Thursday, March 7, 2013

Chuyên gia Pháp bàn sửa Hiến pháp Việt

Chuyên gia Luật Hiến pháp hàng đầu nước Pháp bàn về tinh thần Hiến pháp và cải tổ Hiến pháp ở Việt Nam.

Bertrand Mathieu: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân trong thời hạn 3 tháng. Thực sự là rất hiếm gặp ở Pháp, hay theo cách thức chung trên thế giới, việc lấy ý kiến toàn dân để sửa đổi một bản Hiến pháp. Thông thường nhất là có một Ủy ban nhóm họp trước khi tiến hành cải tổ Hiến pháp và thông qua các tranh luận trong Ủy ban này mà những người quan tâm có thể đến để tranh biện. Tiếp theo là các tranh luận ở quốc hội mà ở đó Ủy ban chuẩn bị cải tổ Hiến pháp sẽ phải bảo vệ dự thảo của mình trước các ban chuyên gia.
Cũng có một cách khác, đó là có thể yêu cầu người dân góp ý kiến thông qua internet. Nhưng cách này lại đặt ra một vấn đề khác đó là không phải tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với internet và việc góp ý kiến chỉ dành cho nhóm những người có một trình độ hiểu biết và trang bị vật chất cao. Tình huống đặt ra đó là một thiếu sót về dân chủ tham dự (participative democracy), tức là chỉ cho phép một vài nhóm người có thể tham dự vào tiến trình.
Có một việc quan trọng khác mà tôi nghĩ cần làm trước khi tiến hành cải tổ Hiến pháp, đó là việc cần phải có một hành động sư phạm. Người dân cần phải hiểu được họ đang muốn làm gì trước khi được hỏi xem là họ nghĩ gì. Đó là điều rất quan trọng. Nếu không, việc cải tổ Hiến pháp sẽ có nguy cơ chỉ là hình thức bởi một mặt, Hiến pháp là lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết nhất định, mặt khác, thời hạn ngắn sẽ khiến người dân khó phản ứng kịp.

GS. Bertrand Mathieu
+ Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam lần này có việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Nhưng vai trò của Hội đồng này lại chỉ là đưa ra "KIẾN NGHỊ". Thông thường, một Hội đồng Hiến pháp cần được trao các quyền gì để nó có tính phán quyết?
+ Sự tồn tại của Hội đồng Hiến pháp đã là một cơ chế được thiết lập ở hầu hết các quốc gia. Tất cả các bản Hiến pháp hiện đại đều trang bị cho mình một Hội đồng Hiến pháp.
Vấn đề là không phải quốc gia nào cũng có kinh nghiệm trong việc bảo vệ hiến pháp, như trường hợp nước Pháp là phải đợi tới giai đoạn 1971-1974 thì Hội đồng Hiến pháp mới thực sự có sức nặng.
Cần phải có thời gian để làm quen, bởi bảo vệ hiến pháp sẽ dẫn tới việc là đôi khi ý muốn của những người lãnh đạo sẽ bị đặt dưới một ông thẩm phán, điều không dễ chấp nhận chút nào. Trong một số trường hợp, phải hy vọng rằng việc này sẽ trải qua một vài giai đoạn.
Khi bước vào việc bảo vệ hiến pháp, tôi tin Việt Nam sẽ không thể dừng ở đây mãi. Đây chỉ là bước đầu và bước khởi đầu này sẽ thành công từ thời điểm mà Hội đồng Hiến pháp biết sử dụng hiểu biết và sự độc lập của mình để đưa ra các ý kiến hợp lý, được chấp nhận. Việc đưa ra các ý kiến chính là bài thi với Hội đồng Hiến pháp và khi đã vượt qua, nó sẽ có đầy đủ quyền lực.
+ Chúng ta có thể biết giai đoạn đầu này thường kéo dài trong bao lâu?
+ Không đất nước nào ứng xử với Hiến pháp theo cách thức y hệt nhau. Ở Mỹ có Tòa tối cao với tính pháp chế riêng, ở Đức, cũng như ở Ý, người ta khôi phục thẳng một Tòa Hiến pháp như trước chiến tranh, ở Pháp thì khó khăn hơn. Nhưng một quốc gia luôn kế thừa kinh nghiệm của các quốc gia khác nên càng về sau, theo lý thuyết, sẽ càng đi nhanh hơn.
Trong trường hợp Việt Nam, tôi nghĩ nếu Việt Nam muốn coi sự thay đổi hiện nay là một bước đệm thì phải thiết kế nó ngay từ đầu như một giai đoạn chuyển giao, tức là sau 5 năm nữa chẳng hạn, nhìn nhận lại thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là việc bảo vệ hiến pháp còn phụ thuộc rất nhiều vào việc có gì trong Hiến pháp. Để Hội đồng hiến pháp thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ Hiến pháp, cần phải gắn nó với những quy định về quyền tự do.
Nếu chỉ có những quy định về tổ chức quyền lực thì việc kiểm soát Hiến pháp chẳng phải điều gì to tát. Sự bảo vệ hiến pháp được khẳng định đầy đủ và hiệu quả nhất ở những quyền về tự do. Chẳng hạn, một công dân có quyền kiện lên cơ quan bảo vệ hiến pháp nếu người đó cho rằng có một đạo luật áp dụng với mình là vi hiến.
+ Ông đã quan sát nhiều các lần cải cách hiến pháp tại các quốc gia chuyển đổi như tại Đông Âu. Sự thay đổi đã diễn ra như thế nào?
+ Các nước Đông Âu đã bắt tay vào việc bảo vệ hiến pháp rất nhanh. Họ viết các bản Hiến pháp giống như các nước Tây Âu và ngay lập tức bắt đầu việc bảo vệ Hiến pháp, không có giai đoạn chuyển giao. Thực tế thì một vài quốc gia, như Ba Lan hay CH Czech, vốn đã có truyền thống dân chủ từ trước.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, nên đưa mọi việc tiến lên một cách chậm rãi và có chiều sâu thay vì cố copy Hiến pháp của các nước khác mà có thể không thích hợp với hệ thống định áp dụng.
Truyền thống bảo vệ hiến pháp là một điều khó khăn, ngay như nước Pháp cũng phải mất rất nhiều công sức mới tạo dựng được bởi vì nó vốn chưa có trong tư duy và phụ thuộc rất nhiều vào con người.
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, việc Hội đồng Hiến pháp chỉ có vai trò tham vấn chưa hẳn đã quá nghiêm trọng bởi điều quan trọng là ai được chỉ định vào trong Hội đồng đó. Nếu đó là những nhà làm luật danh tiếng, những con người có uy tín cả về trí tuệ, đạo đức và chính trị, thì Hội đồng đó sẽ ổn. Cần nhất là không được chính trị hóa Hội đồng Hiến pháp và phải giữ cho nó tính độc lập, trước nhất là với cơ quan lập pháp là quốc hội.
+ Ông rất quan tâm đến vai trò của những cá nhân...
+ Đúng, tôi là người thực tế. Rất khó có đảng chính trị nắm quyền nào muốn từ bỏ quyền lực, vậy nên, nếu không thể có một cuộc cách mạng thì phải trông chờ vào những thay đổi từ nội bộ.
Những thay đổi nội bộ cần phải có điều kiện tốt. Nếu những thẩm phán có nhiều quyền lực trong không gian hiến pháp, họ cũng có thể khiến hệ thống di chuyển một chút. Ngay cả nếu họ làm tốt việc "kiến nghị" của mình, họ vẫn có thể tạo nên một quan điểm rất mạnh.
+ Xin cảm ơn ông!

Bùi Nguyễn (từ Paris)

Bertrand  Mathieu là Giáo sư Luật Hiến pháp ở trường Đại học Paris Pantheon-Sorbonne (Paris 1). Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Luật Hiến pháp của Pháp, thành viên Hội đồng quan tòa cấp cao (CSM) của Pháp. Bertrand Mathieu cũng từng tham gia Hội đồng cải cách Hiến pháp Pháp, là tác giả của gần 20 cuốn sách về Luật Hiến pháp và các thể chế chính trị. Ông hiện được xem là chuyên gia Hiến pháp hàng đầu hiện nay tại Pháp.
 
 Nguon: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/111693/chuyen-gia-phap-ban-sua-hien-phap-viet.html

No comments:

Post a Comment