Saturday, January 25, 2014

Đại án tham nhũng, đổi mới giáo dục và thông điệp năm mới của Thủ tướng


Nguyễn Khánh Trung
Có ba sự kiện quan trọng đang xảy ra nóng hổi vào những ngày cuối cùng của năm Quý Tị, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đó là việc Hội nghị TW 8 thông qua dự án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, sự kiện “Thông điệp đầu năm” dương lịch 2014 của Thủ tướng chính phủ và các đại án tham nhũng đang được xét xử. Ý nghĩa của những câu chuyện này là gì? 
 
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cách đưa ra thông điệp đầu năm của Thủ tướng với nội dung xoay quanh vấn đề “dân chủ”, “dân quyền”, “xoá bỏ độc quyền” rất quen thuộc ở xứ người nhưng lại rất lạ ở xứ ta mà một số trí thức đã đề cập. Theo tôi thì chuyện “lạ” và “quen” này cũng đã phần nào phản ánh một khoảng cách về phát triển. Nghĩa là bao giờ các lãnh đạo và toàn dân ta xem những điều này là quen thuộc, tự nhiên như việc hít thở hằng ngày thì lúc đó tôi nghĩ đất nước ta sẽ tiến bộ mọi mặt.

Tôi rất đồng ý với nhận định của Thủ tướng rằng: “Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”.

Thực vậy, tăng trưởng của mấy chục năm qua về mặt kinh tế đưa nước ta thoát cảnh bần hàn, suy cho cùng cũng nhờ “mở rộng dân chủ” và xoá bỏ độc quyền về mặt kinh tế. Nghĩa là nhờ việc chấp nhận cho dân được làm chủ và tham gia vào các hoạt động kinh tế và điều này đã đem lại sự tăng trưởng.

Wednesday, January 22, 2014

Học đại học như thế nào?

Trần Thanh Ái

Tóm tắt: Có lẽ đó là câu hỏi mà đa số tân sinh viên đều tự hỏi khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Trong bài viết này, trước hết tôi sẽ điểm lại một số biến động sâu sắc của khoa học có tác động trực tiếp đến cách thức đào tạo đại học và cách học của sinh viên. Sau đó, tôi sẽ trình bày những nét cơ bản của đào tạo đại học. Cuối cùng, tôi sẽ nêu những đặc điểm của đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay để các tân sinh viên có được những khái niệm tổng quát về việc học của mình sắp tới.
Học đại học như thế nào? có lẽ là một trong những băn khoăn hàng đầu của các em tân sinh viên, khi các em vừa trải qua hành trình ở phổ thông với nhiều bất cập mà báo chí đã đề cập đến rất nhiều trong những năm qua. Các từ và cụm từ “học vẹt”, “hư học”, “học thụ động”, “học để lấy bằng”… thường được dùng để phê phán lề lối học tập mà nhiều em vẫn áp dụng, ngay cả khi đã bước chân vào trường đại học. Điều đó hàm ý rằng học sinh và sinh viên cần thay đổi cách thức học tập, nhất là khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào các mặt hoạt động của thế giới. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày một số vấn đề liên quan đến việc học ở đại học trong thời đại ngày nay. Tôi sẽ bắt đầu từ những sự thay đổi trong quan niệm về kiến thức khoa học, vì đó chính là đối tượng của việc học của sinh viên.

1. Về kiến thức khoa học
1.1. Kiến thức khoa học là tạm thời vì luôn thay đổi

Khoa học càng phát triển thì loài người càng trở nên khiêm tốn hơn. Thật vậy, cho đến cuối thế kỷ XIX, nhân loại đã hả hê tự mãn về những thành quả khoa học đã có trong các thế kỷ trước, cho rằng thế giới là hữu hạn, và chỉ cần thời gian là con người sẽ hiểu hết mọi bí ẩn của vũ trụ. Từ khi thuyết lượng tử của Planck và thuyết tương đối của Einstein ra đời, người ta biết được rằng vũ trụ là bao la vô tận, và kiến thức của con người chỉ có thể tiệm cận với thế giới khách quan mà thôi. Hơn thế nữa, kiến thức không còn được xem là bất di bất dịch, mà nó luôn thay đổi tương ứng với trình độ nhận thức của loài người. Theo Thomas Kuhn, nhà khoa học luận nổi tiếng người Mỹ, khoa học phát triển theo hai cách : tích lũy dần dần và đột phá cách mạng. Theo cách thứ nhất, kiến thức cũ luôn luôn được bổ sung cho chi tiết hơn, được điều chỉnh cho chính xác hơn : đó là sự tiến bộ của khoa học bình thường (normal science). Cách thứ hai là sự phát triển mang tính cách mạng, khi khoa học bình thường ấy không còn đủ khả năng giải thích những phản thí dụ, mà Kuhn gọi là anomalies, và sẽ rơi vào khủng hoảng. Lúc ấy sẽ xảy ra một cuộc cách mạng khoa học, vì nó biến đổi sâu sắc nền tảng của kiến thức khoa học.
Từ những nhận thức trên đây, người ta đi đến kết luận là kiến thức khoa học luôn biến đổi, khi thì để bổ khuyết, lúc lại phủ định kiến thức cũ: cái mà hôm qua ta cho là chân lý khoa học thì có thể hôm nay đã trở thành lạc hậu. Điều này có ý nghĩa to lớn đến thái độ của chúng ta đối với kiến thức khoa học cũng như đến cách thức mà chúng ta tiếp thu hay sản sinh kiến thức khoa học.

Rousseau: Giáo dục “tự nhiên” là gì?



Bùi Văn Nam Sơn

Một phúng dụ về cách mạng với tấm
huân chương chân dung Jean Jacques
Rousseau. Tranh: Nicolas de Bertry
Con người, theo Rousseau, đi vào xã hội, nhưng đó phải là một xã hội được "hiệu chỉnh" sao cho phù hợp với những đức tính và năng lực tự nhiên của con người, chứ không phải để trở thành công cụ phục vụ.
Vì thế, ông hình dung hai hệ thống giáo dục khác nhau về hình thức do điều kiện xã hội không giống nhau, nhưng cùng chung mục đích. Hệ thống thứ nhất dành cho xã hội đã được tổ chức phù hợp với bản tính tự nhiên: nhỏ, gọn, dành cho những con người tự do, dạy cho trẻ em vui chơi trong tinh thần tập thể, huynh đệ và đoàn kết. Hệ thống thứ hai dành cho xã hội "văn minh và đồi trụy" hiện tồn. Trước khi cho đi vào xã hội, cần vun bồi tinh thần độc lập, lương thiện, và trui rèn cho trẻ em năng lực đề kháng trước ảnh hưởng xấu của xã hội. Cái trước gọi là hệ thống giáo dục chủ động, cái sau là hệ thống giáo dục phòng vệ. Trong thực tế, hai hệ thống kết hợp và bổ sung cho nhau, vì cùng chung một mục tiêu.

TÍNH CÁ NHÂN: TIÊU ĐIỂM CỦA GIÁO DỤC

Ta biết rằng việc nhìn nhận và giải phóng cá nhân trong thế giới hiện đại diễn ra khá muộn. Dấu hiệu đầu tiên là vào thời Phục Hưng (thế kỷ 15-16). Nhưng thật ra cũng chỉ mới thu hẹp trong tầng lớp quý tộc, thượng lưu, và bộc lộ chủ yếu ở phong cách tư tưởng, văn học, nghệ thuật mà thôi. Tiếp theo đó, phong trào Cải cách (tôn giáo) đầu thế kỷ 16 mang tinh thần phản kháng và phong cách cá nhân luận vào cả đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhưng đồng thời, sự nhìn nhận cá nhân lại có bước tiến vượt bực trong lĩnh vực pháp luật và chính trị. Hobbes, Pufendorf và Locke phát triển cơ sở "tự nhiên luận" về nhân quyền và dân quyền của cá nhân. Nhưng, vẫn cần chờ có một người kết hợp thật nhuần nhuyễn quyền hạn của cá nhân trong lĩnh vực xã hội, triết học với lĩnh vực dân sự và tôn giáo. Người ấy không ai khác hơn là J. J. Rousseau. Từ kinh nghiệm trong đời sống và trải nghiệm nội tâm, Rousseau là người thích hợp hơn ai hết để khai triển và bảo vệ tính cá nhân, một cống hiến có ý nghĩa lịch sử vô song.

Thursday, January 16, 2014

Giáo dục trước hai vấn đề cốt lõi


Tống Văn Công

Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (thực hiện NQ TƯ 8) đem lại hi vọng cho nhiều người quan tâm. Tuy nhiên cũng còn không ít nỗi âu lo ở việc thực hiện.
Năm 1979, Nghị quyết 14 của Bộ chính trị, theo bà Nguyễn thị Bình nguyên Bộ trưởng GD&ĐT thời ấy thì những quan điểm lớn trong đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1996, Nghị quyết TƯ 2, khóa 8 định hướng giáo dục đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có đề ra chế độ tiền lương cho nhà giáo. Được quan tâm như thế, vậy có điều gì cản trở đến nỗi khiến cho “Về chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đều thua kém các nước trong khu vực” (Công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới qua khảo sát 148 quốc gia).
Đề án đổi mới giáo dục lần này được dư luận đặc biệt chú ý ở nội dung: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.” Và xác định mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Sunday, January 12, 2014

Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam


Bùi Ngọc Hoàn (Thời đại mới)  
Qua việc xem xét (review) các báo cáo khoa học xã hội xuất bản trong các tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội ở Việt Nam (Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Vietnam Social Science Review, Thông tin Khoa học Xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội, v.v.) và trong các tạp chí chuyên ngành xuất bản ở ngoài Việt Nam, có thể nhận định rằng chưa có sự nối liền nghiên cứu xã hội học giữa Việt Nam và thế giới.
Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam rất hiếm thấy xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế (việc năm 2013, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tổ chức đánh giá kết quả nghiên cứu của những đề tài do Quỹ tài trợ từ năm 2010, kết quả cho thấy, 10 đề tài được đánh giá đạt yêu cầu, với tỷ lệ trung bình đạt mức 1.1 sách chuyên khảo và 6.6 công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, là một ví dụ điển hình).

Nhiều nguyên nhân có thể đưa đến việc thiếu sự liên kết của xã hội học ở Việt Nam với xã hội học thế giới. Trước hết, phần lớn các nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam chưa được thực hiện trên quan điểm coi kiến thức (knowledge) là sự tích lũy các hiểu biết (understandings) được khám phá ra bằng nghiên cứu để giải đáp các câu hỏi về thực tế xã hội. Phần lớn các báo cáo khoa học xã hội xuất bản ở Việt Nam thường thiếu phần xem xét tổng quan tài liệu (literature review) vốn được dùng làm nền tảng cho các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu thường là các vấn đề cá biệt của xã hội Việt Nam nhưng ít khi được đặt trong khung cảnh kiến thức chung của xã hội học. Các nghiên cứu xã hội ở Việt Nam cũng thường ít sử dụng lý thuyết (theory) hay các hệ qui chiếu quan điểm (research paradigm) trong quan sát và phân tích nên thường không đi xa hơn việc mô tả (description) sự kiện thực tế, nhưng chưa đi đến trình độ giải thích (explain) thực tế bằng kiểm chứng giải thuyết (hypothes is testing) hay bằng lý thuyết. Do đó, kết quả nghiên cứu thường chỉ có giá trị thông tin (information) chứ không đưa ra các hiểu biết (understandings) mới để đóng góp vào kiến thức xã hội học nói chung (trường hợp ngoại lệ là các báo cáo khoa học xã hội xuất ban trong các tập san chuyên ngành quốc tế).

Thursday, January 9, 2014

Điều quan trọng nhất về giáo dục



 Einstein, (Lý Lan lược dịch)

Albert Einstein là một khoa học gia và triết gia của thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó tên ông đồng nghĩa với thiên tài. Sinh thời ông cũng từng là giáo sư đại học, thể hiện mối quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ qua nhiều bài viết và diễn văn. Trong quyển Ideas and Opinions, Ý tưởng và Quan điểm, tập hợp những suy nghĩ của Albert Einstein về nhiều khía cạnh cuộc sống từ khoa học, xã hội, chính trị đến văn học, nghệ thuật, có một phần về giáo dục. Đương nhiên thế giới chúng ta đang sống đã chuyển sang thế kỷ 21 với vô vàn thay đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống xã hội, mà nói đến giáo dục là nói đến tương lai tính bằng thập kỷ – mười mấy hai ba bốn chục năm nữa. Có thể có người coi quan điểm giáo dục cách nay sáu bảy chục năm đã lỗi thời. Nhưng vì tôi đồng quan điểm với Einstein nên tôi xin trích dẫn ý kiến của ông.

Động cơ quan trọng nhất đối với lao động trong nhà trường và trong cuộc đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong kết quả của lao động đó, và hiểu biết về giá trị của kết quả đó đối với cộng đồng. Tôi nhận ra nhiệm vụ quan trọng nhất được nhà trường giao phó khi đánh thức và củng cố sức mạnh tâm lý của một chàng trai trẻ. Chỉ riêng một nền tảng tâm lý như thế đủ dẫn tới niềm khao khát hân hoan đối với của cải cao quí nhất của con người, là tri thức và kỹ năng bậc nghệ sĩ”.
Einstein đã phát biểu như trên nhân lễ kỷ niệm 300 năm giáo dục đại học tổ chức ở Albany, New York, ngày 15 tháng 10, 1936, trong một bài diễn văn có tiêu đề “On Education”, bàn về giáo dục. Trong phần mở đầu, rồi lập lại ở phần kết, ông khiêm tốn coi mình là người không hẳn có chuyên môn về sư phạm, mà chỉ có kinh nghiệm riêng và niềm tin cá nhân, với tư cách một người học và một người dạy. Ông nói nếu là vấn đề khoa học thì người không chuyên môn và thiếu căn cứ chỉ nên im lặng. “Tuy nhiên, với những việc liên quan đến con người thiết thực thì khác. Ở đây hiểu biết về chân lý mà thôi thì không đủ; ngược lại hiểu biết này phải được liên tục làm mới lại bằng sự cố gắng không ngừng, nếu không kiến thức sẽ mất đi. Giống như một bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và luôn bị nguy cơ vùi lấp trong gió cát. Những bàn tay chăm chút phải luôn hoạt động để giữ cho bức tượng tiếp tục tồn tại trong ánh thái dương. Tôi xin góp tay vào công việc đó”.

Monday, January 6, 2014

Thông điệp đầu năm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng




Nguyen Tan Dung
(Chinhphu.vn) – Nhân dịp năm mới 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng.

Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị-xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Trong đó xác định Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế1.
Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế-xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thi đua... đóng kịch trong ngành giáo dục


NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

TT - Câu chuyện giáo dục kỳ này giới thiệu ba bài viết của ba giáo viên bàn về thi đua trong ngành giáo dục với một nỗi niềm chung: càng thi đua, giáo viên càng muốn xin đừng thi đua.

15 trang sáng kiến tưới cây, giữ xe

Truy căn nguyên
Một học sinh thi tú tài xong, coi như đã ra khỏi trường, gây án. Sở cắt thi đua trường đã dạy học sinh đó, trường cắt lao động giỏi giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của học sinh đó, cắt thi đua bí thư đoàn, vô lý hơn còn cắt luôn thi đua giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và 11, gọi là truy căn nguyên. Mục đích “gọt” cho vừa số lượng lao động giỏi mà sở ấn định. Ban thi đua giải thích: “Nếu ta có học sinh làm phó chủ tịch tỉnh, ta hưởng vinh quang thì nay có học sinh gây án, ta nhận lãnh chứ biết sao bây giờ?”.
Một cô giáo mang bầu con thứ ba đến tai sở, sở cắt chiến sĩ thi đua hiệu trưởng, cắt thi đua tổ công đoàn. Hiệu trưởng cãi: “Chừng nào cổ sinh ra đã chứ, biết cổ mang thứ gì trong đó mà cắt thi đua tôi?”.
Lại một cô giáo khác sinh con thứ ba, sở cắt thi đua, hiệu trưởng cãi: “Tính từ ngày cô giáo sinh, truy ra ngày cô thụ thai rơi vào thời ông hiệu trưởng trước, vậy cắt thi đua tôi sao được?”.
Nhân viên bảo vệ nọ ba năm liền đạt lao động giỏi nên có người xúi viết sáng kiến kinh nghiệm để đạt chiến sĩ thi đua. Không hiểu nổi công việc giữ xe, tưới cây, anh sáng kiến cái gì mà viết đến 15 trang giấy A4. Anh còn đảm bảo mình không đạo văn, vì xưa nay có bảo vệ nào viết sáng kiến kinh nghiệm rồi tải lên mạng đâu!
Còn chuyện nữa, vì cái danh hiệu chiến sĩ thi đua mà một sáng kiến kinh nghiệm nộp sở ba lần trong ba năm; lần thứ nhất, cho loại khá; lần thứ hai, sở chấm trung bình; lần thứ ba, sở cho loại giỏi. Hiểu thế nào về cái sáng kiến đó hay là “hội đồng khoa học” của sở chưa bao giờ đọc sáng kiến?
Phụ huynh kia xin cho con ở lại lớp. Cô giáo sợ cắt thi đua, xanh mặt bảo: “Đây, điểm trung bình em nó trên năm chấm, đâu có ở lại lớp được”.
Nhiều lắm những câu chuyện về thi đua tức cười như thế. Xin đừng “thi đua” nữa, tội lắm!
NGUYỄN LÊ