Friday, October 30, 2015

Canh tân giáo dục bắt đầu từ đâu?

Giới thiệu sách "Giáo dục Việt Nam và Phần Lan" của Giản Tư Trung

Chỉ cần nhìn vào lý tưởng thực sự của một quốc gia và cách thức vận hành của nó thì hoàn toàn có thể biết được tương lai của quốc gia đó. Nếu một quốc gia nhiều năm hòa bình mà vẫn còn quá nghèo và lạc hậu so với thế giới thịnh vượng và văn minh thì nhất định quốc gia đó, hoặc có vấn đề về lý tưởng, hoặc có vấn đề về cách thức vận hành, hoặc có vấn đề cả hai.




Nếu một quốc gia thật sự muốn canh tân thì việc đầu tiên là phải xác định cho được đâu là một xã hội lý tưởng mà quốc gia đó muốn vươn tới và cách thức vận hành xã hội (công nghệ quản trị quốc gia) để hiện thực hóa được lý tưởng này.
Trong một xã hội văn minh luôn có 3 định chế là nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Cách thức vận hành xã hội cũng có nghĩa là cách thức vận hành 3 định chế này và mối quan hệ giữa chúng. Nhà nước nắm quyền lựcchính trị và thường theo đuổi quyền lực, còn thị trường nắm quyền lực kinh tế và thường theo đuổi lợi nhuận, và xã hội dân sự (chủ yếu là các chủ thể phi chính phủ và phi lợi nhuận) sẽ nắm quyền lực văn hóa và thường theo đuổi chân lý, đạo lý. Nếu không phát triển kinh tế thị trường thì không thể có nền kinh tế hùng mạnh và nếu không có xã hội dân sự thì không thể có nền văn hóa tiến bộ. Nhà nước thì quốc gia nào cũng có, nhưng nếu một quốc gia mà thiếu đi kinh tế thị trường hoàn thiện và xã hội dân sự mạnh mẽ thì chắc chắn quốc gia đó không thể thịnh vượng và văn minh.

Tuy chậm, nhưng Việt Nam đang từng bước hướng đến một xã hội văn minh. Cụ thể là, trước đây Việt Nam chỉ có nhà nước, không có kinh tế thị trường, cũng chẳng có xã hội dân sự. Nhưng nay, không chỉ có “nhà nước” mà còn có “thị trường” và bắt đầu hình thành “xã hội dân sự”. Tức là, từ việc ôm mọi thứ và quyết mọi chuyện thì nay nhà nước đã nhường rất nhiều việc lại cho “thị trường” giải quyết và thực tế cho thấy thị trường giải quyết tốt hơn nhà nước và kinh tế hiện nay dù còn kém xa các nền kinh tế thị trường trưởng thành nhưng đã vượt trội so với thời “bao cấp”. Và kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn nữa khi nhà nước giảm “bao cấp” và giảm can thiệp hơn nữa vào thị trường để quay về với vai trò kiến tạo và bảo đảm sân chơi công bằng và bình đẳng cho các chủ thể của thị trường.Còn văn hóa sẽ bị suy bạinặng nề nếu xã hội dân sự chưa phát triển.Nhưng khi xã hội dân sự càng phát triển mạnh thì văn hóa sẽ càng được cải biến theo hướng văn minh và tiến bộ.
Để canh tân giáo dục, trước hết cần phải định nghĩa lại giáo dục, giáo dục là cái gì và để làm gì, đâu mới là mục tiêu đích thực của giáo dục và cách thức vận hành hệ thống giáo dục để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, sẽ không thể có mục tiêu giáo dục là con người tự do, cũng như không thể có một hệ thống giáo dục khai phóng để tạo ra con người tự do nếu nhưng không xác định rằng giáo dục là một định chế phần lớn thuộc về xã hội dân sự (chỉ có một phần nhỏ trong nền giáo dục thuộc về nhà nước vì có mục đích chính trị hay thuộc về thị trường vì có mục đích kinh doanh). Nói cách khác, không thể có giáo dục khai phóng và con người tự do nếu như giáo dục về cơ bản không phải là một định chế thuộc về xã hội dân sự.
Trong bối cảnh như vầy, Viện IRED đã ra đời với mong muốn góp sức nhỏ bé của mình cho công cuộc canh tân giáo dục của đất nước để hướng đến một nền giáo dục khai phóng và đồng thời thông qua những hoạt động độc lập (phi chính phủ và phi lợi nhuận) của mình cũng sẽ góp phần thúc đẩy xã hội dân sự phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực nghiên cứu.
Để hiện thực hóa sứ mệnh nói trên của mình, Viện IRED đã triển khai song song 5 hoạt động là: nghiên cứu, đào tạo, xuất bản, hội thảo và hoạt động cộng đồng, trong đó hoạt động nghiên cứu đóng vai trò là hoạt động trung tâm của Viện.
Đối với mảng nghiên cứu, Viện chủ trương ưu tiên triển khai những dự án nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ hiện trạng giáo dục của Việt Nam và giúp hiểu thêm về “giáo dục mới” (giáo dục khai phóng và con người tự do) mà chúng ta đang hướng tới. Và một trong những dự án nghiên cứu quan trọng nằm trong chủ trương này là, so sánh giữa Việt Nam và Phần Lan thông qua việc nghiên cứu điển hình hai trường tiểu học công lập của 2 nước.
Sở dĩ chúng tôi chọn Phần Lan để so sánh vì Phần Lan được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục phổ thông thành công trên thế giới và đây cũng là một quốc gia thường có chỉ số cảm nhận tham nhũng thuộc loại thấp nhất thế giới (tức ít tham nhũng nhất thế giới). Và khi so sánh với một nền giáo dục tiêu biểu của các quốc gia văn minh như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về hiện trạng nền giáo dục của mình, từ đó chúng ta sẽ biết cách thay đổi/cải cách giáo dục bắt đầu từ đâu (nếu chúng ta thực sự muốn và đủ muốn cải cách giáo dục).
Theo quan điểm của Viện IRED, để cải cách giáo dục (khi thật sự được tự do cải cách giáo dục), chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc:
1/ Định nghĩa lại giáo dục thông qua việc làm rõ triết lý giáo dục với 3 câu hỏi:
- Thế nào là con người?
- Giáo dục muốn tạo ra con người như thế nào?
- Làm thế nào để tạo ra con người như thế?
2/ Định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục:
- Nhà nước
- Nhà trường
- Nhà giáo
- Gia đình
- Người học
Mỗi chủ thể cần giành lấy vai trò vốn có của mình trong giáo dục và trả lại vai trò vốn có trong giáo dục của các chủ thể khác. Chẳng hạn, nhà nước chỉ nên thực hiện đúng vai trò của nhà nước và không được dùng quyền lực của mình để “giết chết” vai trò của nhà trường,nhà giáo và các chủ thể khác. Còn nhà trường thì phải giành lại vai trò vốn có của mình từ nhà nước, đồng thời trả lại vai trò cho nhà giáo, người học và gia đình. Nhà giáo cũng phải dành lấy quyền tự do dạy học của mình để trở thành “người thầy” chứ không bị biến thành “thợ dạy” hay “máy dạy”, còn người học sẽ làm chủ sự học của mình, trong khi các chủ thể khác sẽ hỗ trợ cho sự học của mình…
Khi đích đến của giáo dục là con người tự do/tự trị và mỗi chủ thể then chốt của hệ thống giáo dục đều hiểu đúng và được tự do làm tốt vai trò vốn có của mình thì đó cũng là lúc nền giáo dục thực sự được canh tân.
Khi quyết định triển khai dự án này, trong đội ngũ của Viện không ai có thể phụ trách dự án nghiên cứu này tốt hơn TS. Nguyễn Khánh Trung. Anh là một trong những nhà nghiên cứu chính của Viện và anh đã triển khai dự án này bằng tất cả tâm huyết cũng như tấm lòng trăn trở của mình đối với giáo dục nước nhà.
Tôi tin rằng, dự án nghiên cứu này của Viện IRED do TS. Nguyễn Khánh Trung phụ trách sẽ góp phần giúp cho những ai quan tâm đến giáo dục có thêm “chất liệu” để hiểu hơn về hiện trạng giáo dục của nước nhà (chúng ta đang “lạc hậu” hay “lạc đường”, hay thậm chí “ngược đường”?) và đồng thời giúp chúng ta hình dung được phần nào về nền “giáo dục mới” mà chúng ta mong muốn hướng tới.
Với mục đích và nội dung như vậy, tôi xin trân trọng giới thiệu đến Quý vị độc giả tác phẩm đúc kết công trình nghiên cứu công phu và đầy tâm huyết này của TS. Nguyễn Khánh Trung.
Giản Tư Trung, Viện IRED

Nguồn: Nguyễn Khánh Trung (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan. Hà Nội: Nxb: KHXH

No comments:

Post a Comment