NguyỄn KHÁNH TRUNG
Từ những
năm 1980 trở lại đây, giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới
đang quay lại với nghiên cứu định tính như một cách cần thiết để đảm bảo chất
lượng nghiên cứu, nhưng tại Việt Nam, loại hình nghiên cứu này chưa được thực
hiện nhiều, các tài liệu, đặc biệt các tài liệu về khoa học luận liên quan dường
như còn rất thiếu. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm
góp phần nhỏ của mình vào việc cải thiện tình trạng nghèo nàn này. Bài viết
trình bày cách hiểu về khái niệm “tính khách quan”, khái niệm “sự thật xã hội”
trong loại hình nghiên cứu định tính, cũng như trình bày các tiêu chí chất lượng
và một số kỹ thuật mà nhà nghiên cứu nên áp dụng để đảm bảo chất lượng cho một
công trình nghiên cứu định tính.
Nếu vào thập niên 1970, phương pháp nghiên cứu định lượng
chiếm vị trí thống soái trong các ngành khoa học xã hội với các kỹ thuật thu thập
dữ liệu bằng bản hỏi, thống kê, số hoá, thì từ những năm 1980 trở lại đây, với
sự quay lại của khái niệm chủ thể (acteur) trong các ngành khoa học xã hội và
nhân văn (Oberson, 2010), các nhà nghiên cứu có khuynh hướng sử dụng các kỹ thuật
của nghiên cứu định tính để tìm hiểu sâu các hiện tượng xã hội trong bối cảnh đặc
thù, xem xét các quá trình trong các động thái (dynamique) và phức tạp của
chúng (Bru, 2004; Duru-Bellat, 2004, dẫn bởi Paquay, 2006, tr. 14). Chiều hướng
này đang trở thành một trào lưu quan trọng đến nỗi đã có nhà nghiên cứu cho rằng:
“Ngày nay, người ta không gọi ai đó là ‘nhà nghiên cứu’ khi người này không biết
đến các lý thuyết và các kỹ thuật nghiên cứu sâu (approfondie) mà chỉ dừng lại ở
những kiểu điều tra thống kê máy móc” (Martinand, 2011).
Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở của loại hình nghiên cứu này
thường bị phê bình bởi các nhà thực chứng luận (positivisme) là thiếu “tính
khách quan”, thiếu tính đại diện, thiếu các quy chuẩn ổn định để đo đạc “sự thật”
xã hội (réalité sociale), không thể lặp lại các thí nghiệm để có thể kiểm chứng
những điều nhà nghiên cứu tuyên bố, vv. Khái niệm “tính khách quan” là khái niệm
trung tâm trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu theo
chủ nghĩa thực chứng luận. Với họ, nghiên cứu khoa học trên hết phải đảm bảo
tính khách quan, Durkheim (1894) yêu cầu nhà nghiên cứu phải xem các hiện tượng
xã hội như là những “sự vật xã hội” (chose sociale), nhà nghiên cứu phải trung
lập, phải ra khỏi đối tượng nghiên cứu để có thể quan sát và phân tích đối tượng
một cách khách quan, giữ thái độ trung lập như nhà vật lý quan sát một hiện tượng
tự nhiên.
Thế nhưng thế nào là “tính khách quan” trong khoa học xã
hội? Trong nghiên cứu định tính khái niệm này nên được hiểu thế nào? Thế nào là
sự thật xã hội? Thế nào là tính đại diện? Nghiên cứu định tính cần những tiêu
chí chất lượng nào? Trong bài viết, chúng tôi cố gắng trả lời các câu hỏi này.
Những nội dung trả lời sẽ được trình bày vừa là kết quả nghiên cứu tài liệu, vừa
là kết quả rút ra từ những trải nghiệm thực tế mà chúng tôi có được nhờ vào việc
thực hiện các dự án nghiên cứu.