Nhà triết học Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980),
từng từ chối giải Nobel văn chương năm 1964
Triết
hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính
chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về
"chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...)
chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời
sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn
trong "thân phận" làm người.
Đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để cảm nhận sự tự do vừa như gánh nặng vừa như nghĩa vụ, là tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, tra hỏi về khả thể của tự do và phẩm giá ngay cả trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất. Triết thuyết hiện sinh ít bàn trực tiếp về giáo dục ("rao giảng", "dạy dỗ" là những gì thật xa lạ với tinh thần thuyết hiện sinh!), nhưng, đúng như nhà giáo dục học R. Reichenbach nhận xét, "bất kỳ nhà giáo "giỏi" nào cũng đều là một nhà theo thuyết hiện sinh! Điều này người ta thường quên hay không hề biết đến. Nhưng thật đáng nhắc lại và không bao giờ là muộn! Tất nhiên, không có nghĩa là một nền sư phạm "hiện sinh chủ nghĩa" là hoàn toàn đầy đủ. Không, không ai bảo thế cả!"
"Lùi lại để hiểu, tiến lên để sống!"
Câu nói trên đây của S. Kierkegaard, một trong những triết gia tiền phong của thuyết hiện sinh, tóm gọn tinh thần của triết thuyết. "Lỗi lầm" là động lực thường trực để con người biết ngoái nhìn lại quá khứ, thấu hiểu và cảm thông. Còn "tiến lên để sống" là dũng cảm đề ra những dư phóng cho tương lai, với ý thức đầy đủ về hoàn cảnh giới hạn về nhiều mặt của chính mình cùng với trách nhiệm phải gánh vác trước tha nhân và cộng đồng, tức, thật sự sống "hiện sinh", hoặc buông xuôi, mê muội, vô ý thức. Trong trường hợp trước, ta quan tâm đến câu hỏi: làm sao thực hiện sự tự do hay, ta tự định hình mình như thế nào? Khác với "chủ nghĩa hư vô", thái độ "hiện sinh" không bao giờ là bi quan, yếm thế, dù không muốn tự gọi là "lạc quan". Tự do, trong triết hiện sinh, là tự do tích cực, chủ động, là tự do "để làm gì", chứ không chỉ là tự do thoát "khỏi cái gì". Khi không hài lòng với trực trạng, thì, theo nghĩa "hiện sinh", ta phải hành động để thay đổi nó đi. Cho dù khó có thể hình dung một dự phóng cho toàn bộ lịch sử và xã hội, tín niệm của thuyết hiện sinh vẫn là tự mình hãy "tạo nên" ý nghĩa cho nó. Ý nghĩa và giá trị chỉ hình thành qua hành động, dù trong nghịch cảnh, nếu không muốn kéo lê đời mình trong sự nhàm chán: rút cục, ta có thể kết luận rằng hành động của ta là vô nghĩa, phi lý, hoặc ta tìm thấy ý nghĩa trong hành động cụ thể (chứ không ở đâu khác được!).
Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.
Khẩu hiệu có lẽ trứ danh nhất của thuyết hiện sinh Pháp (Sartre) rằng hiện hữu có trước bản chất muốn nói rằng ta không hề hay biết một "bản tính" hay "bản chất" có sẵn nào đó của con người để, chẳng hạn, dùng làm định hướng hay đường lối bất biến cho giáo dục, luân lý và sự phát triển xã hội, hoặc để từ đó, xác định chỗ đứng của con người trong vũ trụ. Đúng hơn, ta "bị ném vào cuộc đời" và không có bản tính định sẵn nào cả. Mặt tích cực của quan niệm này là: khi dự phóng, quyết định, hành động, ta "tự tạo ra chính mình". Thuyết hiện sinh, theo cách hiểu ấy, đã ảnh hưởng rộng rãi ra khỏi Tây Âu vốn là cái nôi của nó. Một trong những nhà triết học giáo dục quan trọng nhất của nước Mỹ là Maxine Greene (1917-2014) phát triển tư tưởng hiện sinh, xoay quanh chủ đề: Tự do như là Thực tiễn. "Tự do", theo bà, không phải là nhờ sống trong một "nước tự do", mà vì ta sống theo một cách thế tự do. Theo Greene, vấn đề cốt lõi là làm sao thực hành tự do bên ngoài vai trò và chức năng định sẵn (trong trường hợp của bà là: người Mỹ, phụ nữ, da trắng, trí thức..)? Lý tưởng (cao) của giáo dục là ở chỗ làm cho con người có năng lực "siêu việt" lên khỏi vị trí hầu như đã được an bài và khó tránh khỏi ấy. Vậy, chính "con người cụ thể", chứ không phải bản tính nhất định nào, vẫy gọi con người hãy tự sáng tạo chính mình. Trong diễn trình ấy, những vấn đề chỉ được đặt ra cho từng con người cá nhân cụ thể để giải đáp và tiếp tục tìm tòi, vươn tới.
Triết hiện sinh, như thế, không phải là triết học trường ốc với sách vở mốc meo, mà là hoạt động: triết học là làm triết lý. Ý nghĩa của hoạt động này, nói như Karl Jaspers, là góp phần "soi sáng" hiện hữu của con người trong một hoàn cảnh nhất định. Chức năng của nó là cho ta thấy rằng cá nhân mình là duy nhất, là tự do, là có thể chọn lựa, dù ở trong bất kỳ tình huống nào.
Theo một nghĩa rộng nào đó, hầu như không triết gia hay nhà giáo dục nào không là "nhà hiện sinh"! Socrates cũng thế, John Dewey cũng thế. Tuy nhiên, triết thuyết (giáo dục) hiện sinh, theo nghĩa chặt chẽ, là sản phẩm độc đáo và sâu sắc của thế kỷ 20, một "thế kỷ ngắn" đầy những cực đoan, nói như Eric Hobsbawm hay "thời đen tối" dưới con mắt của Annah Arendt, sẽ được tiếp tục tìm hiểu qua vài nét thật đặc sắc của nó.
Nguon: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=8629
No comments:
Post a Comment