Thursday, May 2, 2013

Ai đủ năng lực biên soạn sách giáo khoa



Nguyễn Trọng Bình

1. Trên trang Tuần Việt Nam (VietnamNet) ngày 25/1/2013 có bài viết của tác giả Phạm Anh Tuấn nhan đề: “Hãy dám xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK” [1], đặt vấn đề phải chăng đang có tâm lý lo sợ về những “xung đột lợi ích” nên có một số “chuyên gia” tự cho mình cái quyền được biên soạn SGK (SGK) phát biểu những điều mà theo ông Phạm Anh Tuấn là “coi thường lớp lớp những nhà giáo dục độc lập”. Ông Tuấn dẫn lại ý kiến của một vị“giáo sư” cho rằng “Hiện nay, nước ta chưa có những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK. Phần lớn là các nhà khoa học cơ bản, nhà nghiên cứu về phương pháp và giáo viên phổ thông đều chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình để viết” và bình luận đây là những phát biểu “vội vã, thậm chí hấp tấp”,“không đáng tin cậy” hay “xúc phạm những nhà giáo dục độc lập”…

GSTS Đỗ Ngọc Thống – người vừa được bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học phổ thông, thường trực Ban biên soạn chương trình SGK sau năm 2015 cũng cho rằng: “Chúng tôi đã vào trường sư phạm xin ý kiến hầu hết tất cả giáo sư đầu ngành và nhận được câu trả lời: Đề án của các anh rất hay nhưng các bộ môn không còn người nữa, không còn ai nữa, tất cả môn học chúng ta đang hẫng hụt đội ngũ. Lấy đâu ra tác giả mà viết nhiều bộ? Người thì thừa nhưng người có năng lực rất thiếu”.

Qua sự việc trên, tôi đồng cảm với những trăn trở của tác giả Phạm Anh Tuấn, đồng thời cho rằng những phát biểu trên hai vị giáo sư không những thiếu cái nhìn mang tính lịch sử mà quan trọng hơn, đằng sau những phát biểu này vô tình chính các ông đã “tự thú” tất cả yếu kém của nền giáo dục nước nhà mà phải chăng chính các ông cũng góp phần trong đó? Sau đây tôi sẽ chứng minh tất cả những điều vừa nói qua trường hợp biên soạn SGK môn Văn trong nhà trường phổ thông.


2. Trong tay tôi là quyển SGK môn Giảng văn lớp 11 (do nhà xuất bản Văn Hào, Sài Gòn ấn hành năm 1970), bìa ngoài ghi tên tác giả biên soạn là Đỗ Văn Tú – một Cử nhân văn chương. Quyển sách dày 787 trang không tính mục lục. Theo giới thiệu của quyển sách này thì Cử nhân văn chương Đỗ Văn Tú cũng là người biên soạn cả bộ Giảng văn và sách Giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 11 trong chương trình giáo dục của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
Nhìn quyển Giảng văn lớp 11 do cử nhân Đỗ Văn Tú biên soạn đồng thời nhìn sang các tập SGK môn Ngữ văn đang lưu hành từ lớp 9 đến lớp 12 trong đợt cải cách gần đây nhất (năm 2002) do tập thể các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ… của ta hiện nay biên soạn, tôi cam đoan nếu bạn đọc biết được những điều dưới đây cũng sẽ có tâm trạng giống tôi: bàng hoàng và sửng sốt.

Trước tiên, tôi liệt kê ngẫu nhiên một số quyển SGK môn Ngữ văn đang lưu hành do tập thể các GS, PGS, TS hiện nay biên soạn như sau:
- Sách Ngữ văn 9 tập 1 (236 trang), tập 2 (212 trang), NXB Giáo dục, năm 2005 có số người biên soạn lên đến 12 vị có học hàm, học vị cao gồm: Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Nguyễn Văn Long, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đình Sử, Diệp Quang Ban, Hồng Dân, Bùi Mạnh Hùng, Lê Quang Hưng, Lã Nhâm Thìn, Đỗ Ngọc Thống, Trịnh Thị Thu Tuyết, Phùng Văn Tửu.

- Sách Ngữ văn 10 tập 2 (157 trang), NXB Giáo dục năm 2006 do 12 người biên soạn gồm: Phan Trọng Luận (tổng chủ biên), Lã Nhâm Thìn, Bùi Minh Toán, Lê A, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Kim Hồi, Nguyễn Xuân Nam, Vũ Dương Quỹ, Đặng Đức Siêu, Trần Nho Thìn, Lương Duy Thứ, Đoàn Thị Thu Vân.

- Sách Ngữ văn 11 tập 1 (213 trang), NXB Giáo dục năm 2007 do 15 vị biên soạn gồm: Phan Trọng Luận (tổng chủ biên), Lã Nhâm Thìn, Trần Đăng Suyền (đồng chủ biên phần văn), Bùi Minh Toán (chủ biên phần tiếng Việt), Lê A (chủ biên phần làm văn), Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Kim Hồi, Nguyễn Xuân Nam, Đoàn Đức Phương, Vũ Dương Quỹ, Trần Nho Thìn, Trịnh Thị Thu Tuyết, Hà Bình Trị, Đoàn Thị Thu Vân.
- Sách ngữ văn 12 tập 2 (213 trang), NXB Giáo dục năm 2008 do 12 vị biên soạn gồm: Phan Trọng Luận (tổng chủ biên), Lã Nhâm Thìn, Trần Đăng Suyền (đồng chủ biên phần văn), Bùi Minh Toán (chủ biên phần tiếng Việt), Lê A (chủ biên phần làm văn), Đặng Anh Đào, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Kim Hồi, Nguyễn Xuân Nam, Đoàn Đức Phương, Nguyễn Phượng, Vũ Dương Quỹ, Đặng Đức Siêu, Lương Duy Thứ.

Qua cái nhìn so sánh này, tôi thấy một số vấn đề đáng suy ngẫm:
Thứ nhất, hóa ra ngày xưa (cách nay gần nửa thế kỷ) chỉ Cử nhân văn chương Đỗ Văn Tú mà đã viết cả bộ SGK môn Văn (và Giáo dục công dân) vô cùng đồ sộ và có chất lượng. Theo tôi, quyển sách được trình bày rất bài bản và khoa học (tôi sẵn sàng cung cấp toàn văn quyển Giảng văn lớp 11 hiện có gồm 787 trang cho quý vị nào có nhu cầu muốn kiểm chứng). Trong khi đó, chỉ với một quyển SGK Ngữ văn lớp 11 (tập 1) hơn 200 trang (như chúng tôi vừa liệt kê ở trên) mà phải huy động “trí tuệ tập thể” của tổng cộng 15 vị GS, PGS, TS. Nếu chúng ta đem chia quyển sách 213 trang này ra thì tính trung bình mỗi vị đứng tên đồng biên soạn (15 vị) chỉ sở hữu khoảng 14,2 trang sách. Trong 14,2 trang sách này, phần “trích dẫn văn liệu” chiếm khoảng 2/3 số trang. Như vậy, suy cho cùng mỗi vị đứng tên đồng chủ biên trong quyển sách này chỉ thực viết ra khoảng chừng vài ba trang sách mà thôi.

Từ đây mà suy thì những lời phát biểu của hai vị Giaó sư ở trên phải chăng cũng chính là lời “tự thú” về một sự thật của đội ngũ biên soạn SGK phổ thông hưởng lương Nhà nước trước đó và bây giờ, rằng, chính các vị chứ không phải ai khác là một minh chứng tiêu biểu nhất cho câu “người thì thừa nhưng người có năng lực rất thiếu” mà ông Đỗ Ngọc Thống đã mạnh miệng tuyên bố (dĩ nhiên ở đây xin hiểu là cái năng lực trong việc biên soạn SGK). Cũng từ đây mà suy, phải chăng qua chuyện này, vô tình các vị đã chứng minh một cách không thể nào chối cãi được về sự yếu kém và lạc hậu của nền giáo dục nước nhà mấy mươi năm qua? Tại sao với đội ngũ GS, PGS, TS chen nhau ngồi trong một quyển sách mỏng mà cuối cùng lại “đổ vỡ” ra rằng chất lượng của nó rất kém nên giờ đây cần phải gấp rút viết lại? Lẽ nào cái “trí tuệ tập thể” của đội ngũ những vị “mũ cao áo dài”, học hàm học vị cao ngút trời hôm nay (lại được sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại) lại kém xa với trí tuệ cá nhân của một Cử nhân văn chương Đỗ Văn Tú cách đây non nửa thế kỷ?

Thời gian qua nền giáo dục của chúng ta đã đào tạo kiểu gì để đến giờ việc tìm người đủ năng lực để viết được SGK (như các vị nói) là rất khó, rất thiếu trong khi số người được cấp bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ trong cả nước tăng một cách chóng mặt?

Thứ hai, cứ như lời của hai vị trên thì có vẻ như các ông đang rào đón rằng việc biên soạn SGK sắp tới chỉ nên dành cho “những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK”. Vậy không rõ, các vị này đã từng được đào tạo bài bản về vấn đề này chưa, có được cơ sở hay đơn vị nào đào tạo và đã cấp bằng hay chứng chỉ công nhận, mà vẫn…liều mình tham gia vào hội đồng biên soạn sách? Tôi tin rằng, cách đây hơn nửa thế kỷ, những học giả như Cử nhân văn chương Đỗ Văn Tú, hay một số học giả nổi tiếng khác Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Hiến Lê… chắc là chưa từng kinh qua lớp học về “kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK” như các ông nói, nhưng họ vẫn biên soạn những bộ SGK hay thậm chí là giáo trình đại học rất có giá trị đó thôi.

Để củng cố những điều vừa nói, nhân đây tôi xin trích lại đoạn văn trong bài “Ngôi trường bên chợ Đũi” (in trong tập tản văn Bây giờ mà có về quê, Nhà xuất bản Phụ nữ năm 2011) của GS Huỳnh Như Phương vì đã ít nhiều thể hiện một cái nhìn đồng cảm về vấn đề này:
“Ở Sài Gòn, phía trước mỗi trường tư thục đều có tâm biển dài, ghi tên các thầy cô trong ban giảng huấn phụ trách từng môn học. Các trường thường mời những thầy giáo giàu kinh nghiệm, vừa đứng trên bục giảng vừa viết SGK, nên học trò mọt sách như tôi, dù ở quê xa cũng biết tiếng các thầy (Chả bằng bây giờ, mình đổi mới, SGK trung học hầu hết do các giảng viên đại học biên soạn, dù nhiều thầy cô không dạy trung học giờ nào cả).” [2]
Có thể thấy, qua ý kiến này của GS Huỳnh Như Phương và qua thực tế về quyển giảng văn lớp 11 dày 787 trang do Cử nhân văn chương Đỗ Văn Tú biên soạn năm 1970; cũng như qua tìm hiểu một số công trình của những người vốn là Giáo sư dạy ở các trường đại học ở miền Nam trước đây, tôi hiểu được rằng ngày xưa những bộ óc mang tầm GS và giảng dạy ở bậc đại học không quan tâm lắm đến việc biên soạn SGK ở phổ thông như các GS, PGS, TS… của ta bây giờ. Không quan tâm không phải họ coi thường mà họ xem việc biên soạn SGK là vấn đề rất nhẹ nhàng, trình độ cỡ những Cử nhân văn chương, những giáo viên trung học như Đỗ Văn Tú thời ấy là có thể đảm đương được, nên hầu như tất cả họ chỉ lo nghiên cứu những vấn đề học thuật mang tầm khai phá, khai sáng mà thôi.

Họ ý thức rằng bản thân chỉ chuyên nghiên cứu và dạy ở bậc đại học thì làm sao am hiểu và có kinh nghiệm bằng các giáo viên phổ thông trung học về các vấn đề tâm lý học sinh phổ thông mà ôm đồm biên soạn sách? Vấn đề mà đúng như ông Nguyễn Minh Thuyết đã phát biểu: “Để viết được sách, người viết vừa là nhà khoa học cơ bản rất giỏi, vừa là người am hiểu về giáo dục phổ thông cũng như tâm lý, trình độ của học sinh phổ thông. Nhưng trên thực tế đội ngũ viết của ta hiện nay rất thiếu sự am hiểu về giáo dục phổ thông”. Đến đây chắc mọi người đã tự nhận ra điều gì qua thực trạng về đội ngũ trực tiếp biên soạn SGK hiện nay của ta rồi. Thật không hiểu tại sao không hề có bóng dáng của bất kỳ một giáo viên phổ thông nào được mời tham gia trực tiếp vào hội đồng viết SGK?

3. Từ những vấn đề đã phân tích ở trên mà suy thì vấn đề chính của việc biên soạn SGK phổ thông trong đề án Đổi mới toàn diện nền giáo dục sắp tới đây phải chăng là không tìm ra người đủ năng lực? Nếu vậy thì có nên dừng lại chờ đến khi nào tìm được người không? Hay là cứ tiếp tục sử dụng đội ngũ những người cũ?
Trong cái nhìn cá nhân, tôi không cho rằng đội ngũ những người đủ năng lực biên soạn SGK hiện nay ở ta là thiếu (đến nỗi các vị đang phụ trách vấn đề này phải phân vân, phải “vò đầu bứt tai” để rồi không dám quyết liệt tiến đến xóa bỏ chuyện độc quyền biên soạn SGK). Vấn đề phải chăng đúng như tác giả Phạm Anh Tuấn đã nói, “khúc mắc” chính là đang có tâm lý lo sợ xảy ra “xung đột lợi ích” giữa những người soạn sách nằm trong Hội đồng biên soạn và những người biên soạn không nằm trong Hội đồng này?

Bên cạnh đó, phải chăng đằng sau sự phân vân không dám mạnh dạn xóa bỏ sự độc quyền này còn là tâm lý lo sợ của các vị (trót mang danh GS, PGS, TS được “hưởng bổng lộc” từ đề án biên soạn sách của Nhà nước) nếu chẳng may sau này bộ sách mà mình biên soạn bị dư luận đánh giá chất lượng kém hơn sách của những người – những nhà giáo phổ thông hay những nhà nghiên cứu độc lập khác thì phải chăng còn… nỗi buồn nào buồn hơn?

Tôi cho rằng, sắp tới đây nếu muốn thực sự đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà trong đó có đổi mới biên soạn SGK phổ thông thì trước hết phải bắt đầu từ nhân tố con người (nhất là con người trong khâu điều hành, quản lý). Một khi con người đã hỏng, hoặc đã quá cũ rồi mà không dũng cảm thay đổi, vẫn cứ để nguyên, thì e là công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục của chúng ta sắp tới đây sẽ rơi vết xe đổ của những lần đổi mới trước đó mà thôi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên chăng cần công khai minh bạch chủ trương của đề án Đổi mới biên soạn SGK phổ thông sắp tới để tất cả mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến (đặc biệt là vấn đề đội ngũ những người nằm trong Hội đồng biên soạn bao gồm những ai, thành phần nào; mục tiêu cụ thể của từng bộ sách ra sao, chương khung là gì….).

Tự đáy lòng mình, với tư cách một nhà giáo, tôi không thể không góp thêm một tiếng nói không ngoài mục đích (như lời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng) là “lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong có được những những bộ SGK tốt” [3]. Quan trọng hơn nữa là vì sự lành mạnh của nền giáo dục nước nhà trong tương lai.
  Nhóm thực hiện trang Học Thế Nào biên tập

Nguon:  http://hocthenao.vn/2013/05/02/ai-du-nang-luc-bien-soan-sach-giao-khoa-nguyen-trong-binh/
————————-
NGUỒN:
[1]: Phạm Anh Tuấn – Hãy dám xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK. Tuần Việt Nam (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/106818/hay-dam-xoa-bo-doc-quyen-bien-soan-sgk.html).
[2]: Huỳnh Như Phương – Ngôi trường bên chợ Đũi (in trong Bây giờ mà có về quê), Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2011)
[3]: Tuệ Nguyễn – Một chương trình nhiều bộ SGK (Báo Thanh Niên số ra ngày 18/12/2012 (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121217/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa.aspx)

No comments:

Post a Comment