Nguyễn Khánh Trung
Nhìn chung, đề án đổi mới lần này có nhiều nội dung hiện đại từ cách tiếp cận đến phương án triển khai chẳng hạn như chủ trương phát triển năng lực người học, dạy học tích hợp, phân hoá… Đây có lẽ là sự cố gắng tham khảo các mô hình giáo dục các nước tiên tiến của Bộ mà chúng ta thấy thể hiện trong các tài liệu phụ lục.
Tuy nhiên đọc hết tóm tắt báo cáo và các phụ lục, tôi thấy vẫn chưa “đổi mới căn bản và toàn diện”, nếu không muốn nói là rất nửa vời trong tư duy. Khi tư duy nửa vời, chắc chắn công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới cũng không thể tiến xa để có thể sánh kịp với các quốc gia tiến bộ trên thế giới vì lộ trình không có đích đến rõ ràng và hợp lý. Từ góc nhìn cá nhân và trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, tôi xin nêu một vài điểm như sau.
Mục tiêu giáo dục
Đây là điều hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại không chỉ liên quan đến cuộc đổi mới sắp tới mà liên quan đến số phận, thế đứng của nước ta trong tương lai, bởi rằng giáo dục là ngành mẹ của tất cả, là nơi đào tạo vốn con người cho xã hội mà con người là nhân tố quyết định tất cả.
Trong đề án, tôi không thấy nói đến đổi mới căn bản và toàn diện về mục tiêu giáo dục, mà chỉ là “Mục tiêu giáo dục mới tiếp tục những định hướng đúng đắn của mục tiêu giáo dục hiện hành, nhưng cần điều chỉnh, khắc phục hạn chế “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”… (Phụ lục 6). Việc phải chú trong “dạy người” trong giáo dục, đặc biệt trong giáo dục phổ thông là rất quan trọng, nhưng là mẫu người nào? Chúng ta muốn tạo ra một mẫu người tự do, tự chủ và có trách nhiệm, có đạo đức, có khả năng làm chủ bản thân, đủ năng lực giải quyết các vấn đề của chính mình cũng như của xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển, hay đào tạo ra mẫu người công cụ theo một cái khung có sẵn được định nghĩa bởi một số người dựa trên các tư tưởng trong quá khứ? Mục tiêu giáo dục phổ thông hiện nay theo luật định là đào tạo “con người Việt Nam XHCN” (điều 27, khoản 1 – Luật Giáo dục 2005).
Tôi không bàn tới nội hàm của khái niệm mẫu người XHCN là tốt hay xấu, nhưng khi chúng ta đã thiết đặt một khuôn mẫu có sẵn để hướng tất cả trẻ em vào đó, thì tự điều này đã là vấn đề, và tạo ra nhiều mâu thuẫn. Cứ giả thiết rằng, cái khuôn “con người Việt Nam XHCN” là khuôn vàng thước ngọc, thì việc hướng tất cả người trẻ vào đó cũng không tốt, vì khi làm như vậy, sẽ tạo ra một sự đồng loạt về cách tư duy cũng như hành động nơi sản phẩm đào tạo, đi ngược lại với chủ trương “khác biệt hoá” mà Đề án đổi mới đề cập tới.
Khác biệt hoá trong giáo dục không chỉ là việc tăng cường các môn tự chọn trong chường trình, cá nhân hoá trong cách thức tổ chức giảng dạy, mà còn là tôn trọng sự khác biệt nơi mỗi cá nhân học sinh. Mỗi con người là mỗi thực thể duy nhất, khác biệt với những người khác, người giáo viên phải là “nhà nông” có trách nhiệm tìm hiểu sự khác biệt của từng học sinh để có những kế hoạch chăm chút cho từng “mầm non” tự lớn lên một cách tốt tươi khoẻ mạnh về tinh thần trí tuệ và thể chất theo cách của từng học sinh, chứ không phải để lùa tất cả các em vào chung một cái rọ, cho chung tất cả mào một cái khung đã được thiết định sẵn trong quá khứ nhằm đúc ra những sản phẩm đồng loạt như rô – bô.
Tôi không phủ nhận quá khứ, nhưng mục tiêu giáo dục không phải là vì quá khư và hướng về quá khứ, giáo dục phải hướng về tương lai, phải vượt lên các thiết chế khác để có thể soi đường cho toàn xã hội phát triển cũng như chuyẩn bị vốn nhân lực cho xã hội tương lai. Tri thức phát triển như một dòng chảy, việc trang bị cho người học một số kiến thức và giá trị trong quá khứ là để người học có nền tảng nhằm thiết kế nên những cái mới cho tương lai. Các nước dân chủ phát triển không đưa ra bất kỳ một mẫu hình nào có sẵn, cũng không bắt người học phải trung thành với bất cứ thứ gì trong quá khứ, nhưng họ đào tạo những con người tự do và tự chủ, trang bị cho các công dân tương lai có đủ khả năng làm chủ và phát triển xã hội tương lai của chính các em. Đó là quyền của học sinh, là quy luật phát triển.
Giáo dục hiện đại chú ý đến khả năng độc lập trong tư duy của người học, chú ý đến văn hoá phản biện mà học sinh phải có. Vì tinh thần tự do và độc lập trong tư duy là yếu tố quan trọng của con người tự chủ, thói quen và khả năng phản biện là cách thức thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt. Thuật ngữ “phản biện” “tư duy độc lập” hầu như không hề thấy trong suốt nội dung của tóm tắt báo cáo Đề án đổi mới (hi vọng là có mà tôi không tìm ra).
Tóm lại, theo tôi, Đề án vẫn ở dạng “tư tưởng không thông” và cứ theo logic thì sẽ dẫn đến hành động “mang bình tông không nổi”. Các nước dân chủ phát triển, đào tạo con người tự do, tự chủ với các phương cách như khác biệt hoá, dân chủ hoá, trang bị cho người học khả năng phản biện và tư duy độc lập vv là hoàn toàn phù hợp với một xã hội dân chủ, nơi đó sự khác biệt được đề cao và tôn trọng như một giá trị. Theo tôi, chúng ta khó lòng có thể thể áp dụng phương cách giáo dục hiện đại như các nước tiên tiến để mong đi đến một mục tiêu khác hẳn họ. Hai đích đến khác nhau ắt hẳn phải đi trên hai con đường khác nhau.
Giáo dục toàn diện
Cụm từ “giáo dục toàn diện” được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong báo cáo tóm tắt Đề án cũng như trong các phụ lục, nhưng tôi không thấy tài liệu nêu ra định nghĩa rõ ràng, cũng không thấy làm thế nào để có thể tạo ra con người phát triển toàn diện. Giáo dục toàn diện là giáo dục học sinh phát triển về mọi mặt: trí tuệ, tinh thần đạo đức và thể chất. Trí tuệ, đạo đức thì có đề cập nhiều, nhưng làm thế nào để giúp học sinh phát triển về thể chất nếu Bộ Giáo dục không kết hợp với bộ Y tế và hệ thống an sinh xã hội để chăm sóc các em?
Trong đề án cũng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh tuyên truyền để kêu gọi toàn dân ý thức và tham gia vào công cuộc đổi mới, nhưng chỉ kêu gọi tham gia thực hiện mà không để dân tham gia thiết kế nên nội dung của những đổi mới thì e rằng không hiệu quả. Hãy học cách làm của người Phần Lan, Phần Lan cũng đang xây dựng chương trình giáo dục khung dành cho giáo dục cơ bản mới và sẽ áp dụng kể từ năm học 2006, tôi xin liệt kê các thành phần tham gia hội đồng soạn thảo dự án đổi mới dưới đây để chúng ta biết cách làm của họ:
Uỷ ban làm công tác chuẩn bị bao gồm các thành phần: Nhóm chỉ đạo thuộc Hội đồng Giáo dục Quốc gia ; Giám đốc ban doanh nghiệp ; Giám đốc – Phó Chủ tịch ban giáo dục tiếng Thụy Điển ; Lãnh đạo thanh tra giáo dục; lãnh đạo ban thư ký của Hội đồng Giáo dục. Đây là các thành viên lãnh đạo của nhóm soạn thảo. Ngoài ra còn có các thành viên khác bao gồm : Cố vấn của Bộ Giáo dục và Văn hoá ; Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế và các vấn đề xã hội ; Giám đốc cơ quan Y tế và Phúc lợi ; Chuyên gia các công đoàn giáo dục ; Tổng thư ký liên bang; Đại diện các chính quyền địa phương ; Phó tổng hiệp hội các hiệu trưởng Phần Lan ; Chủ tịch hiệp hội các hiệu trưởng các trường đào tạo (nghề) Phần Lan ; Chủ tịnh, chuyên gia giáo dục và văn hoá Opsia ; Đại diện hiệp Hội Phụ huynh Phần Lan ; Đại diện Hội các nhà xuất bản sách Phần Lan ; Đại diện Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan; Chuyên gia phụ trách về thị trường lao động, giáo dục và đào tạo của Hiệp hội Công đoàn Phần Lan … Lịch trình, đường hướng, cơ cấu nhân sự của nhóm soạn thảo được đăng công khai trên webside của dự án cải cách (www.oph.fi/ops2016)
Như vậy, chúng ta thấy tác giả của Chương trình khung quốc gia là một tập hợp những đại diện các tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ văn hoá, chính trị, kinh tế, đến các đại diện cho thị trường lao động, y tế, an sinh xã hội, cũng như đại diện chính quyền địa phương, hội phụ huynh, vv trong sự theo dõi và đóng góp ý kiến của toàn dân một cách trực tiếp. Như vậy, từ yếu tố nhân sự, đến quy trình diễn tiến xây dựng chương trình khung quốc gia đều có sự đóng góp của tất cả các thành phần trong xã hội chứ không phải chỉ là thẩm quyền riêng của một bộ phận nào hay chỉ là chuyện riêng của Bộ Giáo dục Phần Lan.
Đây là một cách làm dân chủ, chường trình giáo dục khung quốc gia là thành phẩm của một sự thương lượng chung gồm nhiều thành phần và lãnh vực khác nhau trong xã hội, là ý chí của toàn dân. Khi mỗi thành phần, mỗi người dân thấy lợi ích của mình, của con em mình trong đó, thì dĩ nhiên họ sẽ nhiệt tình tham gia vào công cuộc giáo dục.
Nguon: http://hocthenao.vn/2013/09/27/vai-suy-nghi-nhan-doc-bao-cao-tom-tat-de-an-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-nguyen-khanh-trung/
Hết nhẽ. Chẳng còn gì để nói.
ReplyDeleteBài viết này mà mấy bác lãnh đạo BGD không tham khảo để cải thiện hướng giáo dục thì cái đất nước này còn khổ. Em đã đọc khá kĩ cái đề án của bộ thì thấy quá chung chung và vẫn giáo điều, chủ yếu thay đổi cơ cấu quản lý chứ không đẩy mạnh thay đổi cách đào con người. Các phương pháp trong bản đề án chỉ mang tính hình thức khái quát thiếu trọng tâm.
Thời điểm hiện tại cải cách giáo dục tức có nghĩa là cách mạng. Phải giúp các em có một phương pháp tiếp cận và tiếp nhận thông tin an toàn. Chúng ta phải giúp các em thoát khỏi những phương pháp suy luận từ thời xưa. Phải giúp các em nhận ra những giá trị và nền tảng của từng hiện tượng và bản chất, những tác động của hiện tượng đó ảnh hưởng tích cực/tiêu cực ra sao đến đời sống thực tiễn. Con người phải là trung tâm của giáo dục và phương pháp đào tạo không thể tách rời thực tiễn.
Em vu vơ tí có bác Trung bỏ quá :) em kết cái suy nghĩ của bác