Friday, May 24, 2013

Cuốn sách “chạm vào dây thần kinh” phụ huynh Mỹ


AmyChuaBerkeley1
Trích đoạn trong quyển “Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” được tác giả Amy Chua đăng trên Tạp chí Phố Wall có thể nói không ngoa là đã khơi mào cho một cuộc thảo luận sôi nổi về triết lý giáo dục con cái trên toàn nước Mỹ. Trong sách, Amy Chua đã “tường thuật” lại, có phần bông lơn và thậm xưng, về hành trình dạy con nghiêm khắc “kiểu Trung Hoa” của bà để dẫn đến hai cô con gái rất thành công trong học hành: cô chị vừa được Harvard nhận, và cả hai cô con gái đều chơi nhạc cụ cổ điển xuất sắc.
Có thể hiểu tại sao người Mỹ lại bị “chạm vào dây thần kinh” vì quyển sách này. Một mặt, triết lý giáo dục con cái của họ nhìn chung là trái ngược với những gì Amy Chua thể hiện trong sách. Họ luôn đề cao tính độc lập của trẻ em, để cho trẻ em được rất nhiều tự do chọn lựa trong học hành và giải trí, xây dựng lòng tự trọng và cá tính nghi ngờ quyền thế. Mặt khác, người Mỹ phải đối mặt với các con số cụ thể, rằng học sinh gốc Á chiếm trên 50% tại các trường trung học số một nước Mỹ như Lowell, Stuvyesant, Hunter College, rằng 44% người Mỹ gốc Á có bằng đại học so với 26% của dân da trắng.

Saturday, May 4, 2013

Thân phận người thầy


(NKT) - Dưới đây là bài viết mới đăng trên Tạp chí Tia Sáng mà hôm nay mình mới phát hiện ra, trong đó có chi tiết liên quan đến câu trả lời của Cô Paula không chính xác, mình đã chỉnh và gửi lài cho Toà Soạn TS, không hiểu sao họ cứ lấy bản thảo cũ đăng. Mình đã gửi thư đính chính rồi.

Nguyễn Khánh Trung 






Người thầy ngày xưa sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình. Còn người thầy ngày nay trong xã hội ta thì sao?

Chân dung người thầy hiện nay

Người thầy ngày nay nhất là đối với giáo viên phổ thông thực sự là một người “thợ dạy” nghèo về vật chất, vất vả áp lực trong công việc, thiếu tự do và quyền hạn trong chuyên môn, và do đó, cũng chẳng phong phú gì về mặt tinh thần.

Trước hết là chuyện cơm áo gạo tiền. Theo kết quả đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm cho thấy: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng GV như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân”1.

Lương của giáo viên như thế, trong khi vật giá đắt đỏ, các thầy cô cứ phải sống tằn tiện qua ngày. Nếu hai vợ chồng cùng là giáo viên, nuôi hai đứa con ăn học, thì kể là đói. Có thực mới vực được đạo, bụng mà còn đói thì khó có thể nói chuyện lý tưởng “trồng người”, tiêu cực dạy thêm học thêm, mua bán, trao đổi điểm chác cũng từ đây mà ra, làm nền giáo dục đi xuống, làm hình ảnh người thầy nhếch nhác trong mắt học trò và xã hội.

Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể.
Về thời gian, trước đây tuy vẫn thiếu thốn, nhưng người giáo viên còn thong dong về mặt thời gian vì họ chỉ dạy một buổi, nay đa số trường dạy hai buổi một ngày, nên họ phải có mặt ở trường từ sáng sớm đến chiều, về tới nhà lại còn phải lo chuyện gia đình, con cái, rồi bao nhiêu chuyện không tên như soạn giáo án, làm sổ sách, vv. Ngày này qua ngày khác làm họ mệt mỏi, những người có lý tưởng khi mới vào nghề vì vậy cũng phai nhạt dần.

Friday, May 3, 2013

'Kẻ lười biếng' có 'đồng bọn'?

Kim Dung

Liệu việc ngành GD ca bài ca Em chọn lối này có sẽ đắc địa không? Nếu như người ta nhìn ngược lịch sử các cuộc cải cách hoặc đổi mới GD? 
 
Dư luận xã hội xôn xao và cách đây ít lâu không ngớt bình luận về clip một cậu bé lớp 12 luận về giáo dục, mang tên "Sự trăn trở của kẻ lười biếng".
Thật ra, tất cả những vấn đề GD mà clip của "Kẻ lười biếng" đặt ra là không hề mới. Nó được báo chí, những ai ai quan tâm đến GD hàng mấy chục năm nay đều đã biết.
Có điều, những cái tưởng như căn bệnh kinh niên "cũ rích" của GD, đến thời hội nhập thế giới hiện đại này, vẫn được chính nhân vật trung tâm của nhà trường phổ thông VN nói ra với đầy trăn trở.
Điều đó, cho thấy GD phổ thông ngày càng tụt hậu, phải đối mặt với chính nhân vật trung tâm- học sinh. Cho thấy sự "mất thiêng" với chính tuổi trẻ VN đang lớn lên trong thế giới phẳng, có quá nhiều thông tin và nhu cầu hiểu biết tự thân.
Không hẹn mà gặp, vô tình "Kẻ lười biếng" có được ... "đồng bọn" là những học sinh các trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Thursday, May 2, 2013

Ai đủ năng lực biên soạn sách giáo khoa



Nguyễn Trọng Bình

1. Trên trang Tuần Việt Nam (VietnamNet) ngày 25/1/2013 có bài viết của tác giả Phạm Anh Tuấn nhan đề: “Hãy dám xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK” [1], đặt vấn đề phải chăng đang có tâm lý lo sợ về những “xung đột lợi ích” nên có một số “chuyên gia” tự cho mình cái quyền được biên soạn SGK (SGK) phát biểu những điều mà theo ông Phạm Anh Tuấn là “coi thường lớp lớp những nhà giáo dục độc lập”. Ông Tuấn dẫn lại ý kiến của một vị“giáo sư” cho rằng “Hiện nay, nước ta chưa có những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK. Phần lớn là các nhà khoa học cơ bản, nhà nghiên cứu về phương pháp và giáo viên phổ thông đều chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình để viết” và bình luận đây là những phát biểu “vội vã, thậm chí hấp tấp”,“không đáng tin cậy” hay “xúc phạm những nhà giáo dục độc lập”…

GSTS Đỗ Ngọc Thống – người vừa được bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học phổ thông, thường trực Ban biên soạn chương trình SGK sau năm 2015 cũng cho rằng: “Chúng tôi đã vào trường sư phạm xin ý kiến hầu hết tất cả giáo sư đầu ngành và nhận được câu trả lời: Đề án của các anh rất hay nhưng các bộ môn không còn người nữa, không còn ai nữa, tất cả môn học chúng ta đang hẫng hụt đội ngũ. Lấy đâu ra tác giả mà viết nhiều bộ? Người thì thừa nhưng người có năng lực rất thiếu”.

Qua sự việc trên, tôi đồng cảm với những trăn trở của tác giả Phạm Anh Tuấn, đồng thời cho rằng những phát biểu trên hai vị giáo sư không những thiếu cái nhìn mang tính lịch sử mà quan trọng hơn, đằng sau những phát biểu này vô tình chính các ông đã “tự thú” tất cả yếu kém của nền giáo dục nước nhà mà phải chăng chính các ông cũng góp phần trong đó? Sau đây tôi sẽ chứng minh tất cả những điều vừa nói qua trường hợp biên soạn SGK môn Văn trong nhà trường phổ thông.

Wednesday, May 1, 2013

"Chính trị hóa” làm tê liệt xã hội"

BS. Nguyễn Quang Bình Tuy

Nhân việc bàn về “phi chính trị hóa quân đội”, cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hàng loạt vấn đề của xã hội hôm nay như đạo đức suy đồi, quá tải bệnh viện, giáo dục xuống cấp, thanh niên không có tay nghề lẫn kỹ năng làm việc, không thể tuyển người giỏi vô làm công chức… Có thể khẳng định, đó là do chúng ta “chính trị hóa” mọi mặt của đời sống xã hội. Chính trị hóa len lỏi tới mọi ngành nghề, mọi giới và mọi nơi. Chính trị hóa đã làm xơ cứng xã hội, làm tê liệt xã hội, khiến không ai dám nói thật vì sợ “phản động”, không ai dám làm vì sợ “làm trái ý lãnh đạo”, không ai dám sáng tạo vì sợ “lãnh đạo biết mình giỏi hơn”… Suy cho cùng, ai cũng phải căng thẳng, vắt óc suy nghĩ để nói gì và làm gì sao cho đẹp lòng lãnh đạo để mà sống vì miếng cơm manh áo. “Nói thật thì sợ mất lòng” nên đành phải… nói dối. Mà nói dối lâu ngày thành thói quen và trở thành bản chất của mình lúc nào không hay. Hậu quả là mọi người chỉ nói theo những gì lãnh đạo (cơ quan, tổ chức…) đã nói và muốn nghe. Những ai tồn tại và được thăng tiến được trong môi trường đó thì gần như chắc chắn cũng thuộc hàng “nịnh hót” và “miệng lưỡi đỡ tay chân” mà thôi. Mà người giỏi, người tài thì không ai thích làm chuyện đó cả, mà họ cần một lãnh đạo anh minh, biết tạo đất để họ dụng võ, phát huy hết khả năng của mình. Thế thì làm sao chúng ta có được người giỏi người tài, khi mà hiện nay tiêu chí xét thăng chức quản lý từ cấp thấp nhất là phó phòng, phó khoa của một bệnh viện bắt buộc phải là… đảng viên Đảng Cộng sản bất kể chuyên môn “có vấn đề”!

Đừng để đổi mới chỉ là hình thức



VĨNH HÀ

TT - Việc đổi mới phương pháp dạy học những năm qua được triển khai rầm rộ ở nhiều nơi, nhiều cách làm, nhưng do tính “phong trào” lấn át, cùng với rất nhiều quy định trói buộc khiến nó như cỗ xe ì ạch chậm chuyển động.

Mô hình trường học mới ở bậc tiểu học và phương pháp “Bàn tay nặn bột” ở bậc THCS là hướng đi đang được Bộ GD-ĐT hi vọng sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục. Nhưng với việc triển khai đại trà, phải làm gì để nó không bị sa vào cuộc chạy đua thành tích?
Mô hình trường học mới
"Muốn thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, cán bộ quản lý phải đổi mới quan niệm quản lý, nếu không chính cán bộ quản lý trở thành người cản trở"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
NGUYỄN VINH HIỂN
Giờ học tiếng Việt với bài “kể chuyện theo tranh” của học sinh lớp 3B Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Hà Nội tổ chức theo mô hình trường học mới khiến nhiều người dự giờ ngạc nhiên: 6-7 học sinh/nhóm được bố trí ngồi thành vòng tròn... Các em tự đọc hiểu rồi thảo luận về cách kể lại câu chuyện theo các bức tranh, các thành viên trong nhóm tự nhận xét nhau và thống nhất cách diễn đạt... Những lời trao đổi: “Nào, tớ mời Trang trả lời!” hay: “Tớ đồng ý với Giang, nhưng tớ có cách kể khác đấy! Có bạn nào nghĩ khác tớ không?” nghe khá lạ lẫm đối với những cô bé, cậu bé lớp 3 chỉ quen với cách khoanh tay ngồi nghe và nói theo cô giáo ở lớp học truyền thống.