Nguyễn Khánh Trung
TTO - Trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) về giáo dục gia đình, chúng tôi đã thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn với các phụ huynh Pháp và Việt.
Ảnh minh họa: LAP |
Kết quả cho thấy các bậc cha mẹ của hai nước có quan niệm và cách thực hành khác nhau liên quan đến giáo dục sự vâng lời.
Mẹ Việt dạy con vâng lời
Từ điển Petit Robert định nghĩa vâng lời là nghe và làm theo ý muốn của người khác. Dường như giáo dục gia đình và nhà trường của chúng ta đang ưu tiên giáo dục sự vâng lời theo định nghĩa này mà ở đây tôi xin chỉ nói một chút về giáo dục gia đình.
Trong các giá trị ưu tiên chuyển tải cho con cái, các bậc cha mẹ Việt nhấn mạnh trước tiên đến sự vâng lời, ngoan hiền, hiếu thảo, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới...
Một số cha mẹ Việt xem sự vâng lời là một đức tính căn bản, vâng lời là không được cãi người lớn, không chỉ đứa trẻ phải vâng lời cha mẹ mà phải vâng lời người lớn nói chung, chẳng hạn có bà mẹ cho biết “Phải vâng lời ba mẹ, vâng lời người lớn, rồi kính trên nhường dưới… Ví dụ như là mẹ nói con nghe lời nhưng dì nói con không nghe là không được”.
Một bà mẹ khác dạy con không được "trả lời ông bà", dẫu cho ông bà có sai, vì lẽ cãi lại ông bà là hỗn.
Quan niệm kiểu như trên là lấy người lớn làm trung tâm bất chấp người lớn đúng hay sai và quên mất rằng đứa trẻ cũng là một chủ thể chủ động, cũng có nhu cầu được tôn trọng, đáng lý ra phải là một bên, một «đối tác» công bằng trong tương quan với cha mẹ trong quá trình giáo dục.