Saturday, December 19, 2015

Tổng Cục Thống kê và UNICEF công bố Kết quả chính của Điều tra Đánh giá các Mục tiêu về Trẻ em và Phụ nữ (MICS) năm 2013-2014

UNICEF

Báo cáo sơ bộ kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2013-14 (2013-14 MICS) đã được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2013-1014 với sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành và được UNICEF hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
© UNICEF Việt Nam\2014\Trương Việt Hùng
Báo cáo sơ bộ kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2013-14 (2013-14 MICS) đã được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2013-1014 với sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành và được UNICEF hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
Hà Nội, 4 tháng 9 năm 2014 - Báo cáo sơ bộ kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2013-14 (2013-14 MICS) đã được công bố hôm nay tại Hà Nội đã cho thấy vẫn còn tồn tại sự chênh lệch trong đời sống của trẻ em và phụ nữ giữa các vùng miền, theo giới, nơi sinh sống, giàu/nghèo và dân tộc
Cuộc Điều tra đã được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2013-1014 với sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành và được UNICEF hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Cuộc điều tra đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh cập nhật về các vấn đề liên quan đến tình hình của trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Báo cáo toàn văn của cuộc Điều tra MICS 2013-14 sẽ được chính thức công bố vào đầu năm 2015
“Kết quả chính của điều tra MICS 2013-2014 cung cấp những số liệu có chất lượng nhằm phản ánh những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được các mục tiêu phát triển” Tiến sĩ NGuyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống Kê đã nói. “Thực hiện điều tra MICS ở Việt Nam là một cơ hội để quốc gia tăng cường năng lực trong thu thập, xử lý, phân tích và phổ biến các số lệu liên quan đến trẻ em và phụ nữ thông qua một quá trình giám sát chất lượng chặt chẽ. Căn cứ trên những kết quả chính được công bố ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết như sự chênh lệch về phát triển làm ảnh hưởng tới điều kiện sống, giáo dục, y tế cho trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số” Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm đã nêu trong bài phát biểu khai mạc hội thảo công bố kết quả điều tra.
“Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 và việc công bố các phát hiện chính của điều tra MICS năm 2013-14 đã kịp thời giúp theo dõi đánh giá các tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Quốc gia và các cam kết toàn cầu. Kết quả Điều tra cũng sẽ bổ sung vào sự thiếu hụt các số liệu giúp cho quá trình hoàn thiện báo cáo về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như đánh giá tình hình thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam”, Ông Jesper Moller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát biểu. “Giải quyết các vấn đề bất bình đẳng để cải thiện cuộc sống của các trẻ em thiệt thòi và tăng cường sự phát triển hòa nhập cho xã hội Việt Nam”.
Số liệu của Điều tra MICS 2013-14 sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách xác định và tập trung các nguồn lực cho những nhóm dân cư thiệt thòi, là nhóm trọng tâm cho các nỗ lực hỗ trợ phát triển. Kết quả Điều tra cũng giúp tăng cường phương pháp tiếp cận thân thiện với trẻ em , dựa vào bằng chứng khoa học trong việc xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội và các chương trình liên quan đến trẻ em giai đoạn 2016-2020.


Ông Jesper Moller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát biểu.  “Giải quyết các vấn đề bất bình đẳng để cải thiện cuộc sống của các trẻ em thiệt thòi và tăng cường sự phát triển hòa nhập cho xã hội Việt Nam”.
© UNICEF Việt Nam\2014\Trương Việt Hùng
Ông Jesper Moller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát biểu. “Giải quyết các vấn đề bất bình đẳng để cải thiện cuộc sống của các trẻ em thiệt thòi và tăng cường sự phát triển hòa nhập cho xã hội Việt Nam”.
Một số phát hiện chính của Điều tra:
Dinh dưỡng:
Nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng cho sự sống còn và phát triển của trẻ em. Điều tra MICS năm 2013-14 đã cho thấy tỷ lệ trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn đã tăng khoảng 40% từ 17.4% lên đến 24.3%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức để đạt được mục tiêu quốc gia là 60% vào năm 2020. Tỷ lệ bà mẹ cho con bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh giảm xuống còn 26,5% so với 39,7% theo kết quả của điều tra MICS trước đây. Cho con bú sớm sẽ hình thành và duy trì tốt việc cho con bú sữa mẹ trong suốt thời nuôi con. Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cho con con bú mẹ sớm trong vòng một giờ sau sinh có thể dự phòng tới 22% tử vong sơ sinh[1]. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ em sinh ra có cân nặng dưới 2,500 gram hầu như không thay đổi (5,7%). Hơn nữa, sự chênh lệch trong việc sinh con nhẹ cân vẫn còn hiện hữu ở các vùng miền núi và dân tộc thiểu số (76.2% ở Tây nguyên và 6,6%% ở vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung)
Nước sạch và vệ sinh:
Sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh là những yếu tố thiết yếu đảm bảo cho sức khỏe của con người. Nước không sạch và nhà tiêu không hợp vệ sinh có thể là yếu tố mang mầm mống các bệnh tật như bệnh tả và thương hàn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch hầu như không thay đổi so với điều tra MICS trước đây (92%). Sự chênh lệch vẫn còn tồn tại giữa nhóm Kinh/Hoa và các dân tộc khác. Có 75% hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch so với 95% hộ gia đình dân tộc Kinh and Hoa.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có tăng nhẹ (79%) so với điều tra MICS trước đây (78%). Tuy nhiên, hơn một nửa số hộ gia đình dân tộc thiểu số không có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh:
Ba phần tư các trường hợp tử vong mẹ xảy ra trong khi sinh con và ngay sau khi sinh. Cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho người mẹ khi sinh nở là phải có cán bộ y tế có chuyên môn về hộ sinh giúp đỡ đẻ. Số liệu điều tra MICS đã cho thấy có 94% phụ nữ Việt Nam đã sinh con với hỗ trợ của cán bộ y tế/bà đỡ có chuyên môn, nhưng chỉ có khoảng một phần ba bà mẹ người dân tộc thiểu số sinh con được cán bộ y tế/bà đỡ có chuyên môn hỗ trợ khi sinh nở.
Giáo dục:
Giáo dục có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo, nâng cao vị thế của người phụ nữ, bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bóc lột lao động và bóc lột tình dục, thúc đẩy quyền con người và dân chủ, bảo vệ môi trường and ảnh hưởng tới tăng trưởng dân số. Điều tra MICS năm 2013-14 đã chỉ ra rằng có khoảng một nửa số trẻ em ở Tây nguyên hiện đang theo học trung học phổ thông đúng độ tuổi so với tỷ lệ toàn quốc là 71%.
Tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học có giảm nhẹ từ 99.6% năm 2010-11 xuống còn 95.9% theo cuộc điều tra MICS lần này. Tuy nhiên có khác biệt về giới trong tỷ lệ hoàn thành tiểu học (98% trẻ em trai và 93% trẻ em gái). Nỗ lực cần được tăng cường để làm tăng tỷ lệ hoàn thành tiểu học của các trẻ em gái.
Bảo vệ trẻ em:
Điều 32 trong Công ước Quốc tế Quyền trẻ em khẳng định rằng: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ Công việc gỡ nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ em, hoặc có hại đối với sức khỏe hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em”. Số liệu của cuộc điều tra MICS năm 2013-14 cho thấy cứ 5 trẻ em độ tuổi từ 5-17 thì có 1 em tham gia lao động[2]. Tình hình này phổ biến hơn ở vùng Trung du và miền núi (36.2%) và Tây nguyên (25%).
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định về độ tuổi kết hôn tối thiểu của nữ là 18 tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn vẫn tăng khoảng 24% so với kết quả điều tra MICS trước đây.
Đi học mẫu giáo và giáo dục:
Việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ đi học tiểu học có thể được cải thiện qua các chương trình giáo dục trẻ thơ hoặc đi học các lớp mẫu giáo. So với điều tra MICS trước đây, không có sự thay đổi về tỷ lệ trẻ em từ 36-59 tháng tuổi đang tham gia các hoạt động đi học mẫu giáo và giáo dục trẻ thơ trên toàn quốc (71%). Tuy nhiên nếu so sánh giữa các vùng trên cả nước, Đồng bằng sông Cửu long là khu vực có tỷ lệ thấp nhất với chỉ khoảng một phần ba số trẻ em nêu trên đang tham gia các lớp mẫu giáo hoặc chương trình giáo dục trẻ thơ.
Cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) là một cuộc điều tra hộ gia đình theo chuẩn toàn cầu được UNICEF hỗ trợ triển khai tại các quốc gia từ giữa năm 1990 để thu thập và phân tích các số liệu theo dõi tình hình của trẻ em và phụ nữ. Hiện nay trên toàn cầu đã thực hiện 5 vòng điều tra MICS và Việt Nam đã tham gia vào tất cả các vòng Điều tra này. Các cuộc điều tra MICS trước đây được thực hiện vào các năm 1998, 2000, 2006 và 2010-2011. Những kết quả của điều tra MICS đã được sử dụng làm cơ sở để ra các quyết định chính sách và chương trình hỗ trợ, khuyến khích thảo luận công khai về điều kiện sống của trẻ em và để báo cáo quá trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ
Thông tin về UNICEF
UNICEF hoạt động trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, từ khi các em còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Là tổ chức cung cấp vắc-xin lớn nhất thế giới cho các quốc gia đang phát triển, UNICEF hỗ trợ các công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi trẻ em cả nam và nữ, và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lộ và AIDS. Kinh phí cho toàn bộ hoạt động của UNICEF được lấy từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ.
Nếu cần thêm thông tin, xin liên hệ
  • Nguyễn Đình Chung, Phó Vụ trưởng, Vụ Thống kê Xã hội Môi Trường, Tổng cục Thống kê, Tel. 04-38464348; email. ndchung@gso.gov.vn
  • Laura Ngô-Fontaine, UNICEF Việt Nam, Tel. 84—4-9425706 số máy lẻ 271 hoặc 0966539673; email: lngofontaine@unicef.org
  • Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-4-9425706 số máy lẻ 401 hoặc 0904154678; email: ntthuong@unicef.org
Chú thích:
  • [1] Edmond KM, Zandoh C, Quigley MA, Amenga-Etego S, Owusu-Agyei S, Kirkwood BR. Delayed breastfeeding initiation increases risk of neonatal mortality. Pediatrics. 2006;117:e380-6
  • [2] Trẻ em được xếp vào lao động trẻ em khi các em phải lao động quá sớm hoặc tham gia vào các hình thức 0lao động nguy hại cho sự phát triển về thể chất, tinh thần,xã hội hoặc giáo dục của các em.
Nguon: http://www.unicef.org/vietnam/vi/media_22996.html

No comments:

Post a Comment