Saturday, June 28, 2014

Thoát Á Nhập Âu


Nguyễn Khánh Trung
 
Bên cạnh những lo lắng về các biến động tiêu cực có thể xảy ra khi chứng kiến thái độ của Trung Quốc (TQ) ngày càng hung hăng và ngang ngược trên biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung cho rằng đây còn là một cơ hội tốt, một lý do chính đáng để chúng ta tìm cách thoát ra khỏi sựảnh hưởng từ TQ, để có cơ hội xây dựng đất nước cường thịnh, đủ sức tự bảo vệ mình.

Quá trình hiện đại hoá
Khẩu hiệu “Thoát Á nhập Âu” được Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng khai minh của Nhật Bản sử dụng để diễn tả quá trình thoát ra khỏi sự lạc hậu, những quan niệm cổ hủ cản trở sự phát triển có liên quan đến văn hoá TQ vốn ảnh hưởng rất mạnh trên nước này cũng như trên các nước khác. Ông lấy tinh thần khai phóng, đào tạo con người tự chủ sáng tạo làm mục tiêu của nền giáo dục… Tất cả những điều này là những đặc điểm làm nên tính hiện đại nói chung của thế giới hôm nay, có nguồn gốc từ Âu châu nên có thể gọi quá trình “nhập Âu” là quá trình hiện đại hoá. Các nước phát triển khác như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan cũng đi theo con đường tương tự như Nhật Bản đã thành công; các lãnh thổ của TQ như Hồng Kông, Thượng Hải nhờ sớm tiếp xúc trực tiếp với văn hoá phương Tây nên cũng đã phát triển hơn hẳn phần TQ còn lại.

Chính TQ hiện nay phát triển được so với trước đây cũng nhờ biết thoát ra khỏi chính mình để “nhập Âu”. Cách mạng TQ, nhất là cách mạng văn hoá do Đảng CS TQ lãnh đạo, thực chất cũng là việc “thoát Trung” và nhập Âu, vì chủ thuyết nền tảng của cách mạng cũng đến từ châu Âu. Nhưng sự nhập Âu này hoàn toàn khác biệt với cách mà người Nhật đã làm. Tư tưởng “Thoát Á nhập Âu” đã trở thành một khuynh hướng chung của các nước châu Á từ xưa đến nay, nhưng thực hiện điều này như thế nào làm nên mức độ phát triển cao thấp giữa các nước.
Cái hay của văn minh hiện đại châu Âu là tinh thần dân chủ, chấp nhận sự cạnh tranh, tôn trọng sự khác biệt, đa chiều, trong mọi lãnh vực từ kinh tế, giáo dục đến cách thức tổ chức xã hội. Nền dân chủ hiện đại có đất sống cho tất cả, trong đó sự tôn trọng và khuyến khích sự khác biệt được đề cao như một giá trị. Vì vậy, nếu nhập Âu chỉ là việc dung nạp một chủ thuyết duy nhất và lệ thuộc hẳn vào chủ thuyết đó, thì lại càng xa lạ với tinh thần nói trên, vì nền văn minh này không khuyến khích não trạng lệ thuộc, quy phục tuyệt đối.

Công dân tự chủ, quốc gia độc lập
Đã từ lâu các nước phát triển Tây Âu lấy mẫu người khai minh, tự chủ và có trách nhiệm làm mục tiêu cho nền giáo dục quốc gia và giáo dục gia đình. Những công dân có khả năng tự chủ mới có thể có khả năng tự học hỏi, tự lo cho bản thân, cho cộng đồng và rộng hơn là đất nước. Bởi thế, Fukuyawa đã kêu gọi người Nhật Bản: “Nếu có lòng yêu nước thì mỗi người chúng ta đều phải suy nghĩ trước hết về độc lập cho bản thân mình, rồi hãy giúp đỡ người khác cùng độc lập”. Một quốc gia nhào nặn ra hàng loạt những công dân giống nhau, đồng phục về mặt tư tưởng, không có chính kiến, không có thói quen suy nghĩ độc lập, quốc gia đó sẽ phải lệ thuộc vào các quốc gia khác, hay vào chủ thuyết này, huyền thuyết nọ một cách mù quáng.

Tuy nhiên chúng ta nên hiểu, trong thời hội nhập toàn cầu và chuyên môn hoá, các quốc gia luôn phải tương thuộc nhau về nhiều mặt để bổ sung và cùng nhau phát triển; các cá nhân cần hợp tác với người khác trong tình liên đới để có thể tồn tại và thành công trong công việc cũng như trong đời sống.
Trên tinh thần đó, thì thoát Trung không có nghĩa là bài Trung, nhưng thoát ra khỏi não trạng, cách tư duy, cách làm cổ hủ vốn bịảnh hưởng bởi văn hoá TQ, cản trở quá trình hiện đại hoá, thoát Trung còn là việc vượt thoát ra khỏi sự lệ thuộc về chính trị, về kinh tế, về văn hoá để chuyển qua vị thế tự chủ.
Trong tình cảnh Việt Nam hiện nay, “thoát Á nhập Âu” là cách hay nhất để có thể phát triển, thúc đẩy hiện đại hoá đất nước, là cách tốt nhất để bảo vệ văn hoá riêng của dân tộc mình, và khi thành công được hai điều này, thì cũng có thể có sức mạnh nội tại để bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách hiệu quả trong sựủng hộ của bạn bè quốc tế.

Nguon: http://thegioitiepthi.net/thoat-a-nhap-au/

No comments:

Post a Comment