Wednesday, December 4, 2013

Bộ Giáo dục bất ngờ với kết quả xếp hạng học sinh

Văn Chung - Nguyễn Thảo

- Sáng 4/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Tôi vui và bất ngờ với kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế vừa công bố ngày 3/12".

"Lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá này vào năm 2012. Chúng ta là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước nhưng chất lượng gây bất ngờ cho cả thế giới" - Thứ trưởng Hiển, cũng là người phụ trách dự án PISA của Việt Nam, bày tỏ.
Bộ Giáo dục, bất ngờ, học sinh, VN, Mỹ, vượt xa, Olympic, PISA, OECD
Danh sách những thành phố, quốc gia đứng đầu bảng

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD), Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kết quả ở từng môn cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), xếp thứ 17 về môn Toán (511 điểm) và xếp thứ 19 về môn Đọc hiểu (508 điểm).


Năm nay, trọng tâm của đánh giá này tập trung vào môn Toán.
Sáng nay, 4/12, mở đầu trong buổi đối thoại trực tuyến bàn về “Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm”, lãnh đạo ngành GD-ĐT chia sẻ niềm vui vì kết quả PISA vừa được công bố của học sinh Việt Nam.(Ảnh: Văn Chung)
"Kết quả này bất ngờ cả với chúng tôi (lãnh đạo Bộ GD-ĐT, PV). Khi bắt đầu tham gia chương trình này, ta chỉ hi vọng học sinh đạt trung bình hoặc dưới trung bình” – lời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Xem KẾT QUẢ chi tiết tại đây
Theo ông Hiển: “Trong quá trình chuẩn bị về số liệu học sinh, danh sách các trường, các loại hình trường công lập, ngoài công lập, trường nghề, người ta (OECD-PV) nắm thông tin và chọn mẫu. Kết quả họ chọn 59 tỉnh thành được tham gia. Như vậy là ngẫu nhiên và ta không can thiệp vào được”.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) bổ sung: “Cái vui hơn vì đây không phải là kỳ thi mà là kỳ kiểm định chất lượng; không phải là lựa chọn ai đậu cái gì mà xem xét trình độ, mức độ của học sinh ta như thế nào với khu vực và thế giới”.
"Ngôi sao thành tích"
Ông Andreas Schileicher – người chịu trách nhiệm đánh giá kết quả PISA đã nhấn mạnh “thành tích ngôi sao” của Việt Nam trong lần đầu tiên tham gia bảng xếp hạng quốc tế này. 
Thông tin về kết quả do OECD công bố cũng đã được nhiều tờ báo lớn của Anh, Mỹ đăng tải.
Tờ Daily Mail của Anh ví Việt Nam là “ngôi sao đang nổi” khi viết: Việt Nam giành vị trí số 17 trong bảng xếp hạng mặc dù chi tiêu cho giáo dục ít hơn nhiều so với Anh.
Số học sinh trung bình/ lớp của Việt Nam là 41 em. Daily Mail cho rằng con số này là “một sự nhạo báng quan điểm cho rằng chất lượng giáo dục phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh/ giáo viên”.
“Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ cha mẹ quan tâm tới việc học hành của con cái nhất. 49,2% phụ huynh duy trì liên lạc với giáo viên để kiểm tra tình hình học tập của con em mình”.
Ông  Andreas Schleicher bình luận:  “Học sinh Việt Nam thường đi học thêm. Phụ huynh cũng thường thuê gia sư để giúp con em mình học tập ở những trường công lập ngân sách hạn hẹp. Trong khi  Anh chi ngân sách cho mỗi học sinh  gấp 14 lần Việt Nam”.
CNN thì quan tâm tới kết quả "tiếp tục dẫn đầu" của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trong bảng xếp hạng này.
CNN dẫn lời hiệu phó một trường phổ thông ở Trung Quốc, giải thích thành công của Thượng Hải (hai lần liên tiếp đứng đầu kể từ khi tham gia) là một sản phẩm của một nền văn hóa, vốn dành ưu tiên cho các thành tích học tập.
Việt Nam "luyện" PISA như thế nào?
Cũng trong sáng 4/12, Bộ GD-ĐT cho biết, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động và từng bước triển khai thực hiện để đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo PISA.
Theo đó, đã cử 1 lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách điều hành PISA, đứng tên ký thỏa thuận với OECD.
Bộ cũng thành lập Ban Quản lý PISA, thành phần gồm các lãnh đạo của những đơn vị trực tiếp liên quan đến thi cử và phát triển giáo dục dục phổ thông.
Ban quản lý này chịu trách nhiệm đưa ra các quyết sách thực hiện PISA quốc gia và chỉ đạo các Sở GD & ĐT.
PISA cũng được vào trong nhà trường phổ thông gắn liền với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Văn phòng PISA Việt Nam đã biên soạn 2 cuốn tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.
"Điều khác biệt mà VN làm so với các nước khác, là VN không có trang web riêng về PISA, một số trường còn khó khăn nếu có trang web cũng không thể sử dụng, nên phải biên soạn tài liệu tập huấn bằng cách dịch các tài liệu đã được OECD công bố rất công phu" - đại diện Bộ GD-ĐT giải thích.
Để giới thiệu về các lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu, VN đã nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh.
Tiếp đó, ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương.
 Để đưa PISA vào trường phổ thông, Bộ chỉ đạo trên toàn quốc các giáo viên đã được tập huấn PISA thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, thảo luận từng dạng bài thi và các dạng câu hỏi thi PISA.
Giáo viên giới thiệu cho học sinh một số câu hỏi thi PISA được in trong tài liệu tập huấn.
Có trường xây dựng được mạng nội bộ đã đưa lên mạng các dạng bài thi PISA cho học sinh làm, mở cuộc thi nhỏ tìm hiểu về PISA.
Thế mạnh của học sinh Việt Nam là Toán. Kỳ KS 2012 tập trung nhiều câu hỏi Toán. Do các em được làm quen với PISA trong năm học, nên đã chủ động kiểm soát được thời gian làm bài.
Niềm vui có "ngắn tày gang"? Việc học sinh Việt Nam thành thục các kỹ năng tính toán, đọc viết có lẽ không phải là "điều bất ngờ" với các nhà quan sát giáo dục.
"Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế," bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
Tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cầu đối với lao động, chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản ngày nay sang các công việc phi thủ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn; chuyển từ các công việc chủ yếu là các thao tác, nhiệm vụ thường quy sang các nhiệm vụ không thường quy. Và những công việc mới đó luôn đòi hỏi những kỹ năng mới.
Nhận thấy nguy cơ tụt hậu của giáo dục Việt Nam trong phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới đã chọn chủ đề "phát triển nguồn nhân lực" làm nội dung của báo cáo phát triển năm 2014.
Ông Christian Bodewig, tác giả chính của báo cáo cho hay, “Những công việc mới này hiện đã có mặt trên thị trường lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động ở Việt Nam vẫn đang vất vả tìm kiếm những người lao động phù hợp với mình".
Các chuyên gia đã khuyến nghị:
"Thay vì lập kế hoạch và quản lý hệ thống giáo dục và đào tạo một cách tập trung và mệnh lệnh từ trên xuống, Chính phủ nên đóng vai trò hỗ trợ để đảm bảo luồng trao đổi thông tin tốt hơn giữa người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục, trường đại học và học sinh, đồng thời nâng cao năng lực và cung cấp các động cơ khuyến khích đúng đắn thông qua việc giải phóng cho các trường đại học để họ trở thành những đối tác hiệu quả hơn của các doanh nghiệp."
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị lực lượng lao động hiện đại này đòi hỏi sự thay đổi về hành vi của tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động phát triển kỹ năng như người sử dụng lao động, các trường đại học và cơ sở đào tạo, sinh viên cũng như phụ huynh học sinh.
Sẽ tiếp tục tham gia PISA
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng - của từng điạ phương (không phải là đánh giá kết quả của các cá nhân các học sinh).
Tháng 5/2015, học sinh VN sẽ tiếp tục tham gia kỳ khảo sát đánh giá của PISA với trong tâm là khả năng khoa học.

 
Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc (21)
Khung1 giờ trước
Đừng quá ảo tưởng,hãy nhìn vào sản phẩm cuối cùng là Sinh Viên thì biết thật hay giả,giống như xếp loại bóng đá ấy.
Trần Hùng53 phút trước
Vui sướng " kể gì " ? Sao không xem tổ chức minh bạch thế giới ( TI ) xếp hạng VN mà tự hào ! Một tuần học cả ngày thứ bảy , đi học thì cái cặp nặng từ 6kg - 7kg ; sau đó còn học thêm đủ thứ . . . học gấp bao nhiêu lần người ta , mà xếp hạng thứ 17 thì hay ho cái gì ? Học nhiều mà kỹ năng sống quá kém , có gì đáng khen ?
NTB10 phút trước
Nếu tiếp tục tham gia thì tôi chắc rằng khoảng 2 - 3 năm nữa VN sẽ đứng đầu. Vì ngành giáo dục sẽ nhanh chóng tìm ra phương pháp phổ cập PISA rất hiệu quả để có được thành tích đứng đầu ảo. Buồn cười là thành tích của học sinh Việt Nam đứng "cao" khi mà học sinh các nước chỉ học 1 lần duy nhất về một vấn đề còn học sinh của ta phải học tới 3 lần (học trước tại các buổi học thêm, học chính khóa ở trường, và học ôn ở nhà) mới có được kết quả đó...!!!.
Nguyễn Hải Long11 phút trước
Cuối cùng vẫn chỉ là bệnh thành tích.
nguyên hong minh22 phút trước
Việt Nam rất giỏi đối phó kể cả trong thi cử ,bởi vậy kết quả có thể ảo .Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong nền kinh tế thị trường toàn cầu ,mới là câu trả lời chính xác nhất cho chất lượng nền giáo dục nước nhà . Đừng vội mừng.
Hà Trung14 phút trước
Vậy đã có giải Nobel nào? Có phát minh gì? Đến giờ đã làm được động cơ xe máy đâu? Chưa nói những thứ như động cơ máy bay, tên lửa, hay là smart phone... Bi hài.
đỗ dũng1 giờ trước
Nên gọi tất cả các em du học sinh tại Mỹ, Úc,Anh,v.v về nước học gấp. Chúng ta đã giỏi hơn họ thì học làm gì?
nguyễn Liem1 giờ trước
Quan trọng là HS Việt Nam làm được gì sau khi ra trường - hay là cũng chỉ chăm chăm vào lo cơm ,áo ,gạo tiền
Ha Nguyen58 phút trước
Nhân tài nhiều mà đất dụng võ không có! Tiếc cho Việt Nam.
Trần Khánh Dung54 phút trước
Học sinh VN rất giỏi. Đúng vậy. Nhưng chỉ là về mặt học thuật, chứ còn kỹ năng sống thì không biết nằm ở đâu trên bảng xếp hạng. Học sinh xứ mình từ lâu đã nổi tiếng là rất thông thái, hiểu biết những chuyện về mặt trăng, mặt trời, ...
Bùi Lộc39 phút trước
Việt Nam "luyện" PISA như thế nào? Đọc kỹ thì hiểu nhiều. Làm gì chứ "luyện" thì Việt Nam phải xếp hạng nhất thế giới. Mẫu giáo lên lớp 1 còn phải luyện thi huống hồ đây là "luyện" để xếp hạng.
Cao Quốc Kỳ34 phút trước
Dù sao chúng ta cũng đáng vui mừng, vì chúng ta là người nhà. Nhìn quanh chúng ta, chưa hài lòng với gì ta làm được. Nhưng OECD là một tổ chức toàn cầu. Họ có cái để mà so sánh giữa các nước và vùng lãnh thổ. Chắc chắn sẽ chính xác hơn chúng ta nghĩ. Nên củng cố lại để phát huy hơn nữa kết quả này.
bento1 giờ trước
Tại sao Nobel phần nhiều ở trời Tây? Tại sao trí tuệ học sinh Việt Nam không phải thấp so với mặt bằng chung của thế giới mà công trình khoa học, phát minh, sáng kiến lại thua xa? Đó là vì tư duy của người Tây là "Học" để có lúc làm thầy (nghĩa là đề cao cá tính, niềm say mê...=> trở thành tư duy sáng tạo, tiên phong). Còn đối với phần lớn các nước châu Á thì học đơn thuần là học hết những cái gì đang có (mà kiến thức là vô tận) => có thể giỏi theo diện rộng chứ nhất định không thể giỏi theo chiều sâu => Tư duy người Việt "con ngoan, TRÒ GIỎI".
Nguyễn Hoàng1 giờ trước
Dù kết quả đánh giá thế nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận một điều rằng nền giáo dục của mình vẫn còn nhiều yếu kém lắm! Từ cách thức giảng dạy, đến quản lý điều hành vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là đạo đức người Thầy trước cuộc sống "gạo tiền" hay tư cách học trò trước lối sống mở cửa?
Nguyễn Hữu Thành1 giờ trước
Cái gì cũng tốt mà sao thực tại nó phũ phàng quá vậy! Thế này lấy đâu ra tinh thần cho cải cách!
Nguyễn Đang1 giờ trước
Ồ, Việt Nam còn được xếp thứ 5 các nước hạnh phúc nhất thế giới mà.
Hùng1 giờ trước
Một bên là 65 nước, một bên là 141 nước thì khác nhau đâu có gì lạ?
Mai van tinh1 giờ trước
Chúng ta đừng có mừng vội. Học sinh giỏi toán Nhung vẫn thất nghiệp sau khi hoc xong CĐ, ĐH thì giỏi để làm gì? Không nên để cho tuổi trẻ cứ tưởng hão huyền là họ giỏi lắm! Hãy nhìn các nước khác họ chú ý vào cái gì để ...
HLe1 giờ trước
Tất nhiên học sinh VN phải giỏi toán và khoa học hơn Mỹ, Úc... vì họ vừa học vừa chơi, phát triển học sinh toàn diện và khuyến khích sáng tạo. Còn VN thì như ép khí đá cho chín sớm. Lúc tôi học năm 1 tại Úc (chuyên ngành kỹ ...
Nguyễn Zang1 giờ trước
Điều này tuy đáng vui vi chúng ta được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo tôi thấy điều này hoàn toàn đúng vì giáo dục tại Việt Nam quá thiên về những lý thuyết mà Pisa đang đánh giá. Tuy nhiên hãy xem khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội, ...
Hà Quý Dương2 giờ trước
Hồi cuối năm ngoái có đọc bài báo:" ...Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu của Liệp Hiệp Quốc đã công bố giáo dục Việt Nam đứng thứ 76 trên 141 quốc gia...". Không lẽ VN thăng hạng nhanh vậy, chả hiểu ra làm sao cả

Nguon:  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/152189/bo-giao-duc-bat-ngo-voi-ket-qua-xep-hang-hoc-sinh.html

No comments:

Post a Comment