Sunday, October 25, 2015

Tính khách quan, sự thật xã hội và các tiêu chí chất lượng trong nghiên cứu định tính





NguyỄn KHÁNH TRUNG*


Từ những năm 1980 trở lại đây, giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới đang quay lại với nghiên cứu định tính như một cách cần thiết để đảm bảo chất lượng nghiên cứu, nhưng tại Việt Nam, loại hình nghiên cứu này chưa được thực hiện nhiều, các tài liệu, đặc biệt các tài liệu về khoa học luận liên quan dường như còn rất thiếu. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm góp phần nhỏ của mình vào việc cải thiện tình trạng nghèo nàn này. Bài viết trình bày cách hiểu về khái niệm “tính khách quan”, khái niệm “sự thật xã hội” trong loại hình nghiên cứu định tính, cũng như trình bày các tiêu chí chất lượng và một số kỹ thuật mà nhà nghiên cứu nên áp dụng để đảm bảo chất lượng cho một công trình nghiên cứu định tính.

Nếu vào thập niên 1970, phương pháp nghiên cứu định lượng chiếm vị trí thống soái trong các ngành khoa học xã hội với các kỹ thuật thu thập dữ liệu bằng bản hỏi, thống kê, số hoá, thì từ những năm 1980 trở lại đây, với sự quay lại của khái niệm chủ thể (acteur) trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn (Oberson, 2010), các nhà nghiên cứu có khuynh hướng sử dụng các kỹ thuật của nghiên cứu định tính để tìm hiểu sâu các hiện tượng xã hội trong bối cảnh đặc thù, xem xét các quá trình trong các động thái (dynamique) và phức tạp của chúng (Bru, 2004; Duru-Bellat, 2004, dẫn bởi Paquay, 2006, tr. 14). Chiều hướng này đang trở thành một trào lưu quan trọng đến nỗi đã có nhà nghiên cứu cho rằng: “Ngày nay, người ta không gọi ai đó là ‘nhà nghiên cứu’ khi người này không biết đến các lý thuyết và các kỹ thuật nghiên cứu sâu (approfondie) mà chỉ dừng lại ở những kiểu điều tra thống kê máy móc” (Martinand, 2011).
Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở của loại hình nghiên cứu này thường bị phê bình bởi các nhà thực chứng luận (positivisme) là thiếu “tính khách quan”, thiếu tính đại diện, thiếu các quy chuẩn ổn định để đo đạc “sự thật” xã hội (réalité sociale), không thể lặp lại các thí nghiệm để có thể kiểm chứng những điều nhà nghiên cứu tuyên bố, vv. Khái niệm “tính khách quan” là khái niệm trung tâm trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa thực chứng luận. Với họ, nghiên cứu khoa học trên hết phải đảm bảo tính khách quan, Durkheim (1894) yêu cầu nhà nghiên cứu phải xem các hiện tượng xã hội như là những “sự vật xã hội” (chose sociale), nhà nghiên cứu phải trung lập, phải ra khỏi đối tượng nghiên cứu để có thể quan sát và phân tích đối tượng một cách khách quan, giữ thái độ trung lập như nhà vật lý quan sát một hiện tượng tự nhiên.
Thế nhưng thế nào là “tính khách quan” trong khoa học xã hội? Trong nghiên cứu định tính khái niệm này nên được hiểu thế nào? Thế nào là sự thật xã hội? Thế nào là tính đại diện? Nghiên cứu định tính cần những tiêu chí chất lượng nào? Trong bài viết, chúng tôi cố gắng trả lời các câu hỏi này. Những nội dung trả lời sẽ được trình bày vừa là kết quả nghiên cứu tài liệu, vừa là kết quả rút ra từ những trải nghiệm thực tế mà chúng tôi có được nhờ vào việc thực hiện các dự án nghiên cứu.

Bài viết sẽ chia làm ba phần, trong phần đầu, chúng tôi sẽ trình bày về cách hiểu khái niệm tính khách quan và các tiêu chí chất lượng trong nghiên cứu định tính; trong phần hai chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi thế nào là sự thật xã hội; và cuối cùng, trong phần ba sẽ nói tới một số kỹ thuật giúp đảm bảo tính khách quan trong loại hình nghiên cứu này.
Tính khách quan và các tiêu chí chẤt lưỢng trong nghiên cỨu đỊnh tính
Tiếp cận trong nghiên cứu định tính từ chối quan niệm về tính khách quan theo kiểu của các nhà thực chứng luận đã đề cập ở trên. Theo Pires (1997), các nhà khoa học xã hội nói chung không thể nào thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm trên các hiện tượng xã hội như các nhà khoa học tự nhiên. Nghĩa là không thể làm thí nghiệm và phân biệt rạch ròi đúng-sai với các chuẩn mực “khách quan” như khoa học tự nhiên (tr. 26-27). Với Pires, khách quan kiểu như vậy trong nghiên cứu khoa học xã hội không tồn tại và cũng không cần thiết (tr.27). Nhà nghiên cứu khoa học xã hội không thể xem hiện tượng xã hội từ bên ngoài một cách vô tư mà không ảnh hưởng gì đến đối tượng được quan sát, bởi lẽ, đối tượng được quan sát của khoa học xã hội là những con người có ý thức và ít nhiều sở đắc sự chủ động và tự do khi đối diện với nhà nghiên cứu, chứ không là những đồ vật vô tri như đối tượng của các khoa học tự nhiên để có thể quan sát, đo lường, mô tả thống kê, số hóa những ý nghĩ, phản ứng của họ từ bên ngoài. Họ là đối tượng chịu quan sát, là bên cung cấp dữ kiện cho nhà nghiên cứu, nhưng họ là những acteur chủ động có thể tác động ngược lại lên nhà nghiên cứu, chủ động thực hiện chiến lược của họ thông qua việc cung cấp các dữ kiện.
Nói theo ca dao Việt Nam là: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Nhiệm vụ của nghiên cứu định tính là “đo lòng người”, tìm cách hiểu, mô tả, giải thích những ý nghĩa thực sự từ cách nhìn, quan điểm, nhận thức của người trong cuộc. Nhà nghiên cứu tập trung giải thích các nghĩa (significations) và các “ý nghĩa” (sens) được gán cho các hiện tượng xảy ra trong đời sống (Paillé & Mucchielli, 2009). Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là tìm cánh hiểu những hiện tượng trong ý nghĩa mà các đối tượng được quan sát nhận thức. Những cụm từ mà các nhà nghiên cứu định tính thường dùng trong công trình của mình là: Điều này muốn nói lên rằng; điều này nghĩa là...; cần phải hiểu rằng...; như vậy ý nghĩa của nó là... nói chung là nhằm diễn giải (interprétation) vấn đề được nghiên cứu.
Nhiệm vụ “đo lòng người”, phản ánh những ý nghĩa gắn liền với các hiện tượng là một nhiệm vụ khó khăn, mà có lẽ không một quy định, quy chuẩn nào có thể trở thành công thức để có thể áp dụng chung, bởi lòng người khó đoán, “nói vậy mà không phải vậy”. Mỗi người lại mỗi khác, mỗi người chịu ảnh hưởng từ hệ quy chiếu khác nhau, trải qua quá trình xã hội hoá khác nhau, được nuôi dạy khác nhau, và trên hết họ có ý thức và chủ động, có tự do để lựa chọn có nên “thổ lộ” những suy nghĩ thực sự, có nên “trải lòng” với nhà nghiên cứu hay không. Bởi con người phức tạp như thế, nên nhà nghiên cứu khó lòng có thể hiểu sâu về các hiện tượng xã hội nếu chỉ sử dụng các kỹ thuật kiểu “công nghiệp hóa xã hội học” (Kaufmann, 1996, tr. 11-12), sản xuất hàng loạt các dữ kiện mà không tính gì đến bối cảnh gắn liền với những cá thể tham gia trả lời (Verhoeven, 2006, tr. 89).
Để hiểu vấn đề, không phải chỉ là một buổi trò chuyện, một vài lần tiếp xúc trong một vài canh giờ giữa nhà nghiên cứu và đối tượng được quan sát, mà có khi cần đến hằng năm trời, thậm chí là nhiều năm trời sống bên nhau, thân thiết, tin tưởng nhau, may gì các đối tượng mới có thể chia sẻ với nhà nghiên cứu những gì mình nghĩ, hay quan sát được những gì đang thực sự xảy ra, thấu hiểu được những gì ẩn sau những ngôn từ và hành động của người trong cuộc. Từ nhận thức này, nên nghiên cứu định tính chủ trương mềm dẻo trong phương pháp. Nhà nghiên cứu có thể xây dựng một đề cương trước, đặt ra câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu thập thông tin, vv, thế nhưng nhà nghiên cứu phải biết linh hoạt, mềm dẻo để có thể phù hợp với hiện trường, với từng đối tượng mà mình gặp. Nhà nghiên cứu phải biết “mở lòng” trước, không đặt kế hoạch nghiên cứu dưới quan điểm của mình làm điểm quy chiếu để rồi che khuất nhận thức, những ý nghĩa thực vốn gắn liền với đối tượng được quan sát.
Nhà nghiên cứu ý thức sự có mặt và hành động của họ có thể tác động lên đối tượng nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn, sự có mặt của nhà nghiên cứu trước mặt một đối tượng mà mình muốn phỏng vấn, muốn quan sát sẽ tạo ra những phản ứng, sẽ tác động lên nội dung trả lời của người được hỏi. Vậy nên, nếu đòi hỏi phải có “tính khách quan” trong nghiên cứu khoa học xã hội theo nghĩa các nhà thực chứng luận muốn có là một “ảo tưởng” (illusion), là “khách quan hư cấu” (objectivité fictive), trong nghiên cứu khoa học xã hội chỉ có thể có “khách quan xác thực” (objectivité authentique) mà thôi (Pourtois & Desmet, trong Mucchielli, 2009, tr. 165).
Do vậy, nhà nghiên cứu định tính không đặt ra tính đại diện theo chiều rộng kiểu như trong thống kê học, mà đặt ra sự “khái quát hóa có tính phân tích” (généralisation analytique), nghĩa là những kết luận của nhà nghiên cứu có chất lượng là các kết luận có ý nghĩa phân tích một cách xác thực trong bối cảnh gắn liền với cuộc nghiên cứu, cũng như trong những bối cảnh tương tự. Verhoeven (2006, tr. 105) đã đưa ra một so sánh về hai loại tổng quát hóa (type de généralisation) trong nghiên cứu định lượng và định tính (xem Hình 1).

 

























Trong nghiên cứu định tính, các nhà nghiên cứu không quan niệm về “tính khách quan”, “tính đại diện” và từ bỏ đòi hỏi tính “trung lập” (neutralité) của nhà nghiên cứu như cách mà các nhà nghiên cứu cổ điển quan niệm và đòi hỏi, ngược lại, họ chấp nhận tính liên chủ thể (intersubectivité) và xem đó như một trong những tiêu chí chất lượng của cuộc nghiên cứu. Nghĩa là công trình nghiên cứu phải đảm bảo có sự đồng điệu giữa những gì của nhà nghiên cứu và của các đối tượng được nghiên cứu trên bình diện ngôn ngữ cũng như tư tưởng (Verhoeven, 2006, tr. 101).
Nhà nghiên cứu làm công việc mô tả một cách tường minh những gì xảy ra theo chiều sâu, kể lại chi tiết những gì mình làm, những người mình gặp, diễn tiến những câu chuyện, hoàn cảnh xung quanh, diễn tiến điều chỉnh kế hoạch nghiên cứu và các giả thuyết, và để cho người đọc, người phản biện và cộng đồng học thuật đánh giá những gì nhà nghiên cứu trình bày có “xác thực” không, chứ không phải có “chính xác” không theo cách hiểu của các nhà thực chứng luận.
SỰ thẬt xã hỘi
Bất kỳ lập luận thế nào, thì các nhà nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đều nhất trí với nhau rằng, mục tiêu của nghiên cứu là phản ánh sự thật xã hội, nghiên cứu định tính cũng không thể nằm ngoài mục tiêu này. Tuy nhiên phải hiểu rằng, sự thật xã hội có muôn màu, nhiều khía cạnh, không ai có thể phản ánh hết tất cả các khía cạnh của sự thật xã hội. Chúng ta hãy lấy lại ví dụ mà Aron (1967, tr. 508, trích bởi Pires, 1997, tr. 30) về công việc của nhà sử học để minh hoạ cho điều này. Khi đề cập đến một sự kiện lịch sử nào đó đã xảy ra trong quá khứ, nhà sử học không thể kể tỷ mỹ tất cả các chi tiết về sự kiện này, nhưng chỉ có thể chọn một số khía cạnh có ý nghĩa để phản ánh sự thật đó mà thôi. Nghĩa là, nhà nghiên cứu làm công việc “rút gọn thông tin, tổ chức, xây dựng một cách đọc sự thật” (Pires, 1997, tr. 39) ở một số khía cạnh và vào một thời điểm cụ thể.
Nhà nghiên cứu định tính làm công việc phản ánh một cách đọc sự thật, phản ánh một số khía cạnh của sự thật xã hội, anh ta tìm cách tóm tắt về sự thật, nhưng anh ta không cắt lát, không phản ánh nửa vời. Do đặc thù của phương pháp, anh ta không nên kết luận như đinh đóng cột rằng mình đã bao quát hết sự thật, ngược lại, nên khiêm tốn cho rằng những sai sót trong quá trình nghiên cứu có thể có, những thông tin được phản ánh có thể có một số không hoàn toàn chính xác, rất cần những nghiên cứu khác bổ sung, soi sáng thêm. Nhà nghiên cứu ý thức nghiên cứu của mình không phải là “tấm gương” phản ánh hoàn toàn mọi khía cạnh sự thật vì không ai làm được như thế trong khoa học xã hội... nhưng nhà nghiên cứu không buộc phải từ chối kết quả nghiên cứu của mình là không phản ánh sự thật, là hoàn toàn chủ quan. Nếu công việc của nhà nghiên cứu là “tóm tắt” về sự thật, thì công việc trình bày bản tóm tắt đó phải là một công việc nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được những điều chính yếu và thuyết phục được người đọc.
Sự thật xã hội khi gắn liền với những cá nhân con người lắm khi nằm ẩn sau những ngôn từ, những “hộp đen” mà các đối tượng được quan sát có khi nói ra, thể hiện ra và cũng lắm lúc không nói, không thể hiện ra, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm. Trong những trường hợp như thế, chất lượng nghiên cứu hoàn toàn tuỳ thuộc khả năng và kinh nghiệm của nhà nghiên cứu. Anh ta sử dụng phương pháp nào, tiếp xúc với đối tượng thế nào, dẫn giải câu chuyện ra sao, phân tích thế nào... để có thể giảm thiểu những tác động của mình lên đối tượng nghiên cứu, chứng tỏ mình có thể thấu hiểu và diễn giải được những ý nghĩa thực sự gắn đằng sau những gì các đối tượng được quan sát trình bày, hay những gì tai nghe mắt thấy trong quan sát sao cho xác thực. Các dữ liệu thu thập được phải có thể phân tích, tranh biện, đặt vấn đề trước khi chấp nhận chúng là những dữ kiện khoa học (Devereux, 1980); những dữ kiện đó có đúng không, có trung thực không, có chân thành không, có ý nghĩa không (Habermas, 1987), nghĩa là có làm người khác hiểu và chấp nhận được không (Những tác giả trên được dẫn bởi Pourtois & Desmet trong Mucchielli, 2009, tr. 165-166).
MỘt sỐ kỸ thuẬt đẢm bẢo tính khách quan trong nghiên cỨu đỊnh tính
Nếu nghiên cứu thực nghiệm trong khoa học tự nhiên có thể kiểm chứng được bằng sự lặp lại những thí nghiệm trước khi cộng đồng khoa học công nhận những phát hiện mới, thì nghiên cứu định tính trong khoa học xã hội, cộng đồng các nhà nghiên cứu làm điều này bằng cách xem xét cách thức nhà nghiên cứu làm thế nào để có được những kết quả đó: phương pháp nào được sử dụng và sử dụng như thế nào? Các phương pháp được sử dụng có chặt chẽ không, có đúng không? Việc chọn mẫu, chọn địa bàn nghiên cứu được tiến hành thế nào và dựa trên những cơ sở nào? Thời gian và diễn tiến của nghiên cứu thế nào, có đáng tin cậy không? Nhà nghiên cứu là ai, đã có kinh nghiệm và uy tín trong nghiên cứu định tính chưa? Các kết quả được đúc kết phân tích thế nào từ các dữ liệu, nó có bám rễ trên các lý thuyết khác hay tạo ra những lý thuyết mới không? Các kết quả đưa ra đã được tranh biện và tranh biện thế nào? Các kết luận đưa ra có ý nghĩa không và mức độ ý nghĩa đến đâu?
Để đảm bảo mục tiêu nghiên cứu là phản ánh sự thật xã hội như đã nói, những điều gắn liền với nhận thức của người trong cuộc được quan sát trong một bối cảnh nhất định. Khác với các nhà nghiên cứu định lượng, các nhà nghiên cứu định tính thường vừa thu thập dữ liệu vừa làm công việc phân tích dữ liệu. Nghĩa là thay vì đợi hoàn thành phần thu thập dữ kiện mới xử lý, phân tích, nhà nghiên cứu định tính có thể bắt đầu công việc phân tích dữ kiện ngay sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên, thực hiện ngày quan sát đầu tiên, hay thu thập được những tài liệu đầu tiên. Những phân tích này là nền, là cơ sở của những công việc kế tiếp trên thực địa. Theo kinh nghiệm của Miles & Huberman (2003, tr. 201) thì đây là hình thức lý tưởng nhất, nó cho phép nhà nghiên cứu suy nghĩ trên những dữ liệu mà mình đã thu thập, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, rút kinh nghiệm và điều chỉnh cách thức thu thập các dữ liệu, nhờ đó giúp công việc thu thập dữ liệu trong tương lai có chất lượng hơn. Phương pháp “làm liền” này là lý tưởng trong nghiên cứu định tính vì nhà nghiên cứu vẫn còn nhớ, vẫn còn sống trong bối cảnh và bầu khí trên thực địa với những cảm nhận của mình về những tác động xung quanh, những ngôn ngữ có lời và không lời của những con người mà nhà nghiên cứu đã gặp gỡ, tiếp xúc trên thực địa. Nó gợi những ý tưởng mới, kích thích tư duy, giúp nhà nghiên cứu xây dựng các giả thuyết, hay chỉnh sửa giả thuyết (nếu đã xây dựng nó trước trong đề cương nghiên cứu).
Trong loại hình nghiên cứu nào cũng cần thiết lập các giả thuyết nghiên cứu, nhưng khác với nghiên cứu định lượng, các giả thuyết thường được xây dựng trước, nhà nghiên cứu định tính có thể tiến hành nhiều khâu cùng lúc, vừa thu thập dữ liệu, vừa xử lý dữ liệu và vừa xây dựng các giả thuyết nghiên cứu. Các giả thuyết được hình thành trên các dữ liệu đã thu thập, chúng có thể được chỉnh sửa cho phù hợp với các dữ liệu mới, và cứ như vậy cho đến lúc nào, các giả thuyết ổn định, các dữ liệu thu thập thêm, mở rộng ra không còn làm các giả thuyết thay đổi đáng kể, điều này được xem như đã đạt đến tình trạng bão hoà (saturation), thì nhà nghiên cứu có thể ngưng việc thu thập dữ liệu (Verhoeven, 2006, tr. 101). Sự thành công của một đề tài là các giả thuyết biến thành những “lý thuyết” (Strauss & Corbin, 2004, tr. 43) có ý nghĩa, không những trong bối cảnh cụ thể mà nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu, mà còn có ý nghĩa phân tích, tiên báo trong những bối cảnh tương tự.
Như đã nói, nhà nghiên cứu định tính xem tính liên chủ thể (intersubectivité) như một tiêu chí chất lượng trong công việc thu thập và xử lý các dữ kiện trong quá trình nghiên cứu (Guba, 1990, dẫn theo Paquay và cộng sự, 2006, tr. 100), nghĩa là nhà nghiên cứu chấp nhận sự có mặt của mình có thể ảnh hưởng đến các dữ kiện và kết quả nghiên cứu nói chung trong sự tương tác với đối tượng được nghiên cứu, cũng có nghĩa là chấp nhận các kỹ năng phản tư và phân tích của người được nghiên cứu (Dubet, 1994a, 1994b; Boltanski, 1990). Nhà nghiên cứu luôn cần ý thức có sự tương tác giữa bản thân và đối tượng được quan sát và điều này lại tác động trên hành động thu thập dữ liệu cũng như tính chất của các dữ liệu thu thập được. Việc thu thập dữ kiện ảnh hưởng bởi lăng kính, cảm nhận của nhà nghiên cứu, nhưng dữ kiện cũng ảnh hưởng ngược lại lên nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, khi nhà nghiên cứu đến với cộng đồng, anh ta mang theo một kế hoạch, những lý thuyết tiếp cận và với những quan điểm và các giá trị riêng. Những thứ này ảnh hưởng trên cách anh ta đặt các câu hỏi nghiên cứu, trên việc anh ta chọn những sự kiện để tham dự, trên việc lựa chọn người để phỏng vấn, nơi chốn để quan sát, nguồn tài liệu cần phải tìm kiếm vv. Tuy nhiên, khi anh ta đến và tiếp xúc với cộng đồng, chứng kiến những việc xảy ra, nghe những câu chuyện gắn liền với lịch sử của cộng đồng, nói chuyện, trao đổi phỏng vấn với những người trong cuộc, những điều này chắc chắn lại ảnh hưởng ít nhiều ngược lại lên nhà nghiên cứu. Lắm lúc làm anh ta thay đổi quan điểm, thay đổi nhận thức và có thể phải điều chỉnh cả kế hoạch nghiên cứu, điều mà nghiên cứu định tính cho phép, nhất là đối với trường phái những nhà nghiên cứu chủ trương “đặt cơ sở trên dữ kiện thực địa” (grounded theory). Nói cách khác, nhà nghiên cứu nên luôn duy trì thái độ nghi ngờ: mọi khâu trong nghiên cứu từ đặt câu hỏi nghiên cứu, đặt giả thuyết, xếp loại phân tích các dữ liệu đều phải được coi là “tạm thời”, mọi khâu có thể thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh trên hiện trường. Nhà nghiên cứu hoàn toàn có thể gạt bỏ hết những điều vốn có sẵn trong đầu mình, để sẵn sàng đặt lại vấn đề trên cơ sở những dữ kiện thu thập được trên thực địa (Glaser và Strauss, 1967, dẫn theo Nguyễn Xuân Nghĩa, 2011).
Như vậy, một nghiên cứu với phương pháp định tính có khách quan hay không, không phải là việc có giữ thái độ “trung lập” hay không, mà là việc nhà nghiên cứu có hiểu dữ liệu đúng bản chất của nó hay không. Nghĩa là, nhà nghiên cứu có hiểu đúng ý của người trong cuộc (của người được phỏng vấn, được quan sát) hay không. Nếu kỹ thuật đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu định lượng là kiểm soát các biến số, thì các kỹ thuật trong nghiên cứu định tính là khả năng lắng nghe, khả năng giao tiếp, dẫn dắt câu chuyện của nhà nghiên cứu..., làm sao để người được phỏng vấn nói, giãi bày những điều họ nghĩ.
Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, nhà nghiên cứu nên sử dụng kết hợp nhiều loại hình kỹ thuật để hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu có thể kết hợp giữa nghiên cứu tài liệu, kỹ thuật quan sát và phỏng vấn sâu. Có những điều có thể đối tượng được chọn phỏng vấn không thổ lộ, không nói thật, nhưng nhờ vào việc quan sát nhiều ngày môi trường mà đối tượng sống, nhà nghiên cứu phát hiện và tìm cách xác minh, tìm hiểu thêm để có những kết luận xác đáng hơn. Hay ngược lại, những gì quan sát được trong cộng đồng không giúp hiểu sâu về hiện tượng, nhà nghiên cứu có thể chọn một số đối tượng để phỏng vấn, nghiên cứu các tài liệu liên quan nhằm tìm hiểu cặn kẽ hơn các sự kiện.
Trước cùng một vấn đề trong một không gian nhất định, nhà nghiên cứu cũng nên hỏi, trao đổi với nhiều người và so sánh các nội dung với nhau để kiểm tra độ tin cậy. Chẳng hạn, trước một câu hỏi, nhưng nếu 4 giáo viên trong cùng một ngôi trường trả lời khác nhau, chắc chắn nhà nghiên cứu phải xem lại và phải tiếp tục đi tìm kiếm sự thật.
Để hạn chế bối cảnh, sự kiện tại địa bàn nghiên cứu chi phối, nhất là gặp một địa bàn có quá nhiều những sự kiện, nhà nghiên cứu bị lôi kéo và chịu nhiều sự tác động từ nhiều phía, thỉnh thoảng nhà nghiên cứu phải biết thoát ra khỏi các dữ kiện, khỏi địa bàn một thời gian ngắn và đặt cho mình câu hỏi để suy nghĩ: Điều gì đã thực sự xảy ra ở đây? Những gì tôi nghĩ có thực sự là bản chất của dữ kiện không? Những gì các nhân vật trong cuộc phản ánh có thực sự là sự thật không? Bởi lẽ, những đối tượng tại địa bàn là những acteur trên sân khấu xã hội, chứ không phải là những cổ máy thụ động, họ có thể tìm cách ảnh hưởng trên các dữ liệu, tận dụng cơ hội được phỏng vấn, được quan sát để thực hiện những chiến lược riêng của họ, nhất là những người lãnh đạo trong cộng đồng. Họ không những cung cấp cho nhà nghiên cứu những dữ kiện với ý đồ riêng nhằm thực hiện chiến lược của họ thông qua nhà nghiên cứu, mà với ảnh hưởng và quyền hành của mình trong cộng đồng, họ có thể bố trí những người khác gặp gỡ, trao đổi, trả lời các phỏng vấn... làm méo mó kết quả nghiên cứu. Nếu không tỉnh táo và có đối sách, nhà nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu của anh ta vô tình chỉ làm công việc quảng cáo cho những nhân vật này. Do vậy, trong công việc tại địa bàn, tìm kiếm những nhân vật có thể hợp tác với nhà nghiên cứu đã không dễ, nhưng khi gặp những người chấp nhận một cách quá dễ dàng với mình thì nhà nghiên cứu cũng phải cẩn trọng, phải tìm hiểu về động cơ của họ khi hợp tác với mình để giảm thiểu tối đa những điều có thể ảnh hưởng lên kết quả nghiên cứu.
Ngoài các kỹ thuật nói trên, sự cảm nhận (sensibilité) của nhà nghiên cứu cũng rất cần thiết để thấu hiểu những gì chưa rõ, những ý nghĩa (sens) của dữ kiện. Nội dung trả lời phỏng vấn có ý nghĩa gì? Những ngôn từ của đối tượng có gì mâu thuẫn với những ngôn ngữ không lời của cơ thể, của nét mặt không? Những ngôn ngữ đó có mâu thuẫn với những cảm nhận của nhà nghiên cứu không? Chẳng hạn, người được hỏi nói với nhà nghiên cứu là anh ta đang cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với môi trường sống xung quanh, nhưng người quan sát lại bắt gặp những cử điệu, những ánh mắt và nét mặt mâu thuẫn với những lời nói, mâu thuẫn với những cảm nhận của nhà nghiên cứu, thì nhà nghiên cứu nên xem lại tính xác thực của những nội dung trả lời.
KẾt luẬn
Nghiên cứu xã hội nào cũng có mục tiêu phản ánh sự thật xã hội, lựa chọn loại hình nghiên cứu nào là tuỳ tính chất của từng chủ đề nghiên cứu. Tuy nhiên ngày nay, nghiên cứu định tính đang được đánh giá là hết sức quan trọng, là các kỹ thuật không thể không biết tới nơi các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như đã nói ngay từ đầu. Bởi lẽ, sự thật trong nghiên cứu xã hội rất phức tạp, gắn liền với những cá thể con người vốn là những acteur chủ động, có lý trí, có chiến lược riêng, có thể thổ lộ ra bên ngoài một cách chân thành và cũng có thể không, do đó các kỹ thuật định lượng không phải lúc nào cũng có thể số hóa một cách chính xác. Với tính chất như vậy, nghiên cứu định tính với các kỹ thuật đặc thù, với sự mềm dẻo trong phương pháp có thể cho phép nhà nghiên cứu tiếp cận gần sự thật xã hội hơn. Tuy nhiên nghiên cứu định tính cũng có những tiêu chí về chất lượng và các kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan mà nhà nghiên cứu cần tuân thủ, tuy cách hiểu về khái niệm này không hoàn toàn như cách hiểu của nghiên cứu định lượng mà chúng tôi đã trình bày.
Vì nghiên cứu sâu vấn đề, nên nhà nghiên cứu định tính không thể bao quát chiều rộng như các thống kê định lượng, do đó nhà nghiên cứu nên khiêm tốn trong các kết luận, phải biết chấp nhận bị phê bình, chấp nhận kết quả nghiên cứu của mình có giới hạn, tránh những ngôn từ “đao to búa lớn”, hay những khẳng định kiểu “rất đúng đắn” hay “hết sức sai lầm” trong các sản phẩm khoa học của mình.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Durkheim, E. 1894. Les règles de la méthode sociologique. Paris, Payot, coll. “Petite Bibliothèque Payot”, 2009.
2. Kaufmann, J-C. 1996. L’entretien compréhensif. Paris: Armand Colin.
3. Martinand, J-L. 2011. La vague des “ruptures épistémologiques” et l’apport des théories contemporaines. Tham luận hội thảo quốc tế (l’AFFIRSE), tổ chức ngày 14 – 17/6/2011, tại trụ sở UNESCO – Paris.
4. Miles. B-M., & Huberman. A-M. 2003. Analyse des données qualitatives (Dịch sang tiếng Pháp bởi Rispal, M – H [2003] - Tái bản lần 2). Paris: De Boeck
5. Nguyễn Xuân Nghĩa. 2011. Quy nạp phân tích - một lối tiếp cận của nghiên cứu định tính. Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7 (155)-2011, tr. 24-33
6. Oberson, B. 2010. Analyse des entretiens biographiques: Résumé du cours no 2 Postures de recherches et statut de la parole des gens: de l’acteur à l’actant en passant par le sujet (cours).
7. Paillé, P. & Mucchielli, A. 2009. L’analyse qualitative en sciences humaines et sociales. Paris: Armand Colin.
8. Paquay, L.; Crahay, M.; De Ketele, J-M. 2006. L’analyse qualitative en education, des pratiques de recherche aux critères de qualité. Paris: De Boeck.
9. Pires, A. 1997. De quelques enjeux épistémologiques d'une méthodologie générale pour les sciences sociales. Trong Poupart, & all. 1997. La recherche qualitative. Enjeux épistémologiques et méthodologiques, pp. 3-54. Montréal: Gaëtan Morin, Éditeur.
10. Pourtois J-P., Desmet, H. 2007, Épistemologie et Instrumentation en Sciences Humaines. Liège, Madaga.
11. Mucchielli, A. (cb). 2009. Dictionnaire des méthodes qualitatives en sciences humaines. Paris: Armand Colin.
12. Strauss, A. & Corbin, J. 2004. Les fondements de la recherche qualitative. Fribourg Suisse: Editions Saint-Paul.

Nguồn: Tạp chí KHXH, số 8 (204) 2004. Tr. 92 – 101.



* Nguyễn Khánh Trung. Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (Viện IRED).

No comments:

Post a Comment