Monday, September 21, 2015

TỪ KẺ SĨ THỜI XƯA ĐẾN TRÍ THỨC NGÀY NAY

Long Biên
tên thật là Huỳnh Cao Trí [1931(?) – 1995]

Trong bài nầy, chúng ta thử tìm hiểu những đặc tính của kẻ sĩ thời xưa và trí thức ngày nay.
Để tránh lạm dụng danh từ, chúng ta cần định nghĩa một cách rõ ràng hơn từ trước đến giờ hai danh từ trên mà người ta thường dùng. Danh từ “trí thức” hay được xem như là tương đương hoặc dịch nghĩa của những danh từ Tây Âu như “intelligentsia”, “intellectual”, “travailleur intellectual”, hoặc “élite”… mà ra, còn “kẻ sĩ” hay “nhà nho” thì được nguời Âu dịch là “lettré”.
Từ đó, người ta thường dùng danh từ “trí thức”, hoặc “kẻ sĩ”, “nhà nho” theo dịch nghĩa những danh từ của người Tây phương hơn là theo đúng nghĩa căn bản của nó ở Đông phương. Vậy nên việc minh định ý nghĩa của danh từ không phải là không bổ ích. Vẫn biết rằng phương pháp chiết tự chưa chắc hẳn sẽ đem 1ại cho ta một cái nhìn toàn diện về một khái niệm, vì ngôn ngữ, cũng như mọi vật trên đời, đều có sanh, có lớn, có biến chuyển, có diệt: nội dung của danh từ cũng vì vậy mà thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, việc phân tích căn tự sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa căn bản của danh từ mà chúng ta dùng.


I – “KẺ SĨ”
Trước hết là danh từ “kẻ sĩ“. Ai cũng biết rằng trong xã hội thời xưa, kẻ sĩ được xếp vào hàng đầu, không những về địa vị ưu tiên – “nht sĩ, nhì nông, tam công, t thương“ – mà nhứt là về vai trò quan trọng trong xã hội. Yếu tố quan trọng của vai trò này không phải là tài cán quân sự, tổ chức kinh tế hay xã hội…, mà là nêu gương mẫu đạo đức cho quần chúng. Có người dựa trên hệ thống giá trị thực tiễn ngày nay, cho rằng vai trò đạo đức, luân lý không quan trọng, đáng kể, so với những kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội… cần phải có để lãnh đạo quần chúng. Tuy nhiên, nếu đặt vào khuôn khổ của xã hội thời xưa, thì yếu tố đạo đức không những được quan niệm, mà chính thực sự là nền tảng đầu tiên trong việc xây dựng và duy trì xã hội.
Trong bất cứ thời nào, xã hội nào, người trí thức thời xưa cũng như thời nay, đều đóng một vai trò quan trọng, và tùy theo quan niệm của xã hội thời đó mà đặc tính của người trí thức có khác nhau.
Chúng ta thử phân tích danh từ “kẻ sĩ“. Nếu viết theo Hán tự, chúng ta có thể tìm hiểu “kẻ sĩ” một cách chính danh hơn. Cần so sánh chữ “sĩ” với 2 chữ “vương” và “thổ” để rõ thêm ý nghĩa. Trong chữ “Vương”, nét ngang trên có nghĩa là “trời”, nét ngang dưới có nghĩa là “đất”, nét ngang giữa chỉ “người”, và nét gạch đổ nối liền ba nét gạch ngang trên: “vua” là người được mệnh của Trời Đất, hoặc đứng trung gian hà hợp giữa Trời Đất để trị vì thiên hạ. Trong chữ “Thổ”, nét gạch dưới chỉ cho “đất”, được nhấn mạnh và viết to như ngụ ý chứa đựng, làm nền tảng cho con người. Trái lại trong chữ “Sĩ”, “người” có một vai trò quan trọng, như vươn mình lên để vượt cả thiên nhiên địa lý.

王 (vương) 土(thổ) 士(sĩ) 
“Kẻ sĩ” là “người không chịu khuất phục”. Không những không chịu khuất phục mà còn tìm cách ngự trị, vượt lên những khó khăn của thiên nhiên cũng như nhân sự. Kẻ sĩ là người có “chí khí bt khut, đặc điểm quan trọng nhất của lẻ sĩ là “bt khut trước bo tàn. Chí khí ấy được rèn luyện, nuôi dưỡng hằng ngày và được chứng tỏ bao lần trong lịch sử trước ngoại xâm cường bạo, nhứt là dưới thời kỳ thực dân Pháp… Kẻ sĩ đương nhiên phải là nhà ái quốc: như các cụ Phan Đình Phùng, Phan Sào Nam, Vân vân…
Tuy chú trọng trước tiên đến đức độ, nhưng kẻ sĩ cũng không quên trau dồi trí độ, vì đặc điểm thứ hai của kẻ sĩ là “người cầu tiến”. Muốn hành động một cách dũng cảm, cần phải chắc chắn trong sự hiểu biết và phán đoán của mình. Muốn được vậy, cần phải suy nghĩ thấu đáo trước sau, trong cũng như ngoài mình. Rèn luyện trí óc để biết đúng mà dấn thân không sai lạc và có hiệu quả. Kẻ sĩ một khi đã thấy rõ con đường do trí tuệ soi sáng, thì không còn do dư dự gì nữa, chỉ một mực tiến lên con đường mà họ đã vạch sẵn[1].
Nhưng kẻ sĩ cũng rất dè dặt, khiêm nhượng và thành thật đối với mình. “Biết nhng gì mình biết, biết nhng gì mình không biết, đó mi tht là biết[2]. Tử Lộ hỏi Đức Khổng về việc chết, Đức Khổng đáp: “Vic sng còn chưa biết, biết chi đến vic chết”[3], và không bàn thêm nữa…
Tuy nhiên chung quy lại, trí tuệ và dũng cảm cũng chỉ là hai đức tính phụ thuộc, hai phương tiện bổ túc, nhắm thực hiện và phát huy hai đức tính vi tiên nơi kẻ sĩ, là “nhân” và “nghĩa”.
Có dũng cảm mà không có trí tuệ thì sẽ đưa đến những việc làm liều lĩnh tai hại. Có dũng cảm mà không có nhân nghĩa thì sẽ sinh ra trộm cướp bất nhân. Có trí tuệ mà không có dũng cảm, thì tuy thấy việc phải mà không làm (Kiến nghĩa bt vi, vô dũng dã)[4]. Có trí tuệ, dũng cảm mà không có lòng nhân, thì trong hành động sẽ đưa đến cường bạo, vì quên lấy con người làm gốc. Còn có lòng nhân mà không có trí, dũng, thì chỉ có tấm lòng thương người rào rạt, nhưng rồi chỉ “than mây khóc gió”, chứ không hành động gì cụ thể để giúp người. “Nhân, trí, dũng”, đó là ba đức tính không thể không có nơi kẻ sĩ[5].
Ở đây chúng ta thấy rõ đặc tính của kẻ sĩ gần giống như châm ngôn của người Phật tử. “Nhân, trí, dung” thay vì “bi, trí, dung”. Vậy “nhân” khác với “bi” ở điểm nào? Đạo Phật lấy chữ “bi” làm gốc, cũng như kẻ sĩ lấy chữ “nhân” làm gốc. Là một tôn giáo nhắm giải thoát vượt trên cả vũ trụ thế gian, tâm tánh từ bi nơi Phật giáo là một tình thương vô biên vô hạn, không loại trừ một ai, tình thương bao trùm cả mọi sinh vật trên đời.
 (bi) 智 (trí) 勇 (dũng)
仁  (nhân) 智 (trí) 勇 (dũng)
“Nhân” cũng là “lòng thương mọi người”[6]. Nhưng Khổng giáo là một học thuật nhắm cải tạo xã hội một cách trực tiếp và cụ thể hơn, cho nên “tình thương mọi người” nơi kẻ sĩ, cũng vì vậy mà phải được thích nghi với thực tế và giới hạn hơn. Tử Lộ hỏi Đức Khổng: “Người có lòng nhân có ghét ai chăng?” Đức Khổng đáp “Có”, và tiếp theo “Chỉ người có lòng nhân mới thương người và ghét người một cách đúng đắn”[7]. Vậy “nhân” là tình thương, tuy rộng lớn bao la, nhung có phân biệt giới hạn, có suy xét lựa chọn, để hành động được hiệu quả thực tế trong đời.
Nói tóm lại, lý tưởng của kẻ sĩ thời xưa không phải chỉ rèn luyện bản thân mình, mà chính còn là dấn thân để cải tạo xã hội, xây dựng quốc gia phú cường; quyền lợi chung của dân tộc là điều thao thức lo âu trước tiên của kẻ sĩ: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có thể nói kẻ sĩ là người kiểu mẫu trong bất cứ xã hội nào lấy đạo đức làm nền tảng và lấy hoà hợp nhân tình làm chung đích.
Ngày nay, với biến chuyển của nhân tình thế thái, với sự xáo trộn văn hoá, kẻ sĩ chỉ còn la một hình ảnh lu mờ trong ký ức, nhường chỗ lại cho một hạng người mà người ta thường gọi là “trí thức”. Vậy chúng ta hãy xem những đặc tính của người trí thức.

II – NGƯỜI TRÍ THC:

Thế nào là người trí thức? Có rất nhiều định nghĩa, nhưng tóm tắt, dựa trên nội dung do mỗi tác giả, chúng ta có thể phân biệt hai quan niệm về trí thức: một có tính cách nhân bản và một có tính cách xã hội.
Quan niệm có tính cách nhân bản thường nhấn mạnh đến giá trị của cá nhân người trí thức, và danh từ “trí thức” hay đượm một màu sắc tốt đẹp cao cả. Trái lại quan niệm có tính cách xã hội thường xem người ”thức” chỉ như là một đơn vị trong một giai cấp xã hội nào đó: vì có một địa vị, hoặc một vai trò nào đó trong xã hội, nên được gọi chung là “trí thức”, chẳng hạn người ta dùng danh từ “trí thức” để chỉ tất cả những “người làm việc bằng óc não” (travailleurs intellectuels), để phân biệt với những người làm việc bằng tay chân (travailleurs manuels). Trong trường hợp này, danh từ “trí thức” có tính cách “trung hoà” (neutre). Lại có khi không những không được đượm một màu sắc nào cả, mà còn có phần bị xem như là thấp kém, so với những giai cấp xã hội khác. Riêng về chúng ta, chúng ta sẽ thử tìm hiểu «trí thức» một cách chính danh hơn.
Trí là gì? Phàn Trì hỏi Đức Khổng về trí, Đức Khổng trả lời: “Trí là hiểu người”. Trí là khả năng suy luận để phán xét phải trái, tốt xấu. Không những «hiểu người» mà còn hiểu vật chung quanh mình: “cách vật trí tri”.
Hơn nữa, chữ “Trí” gồm có chữ “tri” (biết) và chữ “viết” (nói) mà ra. Người có trí không nghững là người hiểu biết sự vật phải trái, mà còn có khả năng diễn tả một cách minh bạch – bằng lời nói, bằng bút mực, hoặc bằng hành động – những hiểu biết của mình ra cho những người khác biết, nhắm mục đích giúp kẻ khác cải tạo và đóng góp vào ích lợi chung.
知(tri) 曰 (viết) 智 (trí)
Một người dù có kiến thức quảng đại, sáng suốt đến đâu, thấy đâu là xấu tốt phải trái, mà chỉ im lặng, chỉ giữ hiểu biết ấy cho riêng mình, không có can đảm, hoặc không đủ nghị lực để phát biểu ra, thì người ấy chưa xứng đáng là người “trí”. Họ chỉ mới xứng đáng với danh từ “tri”, là “người có hiểu biết mà thôi”.
“Thức” là thức tỉnh, là tự hiểu mình. “Connais-toi toi-même” của Socrate. Thức thuộc về sự hiểu biết nội tâm nơi mình, hơn là hiểu biết ngoại vật bên ngoài. Vả lại chữ “thức” gồm có chữ “ngôn” (lời nói: một tư tưởng vừa nảy ra, suy nghĩ 3 lần, rồi phát biểu ra bằng miệng, đó là lời nói), chữ “âm” (tiếng vang) và một bộ có nghĩa là tác dụng: lời nói bên ngoài có tác dụng phản chiếu vào tâm khảm bên trong và làm thức tỉnh mình. Có thể nói chữ “thức” gần như đồng nghĩa với chữ “giác” (phần trên là nửa trên chữ “học”, phần dưới là chữ ”kiến” là thấy) trong Phật giáo.
三(tam) 口(khẩu) 言(ngôn)
言(ngôn) 音(âm) 識(thức)
學(học) 見(kiến) 覺(giác)






Trí thuộc “hiểu biết” (science, savoir), thức thuộc về “lương tri” (conscience). Người trí thức, theo đúng nghĩa của danh từ, là người vừa hiểu biết sự vật, vừa hiểu mình, “hiểu người hiểu ta”, và những kiến thức ấy, họ đem diễn tả, chỉ dẫn cho người khác biết, hầu mong ích lợi chung. Như vậy, người trí thức phải là người vừa có đủ tài trí (science), lương tri (conscience) và đức độ (caractère).
智 (trí) 識(thức)
Ở đây chúng ta cũng thấy thoáng qua ba đức tánh của kẻ sĩ đã vạch ra ở trên, là “nhân, trí, dung”. Nơi người trí thức, tài trí thuộc về “trí”, lương tri thuộc về “nhân”, và đức độ thuộc về “dung” – phải có dũng cảm để dám nói lên sự thực, dù phải có hại cho mình. Nhưng trí thức khác nhau với kẻ sĩ ở một điểm rất quan trọng, là “trí” được kể như vi tiên, được xếp vào hàng đầu, thay vì “nhân” nơi kẻ sĩ: kiến thức khoa học được đặt nặng trước tiên, thay vì sự rèn luyện tâm linh, thay vì “tiên học lễ, hậu học văn” nơi kẻ sĩ. Mẫu người lý tưởng theo quan niệm ngày nay – trí thức – trước tiên phải có kiến thức rộng thay vì nhân nghĩa, đức độ cao, như người lý tưởng ở xã hội thời xưa. Hay nói một cách đúng hơn, đó là hai quan niệm khác nhau giữa văn hoá Tây phương và Đông phương. Tây phương và tân học chuộng về thông thái (le savant), Đông phương và cựu học chuộng về đức độ (le sage).
Sau khi đã định nghĩa danh từ “trí thức”, chúng ta hẳn thấy rõ rằng có một số rất đông những người tự mệnh danh, hoặc được người ta gọi là “trí thức”, thật ra không xứng đáng với danh từ ấy, theo đúng nghĩa của nó. Nói riêng về Việt Nam, người có đỗ đạt, có bằng cấp cao không thiếu gì, nhưng họ không phải là người trí thức, vì: người ta có thể “thông thiên văn, đạt địa lý” nhưng tâm khảm chỉ là một mảnh đất hoang vu, nghèo nàn về tâm tánh, đức độ; người ta có thể “cách vật trí tri”, nhưng chưa tự thức được mình; người ta có thể thấy rộng hiểu xa, có thể giác ngộ được mình, nhưng không có can đảm hoặc nghị lực để nói lên sự thực mà mình biết, hầu chỉ dẫn đúng đường cho quần chúng, nhắm mục đích giác tha và ích lợi chung.

(Theo tạp chí Gió nội, số 22-24, tháng 4-6/1968)
[1] Luận ngữ: Quyển V, chương IX; Quyển VII, chương XIV.
[2] Luận ngữ: Quyển I, chương II.
[3] Sách đã dẫn: Quyển VI, chương XI.
[4] Sách đã dẫn: Quyển I, chương II.
[5] Sách đã dẫn: Quyển VII, chương XIV.
[6] Sách đã dẫn: Quyển I, chương I.
[7] Luận ngữ: Quyển II, chương IV.

Nguồn:  http://hocthenao.vn/2015/09/19/tu-ke-si-thoi-xua-den-tri-thuc-ngay-nay-long-bien/

No comments:

Post a Comment