Góp ý với Dự thảo Chưởng trình giáo dục phổ thông tổng thể TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục IRED)cho rằng, dự thảo lần này có nhiều đột phá, xích lại gần hơn với cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên còn một vài điểm cần góp ý với nhóm tác giả biên soạn.
Những câu hỏi căn bản
Có ba câu hỏi hết sức quan trọng và căn bản, vì chúng định hướng và ảnh hưởng lên toàn bộ các khâu còn lại, việc thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục phụ thuộc vào cách mà các tác giả biên soạn chương trình trả lời những câu hỏi này.
Câu hỏi thứ nhất liên quan đến tầm nhìn, viễn kiến về tương lai của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, đó là: Thế giới trong tương lai sẽ như thế nào? Xã hội Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
Câu hỏi trên liên quan đến câu hỏi căn bản thứ hai: Xã hội tương lai cần mẫu người thế nào? Hay nói rõ hơn, sau những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, từ những lớp mầm non đến lớp 12, Bộ Giáo dục muốn đào tạo các trẻ nhỏ thành mẫu người công dân thế nào? Mẫu người đó phải có những phẩm chất, năng lực và kiến thức gì để có thể bước vào đời một cách vững chãi, sống tốt, và thúc đẩy xã hội phát triển?
Câu hỏi này liên quan đến mục tiêu tổng thể của cả chương trình giáo dục phổ thông, nên nhất thiết phải trả lời nó thật thấu đáo, rõ ràng và thuyết phục. Tôi đã đọc Chương trình cốt lõi quốc gia về Giáo dục cơ bản của Phần Lan năm 2004 (gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học), thì thấy họ dành nhiều dung lượng mô tả một cách khá chi tiết về mẫu người lý tưởng mà họ mong muốn trên mặt tổng quát cũng như cụ thể trong từng môn học và hoạt động học tập, có thể tóm tắt đó là mẫu hình “con người tự do, tự chủ và trách nhiệm”.
Câu hỏi trên dẫn đến câu hỏi thứ ba: Để có được mẫu người tương lai đó, ngành giáo dục phải làm gì, phải tổ chức thế nào để có hiệu quả? Câu hỏi này liên quan đến quan niệm về sự dạy và sự học, liên quan đến cách thức đánh giá, đến cách thức tổ chức hành chánh, sư phạm và nhân sự.
Ba câu hỏi trên nằm trong một mạch logic chặt chẽ: khi chúng ta có một viễn kiến chính xác và thuyết phục về tương lai, chúng ta sẽ đem ra được mục tiêu giáo dục chính xác; khi chúng ta có một mục tiêu, một đích đến rõ ràng, thông suốt, chúng ta sẽ có cách làm, cách hành động một cách mạch lạc, chặt chẽ và thông suốt. Khi Bộ GD-ĐT trả lời ba câu hỏi trên một cách thuyết phục, sẽ thuyết phục được mọi người chấp nhận và dấn thân cho đợt đổi mới lần này.
Những trả lời của những câu hỏi trên, một mặt phải thể hiện khả năng, cái riêng của nhóm tác giả Dự thảo, mặt khác phải dựa trên những suy tư triết học về con người, về trẻ nhỏ, cũng như dựa trên kết quả các nghiên cứu giáo dục dục từ nhiều tiếp cận khác nhau.
Trong Dự thảo, tôi không thấy các tác giả đề cập đến câu hỏi thứ nhất, và vì không đề cập đến câu hỏi đầu tiên này, nên các phần trình bày về quan điểm, về mục tiêu và các phần khác (chủ yếu liên quan đến câu hỏi thứ hai và thứ ba) là những liệt kê chung chung, không có tính thuyết phục cao vì người đọc không biết những điều đưa ra đến từ đâu và tại sao lại phải như thế.
Thiếu vắng một số từ khóa quan trọng
Đọc toàn bộ dự thảo, tôi không thấy văn bản đề cập đến các từ khóa quan trọng như “tinh thần phản biện”, “tư duy độc lập” (hi vọng là có mà tôi không phát hiện ra) mà các nước phát triển chẳng hạn như Phần Lan, Pháp… thường trình bày chúng như những từ khóa trung tâm, thể hiện xuyên suốt các khía cạnh trong nội dung chương trình giáo dục của họ, đặc biệt trong phần trình bày về mục tiêu của giáo dục quốc gia.
Xem nhẹ vai trò các chủ thể then chốt trong giáo dục
Dự thảo hầu như xem nhẹ vai trò của các chủ thể trong cuộc như hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Cụ thể là không thấy các tác giả phân vai và phân việc cho từng chủ thể một cách rõ ràng trong việc tham gia vào giáo dục.
Tôi xin đặt ra những câu hỏi liên quan đến khía cạnh này như sau: Đâu là vai trò của từng chủ thể nói trên trong việc thiết kế và xây dựng chương trình và nội dung giáo dục ở lần đổi mới này? Trong nhóm các tác giả biên soạn dự thảo này, có đại diện của hiệp hội các hiệu trưởng, các giáo viên, các phụ huynh và học sinh không? Trong quá trình vận hành sau này, mỗi một chủ thể này đóng vai trò gì, góp phần thế nào vào việc thiết kế nên những nội dung giáo dục và thay đổi chúng
Tôi nghĩ, chúng ta phải nghĩ đến một cơ chế thông thoáng, hiệu quả, luôn động và mở, để có thể tranh thủ sự góp sức của 90 triệu dân vào sự nghiệp giáo dục và vào sự phát triển, không chỉ là lần góp ý này mà là một cách thường xuyên, để giáo dục luôn có thể đáp ứng kịp thời những nhu cầu của xã hội và thời cuộc, cũng như có thể vượt lên dẫn đường cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/256825/bo-giao-duc-muon-tre-thanh-mau-nguoi-cong-dan-the-nao-.html
No comments:
Post a Comment