Fukuzawa Yukichi
Học Thế Nào: Sau khi trích đăng Khuyến Học, chúng tôi đăng thêm Thoát Á Luận (Chủ trương thoát khỏi Châu Á) của Fukuzawa Yukichi. Fukuzawa và tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Việt Nam thời Pháp thuộc.Bản dịch Thoát Á Luận (toàn văn) mà chúng tôi sử dụng dưới đây là bản dịch của dịch giả Hải Âu và Kuriki Seiichi.
Để giúp bạn đọc của Học Thế Nào hiểu rõ hơn về tác phẩm ngắn và quan trọng này, cũng như hiểu rõ hơn về tác giả, chúng tôi cũng đăng bài viết ngắn được viết riêng cho Học Thế Nào của dịch giả Hải Âu.
I.
Một vài nét khái quát hoạt động của trí thức Nhật Bản giữa thế kỷ 19 – Minh Lục Xã và phong trào khai sáng ở Nhật Bản
Hải Âu
Tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục mà các tiền bối của chúng ta đưa vào Việt Nam chính là từ Fukuzawa và các cộng sự từ Đại học Keio Tokyo (Tokyo Keio Gijyuku Daigaku = Đông Kinh Khánh Ứng Nghĩa Thục Đại Học). Đây chính là tinh thần khai sáng, truyền bá văn minh, được bao gồm trong các tác phẩm của Fukuzawa:
Khuyến học
Văn Minh Khái Lược Chi Luận
Dân gian kinh tế luận
Thông tục dân quyền luận
Sự ra đời của Meirokusha (Minh Lục Xã, hội những người khai sáng/trí thức Nhật sáu năm kể từ năm Minh Trị thứ nhất 1868, tức là hội được thành lập năm 1874). Mục đích chính của hội Meirokusha là truyền bá văn minh và khai sáng, giới thiệu nền văn minh phương tây vào Nhật Bản từ những người trí thức Nhật đã từng đi nước ngoài hoặc du học nước ngoài. Hội có trên 10 thành viên sáng lập. Sau khi hội được thành lập đã tổ chức những cuộc họp và những buổi hội thảo, kết quả là nội dung cuộc họp và thảo luận được ghi lại thành tuyển tập Tạp chí Meiroku (Meiroku Zasshi). Tạp chí Meirokusha ra đời và tồn tại trong thời gian 2 năm và sau đó bị đóng cửa bởi Quy định xuất bản và Luật phỉ báng của Nhật năm 1875 (Press Ordinance and the Libel Law in 1875). Tuy nhiên sau khi tạp chí ngưng xuất bản, hội Meirokusha còn hoạt động cho đến năm 1900. Vai trò củaMeirokusha có thể đi xa hơn nếu Nhật Bản có luật báo chí cởi mở hơn và tạp chí Meiroku Zasshi có thể tồn tại lâu hơn.
Lời phát biểu cho sự ra đời tạp chí “Meiroku Zasshi” của nhóm Meirokusha “Chúng ta những người cùng chí hướng tập trung lại trong thời gian gần đây thi thoảng thảo luận lý do và thi thoảng thuyết trình về tin tức ngoại quốc. Một mặt chúng ta đang mài rũa trí tuệ học vấn mặt khác chúng ta đang rèn luyện trí óc. Việc ghi lại những thảo luận này được gộp lại thành một tuyển tập (tạp chí) chúng ta sẽ in ra và phân phát cho những người có cùng quan tâm. Chúng ta sẽ thấy hạnh phúc nếu như tuyển tập tạp chí dù nhỏ bé này góp phần đẩy mạnh được sự khai sáng trong nhân dân chúng ta.”
Càng tìm hiểu về Nhật Bản càng thấy sự khác biệt rất lớn giữa trí thức Nhật và trí thức Việt Nam. Những vấn đề mà trí thức Nhật Bản trao đổi thời gian đầu thời kỳ Meiji được tóm tắt trong 43 số của Tạp chí Meiroku (Meiroku Zasshi) – Tạp chí khai sáng Nhật Bản. Tôi cho rằng sự phát triển Nhật Bản là sự đồng thuận của chính phủ Nhật Bản và trí thức Nhật Bản.
So với nước ta, chúng ta mất/thiếu sự đồng thuận giữa quan chức chính phủ và trí thức cho nên mấy ngàn năm nay chưa có được sự phát triển vượt trội so với các nước trong khu vực, chiến tranh liên miên chống ngoại xâm, nội chuyến liên miên… rồi từ sau 1975 cho đến tận bây giờ lòng người Việt Nam còn ly tán, chưa có được cuộc hòa giải dân tộc, cho nên Việt Nam khó có thể phát triển mạnh trở thành con rồng Châu Á được. Việt Nam chỉ cần làm sao đuổi kịp và vượt một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và China đã là một kỳ tích.
Những nét đại cương chính trong sự phát triển của Nhật Bản thế kỷ 19: tiếp thu làn sóng văn minh và khai sáng phương tây, thay đổi tư duy từ đóng cửa sang mở cửa đất nước, cải cách giáo dục, tiếp thu khoa học kỹ thuật phương tây, cải cách chính trị và hệ thống luật pháp, phát triển hải quân và kinh tế biển, tăng cường vai trò phát triển kinh tế tư nhân và vai trò của phụ nữ. Vai trò của trí thức Nhật Bản và giai cấp lãnh đạo đồng hành với nhau.
Sự tiếp thu văn minh phương tây và làn sóng khai sáng của trí thức Nhật trong thế kỷ 19 được Fukuzawa Yukichi thể hiện qua tác phẩm “Khái quát lý thuyết văn minh” của mình là tri thức quan trọng hơn đạo đức, đạo đức công (tinh thần vì quốc gia) quan trọng hơn đạo đức riêng, tri thức công (dân trí, thước đo mặt bằng tri thức của quốc gia tức là của nhiều người trong một nước) quan trọng hơn tri thức riêng (tri thức của cá nhân dù có cao siêu nhưng thiếu sức mạnh cho sự phát triển quốc gia). Nghĩa là sự phát triển của đất nước được dựa trên tinh thần đại đoàn kết, tập thể vì lợi ích quốc gia, trong việc tiếp thu văn minh, khai sáng và truyền bá văn minh trong dân chúng của cả trí thức và lãnh đạo, có thể ví như tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao” trong mọi lĩnh vực.
Những gì về văn minh phương tây mà Fukuzawa Yukichi nhận được từ những người Âu Mỹ thể hiện trong nhận xét của ông (1875) khi so sánh với những gì của Nhật có:
“Sau khi Perry đến và chính quyền Tokugawa ký hiệp định với các cường quốc người ta quan sát sự sắp xếp của chính phủ và nhận thấy lần đầu tiên sự sắp xếp đó mới ngu xuẩn và yếu kém nhường nào. Cũng khi tiếp xúc với người nước ngoài, lắng nghe họ nói, đọc các sách phương Tây và dịch sách mới thấy kiến thức rộng mênh mông nhường nào, lúc đó người ta [người Nhật] mới nhận thấy rằng ngay cả chính phủ “ma quỷ hay thánh thần” gì nữa cũng có thể bị sụp đổ bởi nỗ lực của loài người. Có lẽ đó là lúc mà người điếc và người mù mới vểnh tai và mắt lên để có thể nghe và nhận thấy những âm thanh và màu sắc… Cuộc tiếp xúc với người phương Tây lần đầu tiên trong lịch sử [Nhật Bản], và đó là những gì ví như người Nhật bước ra từ trong sự câm lặng tăm tối của đêm đen sâu thẳm vào một trạng thái vui mừng reo hò dưới ánh sáng chói lòacủa một ngày đẹp trời. Những gì mà họ [người Nhật] nhìn thấy hoàn toàn khác lạ và không giống với những gì trong tiềm thức của họ [người Nhật].” (Theo bảm dịch của Albert M. Craig, Civilization and Enlightenment – The Early Thought of Fukuzawa Yukichi).
II.
Thoát Á Luận
Fukuzawa Yukichi
Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này. Thử nghĩ mà xem, những người phương Tây từ thời cổ kim đến nay đều có cùng dòng dõi giống nhau và họ không khác nhau nhiều lắm. Nếu ngày xưa họ chậm chạp thì ngày nay họ di chuyển hoạt bát và nhanh chóng hơn chính là vì họ lợi dụng được thế mạnh của phương tiện giao thông đó mà thôi. Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy. Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy?
Làn gió văn minh như là sự lan truyền của dịch bệnh sởi. Hiện giờ dịch bệnh sởi khởi phát từ vùng miền tây ở Nagasaki đang lan truyền về phía đông tới vùng Tokyô nhờ tiết trời ấm áp của mùa xuân. Thời điểm này chúng ta sợ sự lan truyền của dịch bệnh này thì phải tìm phương thuốc, nhưng liệu có phương thuốc nào có thể ngăn chặn sự lây lan này không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng ta không có một phương thuốc nào ngăn chặn được dịch bệnh cả. Cho dù chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh có thể lây lan này thì hậu quả là con người chúng ta sẽ chỉ có hư hỏng mà thôi. Trong nền văn minh ấy có cả lợi lẫn hại song song, nhưng lợi luôn nhiều hơn hại, sức mạnh của những điều lợi đó không gì có thể ngăn cản được. Đó chính là điểm mà tôi muốn nói rằng chúng ta không nên tìm cách ngăn cản lại sự lan truyền của nền văn minh ấy. Là những người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn minh đó tới toàn dân trong nước để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy càng sớm càng tốt. Làm được như vậy chính là sự nghiệp của những người trí thức.
Nền văn minh phương Tây đang xâm nhập vào Nhật Bản và có thể tính bắt đầu từ chính sách mở cửa của nước nhà vào thời Gia Vĩnh (Kaei, 1848-1854). Người dân trong nước bắt đầu biết đến những giá trị hữu ích của nền văn minh ấy, và đang dần dần tích cực hướng tới tiếp nhận nền văn minh ấy. Nhưng con đường tiến bộ tiếp cận nền văn minh đang bị cản trở bởi chính phủ già nua lỗi thời. Cho nên đó là vấn đề không thể giải quyết được. Nếu chúng ta duy trì chính phủ hiện nay thì nền văn minh chắc chắn không thể xâm nhập vào được. Đó là vì nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản. Nếu chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những truyền thống cũ kĩ đó thì đồng nghĩa với việc phải hủy bỏ chính phủ đương thời đi. Thế thì đương nhiên nếu chúng ta ngăn cản lại nền văn minh đang xâm nhập vào Nhật Bản thì chúng ta không thể giữ gìn được nền độc lập của chúng ta. Dù thế nào đi chăng nữa thì sự náo động mãnh liệt của nền văn minh thế giới không cho phép vùng Đảo Đông Á cứ tiếp tục ngủ trong sự cô độc nữa.
Trong thời điểm hiện nay, những sĩ phu Nhật Bản chúng ta hãy dựa trên cơ sở đại nghĩa “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, thêm nữa chúng ta có cơ may được dựa trên thánh chỉ tôn nghiêm của Thiên Hoàng, nhất định chúng ta phải từ bỏ chính phủ cũ, thành lập chính phủ mới, không phân biệt quan lại triều đình và thần dân, toàn dân trong nước tiếp thu nền văn minh hiện đại phương Tây. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á. Chủ trương của tôi chỉ gói gọn trong hai chữ “Thoát Á”.
Nước Nhật Bản chúng ta nằm tại miền cực đông Châu Á, giá như chúng ta có tinh thần dân tộc thoát ra khỏi những thói quen cổ hủ của Châu Á mà tiếp cận tới nền văn minh phương Tây thì chúng ta đã có thể hoà nhập với nền văn minh phương Tây rồi. Tuy nhiên, thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh nước chúng ta có hai nước láng giềng, một nước gọi là Chi Na (Trung Quốc), một nước gọi là Triều Tiên. Cả hai dân tộc của hai nước này giống như dân tộc Nhật Bản chúng ta đều được nuôi dưỡng theo phong tục tập quán, tinh thần và nền giáo dục chính trị kiểu Châu Á cổ lai hi. Tuy nhiên, có lẽ do nhân chủng khác nhau, hoặc do quá trình di truyền khác nhau, hoặc do nền giáo dục khác nhau nên có sự khác biệt đáng kể giữa ba dân tộc. Dân tộc Trung Quốc và Triều Tiên giống nhau nhiều hơn và không có nhiều điểm giống với dân tộc Nhật Bản. Cả hai dân tộc này đều không biết đường lối phát triển quốc gia tự lập.
Ngày nay trong thời đại phương tiện giao thông tiện lợi, cả hai dân tộc không thể không nhìn thấy được sự hiện hữu của nền văn minh phương Tây. Nhưng họ lại cho rằng những điều mắt thấy tai nghe về nền văn minh phương Tây như vậy cũng không làm họ động tâm động não. Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ.
Theo đánh giá của tôi, trong tình hình lan truyền mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sang phương Đông như hiện nay, hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. Nếu trong hai nước ấy, xuất hiện những nhân tài kiệt xuất mở đầu bằng công cuộc khai quốc, tiến hành cuộc đại cải cách chính phủ của họ theo quy mô như phong trào Duy Tân (Minh Trị Duy Tân) của chúng ta, rồi cải cách chính trị, đặc biệt là tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ thì may ra họ mới giữ vững được nền độc lập, còn nếu không làm được như vậy thì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm tới hai nước sẽ mất, đất đai của các hai nước ấy sẽ bị phân chia thành thuộc địa của các nước văn minh khác trên thế giới. Vậy lý do tại sao? Đơn giản thôi, vì tại thời điểm mà sự lan truyền của nền văn minh và phong trào khai sáng (bunmei kaika) giống như sự lan truyền bệnh sởi, hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đã chống lại quy luật lan truyền tự nhiên ấy của nền văn minh. Họ quyết liệt tìm cách chống lại sự lan truyền nền văn minh ấy ví như họ tự đóng chặt cửa sống trong phòng khép kín không có không khí lưu thông thì sẽ bị chết ngạt.
Tục ngữ có câu “môi hở răng lạnh”, nghĩa là các nước láng giềng không thể tách rời được nhau và giúp đỡ lẫn nhau, nhưng hai nước Trung Quốc và Triều Tiên trong thời điểm hiện nay không đóng vai trò giúp đỡ một chút nào cho nước Nhật chúng ta cả. Dưới nhãn quan của người phương Tây văn minh, họ nhìn vào những gì có ở hai nước Trung Quốc và Triều Tiên thì sẽ đánh giá nước Nhật chúng ta cũng giống hai nước ấy, có nghĩa là họ đánh giá ba nước Trung Hàn Nhật giống nhau vì ba nước cùng chung biên giới. Lấy ví dụ, chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên chuyên chế cổ phong và không có hệ thống pháp luật nên người phương Tây cũng nghĩ rằng Nhật Bản chúng ta cũng là một nước chuyên chế và không có luật pháp. Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín hủ lậu không biết đến khoa học là gì thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản chúng ta cũng chỉ là một nước âm dương ngũ hành. Nếu người Trung Quốc hèn hạ không biết xấu hổ thì nghĩa hiệp của người Nhật cũng bị hiểu nhầm. Nếu ở Triều Tiên có hình phạt thảm khốc thì người Nhật cũng bị người phương Tây coi là không có lòng nhân ái.
Chúng ta có thể nêu ra biết bao nhiêu ví dụ cũng không hết được. Lấy những ví dụ này, tôi ví trường hợp nước Nhật Bản bên cạnh các nước Trung Quốc và Triều Tiên không khác gì trường hợp trong một làng có một người sống bên cạnh toàn những người ngu đần, vô trật tự, hung bạo và nhẫn tâm thì dù người đó có là người đúng đắn lương thiện đến đâu đi chăng nữa cũng bị nhiều người khác cho rằng là “cá mè một lứa”, cũng chẳng khác gì những người hàng xóm. Khi những vụ việc rắc rối này sinh sôi nảy nở có thể gây ảnh hưởng trở ngại lớn tới con đường ngoại giao của chúng ta. Thực tế này là một đại bất hạnh cho nước Nhật Bản!
Vì vậy, nhằm thực hiện sách lược của chúng ta thì chúng ta không còn thời gian chờ đợi sự khai sáng (enlightenment, bunmei kaika) của các nước láng giềng Châu Á để cùng nhau phát triển được mà tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây. Chúng ta không có tình cảm đối xử đặc biệt gì với hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên cả, chúng ta hãy đối xử với hai nước như thái độ của người phương Tây đối xử. Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nghĩa là nếu chúng ta chơi với những người bạn xấu, thì chúng ta cũng trở thành người xấu. Đơn giản là chúng ta đoạn tuyệt kết giao với những người bạn xấu ở Châu Á!
Bản dịch sửa xong ngày 04/10/2005
Tài liệu tham khảo:
Bản tiếng Nhật: http://www.chukai.ne.jp/~masago/datuaron.html
Bản tiếng Nhật của Đại học Keio:http://www.jca.apc.org/kyoukasyo_saiban/datua2.html
Bản dịch tiếng Anh: David Lu, ed., Japan: A Documentary History (Amonk, New York: M.E. Sharpe, 1997), pp.351-353.http://www2.chass.ncsu.edu/ambaras/hi233/Readings/Fukuzawa1885.htm
Nguon: http://hocthenao.vn/2013/10/25/thoat-a-luan-fukuzawa-yukichi-hai-au-va-kuriki-seiichi-dich/
No comments:
Post a Comment