Nguyễn Quốc Vương
Đề
án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang được thảo luận sôi nổi,
trong đó có ý kiến bàn luận về “triết lý giáo dục” - vấn đề trọng tâm
cần phải nhìn nhận cho thấu đáo trước khi định ra phương án và tiến hành
cải cách giáo dục.
Đang nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản và
là người từng dịch cuốn "Cải cách giáo dục Nhật Bản", tôi xin phác thảo
triết lý giáo dục Nhật Bản cận - hiện đại để giúp bạn đọc có thêm thông
tin tham chiếu, suy ngẫm.
Nói về triết lý giáo dục sẽ có nhiều cách hiểu nhưng tôi cho rằng, xét ở
nghĩa hẹp nó là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi: “Giáo dục định tạo
ra con người như thế nào?”
Nhìn một cách tổng quát, giáo dục Nhật Bản cận - hiện đại được bắt đầu
từ thời Minh Trị (1868-1912). Vào cuối thời Mạc phủ Edo, đứng trước áp
lực ngày một lớn của các nước đế quốc phương Tây, lực lượng võ sĩ bậc
thấp, cùng các trí thức Tây học của Nhật Bản đã liên kết với thế lực quý
tộc ủng hộ Thiên hoàng tiến hành đảo Mạc thành công. Chính phủ Minh Trị
dựa vào tầng lớp trí thức mới đã tiến hành cải cách mạnh mẽ giáo dục
nhằm nhanh chóng cận đại hóa đất nước theo mô hình phương Tây.