Friday, May 29, 2015

Cẩm nang dạy con từ nước Nhật

Nguyễn Quốc Vương

25/05/2015 - 16:39 PM
LTS: Sổ tay giáo dục gia đình do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản biên soạn và phát hành năm 2010 là tài liệu có tính chất “cẩm nang” dành cho các cha mẹ đang nuôi dạy con. Tài liệu quan trọng này hiện được cấp phát tới tận tay các gia đình có nhu cầu. Dưới đây là một vài đoạn trích trong Sổ tay giáo dục gia đình, tập 1. Sách do Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh đại học Kanazawa - Nhật Bản dịch và giới thiệu, sắp phát hành tại Việt Nam. Tựa chính và các kỳ do Người Đô Thị đặt.
Cuốn “Sổ tay giáo dục gia đình” này được biên soạn nhằm trợ giúp các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi từ sơ sinh đến trước khi đi học trong việc làm sâu sắc sợi dây tình cảm giữa cha mẹ với con cái và giáo dục nên những con người có tâm hồn phong phú. Cuốn sổ tay này viết về những điều liên quan tới giáo dục gia đình và nuôi dạy con cái mà chúng tôi mong muốn từng gia đình suy ngẫm và thực hiện. Mong rằng các bậc cha mẹ hãy đọc nó và coi nó như là căn cứ trong việc nuôi dạy con. Ngoài ra chúng tôi cũng mong những người ở bên các bậc cha mẹ đang nuôi con như ông, bà  và đông đảo những người khác cùng đọc nó. Việc nuôi dạy trẻ rất vất vả nhưng nó cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Nếu như cuốn sổ tay này góp được một phần nhỏ vào việc ấy, với chúng tôi đó thực sự là niềm hạnh phúc.
Kỳ 1: Trẻ em luôn tìm kiếm hơi ấm của cha mẹ


Gia đình là gì?
 Theo bạn, mơ ước số một của trẻ em là gì?
Khi hỏi trẻ em rằng “Em có mơ ước gì đối với gia đình của mình không?” thì cho dù là ở độ tuổi nào đi nữa, câu trả lời của phần đông các em đều là “được vui vẻ ở bên gia đình”. Một việc đương nhiên như vậy mà giờ đây đã trở thành ước vọng của trẻ em. Chúng tôi mong rằng các bạn trong tư cách là cha mẹ hãy tiếp nhận nghiêm túc hiện thực ấy. Cũng đã từng có thời người ta nghĩ rằng chỉ cần đem lại cho con cái những vật chất cần thiết là con cái đã được nuôi dạy nhưng giờ đây không thể có được những gia đình vui vẻ và bình yên nếu như thiếu đi sự hợp tác một cách có ý thức của gia đình.
Vì con cái và cũng vì bản thân mình, hãy một lần nữa cùng nhìn lại gia đình mình.

Nếu như không thể coi trọng bản thân mình thì cũng không thể nào coi trọng con cái.
Nuôi dạy con cái là việc hệ trọng nhưng suốt cả ngày bận rộn đến mờ mắt khiến người ta trở nên mỏi mệt. Sự căng thẳng của cha mẹ sẽ truyền đến con cái. Chính bởi vì việc nuôi dạy con cái là hệ trọng cho nên cần phải tạo ra thời gian dành cho bản thân và việc duy trì tâm hồn khỏe mạnh là vô cùng quan trọng. Vợ chồng hãy tương trợ lẫn nhau và tiếp nhận sự giúp đỡ của bạn bè, sử dụng các hệ thống trợ giúp nuôi dạy trẻ như dịch vụ giúp đỡ nuôi trẻ, mạng lưới nuôi dạy trẻ để tạo ra thời gian thư giãn.
Thêm nữa, đừng bao giờ gặm nhấm nỗi đau khổ một mình mà hãy dũng cảm tìm kiếm sự tư vấn ở các Trung tâm Y tế, Trung tâm Tư vấn Giáo dục Gia đình, Trung tâm Tư vấn Trẻ em. Ngay cả các trường mẫu giáo và vườn trẻ được công nhận cũng tiến hành trợ giúp việc nuôi dạy con cái đối với cả những trẻ không được gửi ở đây. Cách thức tiến hành thay đổi tùy theo nhà trẻ, vì vậy trước hết bạn hãy thử đến hỏi nhà trẻ đó. Chính những gia đình cha mẹ hạnh phúc với khuôn mặt tươi cười sẽ khiến cho con cái cảm thấy hạnh phúc.
Những điều cần chú ý với những người cha nghĩ rằng nuôi dạy con là việc của các bà mẹ.
Trong quá trình mang thai, người mẹ phải chịu nghén, bụng to khó cử động và cả tâm trạng cũng không ổn định, vì vậy việc giúp đỡ chu đáo của người cha rất quan trọng. Đây cũng là thời kỳ quan trọng chuẩn bị tâm thế làm cha làm mẹ. Do đó, việc nương tựa lẫn nhau sẽ làm cho sợi dây gắn bó giữa vợ và chồng trở nên bền chắc.
Người ta cũng chỉ ra rằng trong quá trình nuôi con việc phó mặc trách nhiệm nuôi dạy cho người mẹ làm cho sự hiện hữu của người cha trong gia đình nhạt đi. Nếu như không có sự lý giải và hợp tác của người cha đối với gia đình thì sự lo lắng và cảm giác áp lực đối với việc nuôi dạy con của người mẹ sẽ tăng lên và có khả năng dẫn đến mối quan hệ gắn bó quá mức giữa mẹ và con.
Từ khi mang thai, việc người cha đảm nhận tích cực hơn vai trò trong nhà và hai vợ chồng thường xuyên trao đổi chuyện nuôi dạy con rất quan trọng. Đó là việc mong muốn trưởng thành hơn trong tư cách là vợ chồng, cha mẹ thông qua nuôi dạy con cái.

Nếu nói chưa chắc đã hiểu thì không nói còn không hiểu hơn.
Việc gia tăng trò chuyện giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái là nền tảng vun đắp gia đình. Thực tế thì cả vợ và chồng đều mong người kia là người bạn có thể trò chuyện bất cứ chuyện gì. Vợ chồng hãy cùng trò chuyện về việc chào đón con trong tư cách là thành viên mới của gia đình, từ giờ trở đi sẽ vun đắp gia đình như thế nào, sẽ nuôi dạy con như thế nào?
Để gia tăng các cuộc trò chuyện hàng ngày, nỗ lực cố gắng như ăn cùng nhau càng nhiều càng tốt, cùng nhau nói về những việc đã xảy ra trong ngày, cùng nhau làm việc nhà, chơi thể thao hay tham gia hoạt động tình nguyện ở địa phương là rất quan trọng.
Tư thế lạc quan của cha mẹ thế nào rồi cũng truyền tới con cái.
Ở những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ hay các gia đình hai vợ chồng cùng đi làm, do cha mẹ vừa phải đi làm vừa nuôi con nên thời gian tiếp xúc chậm rãi với con có xu hướng ít đi. Tuy nhiên, việc nghĩ về con cái và nỗ lực hướng về tương lai tốt đẹp hơn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến trái tim con cái. Bên cạnh đó, đừng để một mình phải chịu đựng những nỗi khổ đau mà hãy tiếp nhận sự hợp tác của họ hàng, bạn thân, sử dụng tích cực các hệ thống trợ giúp nuôi dạy con cái như trung tâm tư vấn ở địa phương, những người trợ giúp nuôi dạy trẻ, mạng lưới nuôi dạy trẻ.
Cách sống của bạn sẽ trở thành yếu tố giáo dục quan trọng nhất đối với con.
Từ trước đến nay hình mẫu con người mà xã hội đòi hỏi là những người chăm chỉ và  biết vâng lời nhưng từ giờ trở đi xã hội lại cần đến những người biết tự mình suy nghĩ, sáng tạo, hành động và dũng cảm.
Để giáo dục nên những người không chỉ quan tâm tới lợi ích của bản thân mà còn tích cực chú ý đến gia đình, địa phương và toàn thể xã hội thì trước tiên việc bản thân cha mẹ có hiểu biết về tầm quan trọng của điều đó cũng như nỗ lực thử sức rất quan trọng. Hãy thể hiện cho con thấy nỗ lực tạo ra xã hội tốt đẹp hơn.
Nhịp điệu đời sống trẻ em
Ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng.
Hãy ngủ đúng quy tắc và ăn sáng hàng ngày. Nghe có vẻ thật đơn giản nhưng kỳ thực rất khó. Tuy nhiên, có những dữ liệu chứng minh rằng những trẻ làm tốt điều này đều học tốt và vận động tốt. Việc đi ngủ sớm dậy sớm và ăn sáng giúp trẻ bắt đầu ngày mới một cách khỏe khoắn. Có các câu tục ngữ như “Dậy sớm thường được lợi”, “Trẻ hay ngủ là trẻ ngoan”. Một lần nữa các bạn hãy suy nghĩ về thói quen đời sống cơ bản của trẻ em.
Thời gian ngủ rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ.
Thời gian ngủ của trẻ em đang trở nên muộn hơn và ngắn lại. Trong thế giới tràn ngập các kênh truyền hình phát suốt đêm và các cửa hàng kinh doanh suốt 24 giờ, ngay cả trong các gia đình, cuộc sống theo kiểu hoạt động về đêm của người lớn cũng đang cuốn theo cả trẻ em vào đó. Việc tạo ra thói quen ngủ sớm, dậy sớm và ngủ đủ rất quan trọng đối với việc xác lập nhịp điệu cuộc sống và sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em. Hãy tạo ra quy tắc ngủ sớm dậy sớm trong gia đình và biến nó thành thói quen.
Một ngày bắt đầu bằng bữa sáng.
Tại sao việc ăn sáng lại rất quan trọng?
Bữa sáng là xuất phát điểm của một ngày. Nhờ bữa sáng mà cơ thể được cung cấp năng lượng, phát huy và duy trì sự tập trung, động lực, thể lực và có thể giúp tạo ra nhịp điệu thân thể trong ngày.
Đặc biệt, thời thơ ấu là thời kỳ quan trọng khi các thói quen cơ bản của cuộc sống, bao gồm thói quen ăn uống, được hình thành. Việc hình thành ở trẻ em thói quen ăn sáng chu đáo cũng sẽ có liên quan đến việc tạo ra nền tảng của cuộc sống khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.

Hãy cho trẻ ngủ đúng quy tắc và ăn sáng hàng ngày. Ảnh: TL
Dạy con
Trẻ em luôn tìm kiếm hơi ấm của cha mẹ.
Con người là thực thể luôn muốn được người khác hiểu và yêu thương. Cũng có trường hợp trở nên tức giận khi sự bất mãn vì không được người khác hiểu tích tụ lại. Đương nhiên, khi trẻ em cáu giận, cả trẻ em và cha mẹ đều không nhìn ra tường tận lý do mà chỉ cảm thấy tức giận và khổ sở nhưng thực tế có lý do tồn tại. Mỗi ngày bằng việc cha mẹ thể hiện tư thế lắng nghe lời nói của con, suy nghĩ bằng cái nhìn bình đẳng và có mối quan tâm sâu sắc, trẻ em có thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Khi trẻ em cảm nhận được tình yêu thương sẽ có khả năng đối diện với vấn đề bằng tâm trạng bình tĩnh. Từ đó trẻ có thể tiếp nhận người khác hay các vấn đề một cách nhẹ nhàng và trưởng thành.
Trẻ em không thể kêu cứu rõ ràng.
Cảm xúc căng thẳng, thiếu vắng tình cảm thân mật, bảo hộ quá mức, can thiệp quá mức có ảnh hưởng tới sức khỏe tâm hồn của trẻ và nó thường thể hiện ra như là dấu hiệu của thân thể. Có vô số các dấu hiệu từ các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy, chán ăn, chóng mặt, đau đầu, sốt… đến các hành động như ăn quá nhiều, mất ngủ, mút ngón tay, cắn móng tay… Nếu nhận ra những dấu hiệu như vậy thì không chỉ lo lắng trẻ em bị bệnh mà còn phải suy ngẫm xem liệu vấn đề tình cảm có phải là nguyên nhân hay không. Vấn đề không thể được giải quyết chỉ bằng những lời kiểu như  "đó chỉ là tưởng tượng mà thôi", "làm nũng ấy mà", "lười biếng ấy mà"... mà việc quan sát tình hình, lắng nghe trẻ em nói, lý giải điều đó là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cũng cần trao đổi với các bác sĩ có liên quan.
 Quy định có là vì ai?
Trẻ em vừa tuân thủ, phá vỡ các quy tắc, cam kết trong gia đình vừa học về mối quan hệ giữa con người với con người cũng như tầm quan trọng của quy tắc xã hội.
Trong các quy tắc của gia đình có các quy tắc thuộc về đời sống như chào hỏi, giờ về nhà, tư thế làm đâu ra đấy và cả các quy tắc thuộc về đạo đức như không làm phiền người khác, không được nói dối…Để tạo ra tính nhất quán trong việc dạy con và  dạy con hiệu quả, cha mẹ hãy thảo luận kỹ, đặt ra quy tắc và cùng con tuân thủ những quy tắc ấy. Bên cạnh đó, việc lắng nghe ý kiến của con để đặt ra quy tắc cũng rất quan trọng.
"Trẻ em nói gì cũng nghe" - không phải khi nào cũng là sự yêu thương của cha mẹ.
Nếu mua cho con các món đồ một cách quá dễ dàng, trẻ sẽ dần trở nên không có khả năng nỗ lực, chịu đựng và sáng tạo để có được thứ mình muốn. Trẻ sẽ thèm khát vật chất một cách vô độ và không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Cho dù có bị con đòi, cũng không nên mua các món đồ quá mức cần thiết. Hãy làm cho trẻ tự lo liệu với số tiền tiêu vặt không quá lớn đã được quyết định sẵn.
Nếu nghĩ rằng muốn vì con thì hãy dành cho trẻ trái tim và tình cảm hơn là tiền bạc.


Cần phải khen kịp thời khi trẻ làm việc tốt.
Những người “chỉ cần tốt với mình là đủ” hay “không tuân thủ quy tắc” là những người thường không được người khác tin cậy. Khi trẻ làm những việc trên mà không chỉnh sửa nghiêm túc thì có khả năng sẽ nuôi dạy nên người nghĩ lầm rằng làm như thế là tốt. Hãy từ bỏ ý nghĩ “con mình bao giờ cũng tốt”, đối với những việc sai trái phải trách mắng thật lòng với sự yêu thương và dạy con đúng cách.
Cha mẹ cũng phải chú ý đừng để bản thân vi phạm các nguyên tắc. Hãy luôn là người cha, người mẹ được con cái tin tưởng và kính trọng.
Trách mắng thiên về cảm tính không phải là dạy con.
Dạy con rất quan trọng nhưng cũng có trường hợp cha mẹ nghĩ rằng không thể không dạy và không kìm chế được dẫn đến việc đánh con. Đấy có lẽ là do việc nuôi con gây nên sự căng thẳng, lo lắng làm cho cha mẹ quên đi tình yêu đối với con và nó chuyển thành hành vi trách mắng.
Điểm mấu chốt của cách trách mắng giỏi là việc đứng trên lập trường của con - “phía bị trách mắng” để suy ngẫm. Hãy  thử xuất phát từ việc suy ngẫm xem “nếu bị nói như vậy thì trẻ sẽ cảm thấy như thế nào?”, “Trẻ sẽ tiếp nhận nó như thế nào?”...  Cách trách mắng làm tổn thương thân thể và trái tim con không chỉ không có hiệu quả giáo dục mà còn có khả năng trở thành ngược đãi trẻ em.
Bạn bè số một là tivi nhưng sao vẫn thấy cô đơn?
Nếu trẻ em mải mê với tivi, trò chơi điện tử, video thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành khỏe mạnh của tâm hồn trẻ như thích ru rú trong phòng một mình, thiếu trải nghiệm tiếp xúc với con người và thiên nhiên, không giáo dục được năng lực xây dựng mối quan hệ với con người và lòng quan tâm tới người khác, cảm giác hiện thực về sinh và tử hời hợt, không phân biệt được hiện thực và giả tưởng.
Hãy tạo dựng và cho trẻ tham gia vào các cơ hội vui chơi với bè bạn,  tiếp xúc với thiên nhiên đồng thời tạo ra các quy định để ngăn ngừa trẻ say mê quá mức tivi, trò chơi điện tử, video và làm cho trẻ có thói quen tuân thủ các quy định đó. Ví dụ như khi chọn các phần mềm trò chơi điện tử trên tivi, phải chú ý đến các dấu hiệu thể hiện độ tuổi của đối tượng sử dụng tùy theo nội dung trò chơi.

Nguon:  http://nguoidothi.vn/vn/news/gia-dinh/cha-me-thoi-@/4722/ca-m-nang-da-y-con-tu-nuo-c-nha-t.ndt


No comments:

Post a Comment