Nguyễn Quốc Vương
Đề
án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang được thảo luận sôi nổi,
trong đó có ý kiến bàn luận về “triết lý giáo dục” - vấn đề trọng tâm
cần phải nhìn nhận cho thấu đáo trước khi định ra phương án và tiến hành
cải cách giáo dục.
Đang nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản và
là người từng dịch cuốn "Cải cách giáo dục Nhật Bản", tôi xin phác thảo
triết lý giáo dục Nhật Bản cận - hiện đại để giúp bạn đọc có thêm thông
tin tham chiếu, suy ngẫm.
Nói về triết lý giáo dục sẽ có nhiều cách hiểu nhưng tôi cho rằng, xét ở
nghĩa hẹp nó là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi: “Giáo dục định tạo
ra con người như thế nào?”
Nhìn một cách tổng quát, giáo dục Nhật Bản cận - hiện đại được bắt đầu
từ thời Minh Trị (1868-1912). Vào cuối thời Mạc phủ Edo, đứng trước áp
lực ngày một lớn của các nước đế quốc phương Tây, lực lượng võ sĩ bậc
thấp, cùng các trí thức Tây học của Nhật Bản đã liên kết với thế lực quý
tộc ủng hộ Thiên hoàng tiến hành đảo Mạc thành công. Chính phủ Minh Trị
dựa vào tầng lớp trí thức mới đã tiến hành cải cách mạnh mẽ giáo dục
nhằm nhanh chóng cận đại hóa đất nước theo mô hình phương Tây.
Nền giáo dục Nhật Bản trong 10 năm đầu thời Minh Trị đã du nhập mạnh mẽ
các trào lưu tư tưởng cùng thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây nhằm
đạt cho được mục tiêu “phú quốc cường binh”. Trong giai đoạn này và cả
giai đoạn sau trong thời Taisho (1912-1926), cho dù trào lưu dân chủ xâm
nhập mạnh mẽ, xét ở góc độ văn bản cả phía chính phủ và giới làm giáo
dục Nhật chưa hề ý thức sâu sắc “triết lý giáo dục”. Các cụm từ “triết
lý giáo dục” cũng không xuất hiện trong các văn bản pháp luật liên quan
tới giáo dục.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà nghiên cứu người
Nhật cho rằng, trừ khoảng 10 năm đầu thời Minh Trị khi giáo dục còn mang
tính chất khai sáng, giáo dục Nhật Bản trước 1945 chịu sự chi phối của
triết lý được thể hiện trong “Sắc chỉ giáo dục”, một “thánh chỉ” của
Thiên hoàng Minh Trị ban hành năm 1879. “Thánh chỉ” này nêu ra những nội
dung đạo đức mang màu sắc Nho giáo mà nền giáo dục Nhật Bản phải hướng
tới và yêu cầu nền giáo dục phải đào tạo nên những “thần dân trung quân
ái quốc” hết lòng phụng sự Thiên hoàng.
Sau ngày 15/8/1945, Nhật Bản bị đặt dưới sự chiếm đóng của quân đội
đồng minh. Dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Bộ tổng tư lệnh quân Đồng
minh (GHQ), Nhật Bản đã tiến hành một cuộc cải cách toàn diện nhằm dân
chủ hóa và phi quân sự hóa đất nước. Công cuộc cải cách giáo dục thời
hậu chiến (1945-1950) được xúc tiến với sự hợp tác của ba lực lượng: các
nhà giáo dục Nhật Bản, các viên chức phụ trách giáo dục và thành viên
Sứ đoàn giáo dục đến từ Mỹ. Cuộc cải cách giáo dục này được tiến hành
toàn diện từ hệ thống trường học, tài chính giáo dục, cơ cấu tổ chức bộ
giáo dục, hệ thống hành chính giáo dục địa phương cho tới khóa trình
giáo dục… Thay đổi lớn nhất và trước hết là thay đổi về triết lý giáo
dục.
Triết lý của nền giáo dục mới, nền giáo dục mà sau này người Nhật quen
gọi là giáo dục dân chủ, được xây dựng dựa trên sự phản tỉnh sâu sắc về
nền giáo dục trước chiến tranh và tiếp thu tinh hoa giáo dục Mỹ. Mục
tiêu giáo dục giờ đây không phải là đào tạo nên những “thần dân trung
quân ái quốc” mà là người công dân có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực
phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Triết lý
giáo dục này được ghi rõ trong các bộ luật luật về giáo dục được công bố
trong năm 1947 như: Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học…
Triết lý giáo dục nói trên đã chi phối và chỉ đạo toàn bộ nội dung,
phương pháp và cách thức tổ chức bộ máy hành chính giáo dục Nhật Bản. Hệ
thống trường học được đơn giản hóa theo một hệ thống thống nhất với chế
độ 6-3-3-4 (6 năm tiểu học, 3 năm THCS, 3 năm THPT và 4 năm đại học).
Quyền lực của bộ giáo dục bị giới hạn và quyền tự trị được trao trả cho
các trường học. Hệ thống hành chính giáo dục tách rời khỏi hệ thống hành
chính chung và Ủy ban giáo dục - cơ quan được tổ chức từ ba thành phần
giáo viên, viên chức hành chính và người dân quan tâm tới giáo dục trở
thành cơ quan nắm quyền hành chính giáo dục ở địa phương.
Bộ Giáo dục Nhật cũng chuyển từ chế độ “Sách giáo khoa quốc định” sang
“chế độ sách giáo khoa kiểm định” và công nhận quyền tự do trong thực
tiễn giáo dục của giáo viên. Trong khóa trình giáo dục, môn Nghiên cứu
xã hội (Social Studies), một môn học hoàn toàn mới có nguồn gốc từ Mỹ,
được đưa vào cả ba cấp học phổ thông.
Về phương pháp giáo dục cũng có sự thay đổi lớn. Nếu như trước 1945,
các giờ học diễn ra theo hình thức giáo viên truyền thụ tri thức cho học
sinh thì giờ đây lý luận “học sinh là trung tâm” được nhấn mạnh. Độc
lập trong tư duy và tự do trong tinh thần trở thành những phẩm chất của
người học sinh mơ ước.
Trong cuộc cải cách giáo dục toàn diện nói trên, nghiên cứu Xã hội, môn
học tích hợp Lịch sử, Địa lý, Công dân trở thành nơi Bộ giáo dục và các
nhà cải cách đặt nhiều kỳ vọng. Trong vai trò là môn học góp phần chủ
yếu trong công cuộc tái khai sáng quốc dân, Nghiên cứu Xã hội đã thể
hiện tập trung và cụ thể triết lý của nền giáo dục mới. Văn bản chỉ đạo
mang tên “Hướng dẫn học tập môn Xã hội” năm 1947 của Bộ giáo dục Nhật
Bản nhấn mạnh: “nếu như biết duy trì sự độc lập của bản thân, biết hưởng
thụ cuộc sống thực sự là người… thì có thể lý giải được mối quan hệ
cùng tồn tại với cuộc sống của người khác và có thể có được ý chí mãnh
liệt muốn làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Mục tiêu của môn học giờ đây là những công dân có tư duy độc lập, có
tinh thần phê phán. Đó là những “con người không bị đánh lừa bởi đám
đông thời thế”, “con người không bị mê hoặc bởi sự tuyên truyền dối
trá”. Những con người ấy “không những không xâm phạm người khác mà còn
chủ động mở rộng một cách tích cực những điều mình nghĩ tốt đẹp ra xung
quanh”.
Để đạt được mục tiêu giáo dục nói trên, nội dung và phương pháp giáo
dục môn Nghiên cứu Xã hội được nghiên cứu rất kỹ. Nội dung và phương
pháp giáo dục này nhấn mạnh tính chủ thể của học sinh, coi trọng trải
nghiệm trong cuộc sống của học sinh và đặt trọng tâm vào học tập giải
quyết các vấn đề thiết thực đối với các em. Trong “học tập giải quyết
vấn đề” này sự “nhồi nhét” tri thức, “truyền đạt tri thức” bị loại trừ.
Ở đó, học sinh không tiếp nhận thụ động, vô điều kiện các tri thức mà
giáo viên đưa ra, coi nó là chân lý tuyệt đối mà học sinh dưới sự trợ
giúp, hướng dẫn của giáo viên sẽ phải tìm kiếm các tri thức từ nhiều
nguồn khác nhau và biến nó thành tư duy của mình. Có thể nói giáo dục
môn Nghiên cứu Xã hội trong giai đoạn này đã chuyển từ “truyền đạt tri
thức” sang hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học cho học
sinh.
Như vậy, có thể thấy, ở trường hợp Nhật Bản, cải cách giáo dục giống
như một cuộc cách mạng xã hội trong hòa bình. Ở đó, triết lý giáo dục
được bàn đến và minh định trước tiên. Triết lý giáo dục này đã chi phối
toàn bộ nội dung, phương pháp giáo dục cũng như cách thức tồn tại của
nền giáo dục mới và có mối quan hệ rất mật thiết với hiến pháp cũng như
các bộ luật về giáo dục.
Nhờ hai cuộc cách mạng xã hội trong hòa bình nói trên Nhật Bản đã hai
lần “thoát hiểm”. Lần thứ nhất là thoát khỏi móng vuốt của thực dân
phương Tây và lần thứ hai là vượt thoát ra khỏi chính những sai lầm của
mình để trở thành một nước hòa bình, dân chủ, văn minh.
Nguon: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nhat-ban-cai-cach-giao-duc-nhu-the-nao-2988237.html
No comments:
Post a Comment