Ngân Hà
Cuốn sách Giáo dục Việt Nam và Phần
Lan mới xuất bản tháng 5.2015 là nghiên cứu so sánh điển hình về vai
trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước của tiến
sĩ Nguyễn Khánh Trung. Nó nhận được sự quan tâm của bạn đọc, vì giáo dục
hiện nay là vấn đề nóng bỏng. Và như G.J Danton nói: “Sau lương thực,
giáo dục là nhu cầu thiết yếu nhất của một dân tộc”.
Ông nói: “Phần Lan quan niệm rằng đất
nước của họ không nhiều tài nguyên, khí hậu tương đối khắc nghiệt, quanh
năm tuyết rơi. Vì vậy, họ ý thức giáo dục (GD) là thiết chế tạo ra
nguồn nhân lực tốt nhất, và với họ, nhân lực quyết định tất cả”.
Ông Trung cho rằng, gần đây mô hình GD
Phần Lan nổi tiếng thế giới, vì sự thành công trong GD của họ cũng khiến
cho các mô hình khác phải đặt lại vấn đề để thay đổi. Và phương pháp
nghiên cứu của ông là so sánh giữa GD Việt Nam và Phần Lan ở cấp tiểu
học, để tìm thấy mối tương quan cũng như những điểm mạnh, điểm yếu của
GD hai nước.
Ông Trung đã tiến hành đi khảo sát thực
tế tại trường Thanh Hải (đã đổi tên) ở vùng nông thôn Bắc Trung bộ, có
tỷ lệ các em đến trường cao và đạt thành tích trong bảng xếp hạng của bộ
GD – ĐT Việt Nam. Sau đó ông tiếp tục tiếp cận với một trường nông thôn
Phần Lan. Tuy nhiên môi trường GD của hai trường này khác nhau căn bản:
Ở Việt Nam dân số khoảng 70% là sống ở nông thôn, còn ở Phần Lan, đa số
dân sống ở thành thị.
“Chúng tôi phỏng vấn vị quản lý GD huyện
Thanh Hải, thầy hiệu trưởng, đại diện giáo viên, phụ huynh và cả học
trò. Cuộc phỏng vấn thực hiện đơn giản nhất là học sinh, phức tạp và kéo
dài nhất là hiệu trưởng và nhà quản lý GD địa phương.
Tuy nhiên, với tôi quan sát trực tiếp là
cách tiếp cận nhiều thú vị nhất. Chúng tôi ăn ở sinh hoạt chung với
giáo viên và học sinh trong vòng hai tuần. La cà với phụ huynh, có cả
nhậu nhẹt. Lúc đi thì tỉnh táo, lúc về có khi đi không vững nữa. Dù vậy,
tôi vẫn cố gắng nhậu vì hầu hết các đối tượng được bố trí để trả lời
chúng tôi phần lớn là thuộc lòng bài nào đó nên nghe không thật. Nhưng
nhờ nhậu nhẹt mỗi tối, tôi lại nhận được những thông tin chính xác hơn,
chia sẻ thật lòng hơn. Ở Phần Lan, chúng tôi cũng ở trường học của họ
mười ngày và thực hiện các cuộc phỏng vấn, quan sát… nhưng dễ dàng hơn
vì họ thật thà và không nhậu nhẹt, không sống hai mặt: mặt chính thức và
mặt ngoài lề như chúng ta”, ông chia sẻ.
GD hai nước giống nhau ở điểm: ưu tiên
học toán và tiếng mẹ đẻ. Nhưng khi phân tích sâu thì ông thấy rõ sự đầu
tiên là khác biệt về vai trò của nhà nước: nhà nước Phần Lan phân quyền
đến các địa phương, chỉ cần định nghĩa mục tiêu GD quốc gia, rất rõ, cụ
thể như chương trình sử ở cấp tiểu học, chương trình khung từ lớp 1 đến
lớp 9, sẽ giúp các em nhận biết và tư duy như thế nào.
Ở Việt Nam, bộ GD – ĐT là tác giả biên
soạn chương trình, tác giả sách giáo khoa, sách giáo viên và theo kiểu
cầm tay chỉ việc, thậm chí biến thành pháp lệnh, giáo viên phải dạy y
như sách đã soạn sẵn, bất di bất dịch, và theo ông, sách giáo viên là
phản giáo dục, chỉ tạo điều kiện cho giáo viên ngày càng lười biếng,
không cần tư duy. Hiệu trưởng như một cảnh sát, là người làm theo mệnh
lệnh của cấp trên, công việc ở trường chỉ lo kiểm tra, nhận xét, không
đóng vai trò chuyên môn, giảng dạy. Dấu ấn của nhà trường, giáo viên và
học sinh chính là thi đua khen thưởng.
Giáo viên ở Việt Nam giống thợ dạy hơn,
họ là phát ngôn của sách giáo khoa chứ không phải là một chủ thể có
quyền tự chủ thật sự. Họ như chịu chi phối bởi một thế lực ngầm.
Về phía phụ huynh Việt Nam, phần lớn chủ
yếu bức xúc chuyện tiền bạc chứ không là chuyện gì khác. Họ càng bức
xúc khi giáo viên kiêm luôn người đòi nợ, làm cho hình ảnh giáo viên rất
méo mó, rằng nếu giáo viên như thế thì làm sao dạy được.
Ở Phần Lan: hiệu trưởng để cho giáo viên
tổ chức lớp học của mình. Nghề nhà giáo là nghề có uy tín và được trọng
vọng trong xã hội, vì vậy những người tài đều muốn trở thành nhà giáo.
Có sự phân quyền cho giáo viên rất rõ.
Mục tiêu của nhà trường là để cho học sinh được hạnh phúc. Vì vậy sau
này họ ban hành chương trình khác biệt hoá trong giáo dục, các thầy cô
cần nghiên cứu từng em học sinh để giúp từng em phát triển tốt nhất khả
năng của mình.
Họ không chạy theo thành tích, thi đua,
khen thưởng. Xem nhẹ thi cử, điểm số. Giáo viên có quyền đánh giá học
sinh của họ. Các giáo viên tự phối hợp với nhau. Khác cơ bản với GD Việt
Nam: điểm số vô cùng quan trọng vì để báo cáo thi đua.
Mục tiêu của GD Phần Lan là đào tạo ra con người của tương lai và các em sẽ làm chủ tương lai ấy.
Nguồn: http://thegioitiepthi.net/khoa-hoc-giao-duc/nguoi-phat-ngon-cua-sach-giao-khoa/
No comments:
Post a Comment