).

Là “người tự do”, con người đó không “phục tùng luồn cúi của một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” (tr. 206) kiểu thượng đội hạ đạp;

Là con người luôn sống và tỏ ra chính là mình, không hào nhoáng bên ngoài, không thêm không bớt.

Là con người khi tư duy, khi hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến hay dư luận, không bị những đam mê nhục dục khống chế.

Tức là con người trưởng thành, tự chủ, độc lập trong tư duy và phán đoán, biết sử dụng lý trí của mình để suy xét, quyết định và hành động một cách hợp lẽ trong sự tôn trọng “tự nhiên” và sự thật, tôn trọng người khác chứ không chịu lụy thuộc bất cứ thứ gì.

Giáo dục cũng phải tạo ra con người có đạo đức, biết rung cảm, biết thương xót, có lòng trắc ẩn.

Giáo dục phải dạy cho học sinh làm những việc tốt, không chỉ là việc bỏ một số tiền túi ra bố thí cho những người nghèo khó mà bằng sự chăm sóc đối với họ, dạy cho học sinh lấy lợi ích của họ làm lợi ích của mình, phục vụ họ, bảo vệ họ, dành cho họ cả con người và thì giờ. 

Triết lý giáo dục - Việt Nam đã có chân lý này hay chưa?

(GDVN) - Cuộc tranh luận về triết lý giáo dục đã làm cho không ít công chúng thậm chí nhiều giáo viên ngơ ngác tự hỏi “vậy thực ra có triết lý giáo dục không?".
Con người đó phải biết nghi ngờ chính mình, “biết thận trọng trong cách cư xử, biết kính nể những người hơn tuổi mình...” (tr. 342).

Là con người yêu hòa bình, không những hòa bình giữa người với người mà còn với thiên nhiên. Emile của Rousseau không bao giờ suỵt cho hai con chó cắn nhau, hay làm cho con chó đuổi cắn con mèo (tr. 343).

Emile hiền lành và yêu hòa bình, nhưng không nhu nhược, khi để bảo vệ chân lý và sự thật, anh ta sẽ sẵn sàng dấn thân để đấu tranh.

Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức.

Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật”. (tr. 273).

Rousseau muốn đứa trẻ phải tự học hỏi, phải tự sử dụng lý trí của nó chứ không phải sử dụng lý trí của người khác. Ông mong muốn đứa trẻ có một đầu óc “phổ quát”, cởi mở, thông minh, sẵn sàng cho tất cả.

Rousseau đã viết tác phẩm của ông cách chúng ta đã gần 250 năm, nhưng những tư tưởng của ông vẫn còn mới mẻ hiện đại, mà nhiều hệ thống giáo dục tại các nước phát triển đã và đang lấy làm nền tảng triết lý đào tạo, đương nhiên trong đó có Pháp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Pháp

Ngày 31/9 học sinh phổ thông Pháp tựu trường với một chương trình học mới.

Chương trình cải cách này được chính thức ban hành ngày 31/03/2015 với Thông tư số 2015-372, quy định những kiến thức, kỹ năng, những giá trị, những thái độ mà học sinh sau khi kết thúc chương trình học bắt buộc (từ 6 đến 16 tuổi) phải sở đắc với một mục tiêu ngắn gọn là:
Nhằm làm cho học sinh có thể thành công trong việc học, trong đời sống cá nhân và đời sống công dân tương lai”.

Con đường xây dựng và triết lý giáo dục của Nhật Bản

(GDVN) - Triết lý giáo dục Nhật Bản đã được luật hóa và trở thành nơi hội tụ sự đồng thuận của quốc dân Nhật và những người làm giáo dục.
Theo chúng tôi, tinh thần cải cách lần này là một sự trở lại gần hơn với triết lý giáo dục của Rousseau mà chúng tôi đã đề cập ở trên, dĩ nhiên là đặt trong bối cảnh thời đại hôm nay.

Và để thực hiện được mục tiêu nói trên, chương trình hướng đến trang bị cho học sinh 5 nhóm lĩnh vực:

Thứ nhất, về ngôn ngữ (tiếng Pháp) để học sinh có thể tư duy và trao đổi, truyền thông với người khác. Theo đó nhà trường phải làm cho học sinh hiểu, tự trình bày được những gì mong muốn bằng cách sử dụng các loại hình ngôn ngữ khác nhau.

Thứ hai, phương pháp và phương tiện: Dạy học sinh có thể tự học một mình hay học nhóm, học trong nhà trường hay bên ngoài bằng các biết truy cập thông tin và tìm kiếm tài liệu; sử dụng được các phương tiện kỹ thuật số; biết tổ chức và điều hành các dự án cá nhân hay tập thể; biết tổ chức công việc học tập.

Thứ ba, giáo dục con người và giáo dục công dân (học về đời sống xã hội, các hành động tập thể và các hành động công dân; giáo dục đạo đức và công dân; tôn trọng những lựa chọn cá nhân và trách nhiệm cá nhân) nhằm trang bị cho học sinh các giá trị nền tảng và những nội dung chính yếu được ghi trong Hiến pháp.

Thứ tư, các hệ thống tự nhiên và kỹ thuật (khoa học về Trái Đất và về vũ trụ, những nền tảng về toán, khoa học và kỹ thuật) nhằm phát triển trí tò mò và sự ham thích nghiên cứu quan sát, khả năng giải quyết các vấn đề nơi học sinh.

Triết lý giáo dục, đích đến là ta muốn đào tạo ra con người như thế nào?

(GDVN) - Khi bàn về mục tiêu của một hệ thống giáo dục nghĩa là tìm đáp án cho câu hỏi muốn đào tạo ra mẫu người học sinh lý tưởng sau khi tốt nghiệp phổ thông thế nào?
Thứ năm, học về thế giới, về các hoạt động của con người (phát triển các kiến thức về không gian địa lý và thời gian lịch sử) giúp học sinh hiểu biết về các xã hội trong thời gian và không gian của chúng.
Đồng thời, học sinh diễn giải được các thành quả văn hóa của nhân loại và các em có kiến thức về thế giới xã hội đương đại.

Mỗi một nhóm lĩnh vực có một mục tiêu hướng tới, nhưng toàn bộ chương trình có mục tiêu chung là trang bị những kiến thức, kỹ năng và các giá trị để học sinh có thể học tiếp tục học tập lên cao, hay bước vào đời sống nghề nghiệp một cách thành công.

Đồng thời làm cho học sinh tự chủ, có khả năng chung sống, làm việc với người khác, biết tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng con người và có trách nhiệm trong đời sống xã hội.

Những phẩm chất nói trên cần thiết cho người trẻ để họ có thể sống và thành công trong một xã hội dân chủ đa nguyên, trong thời đại toàn cầu hóa và kỹ thuật số thống trị trong mọi lĩnh vực của đời sống

.Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/O-nuoc-Phap-nguoi-ta-khong-day-cho-tre-con-kien-thuc-post170520.gd

No comments:

Post a Comment