Sunday, March 27, 2016

MỤC TIÊU GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM VÀ PHẦN LAN

GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 27/1/2016
Thời gian ở trong nước, tôi có dịp đọc một công trình nghiên cứu về so sánh giáo dục VN và Phần Lan của Nguyễn Khánh Trung (Viện IRED) (1). Đây là một nghiên cứu có giá trị mà tôi nghĩ những ai quan tâm đến giáo dục nên tìm đọc. Tôi thì thích thú với cách đặt vấn đề và tiếp cận của tác giả. Tôi đọc đến phần so sánh mục tiêu giáo dục của 2 nước thì thấy rất khác biệt, và có thể giải thích một phần tại sao nền giáo dục VN đào tạo ra những con người góp phần tạo nên cái mà nhà báo Đoàn Khắc Xuyên nói là "Cơn sóng dữ" (2).
Mục tiêu giáo dục của Phần Lan được qui định trong Luật giáo dục năm 1998, phát biểu rằng: "Mục tiêu của giáo dục [...] là hỗ trợ sự phát triển học sinh về mặt nhân bản, trở thành một thành viên trong xã hội có đạo đức và trách nhiệm, trang bị cho các em kiến thức và kĩ năng cần cho cuộc sống" (trang 77). Mục tiêu này được xây dựng trên nền tảng giá trị mà nền giáo dục Phần Lan theo đuổi là "nhân quyền, công bằng, dân chủ, sự đa dạng, tôn trọng môi trường thiên nhiên, sự đa dạng văn hoá. Giáo dục cơ bản thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, tôn trọng quyền và tự do của cá nhân" (trang 79).
Còn VN thì có mục tiêu rất khác, vì có vẻ tham vọng hơn và phức tạp hơn mục tiêu giáo dục của Phần Lan. Mục tiêu giáo dục của VN là "[...] đào tạo con người VN phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc" (trang 89).
Phần Lan chú trọng đến phát triển về nhân bản, đạo đức, và có trách nhiệm; còn VN thì chú trọng đến đạo đức, tri thức, thẩm mĩ, nghề nghiệp, hay nói chung là giỏi toàn diện! Điểm quan trọng nhất của giáo dục VN là đào tạo ra những con người trung thành với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái chủ nghĩa này đã bị các nước từng theo đuổi nó đã bỏ cuộc, và ở nước ta, ngay cả người đứng đầu nước cũng chưa chắc chừng nào sẽ đạt được cái mục tiêu cao cả đó. Thành ra, nền giáo dục VN đang định hướng cho thế hệ trẻ một tương lai mờ mịt.
Nelson Mandela từng nói một câu tôi rất tâm đắc rằng "Education is the most powerful weapon which you can use to change the world" (Giáo dục là một vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới). Nhưng một nền giáo dục chệch hướng so với trào lưu văn minh của nhân loại hoặc dựa trên những giá trị lỗi thời thì có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm cho/của những kẻ ác ôn.
====
(1) Giáo dục Việt Nam và Phần Lan của Nguyễn Khánh Trung. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015 (?)
Nguon: http://tuanvannguyen.blogspot.fr/2016/01/muc-tieu-giao-duc-cua-vn-va-phan-lan.html

No comments:

Post a Comment