NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
TT - Câu chuyện giáo dục kỳ này giới
thiệu ba bài viết của ba giáo viên bàn về thi đua trong ngành
giáo dục với một nỗi niềm chung: càng thi đua, giáo viên càng
muốn xin đừng thi đua.
15 trang sáng kiến tưới cây, giữ xe
Truy căn nguyên
Một học sinh thi tú tài xong, coi như đã ra khỏi
trường, gây án. Sở cắt thi đua trường đã dạy học sinh đó, trường cắt lao
động giỏi giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của học sinh đó, cắt thi đua bí
thư đoàn, vô lý hơn còn cắt luôn thi đua giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và
11, gọi là truy căn nguyên. Mục đích “gọt” cho vừa số lượng lao động
giỏi mà sở ấn định. Ban thi đua giải thích: “Nếu ta có học sinh làm phó
chủ tịch tỉnh, ta hưởng vinh quang thì nay có học sinh gây án, ta nhận
lãnh chứ biết sao bây giờ?”.
|
Một cô giáo mang bầu con thứ ba đến tai sở, sở cắt
chiến sĩ thi đua hiệu trưởng, cắt thi đua tổ công đoàn. Hiệu trưởng cãi:
“Chừng nào cổ sinh ra đã chứ, biết cổ mang thứ gì trong đó mà cắt thi
đua tôi?”.
Lại một cô giáo khác sinh con thứ ba, sở cắt thi đua,
hiệu trưởng cãi: “Tính từ ngày cô giáo sinh, truy ra ngày cô thụ thai
rơi vào thời ông hiệu trưởng trước, vậy cắt thi đua tôi sao được?”.
Nhân viên bảo vệ nọ ba năm liền đạt lao động giỏi nên
có người xúi viết sáng kiến kinh nghiệm để đạt chiến sĩ thi đua. Không
hiểu nổi công việc giữ xe, tưới cây, anh sáng kiến cái gì mà viết đến 15
trang giấy A4. Anh còn đảm bảo mình không đạo văn, vì xưa nay có bảo vệ
nào viết sáng kiến kinh nghiệm rồi tải lên mạng đâu!
Còn chuyện nữa, vì cái danh hiệu chiến sĩ thi đua mà
một sáng kiến kinh nghiệm nộp sở ba lần trong ba năm; lần thứ nhất, cho
loại khá; lần thứ hai, sở chấm trung bình; lần thứ ba, sở cho loại giỏi.
Hiểu thế nào về cái sáng kiến đó hay là “hội đồng khoa học” của sở chưa
bao giờ đọc sáng kiến?
Phụ huynh kia xin cho con ở lại lớp. Cô giáo sợ cắt thi
đua, xanh mặt bảo: “Đây, điểm trung bình em nó trên năm chấm, đâu có ở
lại lớp được”.
Nhiều lắm những câu chuyện về thi đua tức cười như thế. Xin đừng “thi đua” nữa, tội lắm!
NGUYỄN LÊ
Tội che, thành tích khoe
Trong ngành giáo dục, từ “thi đua” xuất hiện với tần số
cao: chỉ tiêu thi đua, xét thi đua, thi đua dạy tốt, ban thi đua, chiến
sĩ thi đua cấp cơ sở, thi đua đợt 2, thi đua chào mừng Ngày nhà giáo,
tổng kết thi đua học kỳ I...
Đủ kiểu danh hiệu thi đua
"Thi đua không còn mang ý nghĩa tích cực, nó trở thành công cụ để xoi mói những sai phạm vặt vãnh. Thi đua tự lúc nào thành ra thứ để cạnh tranh, kèn cựa nhau. Thi đua cái ngoài chuyên môn làm mệt mỏi những người ngay thẳng, xói mòn lòng yêu nghề của biết bao thầy cô giáo chân, thiện" |
Ban thi đua cấp trường gồm hiệu trưởng, hiệu phó, công
đoàn, đoàn thanh niên, tổ trưởng bộ môn... Ban này đề ra chỉ tiêu thi
đua, ngoài theo khung thi đua sở còn thêm những quy định riêng cho
trường mình.
Từng học kỳ, ban này soạn rất nhiều văn bản thi đua,
họp hành căng thẳng. Hết học kỳ hoặc hết năm, sau khi xét thi đua tại
tổ, ban thi đua bỏ phiếu kín để xét thi đua từng giáo viên.
Ban thi đua cấp sở gồm ban giám đốc, trưởng các phòng
ban, công đoàn ngành... Ban này xét thi đua từng thành viên của sở và
đặt ra một bộ phận theo dõi những sai phạm của các trường để đưa ra số
phần trăm khống chế rất chưng hửng, ví dụ trường có học sinh vi phạm an
toàn giao thông nên số lao động giỏi không được vượt quá 70%.
Thi đua bị khống chế thì buộc trường phải che tội,
trương thành tích! Cuối năm học, ban thi đua nhận các kết quả từ trường
gửi lên, họp xét căng thẳng và ra quyết định khen thưởng.
Danh hiệu thi đua từ thấp đến cao như sau: lao động
tiên tiến, lao động giỏi, chiến sĩ thi đua cấp trường, cấp sở, cấp tỉnh
(chiến sĩ thi đua cấp sở thì phải ba năm liền đạt lao động giỏi và có
sáng kiến kinh nghiệm loại tốt).
Đương nhiên khen thưởng cũng phân cấp theo danh hiệu:
trường khen, sở khen, tỉnh khen, bộ khen... Hằng năm sở đề nghị lên bộ
những “chiến sĩ thi đua” để xét danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân
dân.
Thi đua ngoài chuyên môn
Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, phụ huynh... qua
thời gian nhận rõ thầy X, cô Y chuyên môn thế nào, đạo đức nghề nghiệp
ra sao, nhưng khi xét thi đua thì chẳng có tiêu chí nào ứng với nhận
định này. Ai cũng giáo án đầy đủ, lên lớp đúng giờ, điểm số cho học sinh
đẹp, mọi quy định đều thực hiện răm rắp.
Ôi thật là khó khăn cho ban thi đua khi xếp hạng. Giáo viên tốt quá, dễ thương quá, ai là người không đạt lao động giỏi đây?
Ban thi đua đành đi vào tiểu tiết để trừ điểm thi đua:
thầy A dạy cứ quên ghi sổ đầu bài, sao người khác không quên? Thầy B chủ
nhiệm lớp có nhiều học sinh bỏ học, tại sao lớp khác không có? Cô C
không viết bài cho tập san nhà trường. Cô D đi họp không có sổ tay để
ghi chép... Kết quả những giáo viên yếu chuyên môn thường chỉn chu công
việc, xếp đứng đầu thi đua.
Hãy để giáo viên an nhiên dạy học, ai sai phạm tùy mức
độ khiển trách, xử phạt, không thi đua nữa. Giáo viên, cán bộ quản lý có
cống hiến rõ rệt, hữu hiệu thì mới khen. Hàng ngàn giáo viên, khen
thưởng một vài người là đủ. Khi đã khen thì phần thưởng phải có giá trị
cao.
NGUYỄN PHI HÙNG
Những giờ diễn
"Không có nghĩa thầy cô nào cũng nhờ đạo diễn. Vẫn có thầy cô bằng say mê, bằng năng lực nghề nghiệp và cả lòng tự trọng không nhờ đến các tiểu xảo mà đạt được thành công" |
Ngay từ đầu năm, tất cả giáo viên được phổ biến chỉ
tiêu cần đạt trong năm: số học sinh giỏi, số giáo viên giỏi, chiến sĩ
thi đua, sáng kiến kinh nghiệm...
Tổ chuyên môn nào cũng phải cố gắng hoàn thành như kế
hoạch. Chính vì vậy, việc dự thi để đạt giáo viên giỏi không còn là sự
phấn đấu của riêng một cá nhân mà trở thành của cả tổ.
Bài dạy do cả một tập thể biên soạn, giáo viên dự thi
chỉ là người thể hiện nhuần nhuyễn. Ngay cả đồ dùng dạy học cũng do các
thầy cô chuẩn bị và hướng dẫn khi nào sử dụng, trong bao lâu và sử dụng
sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Người dạy chỉ còn có việc thao tác đúng ý
mà thôi, cho dù có những điều không thật sự tâm đắc hay thấu hiểu.
Công đoạn quan trọng sau khi thuộc giáo án là huy động
học sinh tham gia. Phải phân loại, chia nhóm, sắp xếp chỗ ngồi cho hợp
lý. Dặn dò là cần thiết nhưng phải thật tế nhị, không phổ biến chung
trước lớp mà phải gặp riêng từng em.
Việc đổi quân (chọn một số học sinh lớp khác vào thay
cho các em học yếu chuyển đi trong giờ thi) cũng phải được tiến hành.
Ngay cả tên lớp trên áo học sinh cũng được thay đổi cho giống nên giám
khảo do cấp trên cử xuống chấm không thể nào phát hiện.
Nếu có tiết dạy ở trường bạn thì tổ phân công người đi
ngoại giao nắm tình hình của lớp được chọn dạy thi, nhân thể nhờ đồng
nghiệp giúp chuẩn bị cho học sinh một số tình huống sẽ gặp khi giáo viên
đến dạy. Giúp bạn cũng là giúp mình vì chắc chắn giáo viên sẽ có một
tiết dạy ở trường bạn nên yêu cầu này dễ dàng được đáp ứng.
Những lớp được chọn cho giáo viên dạy thi được học bài
“tủ” của thầy cô nhiều lần để không thể sai sót một dấu chấm. Không khí
học tập hăng say làm như tiết nào cũng vậy vì những em “đuối” đã được
tạm chuyển đi rồi. Kết quả khảo sát khi học xong bài vì thế rất cao.
Danh hiệu giỏi cầm chắc trong tay.
Người dự khán, giám khảo chấm ngồi dò theo giáo án của
người dạy nộp trước nên không còn hứng thú trước những phát hiện, đột
phá của người dạy và người học. Đôi khi họ chỉ còn mỗi việc ngồi dò
đồng hồ xem bài giảng có đúng từng giây hay câu nói vừa rồi người dạy
dùng bao nhiêu từ, có hơn kém gì so với giáo án để có chuyện góp ý.
Danh hiệu có được do người khác mang đến không làm cho
người dạy tự hào, càng không làm cho học sinh tin tưởng vì đã được chuẩn
bị quá kỹ. Ban giám hiệu muốn trường ta bằng với trường bạn nên đẩy
thành tích lên cao.
Sau khi thầy cô đạt giáo viên giỏi không cải thiện được
chất lượng giảng dạy là bao nhiêu. Có trường hợp vừa được công nhận dạy
giỏi năm trước, năm sau được dự giờ thì chuyên môn chỉ đạt mức trung
bình.
Việc trở thành giáo viên dạy giỏi không còn ý nghĩa tốt
đẹp của người giáo viên mà có lúc trở nên phong trào người khác có, ta
cũng có. Rồi xuất hiện “chạy giỏi” nếu thầy cô có dạy thêm vì có địa
phương đề ra quy định: muốn được cấp giấy phép dạy thêm, đầu tiên cá
nhân phải đạt giáo viên dạy giỏi. Thế là giỏi tứ phương dù hơn ai hết,
tổ chuyên môn biết chắc mức độ giỏi ấy là đến đâu.
Nguon: http://tuoitre.vn/giao-duc/588726/thi-dua-trong-ng%C3%A0nh-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-thi-dua-dong-kich.html
No comments:
Post a Comment