Friday, February 28, 2014

Trăn trở của một sinh viên gửi Bộ trưởng Giáo dục

Ngô Di Lân

Có 8 năm ở Việt Nam và 10 năm ở nước ngoài, trải nghiệm 5 nền giáo dục, cháu thấy cách dạy của chúng ta vẫn là thầy đọc, trò chép, sách giáo khoa là chân lý.

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Phải đảm đương trọng trách xây dựng và phát triển ngành giáo dục cho nước nhà "vì lợi ích trăm năm trồng người", có lẽ Bộ trưởng sẽ không có thời gian để đọc bức thư này, càng không thấy cần dành thời gian để trả lời nó, nhất là những ý tưởng trong bức thư này không có gì quá mới mẻ.
Tuy nhiên, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, với mong muốn xây dựng một thế hệ trẻ vững mạnh hơn và một nước Việt Nam có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu", cháu vẫn thấy mình có trách nhiệm không thể chối bỏ, phải gửi bức thư này cho Bộ trưởng. Hy vọng một ngày nào đấy, những lời kêu gọi trong lá thư này sẽ trở thành hiện thực.

Sự thật không thể chối cãi đó là trong thời buổi hiện nay, đại bộ phận học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn chưa thể đuổi kịp bạn bè ở các nước phát triển, mà sau đây cháu xin gọi tắt là bạn bè "quốc tế". Chúng ta có thể viện dẫn ra một loạt các huy chương Olympics quốc tế, các con số cao chót vót về số lượng học sinh khá giỏi.
Thế nhưng thử hỏi chúng ta có bao nhiêu bằng sáng chế? Và bao nhiêu trong số sinh viên "xuất sắc" của Việt Nam đã làm được gì đó "để đời"? Mọi tiến bộ đều được bắt đầu bằng việc nhận ra chúng ta đang thực sự ở đâu và chúng ta thực sự đang yếu kém những cái gì. Chúng ta vẫn còn kém xa họ nhiều. Không có một lý do đơn cử nào có thể lý giải cho việc này, điều đó hoàn toàn đúng.
Cháu hiểu rằng dù đã nỗ lực đổi mới và cải cách về mọi mặt trong một thời gian dài, đất nước hãy còn tương đối nghèo nàn và lạc hậu. Chúng ta chưa thể xây dựng một cơ sở hạ tầng giáo dục hiện đại và đồng bộ, chưa thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp cận những công nghệ và phương pháp dạy-học mới nhất.

Wednesday, February 26, 2014

Giáo sư Văn Như Cương nhầm rồi!

Nguyên Ngọc

Giáo sư Văn Như Cương viết: “Trong kì thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy Sử và học Sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…”

Thưa giáo sư Cương, ông nhầm rồi! Có một nhà quản lý giáo dục, mà là người đứng đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong các nhà quản lý giáo dục, không hề “đau đầu” như giáo sư tưởng và tin. Trái lại, với cái đầu vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái, tuyệt đối bình tĩnh, ông ấy nói: “Đấy là chuyện bình thường”. Chuyện nhỏ xíu ấy mà, gì mà rối lên thế! Thậm chí thấp vậy chứ thấp nữa, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thi sử đều bị điểm không, cũng chẳng lay chuyển được sự bình tâm của ông, bởi vì ông đã có một phép mầu, ông đã tìm ra một thủ phạm tuyệt đối và tuyệt vời: Thời đại! Chắc như đinh đóng cột và với một sự liều lĩnh khó tin, ông tuyên bố trước những người đối thoại: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy… Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm Lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…” Nghĩa là ngoài “thời đại”, ông còn tìm ra thêm được mấy thủ phạm đích đáng nữa, đều là con đẻ của cái “thời đại” chết tiệt kia: “xu thế phát triển”, “thế hệ này”, “cách mạng khoa học công nghệ”, “sự biến đổi đòi hỏi của thị trường lao động” v.v…
Liều lĩnh khó tin, bởi xin hỏi: nhờ ông “nhìn rộng ra” và chỉ cho biết, dù chỉ một ví dụ thôi, với tất cả các thủ phạm như ông đã dễ dàng phát hiện, có nơi nào trên toàn thế giới có kết quả thi môn lịch sử thê thảm như vừa rồi trong nền giáo dục do ông đảm trách trước quốc dân?
Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc.

Hiện tượng xuống cấp và nhu cầu cải cách giáo dục VN hiện nay

Trần Kiêm Đoàn

Khi nói đến giáo dục, phải nói đến cả hai yếu tố tương tác quan trọng: Kiến thức và đạo đức. Có kiến thức mà thiếu đạo đức, nhà trường sẽ biến thành “chợ chữ”. Khi nhà trường thành nơi mua văn bán chữ thì quan hệ thầy trò sẽ trở thành quan hệ con buôn và khách hàng. Trong một hoàn cảnh như thế thì chữ nghĩa và kiến thức sẽ trở thành mặt hàng trao đổi và đạo đức học đường sẽ vắng bóng.
Là một người đã trực tiếp làm công việc giảng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam trước và sau năm 1975; cũng như giảng dạy tại các đại học Mỹ, tôi có cơ hội tiếp cận nhà trường, học sinh và sinh viên trong cả ba môi trường giáo dục có nội dung lẫn hình thức khác nhau. Thật không đơn giản và dễ dàng để nói đến sự thăng tiến hay suy đồi của một nền giáo dục thông qua cảm tính và hiện tượng. Tuy nhiên, người ta có thể nhìn thấy những hình ảnh trở thành quá phổ biến của thanh niên trong độ tuổi lao động la cà ở quán nhậu, tiệm cà-phê trong giờ làm việc hay tuổi đi học lêu lổng ngoài đường trong giờ học tập ở trường hoặc quan hệ thô bạo, phi giáo dục của thầy trò trong lớp… để làm “chỉ dấu” hé mở bước đầu cho sự quan sát, tìm hiểu, phân tích về một quá trình xã hội và giáo dục đang trên đà tiếp diễn.

Monday, February 24, 2014

Từ tư tưởng giáo dục của Rousseau, nghĩ về giáo dục VN


Nguyễn Khánh Trung 
 
Hình ảnh nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau, và một học sinh Việt Nam cùng độ tuổi, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động. Đây chính là hệ quả của các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục khác nhau.
Cách đây hơn một năm, sau một buổi thuyết trình, một em học sinh lớp 11 đến gặp tôi và xin “hướng nghiệp”, em đang suy nghĩ để chọn ngành thi đại học nhưng không biết chọn ngành nào. Tôi đã khuyên em nên tìm hiểu rõ hơn những ngành mà em quan tâm, suy nghĩ kỹ về bản thân, về tương lai cũng như về hoàn cảnh gia đình rồi tự đưa ra quyết định. Hơn sáu tháng sau, em liên lạc lại với tôi và thể hiện là em có tìm hiểu về các ngành học, nhưng vẫn không biết quyết định thế nào. Hôm mồng hai Tết vừa rồi, em chúc Tết tôi, tôi hỏi em quyết định thế nào rồi, em vẫn trả lời là chưa quyết định được và nói có lẽ sẽ “để người khác quyết định” giúp.

Cũng thời gian này tôi đọc xong toàn bộ tác phẩm Emile hay là về giáo dục của Rousseau*, triết gia người Pháp sống vào thế kỷ 18, và thấy hình ảnh của nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau vào độ tuổi như em học sinh nói trên, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động.

Ở đây, tôi không có ý so sánh hình ảnh một học sinh Việt Nam có thật với một Emile tưởng tượng của Rousseau, nhà triết học “đa tài, đa nạn, đa đoan” (Bùi Văn Nam Sơn, 2013), nhưng sẽ nói tới sự lạc hậu trong quan niệm và cách thức giáo dục của chúng ta hiện tại so với quan điểm và cách thức giáo dục của triết gia Rousseau, người sống cách chúng ta 250 năm trong tác phẩm Emile. Bởi lẽ tôi thấy rất nhiều học sinh, thậm chí là cả các sinh viên gần ra trường cũng gặp rất nhiều vấn đề tương tự như em học sinh cuối bậc trung học phổ thông nói trên, nên có thể nói đây là một hiện tượng gắn liền với giáo dục.

Sunday, February 23, 2014

Cách dạy con 'tàn nhẫn' của bà mẹ Do Thái

  • Nguyễn Thảo(Ghi)
Trong việc dạy con thường có câu cửa miệng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thế nhưng lại không nhiều bậc phụ huynh hiểu được rằng phải “yêu” như thế nào và “ghét” như thế nào để con nên người.

Sara Imas là một bà mẹ Do Thái từng đến định cư lâu dài ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng theo tiếng gọi của cố hương, bà dắt 3 con quay trở về Israel – nơi mà người dân đang ngày ngày phải sống giữa khói lửa chiến tranh và những đứa trẻ buộc phải học cách sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt này.
Từ một bà mẹ bao bọc con theo kiểu Trung Hoa, Sara Imas trở thành một bà mẹ Do Thái nghiêm khắc – người đã nuôi dạy 2 cậu con trai trở thành triệu phú ngành công nghiệp kim cương và một cô con gái đang theo học một trường đại học danh tiếng.
Điều đáng nói hơn là 3 người con của bà luôn đoàn kết, gắn bó và tràn ngập tình yêu thương với mẹ.
Câu chuyện của bà mẹ mới chỉ học hết cấp 2 gói gọn trong cuốn sách dài hơn 500 trang có tựa đề "A Mother’s Rigorous Love (được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”).
Bà mẹ đơn thân này cho rằng nếu như tình yêu thương của người mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc con cái suốt cuộc đời thì tình yêu thương của bà mẹ Do Thái giống như một ngọn lửa rực sáng để soi đường cho chúng tự học cách bước tiếp trong cuộc sống.
Trong "rừng" thông tin dạy con, những người mẹ sẽ chọn cách nào? Kiểu Nhật, kiểu Mẹ Hổ, kiểu Do Thái?

Tuesday, February 18, 2014

Emile: Triết lý giáo dục theo lứa tuổi



Bùi Văn Nam Sơn
Thừa nhận các giai đoạn phát triển không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng xem đó là nguyên tắc sinh tử của giáo dục là chỗ độc đáo của Rousseau, vì ông là người đầu tiên cho thấy ý nghĩa sâu sắc của chúng.
Theo ông, các giai đoạn là khác nhau về chất và về chức năng. Giai đoạn đầu tiên từ khi mới sinh cho đến năm tuổi là giai đoạn sinh vật. Tiếp theo là buổi bình minh của tự-ý thức. Vào tuổi 12, đứa bé đột nhiên có ý thức về mình một cách sâu sắc. Năng lực lý trí và tình cảm trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng đứa bé vẫn còn là một sinh thể cô lập, chưa có được đời sống luân lý đúng nghĩa. Điều này chỉ đạt được ở lứa tuổi dậy thì, với sự chớm nở của đời sống tính dục, yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc đời của một cá nhân. Đời sống xã hội của cá nhân thực sự bắt đầu với xao động tính dục.

Các giai đoạn ấy là độc lập với nhau trong sự phát triển. Mỗi giai đoạn không được phép xem là phương tiện để đạt đến giai đoạn kế tiếp. Mỗi giai đoạn là một mục đích tự thân, là một cái toàn bộ độc lập, chứ không đơn thuần là bước quá độ sang giai đoạn khác. Mỗi giai đoạn có nhu cầu và ham muốn riêng, hình thành những thói quen phù hợp nhất cho việc tự thực hiện một cách hoàn hảo cuộc sống ở giai đoạn ấy.

Do đó, các nguyên tắc áp dụng cho giai đoạn này không còn đúng nữa cho giai đoạn sau, bởi nhiệm vụ giáo dục là vun bồi những hoạt động và mối quan tâm theo bản tính tự nhiên của đứa trẻ, chứ không phải nhồi nhét cho nó những tập quán và ý tưởng theo quy ước của xã hội.

Tác phẩm Émile, vì thế, được chia làm năm phần. Bốn phần đầu bàn về việc giáo dục cậu bé Émile (giả tưởng) theo bốn giai đoạn: ấu thơ (cho đến 5 tuổi), trẻ con (từ 5 đến 12 tuổi), thiếu niên (12 đến 15 tuổi) và thanh niên (từ 15 đến 20 tuổi). Phần thứ năm dành cho việc giáo dục cô nàng sẽ là người vợ tương lai của Émile. Như thế, công trình bất hủ của ông bao quát dự phóng giáo dục cho nam lẫn nữ từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành. Vì tầm quan trọng đặc biệt của tác phẩm (dài ngót 700 trang!), tuy khó có thể thong thả đi theo ông suốt cuộc hành trình, nhưng vẫn cố gắng ghi nhận những điều cốt lõi.

Monday, February 10, 2014

Cuộc cách mạng mới về giáo dục


Nguyễn Tiến Dũng
Các nhu cầu mới của xã hội tạo thành một lực đẩy lớn, đồng thời các tiến bộ mới trong khoa học và công nghệ tạo thành một lực kéo lớn, kết hợp với nhau đang tạo thành một cuộc cách mạng mới về giáo dục, có triển vọng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các hệ thống giáo dục trên thế giới trong một hai thập kỷ tới.
So với cách đây một-hai thế kỷ, các thệ thống giáo dục trên thế giới ngày nay đã tiến bộ rất nhiều. Từ chỗ phần lớn người dân mù chữ vì không được đi học, ngày nay việc học phổ thông cơ sở là miễn phí và bắt buộc với hầu hết trẻ em. Từ chỗ có nhiều sự phân biệt về chủng tộc, giới tính, v.v. trong trường học - ví dụ như đại học ở Đức đến cuối thế kỷ 19 vẫn không nhận sinh viên nữ - ngày nay các trường đã trở nên bình đẳng hơn. Từ chỗ chương trình học nghèo nàn và nặng tính giáo điều, ngày nay các chương trình đã phong phú hơn và mang tính khoa học hơn, v.v.

Tuy đã có các tiến bộ vượt bậc như trên, nhưng các hệ thống giáo dục trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều hạn chế, cả về số lượng, chất lượng, nội dung, và phương pháp, và chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội trong thời đại mới - thời đại của thông tin, hiểu biết, và thế giới đại đồng. Các nhu cầu mới của xã hội tạo thành một lực đẩy lớn, đồng thời các tiến bộ mới trong khoa học và công nghệ tạo thành một lực kéo lớn, kết hợp với nhau đang tạo thành một cuộc cách mạng mới về giáo dục, có triển vọng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các hệ thống giáo dục trên thế giới trong một hai thập kỷ tới.

Ở đây, tôi muốn trình bày tóm tắt một số xu hướng trong cuộc cách mạng về giáo dục đang diễn ra này.

Friday, February 7, 2014

Người Việt Nam đang tự trói mình


Nguyễn Hữu Thái Hòa - Bùi Hào

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển sáng tạo
nhưng thiếu môi trường sáng tạo
Sáng tạo là một động lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đó cũng là một nguồn lực mang tính quyết định cho một đất nước khi tiến vào nền kinh tế tri thức. TS Nguyễn Hữu Thái Hòa - người có hơn 20 năm làm việc trong môi trường sáng tạo ở các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, hiện là Phó Giám đốc phụ trách Ban Sáng tạo của Trung tâm Khoa học Tư duy, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, trả lời phỏng vấn về sáng tạo và tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: Hiện nay, tư duy sáng tạo giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển. Muốn phát triển thì đòi hỏi con người phải có tư duy sáng tạo. Vậy theo ông, tư duy sáng tạo là gì? Và nó thể hiện như thế nào?

TS Nguyễn Hữu Thái Hóa: Nói thực ra, làm trong môi trường sáng tạo hơn 20 năm nhưng tôi không phải là một nhà lý luận về sáng tạo học. Tôi không biết nhiều về lý luận sáng tạo như các Giáo sư, Tiến sĩ về sáng tạo học. Chính vì vậy nên tôi đứng về phía những người sử dụng các sản phẩm sáng tạo để đánh giá sáng tạo đó có giá trị hay không. Giá trị của một sáng tạo phải do người sử dụng sáng tạo đó đánh giá chứ không phải theo chủ quan của người sáng tạo ra nó.

Định nghĩa về sáng tạo hiện nay rất mơ hồ, khô cứng và trên thế giới vẫn còn nhiều tranh luận. Một trong những mục tiêu của Trung tâm Khoa học Tư duy (do GS.TS Tô Duy Hợp làm Giám đốc) là xem xét lại và làm rõ một số khái niệm liên quan đến khoa học tư duy, trong đó có khái niệm sáng tạo. Khái niệm sáng tạo còn đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi không thể đưa ra một khái niệm mà chỉ trao đổi thêm về những quan điểm về sáng tạo và con đường để tiến tới hiểu về khái niệm này.

Saturday, February 1, 2014

Chiêu hồn Khổng Tử !

Huỳnh Hoa

Chỉ nửa tháng sau Hội nghị Trung ương 3 đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện được coi là mở đầu cho công cuộc cải tổ lần thứ hai - Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm một việc hiếm thấy ở những người trước ông: đi viếng đền thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ nhân chuyến làm việc năm ngày ở tỉnh Sơn Đông.
Tân Hoa Xã ngày 26-11-2013 tường thuật từ Khúc Phụ: “Chủ tịch Tập kêu gọi phát triển đạo đức trong toàn xã hội, tiếp thu những điều ích lợi trong tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, xóa bỏ những điều độc hại”. “Đất nước chúng ta sẽ ngập tràn hy vọng chừng nào sự theo đuổi các giá trị đạo đức cao đẹp của người Trung Hoa còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Tập nói.
Cuộc hành hương của ông Tập nằm trong chuỗi sự kiện thể hiện một chủ trương mới của lãnh đạo Trung Quốc. Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 1-10-2013, ngay từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Đại hội 17 đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12-2012, ông Tập đã bày tỏ mong muốn khôi phục các tiêu chuẩn luân lý đạo đức cổ truyền để “lấp đầy khoảng trống tinh thần sinh ra từ sự tăng trưởng chóng mặt và làn sóng đổ xô làm giàu” đang lan rộng trong xã hội. Báo SCMP dẫn ba nguồn tin độc lập thân cận với giới lãnh đạo cấp cao để đưa ra nhận định, ông Tập tin rằng xã hội Trung Quốc đã đánh mất “cái la bàn đạo đức” và ông rất đỗi phiền muộn khi nhìn thấy luân lý suy đồi, con người chạy theo đồng tiền, chà đạp lên lương tâm, trách nhiệm và những tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất.