Phi Tuyết gửi đến cho Đài Á Châu Tự Do:
NHỮNG SAI LẦM TRONG QUAN NIỆM DẠY CON CỦA NGƯỜI VIỆT:
1. Thương cho roi cho vọt
2. Con là trung tâm của thế giới
3. Thưởng mọi lúc mọi nơi
4. Không tôn trọng con như những cá thể độc lập
5. Xem công sinh thành như là một công cụ để kiểm soát và điều khiển con
Xin cùng làm rõ hơn trong từng quan niệm này:
1. Thương cho roi cho vọt
Triết lý dạy con sai lầm và nguy hiểm nhưng “kinh điển” này khiến chúng ta mặc nhiên cổ súy rằng bạo lực là đúng, là cần thiết, là tốt. Những câu nói "mày muốn ăn đòn không" "cái thằng này nó cần roi" "ngứa đít phải không" hay thậm chí “tát cho vỡ mồm mày bây giờ"... không phải là ít trong quá trình "dạy dỗ" con cái của các bậc cha mẹ. Đứa trẻ ngoài việc mặc định rằng bạo lực là điều được ủng hộ, bạo lực là tình yêu thì còn có nguy cơ trở nên nhút nhát, sợ hãi trước bạo lực, trước cường quyền. Chúng yêu cha mẹ bằng một tình yêu sợ hãi, chứ không phải yêu thương. Hệt như cách tôn giáo làm cho người ta khiếp sợ Thượng đế hay vì yêu thương Thượng đế vậy.
Thế rồi người ta lại ngạc nhiên khi con mình nhiễm thói bạo lực của mình, chúng cũng đòi “đánh chết bây giờ”, “đập cho bây giờ”, “muốn ăn đòn không?” bất kì ai trái ý chúng. Chúng không hư đâu, chúng chỉ bắt chước một cách rập khuôn những gì chính cha mẹ chúng thể hiện.
Nếu bạn muốn con bạn nhiễm thói bạo lực, khiếp sợ bạo lực, yêu bạo lực, muốn dùng bạo lực trong mọi khúc mắc của cuộc sống, bao gồm cả bạo lực với người khác và với chính mình, thì hãy cứ tiếp tục “yêu cho roi cho vọt” đi.
Nhưng hãy nhớ rằng chỉ những bậc cha mẹ nào bất lực trong việc dạy con mới phải dùng tới bạo lực mà thôi.
2. Con là trung tâm vũ trụ
Đây là điều mọi người đều nghiễm nhiên đồng ý chẳng cần lý do và nó thì không quá xấu, nhưng chẳng tốt đẹp gì.
Nếu như Phương Tây xem con cái như một thành viên trong gia đình với những quyền và nghĩa vụ tương tự như mọi người, dạy cho trẻ biết nhận thức và suy nghĩ như một cá nhân độc lập thì phương Đông chúng ta hoàn toàn ngược lại. Đứa trẻ không bao giờ là một cá nhân độc lập, chúng luôn và luôn phải phụ thuộc và tuân theo cha mẹ, bất kể từ chuyện ăn uống, mặc, học hành, sự nghiệp, thậm chí cả chuyện lập gia đình và con cái. Còn nếu một đứa trẻ mà dám tự làm theo ý mình, dám bày tỏ chính kiến của mình hoặc bất chấp ngăn cản để tự sống cuộc đời mình ư? “Tiêu mày rồi con...” Đứa trẻ đó sẽ nghiễm nhiên được khoác những mỹ từ khủng khiếp “bất hiếu”, “hư đốn”, “mất dạy”...
Việc đặt con cái làm trung tâm của cuộc sống không chỉ làm mất khả năng tự lập của trẻ mà còn làm mất luôn đời sống của người cha mẹ. Họ bắt đầu sống vì con, làm việc vì con, ở với nhau vì con hoặc thậm chí hi sinh hạnh phúc của mình vì con. Thật thảm hại. Sao người ta lại có thể đồng hóa hạnh phúc của mình với của con là một được? Hay sao người ta không nghĩ cách để cả hai cùng hạnh phúc có phải tốt hơn không? Việc đồng hóa này khiến cho những người con trong nhà luôn phải nhìn mặt người lớn trước mỗi quyết định của bản thân mình, cha mẹ có vui không, có hài lòng không? Và rồi trong rất nhiều trường hợp, những người con đã lại chọn cách hi sinh hạnh phúc của bản thân vì hạnh phúc của cha mẹ. Cái vòng luẩn quẩn thảm thương, hạnh phúc trở thành vật hi sinh thành vật tế lễ cho những người sống cuộc đời người khác.
Việc đặt con cái vào trung tâm vũ trụ thật là việc làm nguy hiểm. Khi đứa trẻ lớn lên, hoặc là chúng sẽ bị sock, bị thất vọng vì nhận ra chúng không hề là trung tâm vũ trụ nào cả, chúng chỉ là những người bình thường trong rất rất nhiều người bình thường xung quanh. Đứa trẻ có thể trở nên thất vọng, mất niềm tin hoặc tự ti và càng thế chúng lại càng bám chặt vào cái phao gia đình, nơi mà chúng luôn được coi là quan trọng. Hoặc là chúng sẽ phải làm mọi cách để tiếp tục được làm trung tâm vũ trụ. Chúng làm mọi thứ để người khác phải quan tâm chúng, kể cả bằng những hành động ngông cuồng, sốc nổi. Và càng lớn thì các mục tiêu theo đuổi có khác đi, như danh vọng, tiền bạc, quyền lực, sự nổi tiếng... tất cả đều để thỏa mãn cái cảm giác rằng chúng là trung tâm của vũ trụ. Chính cha mẹ đã hướng cho con cái một lối đi không lành mạnh như thế và khi thấy chúng không lành mạnh, họ lại thất vọng.
3. Âu Mỹ phạt còn Việt Nam thưởng
Xem phim Âu Mỹ thường thấy bên đó người ta hay áp dụng phạt nhiều hơn thưởng. Nếu đứa trẻ không ăn, chúng sẽ bị phạt nhịn đói, nếu đứa trẻ làm lỗi, chúng sẽ bị phạt cắt tiền tiêu vặt hoặc bị cấm túc không được đi chơi. Ít khi thấy đứa trẻ Âu Mỹ được thưởng gì khi làm đúng ngoài những lời khen ngợi, động viên, cảm thán, điều này luyện cho chúng một tư tưởng rằng làm việc đúng là hiển nhiên và làm việc sai thì phải chịu hậu quả. Dần dà chúng làm việc tốt như là điều tất nhiên cần phải thế.
Nhìn lại cách thưởng phạt của chúng ta sẽ thấy những điểm khác biệt. Nếu con cái làm sai thì khả năng chúng được giải thích, được giảng giải là zero nhưng khả năng bị la mắng, bị ăn đòn là đa số, phần còn lại là những cái thở dài mặc kệ. Chúng ta ít có những hình phạt đúng đắn cho trẻ con ngoài việc dùng tới bạo lực hoặc bỏ qua.
Còn việc thưởng ư? Ôi chao bậc cha mẹ Việt Nam thật vô cùng hào phóng. Chúng ta thưởng cho bọn trẻ rất nhiều, một cách vô tội vạ. Nghe lời là được thưởng, chịu ăn cơm chịu uống thuốc là được thưởng. Học tốt là được thưởng. Thậm chí chẳng có lý do gì, chỉ cần cha mẹ vui là chúng cũng được thưởng đủ thứ đặc ân và quà tặng. “Ăn hết cơm mẹ thưởng cho cái kẹo” “nghe lời rồi mẹ thưởng đồ chơi” “ngồi yên đi tí về mẹ mua đồ chơi cho” “ở nhà ngoan tí về mẹ mua bánh nhé” “học tốt bố thưởng cho chuyến đi chơi”... Chúng ta lạm dụng việc thưởng nhiều đến mức việc thưởng khi làm đúng trở nên điều hiển nhiên. Bọn trẻ mặc định cho rằng làm điều đúng, điều tốt là phải được thưởng và thưởng là điều bắt buộc. Chúng không còn trân trọng những gì chúng được thưởng mà cũng chẳng còn nhận ra sự tất yếu của những việc làm đúng đắn nữa. Người ta bắt đầu làm việc đúng không phải theo bản năng, mà là có điều kiện. Cái gì có thưởng, có lợi cho mình thì mới làm, không thì thôi. Nhặt được đồ người khác làm rơi trả lại chỉ mong được hậu tạ. Làm tốt công việc được sếp giao thì đòi tăng lương mà quên mất mình được trả lương để làm tốt những việc đó.
Nhìn lại xem, các cha mẹ bạn thấy xung quanh có đang thưởng con cái mình một cách thiếu lương tâm như thế?
Nếu có thì sao phải ngạc nhiên khi một giáo viên hay một bác sĩ, một vị công an, công quyền, một bác tài xế taxi hay có thể là bất cứ ai bạn gặp trong cuộc sống hàng ngày cũng đều muốn được “thưởng thêm” chỉ vì họ làm tốt công việc họ được giao, được trả lương để làm tốt?
Và hãy nghĩ lại xem mỗi khi bạn làm tốt việc được giao, bạn có muốn được thưởng? Trong khi việc làm tốt việc được giao 100% là việc bạn được trả lương để làm?
Than gì nữa vì chính bạn đã dạy cho con bạn theo cách đó mà không hề hay biết.
4. Không tôn trọng, thậm chí xem thường con cái
Điều này thoáng nghe thì có hơi mâu thuẫn với việc đặt con cái làm trung tâm vũ trụ bên trên, nhưng thực tế là không.
Cha mẹ Việt Nam nuông chiều con cái như trung tâm vũ trụ nhưng song song đó cũng vô cùng xem thường chúng. Họ không coi con cái như một cá thể độc lập, ngang bằng, có chính kiến và tự chủ. Mọi điều họ mong muốn không phải mong con trưởng thành nhưng là mong con biết nghe lời mình. Cứ như thể chỉ mình mình biết suy nghĩ và biết đúng sai. Trẻ em Việt Nam được chiều chuộng về vật chất, bánh kẹo, đồ chơi nhưng lại không được tôn trọng một chút nào những quyền tự chủ tự quyết định của chúng.
Cha mẹ Việt Nam luôn cho rằng con mình còn nhỏ, còn ngây thơ, không biết gì, không hiểu gì về cuộc đời. Dù cho đứa con có trở thành thanh niên hay cưới vợ thì trong mắt cha mẹ, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ cần phục dịch. Lấy vợ cho con không phải mong con hạnh phúc mà mong có người chăm sóc gia đình, chăm sóc con mình.
Cha mẹ Việt Nam có thể đang cho rằng con mình không tích sự gì, không làm nên trò trống gì nên họ mới phải cố gắng cả đời tích cóp để dành cho con, thay vì để chúng tự phấn đấu. Ai cũng muốn con mình thành đạt nhưng sâu thẳm họ vẫn thích con mình không làm mà vẫn được thành công hơn. Họ không muốn con mình vất vả nhưng muốn nó được lương cao. Không muốn nhìn con mình áp lực nhưng lại muốn nó được mọi người nể trọng.
Thật là những mâu thuẫn kinh điển. Cái gì tốt cũng muốn dành hết cho con mình, đó là yêu thương ư? Không, đó là ích kỉ. Vì đôi khi những thứ cha mẹ bỏ nhiều công sức dành của những người khác đó con họ lại không cần. Có thể hình dung như việc một bà mẹ tranh giành với những người khó khăn hơn chỉ để mang về cho cậu con trai bị béo phì của mình một cái bánh kem được phát miễn phí.
Trẻ em một cách rất bản năng chúng biết những gì chúng cần nhưng cha mẹ, một cách rất bạo lực, áp mọi thứ cha mẹ cần lên những đứa trẻ, chứ không phải những thứ bọn chúng cần. Thật là độc tài vậy mà vẫn tự hào mình là cha mẹ tốt nhất vì giành hết cho con những điều tốt đẹp.
5. Mang công sinh thành ra như món hàng để trao đổi, ra điều kiện và kiểm soát cuộc đời con cái
“Tao mang nặng đẻ đau sinh ra mày...” câu này sao người ta ưa dùng nó để dạy con đến thế? Là đứa trẻ bắt cha mẹ mang nặng đẻ đau hay tự chính cha mẹ chọn để rồi dùng nó như một cách để kể công khi cần?
Cũng hệt như việc người Việt Nam thích được thưởng khi làm những việc tốt hiển nhiên vậy. Trước khi bắt con cái phải biết ơn công sinh thành của mình, hãy cảm ơn con cái vì chúng đã dạy cho bạn hiểu thế nào là tình mẫu tử – tình cha con. Hãy cảm ơn chúng vì chính chúng mang lại cho bạn thiên thức làm cha làm mẹ trước. Đừng xem chúng như một gánh nặng hay một kì công bạn tạo ra và cần báo đáp.
Con cái thì yêu thương cha mẹ, đó là điều hiển nhiên, nhưng đó không có nghĩa là nghĩa vụ hay trách nhiệm phải yêu thương cha mẹ. Vì trong những trường hợp cha mẹ tệ hại, làm gương xấu xí và lệch lạc, suốt ngày đánh chửi, say sưa, bài bạc, kể công, bắt chúng làm những điều chúng không muốn và cấm tuyệt đối những điều chúng ước ao khao khát... thì chúng có thể yêu thương cha mẹ nổi không?
Nhưng cha mẹ đối xử với con cái như tù nhân, như tội đồ thì có đáng được bọn trẻ yêu thương, sùng kính?
Tình cảm là thứ tự nhiên không thể miễn cưỡng được nhưng các cha mẹ thì đang miễn cưỡng ép con cái phải chấp nhận việc yêu thương cha mẹ như là điều buộc phải làm. Nếu bạn đáng yêu, tự chúng sẽ yêu. Nếu bạn không đáng yêu, hãy nhìn lại mình và tìm cách giải quyết hoặc thay đổi. Đừng mang công sinh thành công mang nặng đẻ đau ra để trao đổi, ra điều kiện và kiểm soát con trẻ. Vì lỡ một ngày khi bạn nói “uổng công tao mang nặng đẻ đau mày” và chúng đáp lại “con bắt mẹ phải mang nặng đẻ đau sinh ra con à?” thì... liệu bạn còn đủ sinh lực để đứng đó nữa không hay gục ngã mất rồi?
Đừng mang chuyện sinh nở ra để kể công hay làm áp lực với con cái thêm lần nào nữa.
Đây chỉ là một vài trong rất nhiều những quan niệm dạy con của người Việt kéo dài hàng trăm năm và để lại hậu quả vô cùng lớn. Nó tạo ra cho xã hội chúng ta những giá trị xấu xí về cả nhân lực và văn hóa. Mà hai thứ này, theo cách nào đó, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nước như ngày hôm nay. Một thứ văn hóa chắp vá, cổ lỗ sĩ, lạc hậu, không những không giúp cho người Việt vinh danh, cho nước Việt phát triển mà còn cầm chân đất nước ở những nấc thang lè tè với thế giới. Văn hóa lũy tre làng, văn hóa tàn dư Khổng giáo – hãy bỏ chúng đi.
Nếu như bạn muốn thay đổi xã hội này, văn hóa này, đất nước này tốt hơn cho chính con cái bạn được vui sống. Trước tiên hãy thay đổi bản thân và thay đổi cách dạy con của mình trước đã.
Đó là việc tưởng nhỏ nhưng không nhỏ tí nào.
[ảnh: afamily.vn]
Nguon: https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/10153945229339571:0
No comments:
Post a Comment