Saturday, September 21, 2013

Ở Pháp, thầy giáo nói gì trong buổi họp đầu năm?

Nguyễn Khánh Trung(Viện IRED)

- Theo một nghiên cứu của báo La Croix thực hiện vào năm 2009 tại Pháp, với câu hỏi: “Trong 12 tháng trở lại đây, bạn có đọc 1 hay nhiều cuốn sách không, bất kể thể loại nào, trừ sách học tại trường?”. Kết quả cho thấy có 69% dân Pháp đọc, nhóm đọc nhiều là trên 20 cuốn/ năm, nhóm đọc ít là từ 1 đến 5 cuốn/ năm.

 
Hình ảnh người Phương Tây đọc sách mà chúng ta có thể bắt gặp mọi nơi mọi lúc không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của một quá trình giáo dục ngay từ tấp bé, khi đứa trẻ mới bập bẹ biết nói.
Thói quen mang tính văn hoá này của người dân được hình thành qua nhiều kênh, nhưng quan trọng nhất là kênh giáo dục nhà trường.
Tôi xin lấy trường hợp cụ thể cách làm của ngôi trường tiểu học, nơi các con tôi đang theo học, như một ví dụ cụ thể để nói về vai trò của nhà trường trong việc làm hình thành văn hoá đọc nơi học sinh tại Pháp.

đọc sách, văn hóa đọc, Pháp


Dạy thói quen đọc từ mẫu giáo
Tại ngôi trường nông thôn nơi các con tôi theo học, lớp học nào cũng có một thư viên nhỏ, nơi đó ngay các cháu học mẫu giáo nhỏ nhất - lớp mầm (toute petite section) đã bắt đầu được tập mượn sách thư viện.
Mỗi tuần mỗi cháu được mượn một cuốn sách đem về nhà, đúng ngày trả lại cho thư viện để đổi cuốn khác, cứ như thế kéo dài trong suốt năm học.
Với lứa tuổi này, các cháu chỉ xem tranh hình chứ chưa biết đọc. Nhưng cách làm này tập cho các cháu làm quen với thư viện, với những hành động như mượn sách, trả sách, đọc sách, v.v ngay từ khi mới bập bẹ biết nói.
Cháu đầu nhà tôi năm nay học lớp 2. Trong cặp của cháu luôn buộc phải có một cuốn sách, gọi là “sách đọc” (livre de lecture). Thầy giáo dạy cháu giải thích với chúng tôi đây là quy định bắt buộc. Cháu có thể đọc nó ở nhà, dọc đường hay vào những thời gian rảnh rỗi ở trường hay bất kỳ ở đâu. Thầy giáo khuyên phụ huynh trong buổi họp đầu năm là nên cho các cháu đọc 15 phút vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để tạo thành thói quen.
Với học sinh lớp 2, nhà trường buộc học sinh phải đọc ít nhất là 5 cuốn sách trong năm học.
Những cuốn sách mà các cháu đọc không phải là sách giáo khoa nằm trong chương trình học, mà là các sách chuyện thiếu nhi, sách giáo dục, văn chương, khoa học hay bất kỳ đề tài nào các cháu thích. Đương nhiên là phải có sự kiểm soát của người lớn.


Ngoài ra, tại Pháp có Hội vì sự Đọc Pháp (Association Française pour la Lecture) quy tụ các nhà giáo, phụ huynh, nhân viên thư viện, cán bộ chính quyền và tất cả những ai quan tâm đến việc đọc.
Hội này có thành viên khắp mọi vùng miền trên đất Pháp. Tôn chỉ của hội là cổ vũ văn hoá đọc thông qua việc đào tạo, huấn luyện, tổ chức các sự kiện liên qua đến việc đọc trong sự phối hợp với chính quyền, các thư viện, các nhà sách, nhà xuất bản, hay các gia đình, v.v.
Người của hội phối hợp với các trường học để trợ giúp học sinh trong việc đọc và làm cho các em yêu mến việc đọc. Tại trường của các con tôi, hội này tổ chức mỗi tuần một buổi đọc sách gọi là « lớp đọc » cho tất cả các lớp từ học sinh lớp mầm. Tuỳ theo mức tuổi, các thành viên thiện nguyện này sẽ đọc sách cho các cháu nghe, hay dạy cho các cháu cách đọc. Lớp đọc này còn là để huấn luyện cho các giáo viên, các phụ giáo hay các phụ huynh phương pháp kèm cho các cháu trong việc đọc.

Tầm quan trọng của văn hoá đọc
Đọc là một thói quen tốt đẹp mang tính văn hoá, một cách nuôi dưỡng đời sống tinh thần và tri thức của con người.
Một cá nhân chăm đọc là cá nhân có đời sống mạnh khoẻ về mặt trí thức; một dân tộc chăm đọc là một dân tộc khoẻ mạnh về nội lực, có vốn nhân lực tích tụ hàm lượng tri thức cao. Điều này luôn có ý nghĩa và đặc biệt quan trọng trong thời đại kinh tế tri thức của chúng ta ngày nay.
Theo logic này, khi chúng ta nhìn vào thói quen đọc của người dân của một quốc gia, chúng ta có thể biết được nội lực của quốc gia đó ngay hiện tại và trong tương lai thế nào.
Một cá nhân thích đọc, đó có thể là do thói quen cá nhân, từ bản chất công việc, hay do được ảnh hưởng từ môi trường tốt của gia đình, nhưng một quốc gia có nhiều người cùng thích đọc, thì đó phải là thành quả tạo ra từ hệ thống giáo dục.
Tại Việt Nam, có những hoạt động trao giải thưởng sách hay như là một nỗ lực để vinh danh những người tạo ra những cuốn sách có giá trị mang tính khai minh và cũng để cổ vũ cho văn hoá đọc trong dân chúng. Những hoạt động này hết sức cần thiết, tuy nhiên theo tôi, nếu chỉ dừng lại ở nỗ lực của một vài tổ chức trong xã hội mà thôi thì khó có thể tạo ra văn hoá đọc quốc gia.
Để có thể làm hình thành thói quen đọc nơi người dân, tạo thánh một tập tính tập thể, giáo dục nhà trường phải đóng vai trò chính yếu.
Nhà trường phải tổ chức bài bản, bắt đầu tập cho học sinh thói quen tốt đẹp này khi bắt đầu bập bẹ biết nói, tạo ra môi trường với văn hoá đọc trong đó đứa trẻ lớn lên, nội tâm hoá, hình thành thành thói quen đọc sách trong đời sống hằng ngày.
Khi các học sinh đã có thói quen và ham mê đọc, đến lượt các em lại là những chủ thể kiến tạo và làm kéo dài văn hoá đọc bằng cách giáo dục, tác động lên thế hệ nối tiếp. Cứ như vậy, văn hoá đọc được hình thành và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nguon:  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/141194/o-phap--thay-giao-noi-gi-trong-buoi-hop-dau-nam-.html

No comments:

Post a Comment