Tống Văn Công
Đề
án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (thực hiện NQ TƯ 8)
đem lại hi vọng cho nhiều người quan tâm. Tuy nhiên cũng còn không ít
nỗi âu lo ở việc thực hiện.
Năm 1979, Nghị
quyết 14 của Bộ chính trị, theo bà Nguyễn thị Bình nguyên Bộ trưởng
GD&ĐT thời ấy thì những quan điểm lớn trong đó cho đến nay vẫn còn
nguyên giá trị. Năm 1996, Nghị quyết TƯ 2, khóa 8 định hướng giáo dục
đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có đề ra chế độ tiền
lương cho nhà giáo. Được quan tâm như thế, vậy có điều gì cản trở đến
nỗi khiến cho “Về chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đều
thua kém các nước trong khu vực” (Công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
qua khảo sát 148 quốc gia).
Đề
án đổi mới giáo dục lần này được dư luận đặc biệt chú ý ở nội dung:
“Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát
triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.” Và xác định mục tiêu
“Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất
tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc,
yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Từ
thành, bại suốt nửa thế kỷ đã qua cho thấy việc thực hiện Nghị quyết,
Đề án về giáo dục, đào tạo khác hẳn với việc thi công một công trình
kiến trúc, không phải cứ nhất nhất theo y như bản thiết kế là đảm bảo
thành công. “Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá
nhân” là thế nào? Sẽ có những cách hiểu rất khác nhau: “Giáo dục cho lớp
trẻ mau chóng đuổi kịp về năng lực mọi mặt để kế tục con đường của lớp
người tài giỏi cầm giữ vận mệnh đất nước”. Lại có cách hiểu khác: “Lớp
trẻ không chỉ tái tạo những gì hiện hành mà phải sáng tạo, hình thành
những điều tốt đep, tiến bộ hơn”. Nhà giáo dục vĩ đại John Dewey cho
rằng nền giáo dục bảo thủ và nền giáo dục tiến bộ có cách đặt vấn đề
trái nhau: “Giáo dục có thể được coi như là làm cho tương lai phù hợp
với quá khứ; hoặc như là sử dụng quá khứ làm nguồn lực cho một tương lai
đang khai triển” (1). Một xã hội có lý tưởng về sự luôn luôn đổi mới sẽ
có những tiêu chuẩn và phương pháp giáo dục phù hợp với yêu cầu đó,
không đơn giản duy trì mãi nội dung giáo dục đã cũ để giữ cho bằng được
tập tục, lề thói không hợp thời đại. Ông cha ta có câu châm ngôn” Con
hơn cha là nhà có phúc”. Thế mà lâu nay nền giáo dục đòi hỏi lớp trẻ
phải giống hệt theo khuôn mẫu của cha ông, không được phép đổi khác.
Trong khi đó, cuộc sống luôn thay đổi, hội nhập toàn cầu từng ngày cho
thấy bao nhiêu điều mới lạ của thiên hạ, nhưng chúng ta cố gò con em
mình trong khuôn khổ ngày xưa, nhân danh bảo vệ bản sắc. Không hiểu rằng
bảo vệ bản sắc không phải là bảo thủ mà phải không ngừng tiếp nhận tinh
hoa của nhân loại tiên tiến, không ngừng cải hóa, nâng cao bản sắc.
Phát triển toàn diện mỗi người học, trước hết phải tôn trọng nhân cách,
cá tính của học sinh. Muốn vậy phải cung cấp cho học sinh đầy đủ thông
tin, dữ kiện: các tư tưởng kinh tế, các nền văn hóa, các hệ tư tưởng… để
các em phán đoán, phê phán, lựa chọn. Tuyệt đối không được che giấu
thông tin và dữ kiện, cũng không được võ đoán chọn thông tin, dữ kiện
thiếu trung thực, hoặc chỉ chọn những gì phục vụ cho một chủ trương, một
hướng đi đã định sẵn. Phương châm giáo dục tiên tiến đó phải được thực
hiện ngay từ trường mẫu giáo trở lên.
Cách đây
hơn hai mươi năm, ông Mai Chí Thọ khi là bí thư Thành ủy TP HCM đến thăm
một trường mẫu giáo, đã góp ý: “Tại sao các bài dạy trẻ mẫu giáo mà quá
đậm chất chính trị như vậy? E rằng chẳng những không thể đạt được yêu
cầu chính trị mà mục đích trồng người cũng không đạt!”. Cho đến nay, thử
tìm sách giáo khoa cho trẻ 5, 6 tuổi: Quyển sách của Vũ Xuân Vinh do
Nhà XB Đại học sư phạm ấn hành, phần lớn viết theo thể thơ lục bát, một
ít theo thể ngũ ngôn, hầu hết không có chất thơ, gieo vần không đúng,
như: “Công viên đường phố thật vui; Thêm yêu đất nước thêm yêu phố phường”. Rất nhiều câu “kêu gọi”: “Mỗi năm một tuổi thêm vui; Thi đua phấn đấu thành người trò ngoan”, “Ôi lá cờ Tổ quốc! Đứng nghiêm giơ tay chào”. Một quyển khác trong Tủ sách Mầm non, của Nhà XB Mỹ thuật có những bài Đồng dao chơi vỗ tay”: ”- Ở
với ai? Với bà - Bà gì? Bà ngoại - Ngoại gì? Ngoại xâm - Xâm gì? Xâm
lăng - Lăng gì? Lăng Bác - Bác gì? Bác Hồ - Hồ gì? Hồ ao - Ao gì? Ao cá -
Cá gì? Cá quả - Quả gì? Quả đấm”! Thật không thể tìm ra lời bình
nào về trách nhiệm giáo dục trẻ mầm non tệ hại đến vậy! Ở sách dạy Tiếng
Việt lớp 3 có những “chủ điểm” như: Đơn xin vào Đội; Người lính dũng
cảm; Tập tổ chức cuộc họp”… Sách chỉ chọn tác phẩm của các nhà thơ thời
kháng chiến. Bài thơ Đi hội Chùa Hương, nội dung nhạt nhẽo, có lẽ được
chọn là vì mấy câu kết: “Ôi, phải đâu lễ Phật, Người mới đi Chùa Hương. Người đi thăm đất nước. Người về trong yêu thương”. Hình như các nhà soạn sách chê Nguyễn Nhược Pháp , ở bài Đi chùa Hương của ông, đã để cho người đi chùa thành tâm tụng niệm “Nam mô a di đà”?
Năm
2009, trên báo Phụ Nữ TP HCM số Xuân đăng “Điều ước năm mới” của chị
Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh cấp một ở Gò Vấp: “Cầu mong năm mới
sách giáo khoa sửa đổi, môn giáo dục công dân không còn tiếp tục dạy
những lý tưởng quá cao xa không hợp với trẻ. Đối với trẻ, cần phải dạy
cho chúng biết yêu ông bà, cha mẹ, anh em và mọi người; biết sống có
trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, không tham lam, ích kỷ”. Vậy mà
5 năm sau, giáo sư Văn Như Cương phải kêu lên: “Chuyện dạy người mãi là
khoảng trống trong giáo dục phổ thông!”. Để chứng minh, giáo sư đã
trích sách giáo dục công dân lớp 10 (cho trẻ 14- 15 tuổi) một bài giảng
về “Phủ định siêu hình” và “Phủ định biện chứng”.Giáo sư nhận xét rất
đúng, tuy nhiên rất có thể những nhà soạn sách không đồng ý với ông, họ
sẽ cãi: “Không có khoảng trống nào cả! Chúng tôi trung thành với khuôn
mẫu ý thức hệ nhằm đào tạo những con người kế thừa…”
Thực
ra, “dạy người” không chỉ ở môn giáo dục công dân mà phải trong toàn bộ
chương trình giáo dục. Ngày nay, ở các nền giáo dục tiên tiến người ta
đặt ra nhiệm vụ đào tạo ra con người tự do, con người đầy ắp ý kiến phản
biện, con người dám khác với những người đi trước dù đó là những vĩ
nhân. Albert Einstein nói: “Chúng dựa trên tự do của lòng tin và giáo
dục, trên nguyên lý rằng, ước muốn tìm chân lý phải đặt trước mọi ước
muốn khác” và “Không có tự do kia, sẽ không có Shakespeare, không có
Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur”. Đúng vậy, có thể nói thêm,
không có tự do thì cũng không thể có Albert Einstein và không thể có
Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu.
Nửa thế kỷ qua, thành
ngữ “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được nhắc ở các Nghị quyết và trên các
phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy tại sao vị thế của nhà giáo
không nhờ đó mà được nâng lên, trái lại cứ bị xuống cấp từng ngày? Bởi
vì cuộc sống đã cho thấy những điều hoàn toàn trái lại!
Ngày
xưa, từ các ông đồ đến các nhà giáo tân học, dù không thuộc lớp phú hộ,
nhưng được mọi người kính trọng không hề kém mà còn hơn những người có
chức vị trong làng xã, quận huyện. Bởi vì ông đồ, nhà giáo có chữ nghĩa,
sống thanh bạch, nhưng không phải nghèo khó, vừa dạy chữ, vừa dạy
người. Trước mắt dân chúng, họ là tấm gương cao đẹp trong cuộc sống. Ở
Hà Nội trước năm 1954, miền Nam trước năm 1975, thầy giáo cấp 1 có tiền
lương đủ nuôi vợ con và thuê một người giúp việc. Thời ấy, phải là người
học giỏi mới dám thi vào ngành sư phạm, vì ngành này tuyển sinh khắt
khe nhất. Người vừa tốt nghiệp sư phạm cấp 1 đã được nhiều gia đình giàu
có đánh tiếng chọn làm con rể. Sau năm 1975, bắt đầu xuất hiện câu
thành ngữ “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”. Sau Đổi mới kinh tế,
báo chí gắn với thị trường quảng cáo có thu nhập lớn. Nhà báo nhanh
chóng rời khỏi tốp “nhà nghèo”. Nhà văn gửi tác phẩm đăng báo trước khi
in sách và tham gia viết báo, cũng dần dần thoát nghèo. Rốt lại chỉ còn
nhà giáo tiếp tục là “nhà nghèo” và có thêm danh xưng mới là “bán cháo
phổi”!
Từ cấp cơ sở đến các cấp trên của hệ
thống chính trị đều có những người nguyên là nhà giáo. Họ rời ngành giáo
dục, trở thành cán bộ, công chức có địa vị trong các ngành quân, chính,
đảng, dân (các đoàn thể). Quan sát từ thôn xã, địa vị được trọng vọng
nhất là những bí thư, đảng ủy viên, các đại biểu HĐND, ủy viên UBND, rồi
đến ủy viên BCH các đoàn thể đều được trọng vọng hơn người thày. Thầy
giáo không có quyền lực, cũng không có thu nhập so với một viên chức
bình thường. Một viên chức ở ngạch bậc thấp nhất, ngoài lương còn có
bổng lộc. Một giáo viên cấp 1, nếu được cử làm chủ tịch công đoàn ngành
giáo dục (tất nhiên phải là đảng viên), sau đó sẽ vào cấp ủy trong ban
lãnh đạo ngành, vào BCH công đoàn địa phương, và cấp ủy địa phương.
Không bao lâu sau, người nguyên là giáo viên cấp 1 nói trên, có địa vị
xã hội và có thu nhập cao hơn hẳn những giáo viên cấp 3, từng hành nghề
cùng thời với nhau mà nay vẫn tiếp tục “bán cháo phổi”!
Do
thu nhập và địa vị xã hội của nhà giáo ngày càng xuống thấp, đưa tới
khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường sư phạm, từng năm cứ phải hạ
thấp dần điểm thi tuyển so với các ngành khác. Tình trạng này hạ thấp
một cách tệ hại vị thế của nhà giáo trong xã hội, đồng thời làm sa sút
chất lượng giáo dục. Sau khi ra trường, hành nghề, để trang trải cho
cuộc sống quá thiếu hụt, nhà giáo phải giải quyết bằng hai cách: Trên
lớp thì dạy qua loa để buộc học sinh phải xin học thêm. Nhiều thầy giáo
thu nhập từ dạy thêm cao hơn hẳn tiền lương. Các thầy dạy những môn lịch
sử, địa lý không thể dạy thêm, nên phải đi làm đủ mọi nghề, kể cả rửa
bát nhà hàng, đạp xích lô.
Hình ảnh và phẩm
chất của người thày đến nay đã bị tàn phá nhiều mặt. Trong khi đó để
thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, người thầy
vừa phải có quan điểm giáo dục tiến bộ, vừa phải có tri thức vững chắc
và đạo đức nghề nghiệp, để khôi phục lòng “tôn sư, trọng đạo” của xã
hội. Ở các nền giáo dục tiên tiến, trong khi đỏi hỏi người thầy tôn
trọng tự do của người học; đồng thời lại đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ
sự tự do đó! Về điều này nhà giáo dục tự nhiên J. J. Rousseau yêu cầu
các nhà giáo “Hãy nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin
các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình”.
Ông nghiêm khắc phê phán người thầy áp đặt lên học trò: Thay vì dạy lập
luận, thầy giáo lập luận hộ, chỉ rèn luyện trí nhớ cho học trò. Tuy
nhiên mặt khác, J J. Rousseau lại đòi hỏi rất cao đối với người thầy:
“Xin các vị hãy đi một con đường ngược lại với con đường của học trò
mình; làm sao cho chúng cứ tưởng chúng luôn luôn làm chủ, song thực ra
chính các vị mới luôn luôn làm chủ”. (2) Về điều này, văn hóa giáo dục
của ông cha ta từ ngàn xưa cũng có nhận thức tương tự: Dù đặt học trò ở
vị trí chủ thể “ăn vóc học hay”, “học một biết mười”, “học thầy không
tày học bạn”, nhưng cuối cùng thì vẫn khẳng định “không thầy đố mày làm
nên”! Để đạt được điều đó, người thầy phải hiểu sâu sắc học trò, phải có
kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung cần giảng dạy và phải có bản
lĩnh sư phạm rất vững chắc.
Trước mắt có quá
nhiều cản ngại để khôi phục được vị thế của nhà giáo trong xã hội. Có lẽ
nên chọn khâu đầu tiên có tính đột phá: Phải mau chóng đưa nhà giáo ra
khỏi nhóm “nhà nghèo”. Nếu đã nhất trí rằng “giáo dục là quốc sách hàng
đầu” thì hãy lập tức thể hiện lòng “tôn sư trọng đạo” bằng hành động
tích cực chăm sóc vật chất và tinh thần của nhà giáo!
Ngày 4-11- 2013
T.V.C.
Chú thích:
1- Dân chủ và giáo dục, John Dewey, trang 106.
2- Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, trang 309 và 315.
3- Émile hay là về giáo dục, J. J. Rousseau, trang 147.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Nguon: http://boxitvn.blogspot.fr/2014/01/giao-duc-truoc-hai-van-e-cot-loi.html
No comments:
Post a Comment