Wednesday, September 28, 2016

Vài dòng nhân dịp ra đời Thông tư 22 thay Thông tư 30



Nguyễn Khánh Trung
Giáo dục là một con đường đưa trẻ vào xã hội, đóng dấu ấn sâu đậm trên nhân cách của trẻ, nói rộng ra, giáo dục làm nên chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia, quyết định mức độ phát triển và thịnh vượng của quốc gia đó.

Đích đến

Con đường đó sẽ rõ ràng thông thoáng, đầy tiếng ca hát, tiếng nói tiếng cười của khách bộ hành và các hướng đạo (học sinh và giáo viên) khi đích đến được xác định rõ ràng, đầy thuyết phục, diễn tả đúc kết được ý nguyện của mọi người, phù hợp với thời cuộc, trong đó lợi ích của những người cầm lái, của các giáo viên, nhất là của học sinh và đằng sau đó là phụ huynh gặp nhau, thống nhất với nhau để rồi cùng nhìn về một hướng.
Còn khi người dẫn đầu khăng khăng tự xác định mục tiêu dựa trên ý muốn chủ quan và lợi ích của riêng mình, bất chấp nó thế nào, bất chấp số đông còn lại đang bước đi có muốn hay không, cố lùa ép mọi người bước đi, lúc đó những cá nhân vốn là những nhân vị tự do đang bước đi trên đường sẽ không còn là mình nữa, những bước đi sẽ gượng ép, thụ động, vô định, và buồn chán, riết, rồi những cá nhân đó sẽ tựa như những con cừu trong đàn cừu lầm lủi bước đi theo ý muốn của chủ, chứ nói gì đến chuyện khai phóng, sáng tạo hay phát triển ! Bourdieu nói, hành động giáo dục kiểu đó là hành động bạo lực biểu trưng.

Chuyện đánh giá

Khi có được đích đến rõ và thuyết phục, những người tổ chức và những hướng đạo sẽ chỉ cho học sinh trong lớp mà mình dẫn dắt đích đến xa (mục tiêu giáo dục phổ thông quốc gia, khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 chẳng hạn) và gần, tựa như cắm những cột mốc cụ thể trên đường đi ( mục tiêu của môn học, của học kỳ và năm học) để các trẻ dễ nhìn thấy.
Trong nhóm mà mình dẫn dắt, chắc chắn sẽ có trẻ đi nhanh, có trẻ đi chậm, có trẻ đầy năng lượng nhưng cũng có trẻ ốm yếu, hay mệt mỏi … vì mỗi con trẻ là mỗi bản thể duy biệt nên người hướng đạo phải tùy đó để kèm, để động viên đặc biệt đối với những trẻ yếu, có vấn đề. Đây mới là sứ mệnh chân chính của dạy kèm của các giáo viên, chứ không phải dạy để kiếm thêm thu nhập bên ngoài trường !

Saturday, September 24, 2016

Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào?



Nguyễn Khánh Trung

(GDVN) - Mục tiêu của nền giáo dục quốc gia là gì và tại sao lại như vậy? Mẫu hình lý tưởng điển hình của học sinh sau khi tốt nghiệp giáo dục phổ thông phải ra sao?

LTS: Triết lý giáo dục không phải là một bản tuyên bố, mà ám chỉ những suy tư, những truy vấn mang tính triết lý trên mọi khía cạnh của giáo dục, là việc “đặt vấn đề trên tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin trong giáo dục” (Reboul, 1989).

Trong ba bài viết liên quan đến chủ đề “triết lý giáo dục”, TS.Nguyễn Khánh Trung đã tập trung chủ yếu bàn về khía cạnh mục tiêu giáo dục, khâu quan trọng nhất trong một hệ thống giáo dục, và đã lấy trường hợp Pháp và Phần Lan như những minh họa điển hình.

Giáo dục Việt Nam hiện nay có lẽ đã có nền tảng lý luận của nó, nhưng nền tảng đó đã thực sự mang tính triết lý, đã rõ ràng, nhất quán, thuyết phục và phù hợp với thời đại chưa ?

Hôm nay, TS. Nguyễn Khánh Trung hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh tiếp tục góp ý cho công cuộc đi tìm câu trả lời này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi là gì?





NGUYỄN KHÁNH TRUNG
(GDVN) - Người Phần Lan luôn lấy con trẻ và tương lai của chúng làm trung tâm, với mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai.

LTS: Gần hai thập kỷ nay, Phần Lan được biết đến như vùng “đất thánh” trong giáo dục phổ thông, đất nước Bắc Âu này đã và đang thu hút các nhà lãnh đạo giáo dục, các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới đến để quan sát và học hỏi.

Bàn về chủ đề “triết lý giáo dục”, nếu như bài viết trước TS. Nguyễn Khánh Trung hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh nêu chi tiết, cụ thể những mục đích của nền giáo dục nước Pháp thì hôm nay, tác giả nêu mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi như một minh họa thứ hai gửi tới độc giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Mẫu hình học sinh lý tưởng

Đọc các văn bản pháp luật liên quan cũng như nội dung Chương trình khung quốc gia và địa phương dành cho giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), tôi xin rút ra những nét chính liên quan đến mẫu hình học sinh lý tưởng sau khi kết thúc lớp 9, khoảng độ tuổi 15, mà nhà trường Phần Lan lấy làm mục tiêu nhắm tới, tôi tạm gọi đó là mẫu người “tự do, tự chủ và có trách nhiệm”.

Mẫu người đó phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần cho cuộc sống, có khả năng tự học hỏi và tự phát triển bản thân, có đam mê học lên cao và học suốt đời, trở thành những công dân có trách nhiệm.

Và có những cách tư duy mới, có tinh thần và khả năng phản biện, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, có ý thức cộng đồng, tôn trọng tự do cá nhân của người khác, tôn trọng môi trường thiên nhiên. 

Sunday, September 4, 2016

Ở nước Pháp, người ta không dạy cho trẻ con kiến thức


(GDVN) - Mục tiêu của giáo dục Pháp không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức.


LTS: Pháp là quê hương của các triết gia, của các nhà giáo dục, những tư tưởng triết lý chi phối nền giáo dục hiện nay của họ được xây dựng và thừa hưởng từ truyền thống phong phú này.

Đề cập đến triết lý giáo dục, các học giả thường nhắc đến triết gia Rousseau (1712 – 1778). Vậy triết lý giáo dục của Pháp hướng đến trang bị cho học sinh những gì?

Trong kỳ 2 của chủ đề “triết lý giáo dục”, TS. Nguyễn Khánh Trung  hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh nêu chi tiết, cụ thể những mục đích của nền giáo dục nước Pháp.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


J J Rousseau và mục tiêu giáo dục 
Trong tác phẩm “Emile hay là về giáo dục” được xuất bản năm 1762, triết gia này đã vẽ lên một chân dung lý tưởng về học sinh được đào tạo sau tuổi 15, thông qua nhân vật Emile bao gồm nhiều mặt.

Đó là con người tự lập, tự tin vào bản thân, mạnh khỏe về cơ thể và tinh thần, chân tay lanh lẹ, “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do... Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép” (tr. 277).

Là “người tự do”, con người đó không “phục tùng luồn cúi của một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” (tr. 206) kiểu thượng đội hạ đạp;

Triết lý giáo dục, đích đến là ta muốn đào tạo ra con người như thế nào?



NGUYỄN KHÁNH TRUNG

(GDVN) - Khi bàn về mục tiêu của một hệ thống giáo dục nghĩa là tìm đáp án cho câu hỏi muốn đào tạo ra mẫu người học sinh lý tưởng sau khi tốt nghiệp phổ thông thế nào?


LTS: Mỗi nền giáo dục dựa trên một hệ triết lý giáo dục có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung, phương pháp dạy và học.
Vậy thử hỏi, mẫu người mà Việt Nam muốn đào tạo chuẩn là như thế nào trong khi “triết lý giáo dục” nước ta vẫn đang là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.

Hôm nay, trong kỳ đầu về chủ đề “triết lý giáo dục”, TS.Nguyễn Khánh Trung hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh đem đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về khái niệm “triết lý giáo dục”.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Triết lý và giáo dục

Nói đến khái niệm “triết lý giáo dục” là nói tới triết và giáo dục.

Triết gia là những chuyên gia làm việc, suy tư trên các ý tưởng, các khái niệm. Họ phân tích, xếp loại, truy vấn hay tạo ra các khái niệm mới dựa trên cơ sở lý tính, sự chặt chẽ của phép logic.

Triết học là mẹ của các khoa học vì khoa học nào cũng cần sự chặt chẽ, biện chứng, lý tính và tinh thần truy vấn. Giáo dục cũng là khoa học, ngành có đối tượng là con người nên lại càng cần sự soi sáng của triết học.

Như vậy, khái niệm “triết lý giáo dục” ám chỉ những suy tư, những truy vấn mang tính triết lý trên mọi khía cạnh của giáo dục, là việc “đặt vấn đề trên tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin trong giáo dục” (Reboul, 1989, tr.13).