Monday, April 28, 2014

Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa


Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọ

Xã hội đang hy vọng sau những sự cố dẫn đến việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian trình QH đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa sẽ là dịp để bộ này có được một đề án xứng tầm hơn, không còn những chuyện 'hậu trường' viết sách giáo khoa không giống ai như tìm hiểu của Thanh Niên.

Quan điểm Bộ GD-ĐT phải tham gia làm sách giáo khoa (SGK) đã dẫn đến nhiều hệ lụy và những câu chuyện khó tin trong quá trình viết SGK ở VN từ trước đến nay. Viết một lèo 12 tiếng
Cố GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn (chương trình nâng cao), có lần kể chuyện về “một lần chữa cháy SGK”. Số là một tác giả đã nhận phân công từ trước đến 3 tháng để hoàn thành bản thảo nhưng sát nút ngày nộp, quá bận công việc, ông ta thông báo là không viết kịp và đành thất hứa. Thế là tổng chủ biên phải ngồi viết 12 tiếng đồng hồ liền cho kịp nộp bản thảo đúng kỳ hạn rất khắt khe của nhà xuất bản.
 

Khi viết SGK hiện hành đã xảy ra tình trạng thế này: viết xong xuôi đâu đấy rồi mới cho đi nước ngoài học, đào tạo vuốt đuôi. Không chỉ có một đoàn mà đến mấy đoàn, đoàn thì đi Đức, đoàn đi Thụy Điển... Người ta kháo nhau: chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi

Tiến sĩ Nguyễn Huy Đoan

Do việc viết sách là "công việc tay trái" của các giảng viên nên theo GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội), các khâu viết, thẩm định sách... đều tiến hành vội vàng cho đúng kế hoạch đón đầu năm học, đúng kế hoạch của nhà xuất bản nên không phải bộ SGK nào ra đời tác giả của nó cũng hài lòng.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay: “Lần biên soạn trước công việc kéo dài và SGK có nhiều sai sót là vì các tác giả đều vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình, cố tranh thủ sắp xếp thời gian để dành cho việc viết SGK. Thỉnh thoảng các tác giả của một cuốn sách mới gặp nhau để trao đổi và không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ”.

Viết xong mới đi nước ngoài “học tập”
Quy trình làm sách không những thiếu chuyên nghiệp mà còn hình thức và lãng phí đến mức vẽ ra những chuyến đi nước ngoài, mà chính những người tham gia làm SGK cũng thừa nhận là để tiêu tiền dự án.
TS Nguyễn Huy Đoan, chủ biên và tác giả của một số SGK toán bậc trung học, kể: “Làm sách theo dự án, có một lượng tiền khá lớn dùng cho việc đào tạo cán bộ, tức là những người viết sách. Nhưng khi viết SGK hiện hành đã xảy ra tình trạng thế này: viết xong xuôi đâu đấy rồi mới cho đi nước ngoài học, đào tạo vuốt đuôi. Không chỉ có một đoàn mà đến mấy đoàn, đoàn thì đi Đức, đoàn đi Thụy Điển… Người ta kháo nhau: chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi”.
Trong khi đó, có những khoản thiết thực hơn cần chi cho những khâu trực tiếp đến chất lượng SGK thì lại rất eo hẹp. GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên một số SGK, cho rằng: “Tiền đổ vào các khâu nào đó có thể lớn nhưng tiền thù lao cho các tác giả, thành viên hội đồng thẩm định rất ít”. Ông Thuyết lấy ví dụ, một PGS được giao viết 2 tiết khái quát về văn học VN. Người này đã phải sửa đi sửa lại bài viết tới 6 lần trong khi thù lao (khoảng năm 2005 - 2006) là 300.000 đồng/tiết.
Cũng theo GS Thuyết, do quy định máy móc về kinh phí nên hội đồng nào thẩm định càng kỹ, hội đồng đó càng… thiệt về kinh phí. “Bộ SGK THPT ngữ văn chúng tôi thẩm định đến 3 vòng trong khi tiền chỉ chi cho 2 vòng. Thế nên mới có thảm cảnh các ủy viên hội đồng thẩm định phải nằm nghỉ trưa trên băng ghế ngoài hành lang vì không có kinh phí thuê phòng nghỉ, trong đó có những người ngót nghét 80 tuổi như PGS Bùi Duy Tân ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Thù lao thẩm định chỉ được 100.000 đồng/ngày thì cụ Tân đi taxi mất 80.000 đồng/lượt”, ông Thuyết ngậm ngùi.
GS Trần Đình Sử, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn, cũng nhận định do những chương trình này làm theo dự án, họ chỉ cần đủ chứng từ để giải ngân. Họ không quan tâm đến nội dung chương trình. “Toàn bộ chương trình tôi làm gồm 8 người do tôi điều hành, tổng số tiền chúng tôi được 30 triệu đồng, chia ra tức mỗi người được 4 triệu đồng thôi”, GS Sử kể.

Thursday, April 17, 2014

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Vẫn có cách làm tốt mà ít tiền

Tuệ Nguyễn

Nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất các ý kiến để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả mà tiết kiệm.

Bộ không nên “ôm” sách giáo khoa
Dự thảo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông nêu định hướng: Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ sách; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa (SGK) hoặc các cuốn SGK khác.
Trong bài góp ý, ông Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), nhận định chủ trương này là sự tiến bộ đáng ghi nhận trong dự thảo đề án đổi mới này. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng Bộ vẫn quá “ôm đồm” trong chuyện này, mà cứ như vậy thì có lẽ vẫn không khác gì tình cảnh hiện nay mà chỉ thêm tốn kém cho xã hội.
Theo ông Trung, chỉ nên xem SGK là một giáo cụ, một mặt hàng lưu hành trên thị trường, Bộ nên áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý. Như vậy, Bộ không nên là nhà sản xuất và phân phối mà chỉ nên đóng vai trò là trọng tài, làm công việc thẩm định các bộ sách, xem có đáp ứng được đòi hỏi của chương trình khung quốc gia hay không. Từ cách tiếp cận này, ông Trung đề xuất: “Bộ không nên đứng ra biên soạn SGK. Sẽ rất bất công và thiếu minh bạch nếu Bộ vừa là người giữ thẩm quyền cấp phép cho các bộ sách do các nhóm khác hoặc cá nhân biên soạn lại vừa là bên có “hàng” tham gia vào thị trường SGK. Làm như thế là thể hiện sự nửa vời trong đổi mới, không kích thích được sự đóng góp của xã hội, gây ra tốn kém mà không có gì bảo đảm chất lượng”.

Wednesday, April 16, 2014

Cách dạy và học Sử tại Anh

James Underwood

Tôi là giáo viên Sử ở Anh khoảng 20 năm, dạy cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Sáu năm gần đây, tôi chủ yếu dạy ở các trường cao đẳng.
Trước hết, tôi xin nói qua về hệ thống giáo dục tại Anh. Ở đây, trẻ bắt đầu vào tiểu học khoảng 5-7 tuổi (tuỳ từng bé), sau đó chuyển tiếp lên trung học ở tuổi 11-18. Từ 5 đến 14 tuổi, tất cả các em đều phải học môn lịch sử  2 giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, ở tuổi 14, khi bước vào chương trình GCSE (General Certificate of Secondary Education) - chương trình 2 năm cuối phổ thông thì các em sẽ học 8-9 môn học bao gồm cả bắt buộc lẫn tự chọn để dễ dàng tiếp tục ở các bậc học sau. Các môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Giáo dục tín ngưỡng (Religious Education) và Giáo dục thể chất. Như vậy, lịch sử là môn tự chọn.
Theo quan sát của tôi thì đa số học sinh phổ thông tại Anh chọn lịch sử và họ cần học 3 giờ mỗi tuần. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, nếu em nào chọn học chương trình A-level (cho phép học sinh tích lũy kiến thức để vào các trường đại học) có môn lịch sử thì họ phải học môn này 5-6 giờ mỗi tuần.

Tuesday, April 15, 2014

'Sẽ thiếu minh bạch nếu Bộ Giáo dục giữ quyền làm sách'

Nguyễn Khánh Trung(Viện IRED)

- Lời tòa soạn - Một đề án trong chuỗi đề án đổi mới giáo dục phổ thông vừa được Bộ GD-ĐT báo cáo Thường vụ Quốc hội kèm với số tiền dự kiến là 34.785 tỷ đồng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Gửi tới VietNamNet, TS Nguyễn Khánh Trung phân tích những điểm còn thiếu, còn cũ và còn nửa vời của dự thảo này. Mời bạn đọc tham gia trao đổi về chủ đề này theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.

Mục tiêu: Thiếu một từ cốt lõi
Những nội dung mục tiêu được nêu ra trong Dự thảo là quan trọng và cần thiết (mục I của Dự thảo Nghị quyết), nhưng cũng như Báo cáo tóm tắt Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục...” trước đây mà tôi đã được đọc, Dự thảo nghị quyết Đổi mới chương trình, sách giáo khoa thiếu một cụm từ rất cốt lõi, đó là đào tạo con người “tự chủ”.

Một học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông phải có khả năng tự chủ, đó là hình ảnh một con người biết phương pháp tư duy và tư duy độc lập, có chính kiến riêng, biết nhận xét, có đầu óc phản biện, có khả năng tự đem ra các quyết định; là con người có khả năng tự nghiên cứu, tự học và nhờ đó có thể học suốt đời; biết tự làm, tự xoay xở trong cuộc sống...
Theo tôi, đây là thước đo quan trọng tính hiệu quả của nền giáo dục phổ thông, bởi nó liên quan đến chất lượng vốn nhân lực của một quốc gia.
Một quốc gia tự chủ, hùng cường và nhân bản khi quốc gia đó đào tạo được những công dân tự chủ, có trách nhiệm và đạo đức.
Hình ảnh con người tự chủ như mẫu người lý tưởng là hình ảnh mà các quốc gia phát triển đang lấy làm mục tiêu không những trong giáo dục phổ thông mà còn trong giáo dục gia đình.
Chẳng hạn, mục tiêu chính của giáo dục phổ thông Phần Lan hiện nay là đào tạo con người “tự chủ và có trách nhiệm”.
Tại Pháp, nếu những năm 1960, người Pháp vẫn quan niệm một đứa trẻ được “giáo dục tốt” là đứa trẻ biết vâng lời, thì sau 1980 đến nay, hình ảnh một đứa trẻ lý tưởng là đứa trẻ “tự chủ” (autonome) và  “hoàn thiện” (performant).
Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh việc đổi mới phải theo hướng “dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và thế giới”.
Chủ trương này là đúng, nhưng làm sao thực sự có thể thực hiện được điều này khi mục tiêu đặt ra để làm đích đến cho công cuộc đổi mới giáo dục lại không như các nước phát triển.
Vấn đề “lạc đường” của giáo dục Việt Nam hiện nay là ở điểm này, yếu điểm này đã phần nào được mô tả bởi Ngân hàng thế giới trong báo cáo ngày 29/11/2013, rằng đa số cán bộ chuyên môn (80%) của VN thiếu các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tư duy sáng tạo và phê phán, khả năng trình bày, tính toán, giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ và tốc độ tư duy.
Chính vì thế nên Nhà nước mới chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện, nhưng nếu trong nội dung mục tiêu đưa ra để nhắm tới, chúng ta lại không tiếp cận được với thế giới thì đương nhiên trong thực hành và kết quả, chúng ta sẽ luôn cách xa với thế giới.