Friday, May 3, 2013

'Kẻ lười biếng' có 'đồng bọn'?

Kim Dung

Liệu việc ngành GD ca bài ca Em chọn lối này có sẽ đắc địa không? Nếu như người ta nhìn ngược lịch sử các cuộc cải cách hoặc đổi mới GD? 
 
Dư luận xã hội xôn xao và cách đây ít lâu không ngớt bình luận về clip một cậu bé lớp 12 luận về giáo dục, mang tên "Sự trăn trở của kẻ lười biếng".
Thật ra, tất cả những vấn đề GD mà clip của "Kẻ lười biếng" đặt ra là không hề mới. Nó được báo chí, những ai ai quan tâm đến GD hàng mấy chục năm nay đều đã biết.
Có điều, những cái tưởng như căn bệnh kinh niên "cũ rích" của GD, đến thời hội nhập thế giới hiện đại này, vẫn được chính nhân vật trung tâm của nhà trường phổ thông VN nói ra với đầy trăn trở.
Điều đó, cho thấy GD phổ thông ngày càng tụt hậu, phải đối mặt với chính nhân vật trung tâm- học sinh. Cho thấy sự "mất thiêng" với chính tuổi trẻ VN đang lớn lên trong thế giới phẳng, có quá nhiều thông tin và nhu cầu hiểu biết tự thân.
Không hẹn mà gặp, vô tình "Kẻ lười biếng" có được ... "đồng bọn" là những học sinh các trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Bạn Lê Bội Sang (Trường THPT Nguyễn Hiền): Hiện chúng em phải học quá nhiều môn, từ 12-13 môn. Trong đó có môn em không biết học rồi sau này giúp ích được gì cho mình. Ví dụ con gái như em mà phải học môn công nghệ, lắp ráp xe máy... Cái chúng em cần hiện nay là kỹ năng sống.
"Cái chúng em cần" được bạn Lê Bội Sang nói ra, cũng là cái mà bạn Phạm Quỳnh Bảo Như (Trường THPT Hùng Vương) cần: Em thấy Nhà văn hóa Thanh niên có tổ chức nhiều lớp kỹ năng sống rất hay nhưng không phải bạn nào cũng có điều kiện đi học. Chúng em mong mỏi những hoạt động ấy đến với trường học để chúng em rèn luyện, áp dụng ngay vào cuộc sống của mình.
Còn bạn Minh Quân (Trường THPT Lê Quý Đôn) thì chỉ ra...gót chân Asin của nhà trường phổ thông hiện nay: Mình (nhà trường VN) vẫn chưa thể làm được điều mà các trường ở nước ngoài đang làm- cho học sinh thực hành theo những gì lý thuyết đã học.
Điều này khiến sự yêu thích học tập của chúng em giảm đi. Thời gian dành cho thực hành, thí nghiệm không nhiều trong khi thời gian học lý thuyết, làm bài tập lại chiếm số lượng lớn, việc sinh hoạt rèn luyện kỹ năng và phát triển các mối quan hệ xã hội của học sinh bị hạn chế.
kẻ lười biếng, cải cách giáo dục, giáo dục phổ thông 9 năm
Vấn đề GD mà clip của "Kẻ lười biếng" đặt ra là không hề mới

Cũng chỉ có vỏn vẹn vài ý kiến ngắn, nhưng vô tình các bạn của "Kẻ lười biếng" đã đụng chạm đến toàn những vấn đề vĩ mô mà ngành GD hàng mấy chục năm nay đều đã nhìn ra, đã đề cập, thậm chí quyết tâm thay đổi, nhưng trong thực tế, dường như lại gặp chữ... lực bất tòng tâm
Và giờ đây ngành GD, sau những trăn trở, những tranh cãi quyết liệt, cải cách GD hay đổi mới GD toàn diện, dường như đã đi đến chọn lựa sinh tử: Chủ trương viết SGK mới cho sau 2015.
Nghĩa là, SGK mới vẫn là ưu tiên lựa chọn. Ngành GD đặt tất cả niềm tin vào con át chủ bài- SGK?
Liệu việc ngành GD ca bài Em chọn lối này (ca khúc của An Thuyên) có sẽ đắc địa không? Nếu như người ta nhìn ngược lịch sử các cuộc cải cách hoặc đổi mới GD?
 Từ năm 1950 cho đến năm 2000, ngành đã trải qua bốn cuộc CCGD hoặc đổi mới GD (1950, 1956, 1980, 2000).
Cuộc CCGD nào, ngành cũng chọn chương trình, SGK là khâu quyết định nâng cao chất lượng. Tiếc thay, CT, SGK của các cuộc CCGD, hoặc đổi mới GD, lần nào cũng bị rơi vào trạng thái quá tải, phải giảm tải. Thậm chí, năm 1999, chỉ còn một năm nữa là triển khai Đổi mới GD 2000, ngành vẫn phải dồn sức tiến hành giảm tải CT, SGK của năm 1980 (?)
Đến mức, một nhà giáo hài hước định nghĩa: Quá sức chính là ...vừa sức?
Liệu lần này, chủ trương viết SGK mới cho sau năm 2015, liệu có đi vào vết xe đổ của các cuộc CCGD, hoặc Đổi mới GD trước đây? Có giải đáp cho sự trăn trở của "Kẻ lười biếng" tội nghiệp và "đồng bọn" của em?
Liệu rồi CT, SGK mới sau năm 2015 có sẽ quá tải?
Nếu như, cái mục đích duy nhất của ngành GD hiện nay, dù không nói ra, nhưng ai cũng biết rằng học để thi? Vì học để thi mà nhà giáo có nghề chính là ...dạy thêm? Chính cái mục đích học để thi này, chi phối toàn bộ hệ thống GD, từ chương trình quá tải, nặng tính hàn lâm, đến tỷ lệ % gian dối, đến bằng cấp dởm, mua bằng bán điểm...
Nếu như, thi cử mãi mãi luẩn quẩn trong cái "đèn cù' hiện nay, mà lại không rõ ràng về quyết tâm cải cách thi cử.
Nếu như, cái cách tuyển chọn của xã hội, tiêu chí lớn nhất, "tin cậy" nhất vẫn là bằng cấp? Dù có khi là học dởm, nhưng bằng cấp thật?
Nếu như, trong thực tế, việc viết CT, SGK của ngành GD vẫn theo kiểu... làm ngược- thiếu "chuẩn kiến thức", như dân gian từng hài hước: Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông?
Nếu vậy, thì cái sự quá tải của CT, SGK mới sau năm 2015 không quá khó trả lời.
Và biết đâu đấy, không có "kẻ lười biếng" này, lại xuất hiện "kẻ lười biếng" khác. Một khi ngành GD vẫn chăm chỉ cho mục tiêu... học để thi của mình!

Nguon: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/119463/-ke-luoi-bieng--co--dong-bon--.html

No comments:

Post a Comment