Monday, August 17, 2020

Khác biệt hóa trong giáo dục

 Nguyễn Khánh Trung


Khác biệt hóa trong giáo dục (différenciation pédagogique) hay giáo dục khác biệt hóa (la pédagogie différenciée) là một hình thức giảng dạy dựa trên bản chất duy biệt của học sinh*. Câu hỏi khó đặt ra là làm thế nào để có thể tổ chức được trong bối cảnh Việt Nam, với những lớp học có khi và có nơi trên 50 học sinh? Bài viết này xin thử đưa ra một vài phác thảo mang tính giải pháp.

Khái niệm khác biệt hóa

Trước hết, chúng ta cần hiểu khác biệt hóa trong giáo dục không phải là cá nhân hóa kiểu một thầy một trò, thầy kèm riêng cho từng cá nhân, được tổ chức giống nhau mọi nơi và với tất cả các loại hình kiến thức. Hình thức giảng dạy như vậy là một loại hình “đồng phục” khác, bất khả thi và cũng không cần thiết. Bất kỳ hình thức cố định cứng nhắc nào trong giáo dục, kể cả khác biết hóa, cũng có nguy cơ cản trở các loại hình khác và ngăn cản sự sáng tạo và không phù hợp với bản chất duy biệt của người học. 

Khác biệt hóa là một hình thức tổ chức giảng dạy dựa trên sự duy biệt và nhu cầu của từng học sinh. Nó phải linh động để có thể thích ứng với từng học sinh, từng nội dung giáo dục và hoàn cảnh của từng địa phương và trường học. Có những học sinh cần sự kèm cặp đặc biệt (những học sinh gặp khó khăn trong học tập, những học sinh có các vấn đề về tâm thể lý cần được kèm cặp riêng bởi các giáo viên được đào tạo đặc biệt…), nhưng cũng có những học sinh không cần giáo viên kèm riêng, thậm chí không cần giáo viên giảng bài theo kiểu truyền thống mới có thể hiểu bài, mà chỉ cần giáo viên hướng dẫn thì cũng có thể tự học, tự tìm tòi kiến thức. Việc học từ xa của đa số học sinh trên thế giới trong thời gian vừa qua bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một minh chứng về khả năng tự học của các em. Cũng vậy, sẽ có những kiến thức, những hoạt động giáo dục thích hợp với từng nhóm nhỏ như các kiến thức cần thí nghiệm, các kỹ năng cần thực hành, nhưng cũng có những loại thông tin, kiến thức có thể truyền thụ trong các hội trường lớn, tập trung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh.

ách đây mấy năm, chúng tôi đã quan sát giáo dục Phần Lan, đất nước có một nền giáo dục phổ thông nổi bật nhất thế giới nhờ chất lượng của nó (Nguyễn Khánh Trung, 2015), một trong những đặc điểm quan trọng là người Phần Lan áp dụng khác biệt hóa trong giảng dạy một cách nhất quán. Điều này được thể hiện rất rõ trong các văn bản chính thức ở các cấp độ khác nhau cũng như trong các thực hành trong các trường học. Chương trình Cốt lõi quốc gia của Phần Lan nói về điều này như sau:

Khác biệt hóa là phương tiện căn bản nhằm thỏa mãn nhu cầu của các nhóm giảng dạy và sự khác biệt của học sinh thể hiện qua sự hướng dẫn. Chú ý đến những cách học, nhịp độ riêng khác nhau của học sinh, những nhu cầu riêng, những cảm xúc riêng của các em. Trong kế hoạch cũng phải tính đến sự khác biệt, môi trường riêng của học sinh nam, nữ, cá nhân của từng học sinh. Sự khác biệt được sử dụng nhằm gây ảnh hưởng lên động lực học tập của học sinh. Sự khác biệt hóa trong giảng dạy có thể cung cấp cho học sinh những kinh nghiệm, những thử thách của sự thành công, làm cho các em có những cơ hội phát triển và học tập theo thế mạnh của mình. 

Ba chiều kích chìa khóa của sự khác biệt hóa là những thay đổi, chiều sâu trong học tập và sự tiến bộ trong học tập. Sự khác biệt có thể tập trung vào các khía cạnh như nội dung giáo dục, giáo cụ và phương pháp áp dụng, cách làm việc, số lượng bài làm ở trường, ở nhà và thời gian có sẵn. Môi trường học tập và phương pháp có thể được điều chỉnh nhằm tạo cơ hội tham gia cho học sinh, cung cấp sự lựa chọn, việc sử dụng không gian, sự linh hoạt của nhóm học sinh... (Chương trình Cốt lõi Quốc gia về Giáo dục cơ bản - phần bổ sung sửa đổi 2011, tr. 5 - 6).

Trích dẫn trên đã trình bày khá rõ các chiều kích của khái niệm khác biệt hóa trong giảng dạy. Hiện nay người Phần Lan cũng đang đổi mới giáo dục và họ càng đẩy mạnh khác biệt hóa trong mọi khía khía cạnh, phòng học được thiết kế theo những không gian mở, tiện nghi, tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau cho học sinh trong cách thức học tập dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự duy biệt của học sinh.

Tổ chức giảng dạy

Như vậy, với hình thức khác biệt hóa, một giáo viên vẫn có thể phụ trách nhiều học sinh, nhưng hình thức tổ chức giảng dạy phải thay đổi theo nhu cầu của học sinh và theo tính chất của từng loại hình kiến thức và kỹ năng. Sự thay đổi này phải linh động, trong đó giáo viên phải được trao nhiều quyền và trách nhiệm, để cùng học sinh, tạo ra các hoạt động, thiết kế môi trường sư phạm để thúc đẩy các em tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển về mọi mặt theo cách của mình.

Thay vì học theo truyền thống với thời khóa biểu chung và theo từng môn học, giáo sư Giordan đề nghị một thời khóa biểu linh động, cá nhân hóa, dựa trên nhu cầu của từng học sinh với bốn trục chính:
- Thời gian lãnh hội 
- Thời gian dành cho những học sinh bắt đầu và những học sinh cần đào sâu
- Thời gian trao đổi
- Thời gian dành cho sự hỗ trợ và kèm cặp (tutorat)

Nhà trường và mỗi học sinh đạt đến mục tiêu của mình xoay quanh bốn trục thời gian này.

Thời lượng linh động tùy theo mỗi hoạt động, có thể chỉ vài phút nếu đó là một ca tư vấn, kéo dài nửa ngày nếu đó là một hội thảo hay một bài tập thực hành (atelier), có thể kéo dài vài ngày nếu đó là thời gian “thực tập” cho một dự án văn hóa hay ngôn ngữ (chẳng hạn như thực hành tiếng Anh với các giáo viên nước ngoài, hay một chuyến “du học” bên ngoài nhà trường).

Các nội dung giảng dạy cần được nghiên cứu và thiết kế thành các hoạt động, chẳng hạn:
- Các bài tập cá nhân có hướng dẫn của giáo viên hay các anh chị lớn hơn trong trường.
- Các seminar chuyên đề
- Các hội thảo
- Các hoạt động thực hành theo nhóm 
- Các dự án
- Các buổi trao đổi kiến thức
- Các chủ đề theo tuần
- Họp nhóm lớp hằng tuần với giáo viên chủ nhiệm để nhìn lại, để bổ sung các kế hoạch cá nhân, nhóm… (Giordan, 2018, tr. 116)

Ngoài các hoạt động trên, học sinh có thể tham gia các tổ chức như các câu lạc bộ, các nhóm thiện nguyện để đào sâu một môn học nào đó, một ngôn ngữ nào đó, một kỹ năng nào đó, hay để củng cố văn hóa đọc, rèn luyện kỹ năng hùng biện, hay cùng nhau thực hiện một dự án thú vị nào đó được nhà trường và cộng đồng khuyến khích... 

Tất cả các học sinh theo các hoạt động trên và được quyết định bởi nhóm lớp nơi có giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên phải có khả năng thấu hiểu từng học sinh của mình để hỗ trợ từng em thiết kế nên các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn với các mục tiêu riêng dựa trên nhu cầu của từng em. Như vậy thời gian biểu được cá nhân hóa theo nhu cầu của học sinh. Các đơn vị nhóm lớp không đóng vai trò trung tâm như cách tổ chức giảng dạy truyền thống, mà chỉ là “nhà” với một số hoạt động cơ bản. Học sinh tham gia vào các hoạt động nói trên theo các kế hoạch khác nhau, nghĩa là các em có các bạn khác, các nhóm khác bên ngoài đơn vị lớp mà không nhất thiết là theo từng lứa tuổi. 

Các hoạt động nói trên được phụ trách bởi các giáo viên với sự hỗ trợ đắc lực của các “phụ giáo” là chính các học sinh trong trường, với sự hợp tác của các chuyên gia ngoài trường. Đó có thể là chính các phụ huynh có chuyên môn và khả năng, các tình nguyện viên đến từ các hội đoàn, các tổ chức thiện nguyện tại địa phương.

Học thầy không tày học bạn

Người Việt chúng ta có câu “học thầy không tày học bạn”, quả thật trong nhiều trường hợp, sự giúp đỡ của bạn cùng lứa, hay các anh chị lớn hơn cùng trường sẽ hiệu quả hơn so với giáo viên. Vậy nên giáo viên nên kêu gọi các học sinh hỗ trợ mình trong các hoạt động nêu trên. Những học sinh khi được phân công kèm bạn, hay đàn em, sẽ rất hãnh diện, và đây cũng là một cách học, một cách nắm bắt và nhớ bài rất hiệu quả đối với các học sinh đóng vai “phụ giáo” này. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khi chúng ta nói lại hay viết lại những gì được học, chúng ta sẽ nhớ được 70% nội dung, khi chúng ta làm những gì được học, chúng ta sẽ nhớ tới 90% nội dung (Bath & Bourke, 2010, tr. 25). Việc kèm bạn là một cơ hội cho các học sinh thực hành cách học chủ động này.

Để kiến thức trở thành cái riêng của từng học sinh, hay nói cách khác để học sinh trở thành “tác giả” của sự học của mình, thì học sinh cần phải đối chiếu quan điểm, sự hiểu biết của mình với thực tế, với người khác, phải chủ động suy nghĩ, có chính kiến, có óc phản biện, có khả năng trình bày và thuyết phục người khác theo quan điểm của mình nếu mình cảm thấy sự hiểu biết của mình là chính xác, nhưng cũng cần có khả năng lắng nghe và thay đổi khi được người khác thuyết phục. Người khác ở đây có thể là giáo viên hay các bạn học khác, người khác ở đây cũng có thể là các tác giả của các tài liệu khoa học, hay các chuyên gia trong các chủ đề mà học sinh đang theo đuổi. Nhà trường cần tạo ra một môi trường với những “người khác” luôn có sẵn như thế để dẫn dắt, thúc đẩy và tạo ra sự thuận tiện cho việc học hỏi của học sinh.

Học nhóm, tham gia các hoạt động là những cơ hội cho học sinh thực hành những điều trên một cách tự nhiên, không cảm thấy bị áp đặt. Các kỹ năng trình bày, lập luận, diễn đạt, phản biện, truy vấn, đối chiếu cần trở thành những nội dung ưu tiên trong mục tiêu giáo dục đối với từng học sinh, cũng có nghĩa là đối với mục tiêu giáo dục của từng trường học và của quốc gia.

Lẽ dĩ nhiên, giáo viên được đào tạo vẫn luôn là quan trọng và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động giáo dục. Trong hình thức giảng dạy này, giáo viên đóng vai người hướng đạo, những người hiểu biết về trẻ em, về não bộ, về tâm lý, về sự học để có thể hướng dẫn từng học sinh đi trên con đường đúng nhất. Người hướng đạo không chỉ phải thông thạo con đường mình đang hướng dẫn, mà còn phải hiểu biết các con đường gần đó trong khu vực để có thể hỗ trợ học sinh tốt nhất.

Kết luận

Như vậy, khi trong trường tổ chức những môn học xuyên lớp như đã nêu, với sự hỗ trợ của chính các học sinh và trong nhiều trường hợp là của các phụ huynh (những phụ huynh có chuyên môn được mời gọi cộng tác với nhà trường), hay các tình nguyện viên đến từ các đoàn thể và tổ chức thiện nguyện địa phương, khi giáo viên không phải giảng từ đầu đến cuối, thì giáo viên sẽ có nhiều thời gian, nghĩa là áp lực sĩ số học sinh không còn là trở ngại quá lớn trong việc thực hiện khác biệt hóa trong giáo dục (lẽ dĩ nhiên, một lớp học 50 học sinh không bao giờ là lý tưởng). Cũng có nghĩa là, chúng ta vẫn có thể thực hiện khác biệt hóa trong giảng dạy trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Chúng ta đang trong tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện”, các trường và các giáo viên đã được phân quyền nhiều hơn trước đây, tôi nghĩ nếu các giáo viên tận dụng tốt những không gian tự do của mình để thay đổi và làm thật tốt hình thức khác biệt hóa, thì sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực để thúc đẩy sự thay đổi từ dưới lên.

Một hình thức giảng dạy theo tinh thần mà bài viết ngắn này đã phác thảo sẽ tạo ra một môi trường giáo dục phong phú, nhiều lựa chọn, nhiều tương tác và kết nối, là môi trường phù hợp với cơ chế hoạt động của não bộ mà bài viết trước tôi đã đề cập. “Một môi trường ‘phong phú’ liên quan đến những kích thích và các mối tương tác, sẽ là thuận tiện cho việc học. Môi trường tạo thuận lợi cho việc gia tăng độ dày của vỏ não. Các nơ ron lớn lên và tự phân nhánh… (Giordan, 2016, tr. 87).
Xét về mặt xã hội, khác biệt hóa trong giáo dục cũng là một hình thức tạo ra “công bằng cơ hội” ngay trong trường học (công bằng trong giáo dục sẽ tạo ra công bằng xã hội) theo nghĩa các học sinh kém may mắn, gặp nhiều khó khăn sẽ được nâng đỡ và kèm cặp nhiều hơn so với các học sinh khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và trí tuệ. 

Đây là hình thức giảng dạy tin vào khả năng tự học và những điều sẵn có của học sinh, phù hợp để giáo dục tính tự chủ, tự tin và các kỹ năng trong học tập, nghiên cứu, cũng như các kỹ năng xã hội, khả năng làm việc, cộng tác, kết nối với người khác, rèn luyện óc phản biện, sáng tạo, những điều làm nên chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.  Đây cũng là hình thức tốt nhất có thể tạo ra động lực bên trong có tính lâu dài nơi học sinh, yếu tố rất quan trọng thúc đẩy các em học sâu và tiến xa trên con đường học tập và phát triển bản thân mà nếu có dịp, tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác. 

Tài liệu tham khảo
Giordan, A., & Saltet, J. (2018). Changer le collège, c’est possible. Paris: Play Bac
Giordan, A. (2016). Apprendre. Paris: Belin.
Nguyễn Khánh Trung. (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – Một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nxb. KHXH.
Bath, D., & Bourke, J. (2010). Getting Started with Blended Learning. Griffith Institute for Higher Education.
---
Chú thích: 
*Tác giả đã trình bày trong bài viết “Người học là ai?” đăng trên Tạp chí Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

Nguồn: https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Khac-biet-hoa-trong-giao-duc-25433