Tuesday, October 22, 2013

Câu chuyện giáo dục (Bài 3): Hạt nhân “khai minh” trong các triết thuyết giáo dục

Bùi Văn Nam Sơn  


Các… “ism” (“chủ thuyết”)

Ngày nay, nghe đến từ "chủ thuyết", "chủ nghĩa", nhiều người nhíu mày e ngại. Không phải không có lý do:

-     Không có chủ thuyết nào tinh ròng, trái lại, luôn là... số nhiều, ngay trong lòng một chủ thuyết lớn;

-     Trong lĩnh vực xã hội, nhân văn, nhất là chính trị, không khỏi gợi lên tính ý hệ, giáo điều, thiển cận;

-     Chủ thuyết nào cũng là một sự trừu tượng hóa cao độ, nhiều khi cách rất xa những vấn đề khiến ta đang bức xúc. Các chủ thuyết có thể dẫn đến những "vấn đề giả" không mấy ai quan tâm.

Dầu vậy, cũng có đủ lý do cho sự cần thiết phải tìm hiểu và tiếp cận các chủ thuyết:

-     Chúng có thật, vì thế, cần được tôn trọng và tìm hiểu, trao đổi nghiêm chỉnh, thỏa đáng;

-     Là những trào lưu tư tưởng, những thế giới quan, nhân sinh quan đa dạng, phức tạp, phong phú, cần có sự phân định để tránh lẫn lộn, vì yêu cầu học thuật và truyền thông.

-     Sự tương phản (nếu có) giữa các chủ thuyết làm nổi bật vấn đề, buộc ta phải lưu ý và chọn thái độ (chẳng hạn giữa: lạc quan-bi quan, tuyệt đối-tương đối, hiện đại-hậu hiện đại, tự do-cộng đồng, bảo thủ-cấp tiến, chủ chiến-chủ hòa v.v..). Nhiều sự tương phản, qua thời gian, dịu lại, và, qua đối thoại, tìm được sự tổng hợp mới, kích thích hoạt động tinh thần của con người.

-     Quan trọng hơn, chính sự đa dạng của các chủ thuyết là cơ hội lý tưởng cho việc giáo dục tinh thần dân chủ, tương kính trong xã hội hiện đại. Đa viễn tượng chưa hẳn là chiếc đũa thần cho sự trưởng thành, nhưng là một chiếc cầu không thể thiếu để vượt bỏ óc nệ cổ và mê tín.
 
-     Chủ thuyết nào cũng là một công cụ để nhìn, suy nghĩ và phán đoán. Ngoài tính công cụ (có thể nhất thời), chủ thuyết nào cũng ít nhiều mang theo những "hạt nhân chân lý", những châu ngọc đích thực của nền văn minh nhân loại.

Tóm lại, câu chuyên giáo dục xin chọn cách kể lại một cách giản dị câu chuyện của những triết thuyết, như một sự gợi mở và mời gọi suy tư.

Mười triết thuyết giáo dục tiêu biểu

Mọi lựa chọn đều đau đớn! Do khuôn khổ có hạn của Câu chuyện, xin không đề cập các triết thuyết giáo dục quan trọng nhưng đã ít nhiều quen thuộc với chúng ta, chẳng hạn các triết thuyết giáo dục thuộc truyền thống tam giáo Đông phương (Nho, Phật, Lão) và triết thuyết giáo dục mác-xít. Câu chuyện dành chỗ cho các triết thuyết giáo dục có nguồn gốc Tây phương, nhưng đã và đang còn gây ảnh hưởng sâu đậm không chỉ ở Tây phương. Tuy nhiên, ngay ở đây, cũng chỉ có thể chọn giới thiệu mười triết thuyết tiêu biểu nhất, như khi buộc phải chọn mười đóa hoa trong một vườn hoa.

Các triết thuyết giáo dục
quan hệ gần hay ít nhiều tương đồng với...
Thuyết duy tâm
Thuyết duy nhiên, Khai minh, Thuyết duy tâm Đức, Thuyết hiện sinh
Thuyết duy thực
Khai minh, Thuyết thực dụng, Triết học phân tích, Thuyết hậu-hiện đại
Thuyết duy nhiên
Thuyết duy tâm, Khai minh, Duy Tâm Đức, Thuyết hiện sinh
Khai minh
Duy tâm, Duy thực, Duy nhiên, Duy tâm Đức, Thực dụng, Hiện Sinh, Triết học phân tích, Triết học hoài nghi, Thuyết hậu-hiện đại
Thuyết duy tâm Đức
Duy tâm, Duy Nhiên, Khai minh, Thuyết hậu-hiện đại


Thuyết thực dụng
Duy thực, Khai minh, Hiện sinh, Triết học phân tích, triết học hoài nghi, Hậu-hiện Đại
Thuyết hiện sinh
Duy tâm, Duy nhiên, Khai minh, Thực Dụng, Hoài nghi Hậu-hiện đại
Triết học phân tích
Duy thực, Khai Minh,Thực dụng, Triết học hoài nghi
Triết học hoài nghi
Khai minh, Thực Dụng, Hiện sinh, Hậu-hiện đại
Thuyết hậu-Hiệnđại
Duy thực, Khai Minh, Duy tâm Đức, Hiện sinh, Triết học hoài nghi

Ta thấy yếu tố, hay đúng hơn, chủ trương "khai minh" có mặt trong cả chín triết thuyết còn lại, điều này không phải ngẫu nhiên. Trong ý nghĩa cơ bản, triết học là khai minh. Vì thế, Khai minh không chỉ là danh hiệu riêng của một thời đại (thế kỷ 17-18 ở Châu Âu), mà còn được hiểu theo nghĩa rộng như là tâm thế, ý hướng và hành động của con người. Ngày nay, người ta dễ dàng đồng ý xem Khai minh là mục tiêu và lý tưởng giáo dục (đào tạo trẻ em thành con người tự do, tự trị, làm chủ đầu óc của chính mình), nhưng không dễ đồng ý với nhau về phương pháp và phương tiện để đạt được mục tiêu và lý tưởng ấy. Ưu và khuyết điểm của triết thuyết giáo dục khai minh, do đó, cũng sẽ ảnh hưởng đến số phận của các triết thuyết còn lại.

Viễn tượng, ẩn dụ, nhân vật và lý tưởng xã hội

Mỗi triết thuyết giáo dục là một cách nhìn và một tầm nhìn về giáo dục, tạm gọi là một "viễn tượng" (perspective). Được định hình và gây ảnh hưởng, mỗi triết thuyết là công sức của nhiều thế hệ tiếp nối, nhưng lịch sử không quên tên tuổi của những người khởi xướng hoặc có ảnh hưởng nhiều nhất. Nhắc đến họ ("nhân vật"), ta dễ liên tưởng đến cả một triết thuyết. "Ẩn dụ" là hình ảnh tượng trưng, tiêu biểu, thường gắn liền với mỗi triết thuyết, nói lên tinh thần, phương pháp và mục tiêu giáo dục. Sau cùng, "lý tưởng xã hội" (hay, có khi, "không tưởng xã hội") là ước mơ và lý tưởng phấn đấu mà một triết thuyết tự đặt ra cho mình như một sứ mệnh để xây dựng và cải tạo xã hội. Bảng sau đây tóm lược những điều ấy:
 
Viễn tượng
Nhân vật
Ẩn dụ
Lý tưởng xã hội
Duy tâm
Platon
Ánh sáng
Nhà Nước
giáo Dục
Duy thực
Aristoteles
Trung đạo
Cộng đồng
trí Tuệ
Duy nhiên
Rousseau
Hạt mầm
Cộng đồng
dân chủ
cơ sở
Khai minh
Kant
Tiến bộ
Cộng đồng
công dân thế giới
Duy tâm Đức
Hegel, Schelling, Hölderlin
Cái toàn thể
Hòa giải các mặt đối lập
Thực dụng
Dewey
Công cụ
Dân chủ
Hiện sinh
Jaspers, Heidegger,
Arendt
Bị vứt bỏ
Tự do cá nhân
Triết học phân tích
Peters, Scheffler
Phân tích khái niệm

Triết học hoài nghi
Socrates
Hộ sinh
Xã hội đạo lý
Hậu-hiện đại
Lyotard
Quần đảo
Sống chung của (những) cái không thể hòa giải

Trọng tâm

Khuôn khổ câu chuyện sẽ đi vào các trọng tâm sau:

-     Duy tâm: giá nào cho việc theo đuổi những lý tưởng cao đẹp?

-     Duy thực: làm sao có được đời sống thiện hảo và đa diện?

-     Duy nhiên: tính tự nhiên và tính chân thực trong định chế giáo dục hiện đại, ranh giới và nguy cơ?

-     Khai minh: vấn đề tự trị trong dạy và học?

-     Duy tâm Đức: giáo dục không chỉ về hạnh phúc mà cả về bất hạnh và bi kịch?

-     Thực dụng: những... "chân lý vô dụng" có cần thiết không?

-     Hiện sinh: những hoàn cảnh giới hạn và trải nghiệm về "ý nghĩa" lẫn sự "vô nghĩa" trong giáo duc?

-     Triết học phân tích: câu hỏi "để làm gì?' và "phải làm gì?' phải chăng là không quan trọng?

-     Triết học hoài nghi: ý nghĩa của việc "không biết" trong giáo dục hiện đại?

-     Hậu-hiện đại: phải chăng chỉ đề cao sự tùy tiện và mất phương hướng?

Cuộc hành trình sẽ khá dài. Xin thưa trước: các triết thuyết giáo dục không hứa hẹn mang lại câu trả lời cho những vấn đề cụ thể. Chúng làm việc khác: cung cấp những viễn tượng, khái niệm và cách lý giải cho phép suy nghĩ và suy nghĩ lại về việc định hướng giáo dục.

---

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 3, 03.10.2013)

No comments:

Post a Comment