Nguyễn Khánh Trung
Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng...nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.
Áp dụng thí điểm và có nghiên cứu tác động
Pháp bắt đầu thí nghiệm giảng dạy tích hợp với chương trình tích hợp môn khoa học và công nghệ (EIST) tại khối lớp 6 và 7 từ năm học 2006 - 2007 với 19 trường trung học cơ sở tham gia ban đầu một cách tự nguyện. Năm học 2007 - 2008 có 38 trường tham gia và những năm sau đó có 200 trường tham gia. Năm 2016, Pháp thực hiện cải cách giáo dục, và việc giảng dạy tích hợp liên môn được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Sau những năm đầu thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp đã làm các nghiên cứu và công bố các báo cáo chi tiết về hiệu quả của hình thức giảng dạy này. Đa số các giáo viên tham gia nghiên cứu đã đánh giá cao trong nhiều khía cạnh, chẳng hạn: hình thức giảng dạy này làm tăng sự quan tâm, kích thích động lực, giúp học sinh tự chủ hơn, cải thiện khả năng làm việc nhóm, học sinh cảm thấy thoải mái hơn…
Ngoài ra, hình thức giảng dạy này cũng mang đến cho các giáo viên nhiều lợi ích, chẳng hạn mở rộng sự hiểu biết, cải thiện khả năng nghiên cứu, quan sát, kỹ năng thực hiện các dự án, triển khai các chủ đề khác nhau, cải thiện mối quan hệ với học sinh, khả năng kèm cặp riêng các học sinh trong giảng dạy… so với cách giảng dạy theo từng môn.
Giảng dạy tích hợp là một sự hợp tác, kết hợp các kiến thức và kỹ năng giữa các môn học để làm cho giáo dục gần cuộc sống hơn, nên đòi hỏi các giáo viên và học sinh cũng phải có một sự hợp tác trong việc giảng dạy và học tập như bản chất sự tích hợp.
Bộ Giáo dục Pháp hỗ trợ giáo viên như thế nào?
Hiện nay, Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng, cách thức tổ chức và đánh giá, các nội dung, chủ đề chính nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Pháp chỉ đưa ra những hướng dẫn, những đường hướng chung, tạo ra những chính sách khuyến khích các giáo viên, làm các nghiên cứu, đánh giá, cung cấp những hình mẫu thành công và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên chứ không chen sâu một cách chi tiết vào công việc của các giáo viên tại các trường.
Sau nhiều năm thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp khẳng định, hình thức giảng dạy tích hợp sát với đời thực vì cuộc sống vốn là một sự tổng hợp nhiều khía cạnh, để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, hiếm khi chúng ta vận dụng một kiến thức chuyên ngành cụ thể nào đó mà thường vận dụng các kỹ năng và hiểu biết tích hợp từ nhiều loại kiến thức và các trải nghiệm thực tế.
Hình thức giảng dạy này thích hợp với cấp giáo dục phổ thông, giai đoạn trang bị cho các công dân tương lai các kiến thức và kỹ năng nền tảng, giáo dục các em các thái độ, trang bị cho các em vốn văn hóa cần cho cuộc sống chứ chưa đòi hỏi các học sinh đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành vốn là chức năng của các cấp học cao hơn.
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 07/09/2023
No comments:
Post a Comment