Nguyễn Trần Bạt
Trong cuộc đời của mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ. Thường thì đa số đều mong muốn phấn đấu để trở nên giàu có. Đấy là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, tiền không làm cho con người trở nên có giá trị hơn. Có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để có được những giá trị tinh thần nhưng họ không bao giờ có cơ hội ấy cả, dù họ có nhiều tiền. Cho nên, ngoài việc phấn đấu trở nên giàu có người ta còn phải phấn đấu để trở nên hiểu biết và cao hơn nữa là phấn đấu để trở nên cao thượng. Nếu nhìn dưới góc độ của lý thuyết về tự do thì để có những điều kiện tự do cơ bản, mỗi người cần phải phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, ra khỏi sự ngu dốt và ra khỏi sự tầm thường. Đấy chính là ba nấc thang mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc. Trong quá trình phấn đấu ấy, sách là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người và là công cụ không thể thiếu.
Con người là tổng hoà thông tin
Trong thế giới ngày nay con người đã trở thành một thực thể thông tin. Trước đây con người là một thực thể tự nhiên, sau đó là một thực thể theo kiểu Marx mô tả là một tổng hoà xã hội, nhưng bây giờ cần phải định nghĩa rõ hơn: con người là một tổng hoà có tính chất thông tin. Vì thế xin đừng quên rằng khi nào chúng ta không còn thông tin nữa tức là chúng ta đã cáo chung đối với thế giới hiện đại.
Qua quan sát và nghiên cứu, tôi đã rút ra một kết luận là: thông tin có được đối với mỗi người không phải chỉ bằng việc đọc mà thông tin được hút vào miền ký ức của mình, vào tiềm thức của mình bằng tình yêu của mình đối với thông tin, và khi đó thông tin ấy mới trở thành sức sống của mình. Có câu chuyện kể rằng một người đem ba bức tượng đi bán. Bức thứ nhất ông ta ra giá 1 đô la, bức thứ hai 10 đô la, bức thứ ba 1000 đô la. Người ta hỏi sao ba bức tượng giống hệt nhau mà ông lại bán giá chênh lệch thế? Ông ta trả lời rằng: Bức tượng thứ nhất thì tai nọ thông tai kia, nghe tai nọ qua tai kia, cho nên đáng 1 đô la thôi. Bức tượng thứ hai đáng 10 đô la vì hai tai thông với nhau và thông với mồm. Còn bức thứ ba 1000 đô la vì hai tai nó thông với bụng. Nếu không "hầm" thì thông tin không thể "chín" được. Thông tin là từ những người khác nhau, những nguồn khác nhau cho nên nếu không có việc "hầm" thông tin thì chúng ta trở thành kẻ đa nhân cách khi nói, vì chúng ta nói bằng giọng của người khác. Nếu không có tình yêu đối với thông tin thì anh không hút nó vào anh được. Nhưng anh không thể yêu thông tin nếu anh không yêu cuộc đời. Nói tóm lại, không có tình yêu đối với cuộc đời thì không có tình yêu đối với thông tin, không có tình yêu đối với thông tin thì không có trí tuệ.
Tôi là người có thời lượng đọc khá dày. Hàng ngày, tôi theo dõi mọi diễn biến xảy ra trên mọi góc thế giới. Nếu chúng ta không vươn tới trạng thái có thể nắm bắt tất cả các sự kiện trên thế giới thì chúng ta tư duy như một người ngồi trong xó và do đó không bao giờ có tri thức gì. Không có thông tin thì không mô phỏng được đời sống thật. Nhiều người cứ tưởng rằng mình có kinh nghiệm, mình từng trải, mình ra đường là thấy ngay các vấn đề của cuộc sống, nhưng không phải thế. Người ta tạo ra hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là để mô tả một cách thức con người nhận thức thế giới, tức là nhìn bằng một nghìn mắt và sờ bằng một nghìn tay. Sách và các ấn phẩm báo chí là công cụ nhìn và sờ của xã hội. Trong cuộc sống của mỗi người mà thiếu những thứ đó thì giống như chúng ta đang ở tầng 10 mà cuộc sống thì đang ở tầng 1. Nếu chúng ta không chịu đọc thì không được thưởng thức những thứ rất thú vị trong đời sống của nhân loại.
Đọc sách để nuôi bộ rễ
Hiện nay, trong cuộc sống hàng ngày, với sự bùng nổ của internet, nhiều người trong xã hội, nhất là những người trẻ, có xu hướng ngại đọc sách, vì ngại mất thời gian, trong khi đó chỉ cần vài động tác là có thể kiếm được rất nhiều thông tin trên mạng. Trong một buổi nói chuyện với sinh viên, có bạn hỏi tôi rằng: "Có những người đi làm như bố mẹ cháu do bận rộn nên có khi một năm cũng chỉ đọc một quyển sách, và người ta có rất nhiều lý do chính đáng để biện minh. Ví dụ, có nhiều người nói rằng trên mạng bây giờ có rất nhiều thông tin mới, nếu chỉ đọc sách cũ thì không cập nhật được thông tin và nó không giúp ích cho cuộc sống của người ta. Chú có thấy điều đó đúng không?" Tôi trả lời rằng cách giải thích như vậy nghe thì thông minh nhưng không đúng.
Chúng ta biết rằng bây giờ người ta sản xuất ra rất nhiều loại phân bón để kích thích lá mọc nhưng không kích thích rễ. Khi lá trên cây nhiều quá mà rễ không đủ thì đấy là cơ thể sống nhân tạo chứ không phải là cơ thể tự nhiên nữa. Cho nên, bận gì thì bận chúng ta cũng không được quên nuôi bộ rễ. Đọc sách là để nuôi bộ rễ, còn đọc những thông tin mới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là để nuôi bộ lá, và phải cân bằng giữa lá và rễ, đấy chính là sự cân bằng tự nhiên. Thông tin hàng ngày cũng giống như cái áo rẻ tiền của người Trung Quốc, mặc xong là vứt, đọc xong là vứt, và như thế nó không tạo ra cái cây, không tạo ra cơ thể, tức là không tạo ra một chỉnh thể về mặt trí tuệ. Cho nên những người đã đạt đến trình độ có văn hóa đọc thì phải thiết kế một tỉ lệ hợp lý giữa đọc sách và đọc thông tin hàng ngày để nuôi cái cơ thể thông tin của mình. Cần phải xác lập tính giới hạn hay tính hợp lý của sự tổng hòa thông tin mới tạo ra con người hiện đại. Tính cân đối của thông tinđối với sự hình thành con người là một vấn đề rất đáng nghiên cứu.
Khi tôi đi thanh niên xung phong, mẹ tôi cho tôi hai bộ quần áo, một cái túi du lịch Trung Quốc và 20 đồng. Tôi đã ra hiệu sách Tràng Tiền mua hết 20 đồng tiền sách. Tôi vẫn còn nhớ như in, thứ nhất là Tuyển tập kịch Shakespeare được dịch bởi giáo sư Bùi Ý và cháu ông là Bùi Phụng. Tôi thuộc lòng những dòng tâm sự của Hamlet, những đau khổ của Othenlo, những giận dỗi và đểu giả của Macbeth, những toan tính của Coriolanus… tất cả đã trở thành đời sống tinh thần của tôi. Thứ hai là bộ sách Chiến tranh và Hoà bình do giáo sư Cao Xuân Hạo dịch. Thứ ba là Bài ca sư phạm của Makarenko và một vài bộ sách nữa. Tôi đã mang những bộ sách ấy đi cùng. Những năm tôi đi lính, trong ba lô của tôi, quần áo ít hơn sách. Có người thắc mắc tại sao những năm ấy mà tôi lại biết Shakespeare, Makarenko, Lev Tolstoi...? Khi nào sống trong nghèo khổ và cô đơn thì chúng ta sẽ hiểu chỉ cần một giọt chữ thôi cũng có thể làm dịu được nỗi đau khổ của cuộc đời. Tôi có cả bộ ba tiểu thuyết của Marxim Gorky: Thời thơ ấu, Kiếm sống và Những trường đại học của tôi. Khi đọc Maxim Gorky tôi cảm thấy sự nghèo khổ hay sự đau khổ của mình gần giống với nỗi đau khổ của cậu bé Peskov, tức là Marxim Gorky lúc còn bé. Có một sự đồng cảm, đồng điệu nào đó giữa tôi và cậu bé Peskov. Tất cả những chuyện đó làm dịu bớt nỗi đau của tôi. Tôi không ham mê văn học như là một người đã biết rõ giá trị của các tác phẩm ấy, tôi ham mê văn học như câu chuyện Robinson Crusoe phải dạy cho con vẹt biết nói để mình nghe thấy tiếng người không chỉ phát ra từ miệng mình. Tôi đọc sách để tìm thấy một tiếng nói nào đó để an ủi nỗi cô đơn của một kẻ bị trôi dạt một cách cưỡng bức ra khỏi khát vọng của mình.
Bây giờ, tôi nhớ đến những quyển sách ấy như nhớ đến những người bạn, như nhớ đến một thứ gì đó cố tri. Lúc nhỏ tôi đọc truyện Không gia đình của Hector Malot, tôi thấy những quyển sách đi cùng với tôi và tuổi thanh niên của tôi giống hệt như là sự gắn bó của mấy đứa trẻ mồ côi, của cậu bé Remi và cậu bé Matchia nghèo khổ. Nếu đọc Tolstoi, người ta thấy Tolstoi quan sát cuộc sống một cách toàn diện, tinh tế và mô tả nó một cách tài hoa thì đọc Shakespeare, sẽ thấy đó là một festival tất cả trí khôn của con người. Những trí khôn, những mưu mẹo mà Shakespeare mô tả, ví dụ như mô tả ông chú của Hamlet, làm người ta bỗng nhiên thấy Shakespeare vĩ đại vì Shakespeare khôn ngoan trước loài người rất nhiều. Những quyển sách ấy là những người bạn an ủi tôi và phải nói rằng các tác giả của chúng là thần thánh với tôi. Tôi không có điều kiện để theo bất kỳ tôn giáo nào cả, nhưng tôi có một tôn giáo rất quan trọng và đi theo tôi suốt cuộc đời là vẻ đẹp được thể hiện bởi các tác giả vĩ đại.
Có thể thấy rằng việc đọc sách giúp con người hình thành năng lực nhận biết sự đẹp đẽ của những đối tượng xuất hiện xung quanh đời sống của mình, làm cho miền tinh thần của con người trở nên phong phú. Miền tinh thần không chỉ là các cảm xúc mà miền tinh thần là miền nhận thức. Khi nào con người có một miền tinh thần có chất lượng thì con người đã thay đổi về bản chất, từ một con người bị động thưởng thức những thứ mình có trở thành một đối tượng có thể phát hiện và mách bảo.
Đọc sách như một bản năng
Bất cứ ai muốn trở thành con người hoàn chỉnh thỉ phải có hiểu biết, phải đọc. Đọc chính là cách tốt nhất để con người học hỏi, là con đường thường xuyên để phát triển trí tuệ. Và khi đã đạt đến một trình độ hiểu biết nhất định thì đọc sách cần được biến thành công việc hàng ngày, cũng giống như các vận động viên thể thao phải rèn luyện hàng ngày. Rèn luyện thể thao là rèn kỹ năng, đọc sách cũng có những kỹ năng. Ví dụ, những người đơn giản đọc từng dòng một, những người khá hơn thì đọc hai dòng một. Nhưng cũng có người có thể đọc đến bốn dòng một, đọc bằng cách bao quát cả quyển sách. Chữ nghĩa tồn tại trong trang sách nhìn bên ngoài thì nhốn nháo, nhưng nhìn sâu hơn, sẽ thấy quy luật của nó. Và khi phát hiện ra quy luật của chữ nghĩa, người ta có thể đọc sách bao nhiêu dòng một tuỳ vào khả năng và sự thích thú của từng người.
Tuy nhiên, thái độ của chúng ta đối với việc đọc sách cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Chúng ta đọc một quyển sách không phải để thuộc lòng câu này ai nói, nói năm nào, cũng không phải để biết tác giả ấy đang làm cái gì một cách chi tiết, mà để tìm hiểu cái công nghệ sáng tạo của anh ta hay ở chỗ nào và mình có thể bắt chước đến mức nào. Bởi vì nhiệm vụ của chúng ta là làm ra cái gì chứ không phải là biết người ta làm cái gì. Cái ranh giới giác ngộ khi đọc sách là một bức vách bằng kính, nhìn thì thấy trong suốt nhưng nhiều khi không đi qua được. Có nhiều người đọc rất nhiều mà cuối cùng không hiểu, không ngộ ra được, đi qua cái tủ kính mà không vào trong đó được. Lý do rất đơn giản là họ học đủ mọi thứ và trở thành tín đồ của những thứ mà mình học được và họ nhầm lẫn rằng trong sách có tất cả mọi thứ. Không phải. Trong cuộc đời có sách chứ không phải trong sách có cuộc đời. Sách là một bộ phận của cuộc đời chứ không phải là sách thâu tóm toàn bộ cuộc đời. Nhiều người tưởng rằng sách vở, chữ nghĩa có thể thâu tóm cuộc đời nhưng không phải. Sách vở, chữ nghĩa là một bộ phận, là một lực lượng của cuộc sống, mà con người muốn thành đạt thì phải biết đến nhiều bộ phận như vậy chứ không phải chỉ có một.
Cho nên, kết luận của tôi là đọc, nghe và nhìn càng nhiều càng tốt, nhưng đừng vụ lợi khi đọc, đừng vụ lợi khi nghe và đừng vụ lợi khi nhìn. Bởi vì nếu chúng ta xăm xăm đi tìm một cái, nghe một cái, nhìn một cái thì đôi khi lượng thông tin chúng ta tiếp nhận được sẽ rất hạn chế. Chúng ta phải làm những việc ấy như một bản năng, Giống như khi thở thì người ta thường không ý thức về sự thở. Có rất nhiều phương pháp để rèn luyện ý thức về thở như thiền hoặc yoga, nhưng dù không luyện thiền, không luyện yoga thì con người vẫn thở. Cần phải duy trì trạng thái nghe, nhìn và đọc như hiện tượng thở bản năng trước đã. Khi nào con người bắt đầu ý thức được rằng đọc, nghe và nhìn là bản năng sống thì lúc đó mới có thể đưa các phương pháp khoa học vào để nâng cấp sự đọc, nghe, nhìn trở thành chuyên nghiệp. Trong lúc người ta chưa muốn nghe, chưa muốn nhìn và chưa muốn đọc thì việc chúng ta nói đến văn hóa đọc, khoa học đọc là thừa. Cho nên, trước hết hãy làm cho việc đọc, nghe, nhìn trở thành bản năng của con người. Khi nào con người gặp những thất thiệt do không đọc, không nghe, không nhìn thì con người sẽ thức tỉnh. Tất cả những hoạt động tuyên truyền, cổ vũ cho văn hoá đọc cần phải được xác định với vai trò xây dựng những bản năng đọc của xã hội chứ không phải ý thức đọc. Trong khi đối với xã hội việc đọc, nghe, nhìn là bản năng thì đối với các cơ quan chuyên nghiệp là phải tổ chức một cách có ý thức, nhưng là ý thức của cơ quan ấy để tác động vào bản năng đọc, nghe và nhìn của xã hội. Đừng gây ra áp lực bắt người ta phải đọc, bắt người ta phải nghe, bắt người ta phải nhìn, và nhất là bắt người ta phải đọc, nghe, nhìn cái này hay cái kia thì càng nguy hiểm hơn.
Khi đã có hiểu biết ở một mức độ nào đó thì đọc nhiều là cách để tiếp nhận thông tin và để kiểm nghiệm xem xung quanh mình người ta nghĩ đến đâu, người ta chạy đến đâu và mình dấn lên để chạy. Sự chạy ấy là do kết quả từ bên trong chứ hoàn toàn không phải do sự chạy của người bên cạnh. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, tôi có nói rằng "Không phải triết học dẫn con người đến chân lý mà trong khi con người đi tìm chân lý thì gặp triết học. Triết học chỉ đóng vai trò là nắm cơm ăn đường của những người hành hương đến chân lý. Chúng ta có một cái sai là in thành sách các tác phẩm của các nhà triết học kinh điển để học thuộc lòng và chúng ta ép mọi người và ép cả mình nữa làm đúng theo tiêu chuẩn của triết học, mà quên mất rằng nhiệm vụ của con người là sống một cách tự nhiên và họ sẽ gặp triết học dọc đường đi của họ". Đấy chính là nhầm lẫn nghiêm trọng nhất mà con người cần tránh để sách trở thành một công cụ đắc lực giúp con người đi đến thành công.
Nguon: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/doc-sach-nhu-mot-ban-nang.html
Nguon: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/doc-sach-nhu-mot-ban-nang.html
No comments:
Post a Comment