Bùi Văn Nam Sơn
|
Theo Heidegger,
trong "Bản chất của Chân lý" (1931-32), ta vốn sống "trong thế
giới", không hề có sự phân ly, cô lập giữa đầu óc và thực tại, và không
bao giờ "nhìn thấy" thế giới hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai cả.
Đúng hơn nên nói: con người "khai mở" chân lý từ nhiều viễn tượng, gồm
nhiều mức độ thấu hiểu khác nhau, chen lẫn ánh sáng lẫn bóng tối. Sự khai mở ấy
là vô tận và thực tại là phong phú đến khôn dò.
Trong một giờ học, triết gia Martin
Heidegger (1889-1976) đặt câu hỏi: nếu giả thử một người thời nguyên thủy bước
vào lớp học của chúng ta ngày nay, người ấy sẽ "nhìn" và
"thấy" những gì? Chắc hẳn người ấy sẽ "nhìn" như chúng ta
thôi: bàn ghế, bảng đen, sách vở, giấy bút... Nhưng sẽ "thấy" khác!
Bàn và bảng đen có thể là những tấm khiên che rất tốt khi săn thú, ghế là vũ
khí, sách vở, giấy bút là những vật lạ lùng chưa biết để làm gì, và nếu có quạt
và đèn, chúng có thể là những gì thần linh, đáng để thờ phượng! Về một phương
diện, người ấy "sai", xét theo cái "thấy" của chúng ta.
Nhưng thật ra, người ấy chỉ "thấy" khác, bởi mọi sự vật xuất hiện ra
đâu phải là những tri giác rời rạc, vô nghĩa, trái lại, luôn kết thành một mạng
lưới ý nghĩa theo "nhãn quan", trong "thế giới cuộc sống",
của mỗi người. Người nào chưa bao giờ nhìn xe hơi, máy bay, sẽ thấy chúng bằng
con mắt khác, có khi rất mới mẻ, độc đáo, khác với những người đã quá quen
thuộc, theo lối mòn. Ai không tin, xin cứ đến với các thi sĩ, như Cao Bá Quát
"thấy" dòng sông Hương: "Trường giang như kiếm lập thanh
thiên" hay Lưu Trọng Lư "thấy" ngược lại: "Mắt em là một
dòng sông"!Từ cách hiểu khác về "chân lý"
Quan niệm thông thường của ta về chân lý là sự trùng hợp giữa đầu óc của ta và thực tại. Theo mô hình này, đầu óc một đàng, thực tại một nẻo, vấn đề là phải làm cho cả hai đối ứng với nhau. Nhưng, theo Heidegger, trong "Bản chất của Chân lý" (1931-32), ta vốn sống "trong thế giới", không hề có sự phân ly, cô lập giữa đầu óc và thực tại, và không bao giờ "nhìn thấy" thế giới hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai cả. Đúng hơn nên nói: con người "khai mở" chân lý từ nhiều viễn tượng, gồm nhiều mức độ thấu hiểu khác nhau, chen lẫn ánh sáng lẫn bóng tối. Sự khai mở ấy là vô tận và thực tại là phong phú đến khôn dò.
Trong thực tế, ta không nhìn thấy một mớ hỗn mang, mà nhìn thấy cây cối, nhà cửa, sông núi, trăng sao, tức luôn "thấy" cái gì đó "như là" cái gì đó. Chính cái cấu trúc "như là" ấy qui định nhãn quan của ta, vừa cho thấy năng lực diễn giải của ta về thế giới (điều kiện thiết yếu để sống còn), vừa cho thấy sự hữu hạn của mọi tầm nhìn. Nhưng dù sao, để diễn giải, phải có một không gian mở. Đất đá vô tri không biết mình là ai. Thú vật không biết đặt câu hỏi "tại sao" vì không vươn lên khỏi được cái trước mắt. Ta sở dĩ nhận thức được sự vật theo một cách nào đó là nhờ ở trong không gian mở cho sự gặp gỡ của đôi bên. Đúng hay sai, phong phú hay nghèo nàn, sâu sắc hay hời hợt tùy thuộc vào sự mở ngỏ này. Vì thế, sự mở ngỏ xứng đáng được gọi là bản chất của chân lý theo nghĩa chặt chẽ nhất. Vì sự mở ngỏ đòi hỏi sự tự do, nên cũng có thể nói bản chất của chân lý là tự do. Tự do có nghĩa là mở lòng ra đón nhận sự khai mở của thực tại. Hay nói cách khác, bản chất của chân lý là hãy để cho thực tại, cho sự vật có thể xuất hiện ra cho ta đúng với thực chất của chúng, mà không qui giản chúng một cách thô bạo thành sự méo mó, dị dạng, dù việc này không dễ dàng tránh khỏi.
Với cách nói có vẻ ngược đời, Heidegger cho rằng bản chất của chân lý thật ra không phải là chuyện của con người, mà của chính bản chất. Bản chất của thực tại tự xuất hiện ra, vừa khai mở, vừa giấu mình, khiến ta phải tập làm quen với sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, giữa vùng được khai quang và vùng bị che phủ. Tư duy như thế sẽ không chỉ thường xuyên mang lại cho ta những khái niệm, hình ảnh mới mẻ, mà còn thay đổi quan hệ của ta với thực tại. Thực tại, mỗi lần xuất hiện hay "khai mở" cho ta, là một "sự biến" khiến ta bỡ ngỡ, kinh ngạc như mới gặp lần đầu (trong ví dụ về người nguyên thủy bước vào lớp học). Cũng là một sự "tương ứng", nhưng không tĩnh tại như cách nhìn truyền thống, mà như một sự dọn mình từ cả hai phía để sẵn sàng trao và nhận thực tại như một quà tặng ân cần (như sông Hương chỉ "ban tặng" thanh trường kiếm cho người có đủ khí độ là Cao Bá Quát). Lần đầu tiên, bằng lối chơi chữ tế nhị dựa vào sự gần gũi ngữ âm giữa hai động từ trong ngôn ngữ Âu châu, Heidegger đồng nhất "suy tư" (denken/thinking) với sự "biết ơn" (danken/thanking)!
Một quan niệm như thế không thể không ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy giáo dục độc đáo của Heidegger.
"Dạy khó hơn học"
Trong "Ngôn ngữ truyền thống và ngôn ngữ kỹ thuật" (1960), Heidegger viết câu khá bí hiểm: "Người thầy đích thực chỉ hơn trò ở một chỗ, đó là phải học nhiều hơn trò, đó là: học cách để (yên) cho trò học. (Học có nghĩa là đưa những gì ta làm vào sự tương ứng với những gì mang lại cho ta như là bản chất cốt yếu)". Trước đó, từ 1934, trong "Trách vụ mới của Đại học", ông nói rõ hơn: "Dạy không phải là đơn thuần truyền đạt kiến thức. Dạy là: để cho việc học xảy ra (...) Dạy là mang người học đến chỗ họ không còn mãi mãi là học trò nữa". Trong "Suy tư là gì?" (1951-52), ông lại giải thích: "Dạy khó hơn học rất nhiều. Ta biết thế nhưng hiếm khi suy nghĩ về điều ấy. Thế tại sao dạy lại khó hơn học? Không phải vì người thầy phải có nhiều thông tin hơn và luôn có sẵn một bụng chữ. Dạy khó hơn học rất nhiều vì điều đòi hỏi nơi việc dạy là: hãy để cho học. Người thầy thật sự không để cho điều gì khác được học ngoài việc học".
"Để cho người học (biết) học", theo Heidegger, là giúp người học hồi đáp một cách tự do - chân thành, đích thực - đối với những gì họ thấy cần học. Ông gọi tiến trình này là "sự (đồng thanh) tương ứng" (Entsprechung/correspondence) giữa thầy và trò, giữa người học và đối tượng suy tư, nó còn tương đương với "để cho sự vật là-chính-nó" (Gelassenheit/"letting-be/releasement") như là thái độ thích đáng đối với vạn vật quanh ta. Tiến trình này cho phép việc học "xảy ra" như một sự biến đầy kỳ diệu, bất ngờ.
Dọn sẵn lòng mình để việc dạy và học có thể "xảy ra" là điều kiện cần thiết nhất, trước khi có bước thứ hai: biến "chân lý" bên ngoài thành của chính mình. Học là "tiếp nhận", là "lấy" một cách rất đặc biệt: người lấy chỉ lấy những gì mình vốn có sẵn! Việc dạy, do đó, cũng tương ứng với việc học này. Dạy là cho, là hiến tặng, nhưng nếu người học chỉ đơn thuần tiếp nhận, họ không học được gì cả. Họ chỉ học khi trải nghiệm rằng những gì họ lấy thật ra họ đã có sẵn. Việc học đích thực chỉ diễn ra khi việc lấy những gì vốn có sẵn nơi mình trở thành việc "tự ban tặng" cho mình và thực sự trải nghiệm đúng như thế.
"Biết mấy dòng thơm"...
Khi Heidegger đảo ngược quan hệ giữa nghiên cứu và giảng dạy và cho "việc giảng dạy là căn nguyên hơn", ý ông muốn nói rằng việc nghiên cứu không có cơ sở sẽ làm cho việc giảng dạy trở thành vô mục đích. Bởi, nghiên cứu và giảng dạy, hay đúng hơn, nghiên cứu trong giảng dạy, cần nhắm đến mục đích chung, nếu không muốn nói là duy nhất: mở rộng lòng người, đón nhận những tặng vật của trần gian và biết tri ân chúng. Đừng để "mặc hồn hương nhạt với chiều", đừng để "hoa đẹp rơi trên đá", oan uổng "một đời thơm".
--------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
* Xuân Diệu, Gửi hương cho gió
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 38, 18.06.2015)
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=8787&CategoryID=6
Cung hay ghê ha
ReplyDeleteCung hay ghê ha
ReplyDelete