Wednesday, November 28, 2012

GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN GIỮA CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ NHU CẦU XÃ HỘI

Nền giáo dục của chúng ta đang khủng hoảng”, đó là nhận xét của các giáo sư trong buổi làm việc lấy ý kiến cho một dự thảo do Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức ngày 4.9.2003, là nỗi trăn trở chung của hàng ngàn đại biểu trong hội thảo “Đổi mới giáo dục ĐH VN: cơ hội và thách thức” do Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức tại Hà Nội ngày 30 và 31.3.2004. Đây cũng là thực trạng đã được báo động chính thức từ Quốc hội qua bài báo cáo của vị đại diện chính phủ trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá mười: “Điều làm xã hội lo lắng là chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học nhìn chung còn thấp, cách dạy và học nặng về thuộc lòng, rất kém tính sáng tạo và năng lực thực hành…”.

Vậy chất lượng giáo dục đại học là gì và như thế nào trong xã hội của nền kinh tế thị trường, trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay? Mục đích bài viết này không tham vọng giới thiệu một mô hình đánh giá chất lượng theo cách của các nhà giáo dục học, nhưng đề cập đến cách hiểu, cách đặt vấn đề thế nào là chất lượng giáo dục trong tương quan với thời cuộc nhằm góp tiếng nói trong việc tìm kiếm và xác định một minh triết cho ngành giáo dục bậc cao quan trọng này.


Tìm câu trả lời ngoài xã hội

Giáo dục thường có khởi điểm từ xã hội và đích đến cũng là xã hội, nói theo cách của E. Durkheim, “Giáo dục là hiện tượng hoàn toàn có tính xã hội xét về nguồn gốc cũng như chức năng” (Education et Sociologie, Paris, 1922, tr. 106.). Như vậy, để tìm kiếm những giải đáp xung quanh câu hỏi về “chất lượng” đại học, chúng ta phải tìm câu trả lời ngoài xã hội, chứ không khép kín vấn đề trong lĩnh vực giáo dục, càng không thể xem xét nó trong phạm vi nội bộ trường đại học. Hay nói cách khác xã hội là thước đo chất lượng giáo dục. Cụ thể, để định vị một cách chính xác chất lượng giáo dục đại học hiện nay, chúng ta phải trả lời các câu hỏi: Nhu cầu xã hội đang mong muốn gì ở sản phẩm của trường đại học? Mức độ đáp ứng nhu cầu này của trường đại học tới đâu? Vậy thế nào là nhu cầu đòi hỏi của xã hội? Ai là người định nghĩa, là người ảnh hưởng trên khái niệm “nhu cầu” này ?



Sản phẩm của trường đại học thể hiện qua hai mặt: Thứ nhất, khối lượng các công trình nghiên cứu của trường đại học được xã hội công nhận thể hiện qua việc được các tạp chí khoa học trong và ngoài nước đăng tải hàng năm. Đây là cách đơn giản áp dụng để xếp loại chất lượng các trường đại học hằng năm trên thế giới. Thứ hai, sản phẩm đào tạo của trường đại học đáp ứng được nhu cầu của xã hội đến mức độ nào. Tiêu chí thứ nhất đo lường chức năng sản xuất tri thức của đại học. Căn cứ trên tiêu chí này, chúng ta có thể kết luận ngay rằng chất lượng của các trường đại học Việt Nam còn thấp vì chúng ta chưa chú ý và đầu tư một cách đầy đủ cho nghiên cứu. Sự yếu kém này thể hiện trên nhiều mặt: Về kinh phí, Nhà nước chỉ cấp cho công tác nghiên cứu của các trường đại học từ 3% đến 5% tổng số kinh phí khoa học công nghệ hàng năm; về nhân sự, có tới 50% các giảng viên đại học chưa tham gia vào nghiên cứu khoa học; về mặt chất lượng các công trình, các thành phẩm nghiên cứu chỉ được đem vào ứng dụng khoảng 30% - 40% (xem Báo chí & Tuyên truyền, số 6, 2002. tr. 25 – 27), các nhà nghiên cứu xa rời với các trào lưu nghiên cứu trên thế giới vì coi nhẹ nghiên cứu lý thuyết, và thực chứng, vv (xem Tuổi trẻ chủ nhật, số 17, 2004, tr. 4 -5). Tiêu chí thứ hai đo lường tính hiệu quả của chức năng chuyển tải tri thức và kỹ năng khoa học của trường đại học. Chức năng này đang đóng vai trò chủ yếu trong giáo dục đại học Việt Nam hiên nay, nên chúng ta sẽ xem xét nó sâu hơn bằng cách phân tích cặp khái niệm: chất lượng của sản phẩm giáo dục và nhu cầu xã hội cũng như sự liên hệ giữa chúng.

Khi xem xét khái niệm nhu cầu xã hội, chúng ta phải phân nó ra nhiều nhóm nhỏ theo từng cụm, ngành nghề đào tạo trong từng môi trường cụ thể, vì mỗi nhóm nhu cầu có một cấp độ và đặc tính đòi hỏi khác nhau. Tuy vậy, các nhóm nhu cầu cùng có những đặc tính chung, đó là chúng luôn mang đậm nét các đặc điểm kinh tế, chính trị và xã hội của từng thể chế chính trị, của từng thời kỳ nhất định trong tương quan với cách thức định nghĩa khái niệm chất lượng đào tạo. Trước đổi mới, trong xã hội bao cấp, chúng ta đã làm tất cả theo kế hoạch, các trường đại học đào tạo theo chỉ tiêu được thiết kế trên nhu cầu nhân lực của các ngành, nghề theo mô hình kinh tế quốc doanh tập trung. Sinh viên trong thời này không phải trả tiền cho việc học, và khi tốt nghiệp được bố trí công tác. Như vậy, giữa hoạt động đào tạo của trường đại học và nhu cầu của xã hội không có chuyện gì lớn để bàn. Bởi lẽ, xã hội lúc đó thuần nhất trong mọi lãnh vực từ kinh tế đến chính trị.

Do thị trường lao động quyết định

Các nhà lãnh đạo cùng một lúc định nghĩa và kiểm soát nhu cầu xã hội và chất lượng đào tạo của trường đại học, nên khoảng cách giữa cặp khái niệm này không quá mâu thuẫn nhau, vì cả hai cùng ngoan ngoãn tuân theo ý muốn chủ nhân duy nhất của chúng một cách có trật tự. Ngày nay, với nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh xảy ra trong mọi lãnh vực và giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong xã hội kinh tế cạnh tranh, sinh viên phải trả tiền để đi học, ra trường phải tự kiếm việc làm, mà muốn có việc làm hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào những kỹ năng, tri thức, tác phong, thái độ của họ sau khi tốt nghiệp. Những chuẩn mực này phải phù hợp với các tiêu chuẩn của các nhà tuyển dụng, hay đúng hơn, những đòi hỏi về chất lượng của sản phẩm đào tạo được quy định trực tiếp bởi các công ty xí nghiệp, bởi thị trường lao động hơn là bởi các nhà lãnh đạo giáo dục. Hơn nữa, khi người sinh viên phải trả tiền cho việc học của mình, khi chất lượng đào tạo gắn chặt với tương lai của họ thì lẽ dĩ nhiên những quyết định chọn lựa ngành nghề, nơi học của họ cũng rất quan trọng đến sự thịnh đạt hay phá sản của các trường đại học nên muốn hay không, trường đại học phải biết lắng nghe họ.

Nói cách khác, trong bối cảnh của một nền kinh tế có sự tham gia của nhiều thành phần, chất lượng giáo dục và nhu cầu xã hội cũng được định nghĩa từ nhiều phía đối tác với quan niệm và chuẩn mực khác nhau. Quá trình định nghĩa này không còn là độc quyền của Nhà nước và nhà trường, mà phải phụ thuộc một phần không nhỏ vào các ông chủ, vào các nhà tuyển dụng và cả vào các sinh viên và gia đình của họ. Như vậy nếu đánh giá chất lượng của một sinh viên ra trường chỉ đơn thuần dựa trên kết quả điểm số của sinh viên đó, hay đánh giá chất lượng đào tạo của một trường đại học chỉ căn cứ vào số lượng sinh viên tốt nghiệp hạng khá, giỏi hàng năm của trường thì không mấy chính xác, bởi cách thức và các chuẩn mực đánh giá kết quả học đường của trường đại học chưa chắc phù hợp với các chuẩn mực ngoài xã hội

Lấy một ví dụ, qua việc thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn sâu tại ba trường đại học công hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số giám đốc nhân sự của các công ty xí nghiệp (trong khuôn khổ nghiên cứu thực nghiệm cho luận án tiến sĩ), chúng tôi nhận thấy xuất hiện hai khuynh hướng chính trong việc định nghĩa và đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo đại học trong tương quan với nhu cầu xã hội khi trả lời các câu hỏi: Cảm nhận thế nào về sản phẩm đào tạo đại học hiện nay ? Sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu của xã hội không ? Khuynh hướng thứ nhất cho là tốt, đã thỏa mãn những đòi hỏi của xã hội. Đại diện cho nhóm này thường là các lãnh đạo các trường, các phòng ban chức năng, một số lãnh đạo các đoàn thể trong trường và một số giảng viên. Khuynh hướng thứ hai cho là chưa tốt, thậm chí là kém, đào tạo không gắn liền với thực tế xã hội… các ý kiến của khuynh hướng này đa phần là các sinh viên, cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng. Như vậy, ở đây xuất hiện một mâu thuẫn trong cách hiểu và định nghĩa cặp khái niệm chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội của một bên là những người lãnh đạo trường đại học và bên kia là những khách hàng trực tiếp hay gián tiếp của cấp đào tạo này.

Theo tôi, sự mâu thuẫn này là mấu chốt, là nguyên nhân sâu xa, chính yếu của sự khủng hoảng giáo dục đại học của chúng ta hiện nay. Bởi lẽ, nền kinh tế thị trường thường nhắm đến tính hiệu quả, xã hội cạnh tranh đòi hỏi người sinh viên không những phải có tri thức thực sự (savoir), mà phải có kỹ năng trong chuyên môn, trong giao tiếp, có khả năng biến tri thức thành sản phẩm, khả năng tự tạo việc làm (savoir – faire), ngoài ra người sinh viên còn phải có khả năng thích nghi, tính sáng tạo, tính chủ động và phải hội đủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và xã hội trong môi trường sống và làm việc (savoir – être). Các giá trị chuẩn mực này không phải lúc nào cũng tuân theo ý muốn của Nhà nước và nhà trường, nhưng chúng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nền văn hoá cạnh tranh với các đối tác tham gia có những cách nhìn khác nhau.

Vấn đề là hiện nay các nhà lãnh đạo giáo dục đại học của chúng ta vẫn tiếp tục dành quyền định nghĩa thế nào là chất lượng giáo dục, là nhu cầu xã hội, cũng như thế nào là savoir, là savoir–faire và savoir-être, tự định ra mục tiêu đào tạo, từ đó áp đặt mô hình và các quy trình đào tạo theo ý mình từ việc thiết lập các chương trình, ban hành các quy chế kiểm soát, quy định các hoạt động của trường đại học, vv, mà không tích cực lưu ý tới những gì đang xảy ra xung quanh: thị trường lao động đang cần gì, sinh viên và gia đình của họ đang mong muốn ra sao. Cách làm này tạo ra sự cách biệt giữa đào tạo đại học và nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Số luợng sinh viên tốt nghiệp từ 1998 đến nay thất nghiệp chiếm 50% (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam), trong khi đó các công ty xí nghiệp vẫn tuyển không ra người, vì sinh viên có kỹ năng và kiến thức chuyên môn kém, khả năng sáng tạo và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống nghề nghiệp và đời thường còn thấp, v.v… Có thể nói, đào tạo đại học ngày nay không hiệu quả hơn đào tạo đại học nho giáo ngày xưa (từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX). Tôi không có ý so sánh các sinh viên ra trường hiện nay với các ông cử ngày xưa bằng cách dựa trên các kiến thức và kỹ năng của họ, nhưng so sánh cấp độ mâu thuẫn trong việc định nghĩa cặp khái niệm nói trên. Mục tiêu giáo dục nho giáo là đào tạo các quan lại theo hình ảnh lý tưởng của người “quân tử”. Các chuẩn mực, giá trị đạo đức, kỹ năng làm nên người quân tử được thống nhất định nghĩa trong toàn xã hội phong kiến nho giáo, dưới con mắt của các vua chúa nắm quyền cũng như các bậc thứ dân.

Mẫu hình lý tưởng?

Ngày nay, mẫu hình lý tưởng mà giáo dục đại học đang muốn đạt tới là gì ? là những kỹ sư, cử nhân vừa “hồng” vừa “chuyên” ? Chắc chắn rằng, những chuẩn mực quy định thế nào là hồng, thế nào là chuyên trong thời bao cấp trước đây, trong chiến tranh, trong mô hình kinh tế kiểu hợp tác xã đã không còn phù hợp với thời kinh tế thị trường trong xu thế toàn cầu hoá. Thời nay, Nhà nước không còn bao sân toàn bộ nền kinh tế cũng như việc đào tạo, cũng như không phải là nơi duy nhất tiêu thụ sản phẩm đào tạo, mà đã có sự tham gia từ nhiều phía, thì đương nhiên nhà nước cũng phải san sẽ quyền định nghĩa về các chuẩn mực, các giá trị, các khái niệm, các quy trình đào tạo đại học cho các đối tác khác để làm giảm sự mâu thuẫn giữa các bên tham gia hầu tạo ra một mặt bằng chung về mặt lý luận làm nền cho một hướng đào tạo hiệu quả, hợp thời hơn.

Đã nhiều phen, cơ quan này, tổ chức nọ của các cấp trong ngành giáo dục đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp để tìm cách đưa giáo dục đi lên … Thế nhưng, nền giáo dục đại học vẫn ì ạch không phát triển, chúng ta đã và đang bí lối trong cải cách? Theo dõi các bài phân tích của các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục qua các hội thảo, tôi thấy có nhiều phân tích, nhiều đề xuất chí lý khía cạnh này, khía cạnh kia của vấn đề, nhưng suy cho cùng, đa phần vẫn là chuyện các đầu bếp bàn luận chất lượng món ăn với nhau, mà đáng lý chuyện này họ phải tham khảo ý kiến của thực khách thì sẽ nhận được những đánh giá chính xác và khách quan hơn để tiến hành cải cách đúng hướng.

Theo tôi, nền giáo dục đại học hiện nay cũng giống một cỗ máy cũ kỹ, khập khiễng so với thời cuộc, muốn nó hoạt động thực sự có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, của sự hội nhập với thế giới trong thời đại mà thông tin, khoa học phát triển như vũ bão, chúng ta phải tân trang hoặc thay thế lại một cách đồng loạt tất cả các khâu, các bộ phận chứ không chỉ thay thế riêng một bộ phận nào đó, hay chỉ sửa chữa tạm thời mang tính tình thế như lâu nay vẫn làm. Muốn tiến hành một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học, bước đi đầu tiên là thay đổi tư duy lãnh đạo. Bởi tư duy lãnh đạo tựa như não bộ của cơ thể con người. Nếu bộ não không thực hiện đúng chức năng chỉ huy của mình, sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, chứ không chỉ tác động xấu đến một vài bộ phận riêng lẽ nào đó. Theo tôi, điều kiện tiên quyết để khởi xướng một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học là:

Nhà nước và trường đại học phải chia sẻ quyền định nghĩa cặp khái niệm chất lượng giáo dục và nhu cầu xã hội và mối liên hệ giữa chúng với các đối tác của nền kinh tế nhiều thành phần nhằm tạo điều kiện cho các thành phần này tham gia vào quá trình thiết lập các quy trình, chương trình, nội dung, chính sách đào tạo, vv.

Giải quyết mâu thuẫn

Để giải quyết mâu thuẫn trong việc định nghĩa cặp khái niệm nói trên và sự tương quan giữa chúng, chúng ta có hai cách để làm: Một là Nhà nước phải tăng cường kiểm soát xã hội để điều chỉnh và định nghĩa những nhu cầu xã hội theo ý mình trong tương quan với hiện trạng các trường đại học do Nhà nuớc kiểm soát và lãnh đạo giống như đã làm vào thời bao cấp. Giải pháp này có thể sẽ tạo được một mặt phẳng tĩnh lặng, một chiều, trong đó mâu thuẫn giữa chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội sẽ được giải quyết một cách cưỡng bức. Tuy nhiên giải pháp này khó có thể chấp nhận vì nó đi ngược lại với xu thế phát triển nói chung. Cách thứ hai là Nhà nước, nhà trường chấp nhận nền kinh tế thị trường với những quy luật và quyền hạn của nó. Như vậy, nhà trường phải thay đổi để theo kịp thời đại. Tư duy của các nhà lãnh đạo giáo dục phải được canh tân cho hợp với tinh thần của nền kinh tế thị trường, từ đó sẽ cải cách tất cả các khâu còn lại. Tư duy này phải thông thoáng, nhà lãnh đạo phải biết nhìn xa trông rộng, có khả năng nắm bắt thời cuộc, tiên đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai gần và xa, trong phạm vi hẹp và rộng. Người lãnh đạo phải làm việc với phong cách thực sự dân chủ kèm theo những cơ chế phù hợp để khai thác một cách hiệu quả sự tham gia của các vai diễn trên sân chơi của nền kinh tế thị trường qua việc định nghĩa các giá trị, các chuẩn mực về chất lượng đào tạo, về nhu cầu xã hội cũng như tất cả các khâu trong quy trình đào tạo từ sự định nghĩa mục tiêu, các chương trình, nội dung, vv, (tôi chưa có điều kiện đi sâu phân tích từng khía cạnh trong khuôn khổ bài viết này).

Muốn vậy, Nhà nước không nên ôm đồm hết mọi chuyện, không nên xen quá sâu vào nội bộ của các trường đại học, nhất là trong lãnh vực chuyên môn, mà chỉ nên quản lý các trường trên bình diện vĩ mô, tạo ra các chính sách điều tiết, giải quyết các vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục... Nhà nước phải tạo ra một “khoảng trống” cần thiết kèm theo một hành lang pháp lý cho các trường đại học để các trường có thể tự quyết và tự chịu trách nhiệm nhằm tạo ra sự mềm dẻo, dễ điều chỉnh để cập nhật với sự phát triển khoa học của thế giới và sự biến dịch nhanh chóng và đa dạng của nhu cầu xã hội. Đến lượt mình, trường đại học phải cho các giảng viên và sinh viên một “khoảng trống” đủ về thời gian, về quyền hạn, trong một tâm thế thoải mái để có thể làm nảy nở những sáng tạo trong quá trình làm nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Đại học chúng ta đang thực sự thiếu các khoảng trống quan trọng này do việc cấu tạo các chương trình, nội dung đào tạo quá nặng nề, bất cân đối giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo kỹ năng, cộng với cách thức quản lý cồng kềnh áp đặt từ trên xuống đã làm tiêu hao biết bao thời gian sức lực của giảng viên và sinh viên mà tính hiệu quả không cao. Sự quá tải của chương trình dẫn đến cách học và dạy kiểu thụ động, cách đánh giá kết quả học tập máy móc hình thức không phản ánh thực sự khả năng của người học. Nói tóm lại, Nhà nước phải thực sự tôn trọng sứ mệnh khoa học của trường đại học, phải đặt chức năng chuyển tải và sản xuất các tri thức khoa học lên hàng đầu và tạo điều kiện về vật chất và tinh thần thúc đẩy trường đại học thực hiện chức năng này. Nhà nước phải làm cho chức năng này không quá mâu thuẫn với chức năng chuyển tải các chuẩn mực, các giá trị văn hoá xã hội và chính trị, phải làm cho hai chức năng này trộn lẫn với nhau một cách hài hoà trong một minh triết đào tạo thống nhất giữa xã hội của nền kinh tế cạnh tranh và ý thức hệ trong giáo dục.

Trên đây, chúng ta vừa đề cập xung quanh hai khái niệm căn bản nối liền giữa đào tạo đại học và thời cuộc. Từ cách nhìn, hướng đi mà tác giả bài viết đã nêu, một chuỗi các vấn đề nóng bỏng tựa như các chi thể đang lâm bệnh như quá trình lựa chọn nội dung, quy cách thiết lập các chương trình, vấn đề phương pháp sư phạm và các hình thức đánh giá kết quả học đường, vấn đề quản lý và tổ chức, vấn đề nhân sự, đội ngũ giảng viên, chính sách trong đào tạo, vv, đang chờ đợi chúng ta mổ xẻ để giúp cơ thể giáo dục đại học của chúng ta sớm bình phục và phát triểnª

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Phát triển kinh tế, số 164, tháng 06, 2004.

No comments:

Post a Comment