Thursday, November 29, 2012

Những cuối tuần bán thiệp Noel tại Pháp


Theo đề nghị của giáo sư Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam, tôi đại diện cho nhóm sinh viên “bán thiệp” trình bày vài nét về nhóm và công việc bán thiệp Noel giúp các trẻ mồ côi của chúng tôi tại thành phố Toulouse xinh đẹp thuộc phía nam đất nước của những chú gà trống Gaulois.

Về nhóm:

Chúng tôi là những sinh viên Việt Nam đang lưu học tại Toulouse, nhóm khoảng vài chục người: gồm nhiều cấp bậc tuổi tác, học vị và gốc gác khác nhau. Có những anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ ba như Trung, Quang, có những chị là sinh viên cử nhân năm hai, ba như Ngọc, Hương, Phương, Linh, Trà My, Tú Oanh, Tú Anh, nhưng cũng có những bạn đang theo học tiếng pháp với mục đích thi vào làm sinh viên tại các đại học Pháp như Sang, Thảo, Tâm, Lân, Phương, có cả một vài anh Việt kiều độc thân vui tính thích những bài hát kiểu hành quân “năm anh em trên một chiếc xe tăng” như anh Lương Đức vv. Có những người là dân thủ đô, Thái Bình, những anh chị quê ở Đồng Nai, Nha Trang, nhưng cũng có những chàng trai cô gái trẻ măng xứ nghệ nói tiếng pháp dể hiểu hơn tiếng việt bởi chất dọng “quê choa” đặc sệt.

Chúng tôi chẳng phải là một nhóm có tổ chức chính quy theo kiểu hành chính bàn giấy mặc dầu trong nhóm gần một nửa sẽ là các nhà quản trị tương lai. Nhóm chúng tôi chẳng đặt ra các nguyên tắc chế tài để điều chỉnh hành vi của nhóm viên thế nhưng ai cũng tuân phục mệnh lệnh của cấp trên một cách nghiêm túc đến lạ lùng mặc dầu chủ tịch năm nay của chúng tôi là Hương Thảo, một tiền sinh viên mới tròn đôi mươi đang theo học tiếng pháp để thi vào đại học. Không có ai trả thù lao cho công việc của chúng tôi ngoài việc chúng tôi tự trả lấy từ những đồng lương ít ỏi mà mỗi người vất va tranh thủû kiếm được từ đủ thứ công việc nhọc nhằn ngoài thời gian học như rửa chén bát, phụ bếp, chạy bàn ở các nhà hàng, hay hái trái cây vào các dịp hè.


Điều gì đã liên kết nhóm và thúc đẩy chúng tôi dấn thân ?

Tất cả chúng tôi đều có một điểm chung đó là có cùng một quê hương Việt Nam, mà “quê hương có ai không nhớ ? ”,ù nhất là sống trên đất khách quê người. Nhìn về quê hương từ một đất nước văn minh và phát triển, chúng tôi cảm thấy mang mác buồn khi nơi đó đang tồn tại những mảnh đời nghèo khó, những trẻ em lang thang lượm túi ni lông, bán vé số trên đường phố, những trẻ mồ côi không được chăm sóc học hành… những hình ảnh mà chúng tôi không hề thấy ở nơi chúng tôi đang theo học. Xứ mình còn nghèo, người dân mình còn vất vả, là tuổi trẻ, mình phải có trách nhiệm, phải làm một điều gì đó để đóng góp, để xoa dịu bớt những lo toan trên những gương mặt non nớt đáng ra phải được bao bọc chở che để phát triển một cách cân bằng về mọi mặt. Yù nghĩ này có lẽ đã đưa chúng tôi đến với việc bán thiệp ở các nhà thờ Công giáo sau những thánh lễ ngày chủ nhật trong nhiều tuần lễ trong mùa Noel hàng năm do Hội Giúp trẻ em Việt Nam phát động. Cách lý luận của chúng tôi để tăng sức mạnh vượt qua những mùa đông với công việc bán thiệp là: chúng ta chịu vất vả một chút, mỗi người kiếm được vài ba chục euros một tuần, với người Pháp thì số tiền đó chẳng là bao nhưng nếu dịch ra tiền Việt mình thì cũng là cái gì đó, có thể giúp 3 trẻ mồ côi đủ tiền ăn học một tháng. Nếu bán được nhiều, có nghĩa là số các em được học hành sẽ tăng lên, sự học hành chẳng phải là hành trang giúp các em đi vào cuộc sống trong tương lai đó sao ?


Công việc


Trước hết chúng tôi phải chia nhau cầm thư giới thiệu của Hội đến gặp các cha xứ và thuyết phục bằng được các vị này chấp nhận và đọc thư này để mọi người tường tận ý nghĩa về việc bán thiệp của chúng tôi. Kế đó, bộ phận “chỉ huy” phải họp lên kế hoạch tấn công. Có những cuối tuần, chúng tôi phải bán cùng lúc nhiều nhà thờ khác nhau nên công việc phân bố lực lượng phải bảo đảm tính khoa học. Để cho công việc khả thi, chúng tôi phải dựa vào đặc tính của các nhóm viên để thành lập các tiểu nhóm như vóc dáng, giới tính (ví dụ: là người đồ sộ, là phái mạnh thì phải mang các ba lô nặng), tính khí ( ví dụ người có tính nóng phải đi với người có tính lạnh), nơi cư trú, phương tiện di chuyển (ví dụ người có xe đạp leo núi phải hành quân xa, còn người có xe “đạp nhiều mà đi chẳng bao nhiêu” thì được ưu tiên đi gần hơn). Khổ nhất là ra quân trong những buổi sáng rét như cắt trong trời mưa gió mịt mù, chúng tôi phải di chuyển từ nhà thờ này đến nhà thờ khác trong một thời gian ngắn vì các giờ lễ chênh lệch nhau không nhiều. Có những lúc gặp nhau không nói thành lời không phải vì đang yêu nhau đắm đuối mà vì hai hàm răng bận đánh bò cạp vì rét. Tôi nhớ mãïi hình ảnh nhỏ bé của bạn Văn Quang trên chiếc xe đạp cao hơn người, cổ đeo tấm bảng to trình bày hình ảnh miêu tả các hoạt động của các làng trẻ mồ côi SOS tại Việt Nam, Quang phải vật lộn với gió một cách vất vả mà kết cục là bạn ấy đã chấp nhận nằm dưới tấm bảng. Có lẽ cậu ấy sẽ không bao giờ thực hiện được câu ông bà ta dạy là “thua keo này ta bày keo khác” nếu không có sự giúp đở của những người qua đường. Vất vả là thế nhưng cũng thật vui, vì nhờ việc bán thiệp, anh em chúng tôi có dịp gặp nhau để vui cười thỏa thích sau những tuần làm việc học tập vất vả căng thẳng. Vui hơn nửa là vì qua việc bán thiệp, chúng tôi chứng kiến nhiều chuyện “ngược đời” mà trong nhân gian đời thường, trong sự cạnh tranh bon chen, chúng ta ít bắt gặp. Ví dụ chuyện người cho dành quyền cám ơn người nhận thể hiện qua những mẩu đàm thoại mà chúng tôi thường bắt gặp sau đây:

Người mua: chào các cháu

Người bán: chào bác, chúng cháu bán thiệp cho Hội Aide à l’Enfance du VIỆT NAM, để xây một ngôi làng cho các em trẻ mồ côi tại Đồng Hới - Việt Nam.

NM: bác biết, vì linh mục đã đọc thư giới thiệu rồi, một công việc thật tốt lành, bác sẽ mua để ủng hộ, các cháu bán thế nào đây ?

NB: có giá tiền dán sẵn trên các bao thiệp, mỗi bao gồm 10 tấm thiệp khác nhau, tùy bác lựa chọn.

NM: được rồi, bác sẽ lấy bao này. (rồi rút ra tờ 10 euros đưa cho người bán)

NB:cháu xin thối cho bác 2 euros (vì giá mỗi bao thiệp chỉ 8 euros)

NM: bác không lấy đâu, bác xin ủng hộ luôn

NB: bác tử tế quá, thay mặt các trẻ mồ côi, cháu cám ơn bác nhiều

NM: không, không không, chính bác phải cám ơn các cháu, các cháu đã hi sinh thời gian đến đây để làm cầu nối giữa chúng tôi và các trẻ mồ côi. Các cháu cố gắng, dũng cảm lên lên nhé, cám ơn các cháu thật nhiều. Hẹn có ngày gặp lại.

Vậy đó, thật vui và bổ ích khi được ảnh hưởng những hương thơm từ những tấm lòng nhân ái trong cuộc đời. Những người mua thiệp này có lẽ chẳng giàu sang gì về mặt vật chất, nhưng chắc chắn là họ thật giàu có về tinh thần. Ước gì tất cả chúng ta đều có kiểu mua bán và cám ơn như những con người tìm đến mua thiệp này nhỉ, có lẽ cuốc đời sẽ đẹp lắm !

Toulouse ngày 27/12/2004
Nguyễn Khánh Trung
Nguồn: NetCoDo - Hue: http://www.hue.vnn.vn/cuocsongvaconnguoi/2005/01/52541/

No comments:

Post a Comment