Tuyên truyền một chiều làm người Trung Quốc thêm xấu xí
Giáp Văn Dương
1. Khoảng năm 2000-2001,
trong quá trình tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là những thói hư
tật xấu của họ đến văn hóa Việt Nam, như thói háo danh hư học, tôi đọc
được cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương – một nhà báo người Đài
Loan. Càng đọc và suy ngẫm, tôi càng thấy người Trung Quốc quả thực có
những thói quen rất xấu, như kỳ thị chủng tộc, tự tôn quá đáng, cãi lấy
được v.v.
Vài năm sau đó, tôi có dịp làm việc với nhiều đồng nghiệp đến từ Trung
Quốc lục địa. Về chuyên môn họ khá vững vàng, nhưng về văn hóa, ngoài
những mô tả của Bá Dương ra, tuy đậm nhạt khác nhau tùy người, thì còn
một đặc điểm chung rất nặng nề mà Bá Dương đã không nhắc đến. Đó là:
những người Trung Quốc mới này, dù là nhà khoa học, cũng bị chính phủ
Trung Quốc tuyên truyền một chiều kiểu nhồi sọ tạo ra những định kiến
rất khó gỡ bỏ, đặc biệt là trong các tranh luận liên quan đến tranh chấp
biên giới, hải đảo, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc
với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Còn nhớ, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đã tấn công trên toàn
tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu. Hơn ba
mươi năm sau trôi qua, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến vẫn còn trong
vòng tranh luận. Vì thế, trong một cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thực sự
của cuộc chiến theo lý giải của phía bên kia, tôi đã hỏi ba đồng nghiệp
người Trung Quốc. Cả ba đều trên dưới ba mươi tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ ở
trong nước, rồi sang Anh làm việc cùng nhóm với tôi. Điều tôi quan tâm
là với những người Trung Quốc trẻ, được đào tạo bài bản ở trong nước,
thì thông qua tuyên truyền và giáo dục của nhà nước Trung Quốc, họ hiểu
về căn nguyên cuộc chiến như thế nào.
Sau một giờ trao đổi, cả ba người đều đưa ra cùng một kết luận giống hệt nhau: Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, vì:
- Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhưng Việt Nam đã liên kết với Liên Xô (cũ) để đe dọa Trung Quốc.
- Do Việt Nam tiến đánh Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
- Do xung đột biên giới dai dẳng, Việt Nam đòi chia biên giới theo hướng có lợi cho mình.
Cả ba đều đưa ra lý lẽ như vậy, nhưng không đi sâu phân tích xem lý lẽ
đó đã thỏa đáng chưa, và nguyên nhân thực sự của những cái được gọi là
nguyên nhân kia là gì. Điều này hoàn toàn trái ngược với tác phong làm
việc khoa học, tìm hiểu kĩ nguyên nhân, liên hệ đến các yếu tố tác động
bên ngoài, như trong các vấn đề chuyên môn của họ.
Ba người đến từ ba vùng khác nhau của Trung Quốc, nhưng đều đưa ra những
lập luận giống hệt nhau. Điều đó cho thấy, chính sách tuyên truyền của
Trung Quốc được tiến hành đồng bộ và rộng khắp đến mức nào. Và ảnh hưởng
của chính sách tuyên truyền một chiều đó ảnh hưởng lệch lạc đến nhận
thức của nhân dân họ ra sao, vì trong một vấn đề phức tạp như cuộc chiến
biên giới năm 1979, nguyên nhân thực sự của nó không thể chỉ gói gọn
trong mấy dòng lập luận đơn giản. Trong các cuộc binh đao, việc đẩy hết
trách nhiệm cho phía yếu hơn và làm ra vẻ mình vô can là một việc rất
khó được chấp nhận.
2. Ngày 22/2/2013, Bà Rose
Tang – một nhà báo người Mỹ gốc Hoa, đã từng giảng dạy tại đại học
Princeton - đã chụp lại tấm biển có dòng chữ tiếng Trung và Anh “Không
phục vụ người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó” tại nhà
hàng Beijing Snacks (Bách Niên Lỗ Chử) và đăng lên trang facebook cá
nhân. Những tấm ảnh này đã gây ra một sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng
người Việt. Sau đó, tấm biển này đã được gỡ bỏ, nhưng ông chủ nhà hàng
nhất định không chịu xin lỗi về việc kỳ thị chủng tộc này.
Tuy đây chỉ là việc làm của cá nhân ông chủ nhà hàng nói trên, nhưng nó
phản ánh tâm lý kỳ thị chủng tộc đang rất phổ biến ở Trung Quốc, nhất là
trong bối cảnh căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa
Trung Quốc và Việt Nam, Philippines, Nhật Bản ngày càng gia tăng. Tình
hình trở nên đặt biệt căng thẳng với Việt Nam và Philippines khi Trung
Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ độc chiếm biển Đông với yêu sách về “đường
lưỡi bò” hết sức phi lý, bất chấp Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển
1982 (UNCLOS).
Khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku, hàng loạt vụ đập phá
cửa hàng bán đồ Nhật đã xảy ra. Khi Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc
ra tòa quốc tế, thì chính quyền Trung Quốc kịch liệt phản đối, và một
nhà hàng Trung Quốc treo tấm biển kỳ thị chủng tộc gây sốc này.
Nhớ lại lời bàn về kỳ thị chủng tộc của Bá Dương: “Tôi chỉ muốn nói cái
đầu óc kỳ thị nơi người Trung Quốc, so với kỳ thị chủng tộc, còn ở mức
độ thấp kém hơn, vì nó là đầu óc kỳ thị địa phương”, mới thấy rằng việc
kỳ thị chủng tộc là có thật và thực sự là một căn bệnh của người Trung
Quốc.
Người Trung Quốc ngay từ mới sinh ra đã được, hoặc bị, văn hóa Khổng
giáo truyền thống tẩm ướp tư tưởng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Chính tư tưởng coi việc bình thiên hạ như tột đỉnh thành công này, cộng
hưởng với tâm lý kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mới là
điều đáng quan ngại.
Nếu liên hệ xa hơn, thì việc kỳ thị chủng tộc đã nằm trong truyền thống
văn hóa của Trung Quốc từ thời xa xưa. Người Trung Quốc luôn cho rằng
đất nước họ là trung tâm của thế giới, nên mới tự gọi mình là Trung
Quốc. Họ cũng tự coi dân tộc mình là ưu việt hơn các dân tộc xung quanh,
nên gọi các dân tộc này là Man - Di - Địch - Nhung, cần phải giáo hóa.
3. Trong lo ngại về những
căng thẳng mà Trung Quốc gây ra cho các nước xung quanh trong thời gian
gần đây, đặc biệt khi Trung Quốc đang trỗi dậy, có sức mạnh kinh tế và
quân sự vượt trội so với các nước láng giềng, thì tâm lý kỳ thị chủng
tộc này là một điều rất đáng lo ngại. Nó nhắc nhở người ta nhớ lại hình
ảnh của các nước phát xít trước thế chiến thứ hai. Thời kỳ đó, ở các
nước này cũng phổ biến tâm lý kỳ thị chủng tộc, coi chỉ dân tộc mình là
ưu việt đáng sống, còn các dân tộc khác chỉ là thứ cấp, thậm chí đáng bị
loại bỏ. Chính tâm lý kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan
hẹp hòi ở các nước phát-xít này là một trong những nguyên nhân đưa nhân
loại đến cuộc đại chiến tàn khốc, mà hệ quả của nó đến bây giờ vẫn còn
dai dẳng, và có lẽ sẽ không bao giờ có thể khắc phục hết được.
Liệu Trung Quốc có đi theo vết xe đổ này không? Liệu Trung Quốc có gây
ra đại họa cho nhân loại bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi mà chính
phủ họ ít nhiều cổ xúy, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tuyên truyền
một chiều về các tranh chấp và xung đột lợi ích với các dân tộc khác?
Câu trả lời còn chưa rõ ràng. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu chính phủ
Trung Quốc không có những điều chỉnh kịp thời để hạn chế tâm lý kỳ thị
chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi dường như đã rất rõ ràng
thì điều không ai muốn rất có thể sẽ lại xảy ra. Đó sẽ là cái giá quá
đắt, không chỉ đối với Trung Quốc và các nước nạn nhân, mà còn với cả
nhân loại.
Với tâm lý việc kỳ thị chủng tộc, nhiều người Trung Quốc đã thực sự xấu
xí. Và sự xấu xí này đang đang được gia cường trực tiếp hay gián tiếp
thông qua chính sách tuyên truyền một chiều của nhà nước Trung Quốc.
4. Đối với Việt Nam, bài
học về sự phản tác dụng của chính sách truyền thông một chiều đã nói
trên đây của Trung Quốc cũng cần phải được nghiêm túc xem xét. Tuyên
truyền một chiều có thể có tác dụng cho các chính sách nhất thời của nhà
nước, nhưng về lâu dài thì lại có hại cho dân trí, dân khí và sự trưởng
thành của dân tộc. Người dân chỉ có thể trưởng thành nếu được tiếp cận
các luồng thông tin đa dạng và được tự do tham gia thảo luận, hòng tìm
ra sự thật trong rừng thông tin đó. Nói cách khác, dân tộc chỉ có thể
trưởng thành nếu mọi người dân của nó được quyền tự do tiếp cận thông
tin, tự do thảo luận, tức tự do báo chí được đảm bảo.
Với những sự việc nhỏ như sự kỳ thị chủng tộc của một chủ nhà hàng Trung
Quốc trên đây, việc lên tiếng để bảo vệ phẩm giá của mình là cần thiết.
Nhưng điều này sẽ trở thành vô nghĩa nếu Việt Nam cứ mãi nghèo nàn tụt
hậu, cứ mãi ở thế yếu so với họ. Nếu đât nước không phát triển đươc, dẫn
đến dân tộc bị khinh rẻ trên trường quốc tế thì lỗi này trước hết thuộc
về các nhà lãnh đạo đất nước, và sau đó là từng người dân cụ thể.
Vì thế, điều cần thiết hơn là phải làm sao cho Việt Nam hung mạnh, phải
giải phóng sức sản xuất và sức sáng tạo, quy tụ nguồn lực để phát triển.
Điều này đòi hỏi nỗ lực trước hết của các lãnh đạo, sau đó mới đến từng
người dân.
Nếu Việt Nam giàu mạnh, thì những lời kỳ thị đâu đó chỉ như con gió
thoảng, có gì là đáng ngại? Còn khi Việt Nam mãi nghèo nàn lạc hậu, thì
tức giận khi bị kỳ thị đâu có giúp được gì nhiều.
---
Nguon: http://www.giapvan.net/2013/03/tuyen-truyen-mot-chieu-lam-nguoi-trung.html
No comments:
Post a Comment