Bộ GD&ĐT
I. TỔNG QUAN VỀ PISA
1.1. PISA là gì?
PISA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “
Programme for International Student Assessment
– Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do Hiệp hội các nước phát
triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá
tính hiệu quả – chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia,
qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. PISA
được thực hiện theo chu kì 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). Đối
tượng đánh giá là học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn
giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2
tháng – độ tuổi PISA). PISA hướng vào các trọng tâm về chính sách, được
thiết kế và áp dụng các phương pháp khoa học cần thiết để giúp chính phủ
các nước tham gia rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ
thông.
1.2. Mục đích của PISA
Mục tiêu tổng quát của PISA nhằm kiểm tra xem, khi đến độ tuổi kết
thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc[1], học sinh đã được chuẩn bị để đáp
ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào. Ngoài ra PISA còn
hướng vào các mục đích cụ thể sau:
– Xem xét đánh giá các mức độ năng lực đạt được ở các lĩnh vực Đọc hiểu, Làm Toán và Khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15.
– Nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả học tập của học sinh.
– Nghiên cứu hệ thống các điều kiện giảng dạy – học tập có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
1.3. Đặc điểm của PISA
a) Quy mô của PISA là rất lớn và có tính toàn cầu. Qua 5 cuộc khảo
sát đánh giá, ngoài các nước thuộc khối OECD còn có rất nhiều quốc gia
là đối tác của khối OECD đăng ký tham gia. Trong lần đánh giá thứ năm
(2012) đã có gần 70 quốc gia tham gia.
b) PISA được thực hiện đều đặn theo chu kì (3 năm một lần) tạo điều
kiện cho các quốc gia có thể theo dõi sự tiến bộ của nền giáo dục đối
với việc phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản.
c) Cho tới nay PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất chỉ chuyên
đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết
thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.
d) PISA chú trọng xem xét và đánh giá một số vấn đề sau:
– Chính sách công (public policy). Các chính phủ, các nhà
trường, giáo viên và phụ huynh đều muốn có câu trả lời cho tất cả các
câu hỏi như “Nhà trường của chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho những người
trẻ tuổi trước những thách thức của cuộc sống của người trưởng thành
chưa?”, “Phải chăng một số loại hình giảng dạy và học tập của những nơi
này hiệu quả hơn những nơi khác?” và “Nhà trường có thể góp phần cải
thiện tương lai của học sinh có gốc nhập cư hay có hoàn cảnh khó khăn
không?”,…
– Hiểu biết phổ thông (literacy). Thay vì kiểm tra sự thuộc
bài theo các chương trình giáo dục cụ thể, PISA chú trọng việc xem xét
đánh giá về các năng lực của học sinh trong việc ứng dụng các kiến thức
và kĩ năng phổ thông cơ bản vào các tình huống thực tiễn. Ngoài ra còn
xem xét đánh giá khả năng phân tích, lí giải và truyền đạt một cách có
hiệu quả các kiến thức và kĩ năng đó thông qua cách học sinh xem xét,
diễn giải và giải quyết các vấn đề.
– Học tập suốt đời (lifelong learning). Học sinh không thể học
tất cả mọi thứ cần biết trong nhà trường. Để trở thành những người có
thể học tập suốt đời có hiệu quả, ngoài việc thanh niên phải có những
kiến thức và kĩ năng phổ thông cơ bản họ còn phải có cả ý thức về động
cơ học tập và cách học. Do vậy PISA sẽ tiến hành đo cả năng lực thực
hiện của học sinh về các lĩnh vực Đọc hiểu, Làm toán và Khoa học, đồng
thời còn tìm hiểu cả về động cơ, niềm tin vào bản thân cũng như các
chiến lược học tập hỏi học sinh.