James Underwood
Tôi
là giáo viên Sử ở Anh khoảng 20 năm, dạy cho học sinh từ 11 đến 18
tuổi. Sáu năm gần đây, tôi chủ yếu dạy ở các trường cao đẳng.
Trước hết, tôi xin nói qua về hệ thống giáo dục tại Anh. Ở đây, trẻ bắt
đầu vào tiểu học khoảng 5-7 tuổi (tuỳ từng bé), sau đó chuyển tiếp lên
trung học ở tuổi 11-18. Từ 5 đến 14 tuổi, tất cả các em đều phải học môn
lịch sử 2 giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, ở tuổi 14, khi bước vào chương trình GCSE (General
Certificate of Secondary Education) - chương trình 2 năm cuối phổ thông
thì các em sẽ học 8-9 môn học bao gồm cả bắt buộc lẫn tự chọn để dễ dàng
tiếp tục ở các bậc học sau. Các môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa
học, Giáo dục tín ngưỡng (Religious Education) và Giáo dục thể chất. Như
vậy, lịch sử là môn tự chọn.
Theo quan sát của tôi thì đa số học sinh phổ thông tại Anh chọn lịch sử
và họ cần học 3 giờ mỗi tuần. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông,
nếu em nào chọn học chương trình A-level (cho phép học sinh tích lũy
kiến thức để vào các trường đại học) có môn lịch sử thì họ phải học môn
này 5-6 giờ mỗi tuần.
Chương trình giảng dạy tại các trường học Anh rất linh hoạt. Việc học
từ 14 đến 18 tuổi mới chú trọng đến các kỳ thi còn trước tuổi đó thì
không. Mặc dù có chương trình khung quốc gia nhưng nó không chi tiết,
cứng nhắc như nhiều nước khác.
Ví dụ, trong chương trình quốc gia nói rằng: "Trẻ nên được học về các
sự kiện và con người nổi bật trong thế kỷ 20" thì cũng không quy định cụ
thể là bao nhiêu người, bao nhiêu sự kiện cũng như tên người và tên sự
kiện nào. Điều đó có nghĩa là nếu một giáo viên quan tâm đến nhân vật,
sự kiện nào hoặc trường học đó ở địa phương có liên hệ gần gũi với nhân
vật, sự kiện đó thì có thể đưa vào chương trình giảng dạy của mình.
Chương trình quốc gia cũng không quy định về thời lượng, phương pháp cho
từng chủ đề.
Chẳng hạn, khi tôi dạy cho học sinh 11, 12 tuổi, chúng tôi đã bỏ ra vài
tuần chỉ để quan sát những người sống trong một lâu đài gần thị trấn
của chúng tôi, phân tích và thấu hiểu cuộc sống của họ. Ở một lớp khác,
các em được học về những người lính trong thế chiến thứ nhất. Có nhiều
buổi học, chúng tôi dành thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các
bức thư tình của họ.
Điều đặc biệt là chương trình môn lịch sử không quá nhiều nội dung vì
tôi muốn phát triển kỹ năng đa đạng cho các 'sử gia trẻ tuổi' của mình.
Để phân tích một nguồn thông tin như một bức thư phải mất rất nhiều thời
gian nếu muốn thảo luận về nó, hiểu và liên kết nó với hoàn cảnh lịch
sử bức thư ra đời, vì thế có khi phải mất cả buổi học. Chúng tôi chú
trọng việc khuyến khích thảo luận mang tính phân tích mức độ cao cho học
sinh.
Làm việc nhóm là một cách tốt để kích thích tư duy cho các em. Tôi
thường dùng phương pháp 'xếp kim cương' để xây dựng các cuộc tranh luận,
phân tích các sự kiện lịch sử và cách thức này rất hữu dụng.
Ví dụ, khi thảo luận xem xét nguyên nhân nội chiến ở Anh hay Mỹ, các em
có thể liệt kê 20 hay 30 ý, trong đó có thể là nguyên nhân dài hạn, hay
ngắn hạn nhưng điển hình. Với những ý tưởng đơn giản ban đầu, sau khi
thảo luận cùng bạn trong nhóm để tư duy, phân tích và sắp xếp các suy
nghĩ của mình đã giúp các em tìm ra những lập luận phức tạp và đặc sắc
hơn. Hoạt động này giống như hình ảnh hóa suy nghĩ cho học sinh bằng
cách đặt suy nghĩ trừu tượng bên trong của các em vào một tiến trình
phân tích để rồi từ đó từng bước trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.
Một số hoạt động khác khi dạy tôi dựa vào mô hình tranh luận bài bản
được sử dụng gần 200 năm nay ở 'Hội đồng sinh viên đại học Cambridge' để
tạo điều kiện cho học sinh tự tin phát biểu. Tôi dùng mô hình này để
chứng tỏ rằng những cách thức cũ vẫn có thể dùng trong dạy học hiện đại.
Để chuẩn bị cho tranh luận, chúng tôi trải qua nhiều hoạt động để tìm
hiểu vấn đề, xây dựng các quan điểm, đưa ra các lập luận. Điều thú vị là
trước khi bắt đầu 15 phút, học sinh mới được chỉ định ai sẽ thuộc về
'phe' nào. Một học sinh có thể phải biện luận cho một ý kiến trái với ý
kiến thực sự của họ. Khi tranh luận với những người khác, các em vừa
hiểu về quan điểm đó vừa khám phá nhiều hơn về chính bản thân họ. Cách
thức này cũng bồi dưỡng các kỹ năng xã hội quan trọng để học sinh biết
cách tranh luận quả quyết, có căn cứ nhưng sau đó vẫn là bạn bè thân
thiện.
Mới đây, trên một tờ báo Anh đưa tin, hai chính trị gia người Anh Ed
Ball và George từ hai Đảng đối lập là Lao động và Bảo thủ đã trông con
cho nhau khi một trong hai bận phỏng vấn. Như vậy, dù quan điểm chính
trị có khác nhau, trong các kỳ họp, bên ngoài họ vẫn có thể giúp đỡ, cư
xử ôn hoà với nhau. Chúng tôi muốn rèn cho học sinh những kỹ năng và
thái độ sống cho tương lai, trong đời sống thực như các vị chính trị gia
mà không chỉ là trường học.
Một điều quan trọng khác khi dạy lịch sử là cho phép học sinh được suy
nghĩ và thực hiện các nghiên cứu bài bản. Dù các kỳ thi bắt buộc ở tuổi
16 và 18 cho môn lịch sử thì mục tiêu nghiên cứu và sáng tạo vẫn được đề
cao. Vì thế, giáo viên phải xem mình là người hỗ trợ học tập cho học
sinh. Một số bài học nên để các em tự dùng máy tính, sách để tra cứu
thông tin. Giáo viên vẫn có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cách
tra cứu và hỗ trợ từng cá nhân nhưng không mất thời gian công sức để
trình bày toàn bài học đó. Yêu cầu học sinh tự nghiên cứu đặc biệt hữu
ích khi học về lịch sử địa phương.
Tôi thấy rằng sau các thảo luận, nghiên cứu, phân tích thì một bài luận
là cần thiết. Tôi thường không yêu cầu viết nhiều, chỉ một bài dài
khoảng 1.500 từ trong một tháng. Số lượng không quan trọng bằng chất
lượng. Quá trình viết một bài luận sắc sảo, thông minh là một thử thách
thú vị cho học sinh. Tôi cho rằng với sự hướng dẫn cẩn thận của giáo
viên, hầu hết các em đều có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này và đánh giá
được các ý kiến, hiểu biết của họ.
Theo tôi, lịch sử là môn học quan trọng để dạy kỹ năng tư duy và viết lách cho học sinh.
Nguon: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/cach-day-va-hoc-su-tai-anh-2976634.html
No comments:
Post a Comment