Nguyễn Khánh Trung
TTO - Trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) về giáo dục gia đình, chúng tôi đã thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn với các phụ huynh Pháp và Việt.
Ảnh minh họa: LAP |
Kết quả cho thấy các bậc cha mẹ của hai nước có quan niệm và cách thực hành khác nhau liên quan đến giáo dục sự vâng lời.
Mẹ Việt dạy con vâng lời
Từ điển Petit Robert định nghĩa vâng lời là nghe và làm theo ý muốn của người khác. Dường như giáo dục gia đình và nhà trường của chúng ta đang ưu tiên giáo dục sự vâng lời theo định nghĩa này mà ở đây tôi xin chỉ nói một chút về giáo dục gia đình.
Trong các giá trị ưu tiên chuyển tải cho con cái, các bậc cha mẹ Việt nhấn mạnh trước tiên đến sự vâng lời, ngoan hiền, hiếu thảo, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới...
Một số cha mẹ Việt xem sự vâng lời là một đức tính căn bản, vâng lời là không được cãi người lớn, không chỉ đứa trẻ phải vâng lời cha mẹ mà phải vâng lời người lớn nói chung, chẳng hạn có bà mẹ cho biết “Phải vâng lời ba mẹ, vâng lời người lớn, rồi kính trên nhường dưới… Ví dụ như là mẹ nói con nghe lời nhưng dì nói con không nghe là không được”.
Một bà mẹ khác dạy con không được "trả lời ông bà", dẫu cho ông bà có sai, vì lẽ cãi lại ông bà là hỗn.
Quan niệm kiểu như trên là lấy người lớn làm trung tâm bất chấp người lớn đúng hay sai và quên mất rằng đứa trẻ cũng là một chủ thể chủ động, cũng có nhu cầu được tôn trọng, đáng lý ra phải là một bên, một «đối tác» công bằng trong tương quan với cha mẹ trong quá trình giáo dục.
Mẹ Pháp dạy con vâng lời
Khác với các cha mẹ Việt, trong các giá trị ưu tiên, các phụ huynh Pháp lại nhấn mạnh trước hết sự tôn trọng người khác (tôn trọng những gì như là người khác là, sự khác biệt nơi người khác, các văn hóa khác nhau), lịch thiệp, trách nhiệm, quan tâm, chia sẻ phục vụ người khác, tình liên đới trong cộng đồng và xã hội,...
Các cha mẹ Pháp thường nhấn mạnh đến việc giáo dục tự chủ, tuy nhiên cũng có một số trường hợp nói đến giáo dục sự vâng lời. Chúng tôi đặt câu hỏi với một bà mẹ rằng chị nhấn mạnh đến việc giáo dục tự chủ cho con chị, nhưng chị cũng nói đến sự vâng lời, liệu hai điều này có mâu thuẫn không ? Chị giải thích :
"Tôi nghĩ các cháu có thể là đứa trẻ vâng lời, nhưng cũng là đứa trẻ tự chủ. Nếu những luật lệ được thiết lập đúng đắn và có trí tuệ, tôi nghĩ sự tuân theo luật lệ đó sẽ không làm mất đi sự tự chủ của trẻ. Trong giáo dục, chúng tôi cho các cháu một khoảng trống để tự các cháu phát triển, những nguyên tắc chúng tôi đưa ra không cản trở sự lớn lên của các cháu, nhưng là để bảo vệ chúng... Cuộc sống cũng vậy, chúng ta luôn có những luật lệ phải theo, cần phải nói cho bọn trẻ biết…".
Cách giáo dục con cái của các cha mẹ Pháp là sử dụng lời nói, lý lẽ để trao đổi, nói chuyện, thuyết phục con. Dù nói không hay có với con khi con đòi hỏi, dù cho con tự do hay buộc con phải chấp nhận một số khuôn khổ, họ đều sẵn sàng đối thoại, giải thích cho con một cách cặn kẽ bằng lý lẽ, chứ không áp đặt con một cách cảm tính, hay sử dụng roi đòn để buộc con vào khuôn khổ.
Hệ quả xấu
Nếu cha mẹ xem sự vâng lời là một giá trị ưu tiên trong giáo dục con cái, muốn con mình luôn ngoan và luôn biết vâng lời mình một cách tuyệt đối, thì có nghĩa là cha mẹ đang nặn đúc con mình thành một hình nhân theo ý mình chứ không cho con cái sống cuộc sống của chính chúng với những tính cách riêng, những khác biệt riêng có khi là bẩm sinh nơi con trẻ.
Theo tôi, để cho con trẻ có thể phát triển tối đa về mọi mặt theo đặc tính riêng của mỗi cháu, để mỗi con trẻ có thể sống chính cuộc đời của mình một cách hạnh phúc và phù hợp nhất, thì chúng ta không nên quá xem trọng giáo dục sự vâng lời.
Đương nhiên để chuẩn bị cho trẻ bước vào đời một cách có trách nhiệm và có khả năng chung sống với người khác, chúng ta nên dạy trẻ biết và chấp nhận những giới hạn, biết tôn trọng người khác, nhưng trong tất cả, phải sử dụng lý lẽ để giải thích, để thuyết phục trẻ chứ không nên dùng roi đòn, áp đặt, buộc trẻ chấp nhận mà trẻ không hiểu tại sao.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2011 cho thấy tại Việt Nam có 73,9 % trẻ em cho là đã trải nghiệm hình thức xử phát bạo lực từ người lớn, nghĩa là đứa trẻ đã trải qua ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực hoặc về tinh thần hay thể xác, trong đó bạo lực thể xác là 55%.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh sự giáo dục áp đặt, độc đoán với cách hành xử bạo lực của cha mẹ là nguyên nhân làm cho trẻ thiếu tự tin, lệ thuộc và khó trưởng thành.
Nếu một xã hội đề cao sự tuân phục, sử dụng giáo dục như một nơi để đúc nặn các cá nhân vốn rất khác nhau trở thành những mẫu nhân cách chung luôn ngoan ngoãn và vâng lời, thì xã hội đó chắc chắn sẽ lệ thuộc, buồn tẻ và chậm tiến, vì xã hội đó không phải là đất tốt của những tính cách tự chủ, của sự sáng tạo, của các sáng kiến, của những phát minh vốn là hoa trái của các cá nhân có óc tự do, có khả năng truy vấn dựa trên sự soi sáng của lý tính và sự độc lập của tính cách. Những thứ vốn là mục tiêu trong giáo dục gia đình cũng như giáo dục nhà trường tại các nước phát triển hiện nay.
Giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường nếu không góp phần tạo ra được những cá nhân trưởng thành, được khai minh khai trí, có khả năng làm chủ lấy cuộc sống của bản thân, làm chủ lấy những gì được học và có thể thúc đẩy sự phát triển của xã hội, thì đó là một sự giáo dục thất bại.
Nguon: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160226/co-nen-day-con-thanh-dua-tre-vang-loi/1057480.html
No comments:
Post a Comment