Monday, March 30, 2015

Người gác cổng thiên đàng


Bùi Văn Nam Sơn
 
"Những sự khác biệt mà không thật sự tạo nên được những sự khác biệt thì không phải là những sự khác biệt"! Đó có lẽ là hạt nhân của triết thuyết dụng hành Mỹ, xem nguồn gốc của mọi việc là ở trong hành động, hướng đến kết quả của hành động và mời gọi hành động.
Vì thế, triết thuyết dụng hành không tra hỏi về những "sự thiện tối cao" hay những nguyên lý phổ quát, mà về sự khả biến của thế giới, về tính chất diễn trình của nó. Thế giới là "đề án", là "thử nghiệm", nên chìa khóa của sự tiến bộ không nằm trong quá khứ hay trong các giá trị cao xa như thói quen của triết học, mà trong việc thẩm định thực trạng. Nếu tương lai đặt nền móng trong hiện tại và con người có thể tạo nên cái mới bằng tư duy sáng tạo, thì con người cũng tự gánh chịu trách nhiệm, bởi phải tự mình cân nhắc trước những hậu quả của hành động. Chưa bàn đến lời phê bình có thể có đối với thuyết dụng hành: hành động của con người, kỳ cùng, có hướng theo những giá trị bất biến nào không, ta tập trung vào hai câu hỏi sau cùng trong triết thuyết giáo dục-hành động của John Dewey: bản chất của phương pháp và vai trò của nhà trường trong sự tiến bộ của xã hội.

BẢN CHẤT CỦA PHƯƠNG PHÁP


Dewey theo thuyết dụng hành, (thậm chí ông còn gọi là "thuyết công cụ"), vì thế, với ông, thế giới dựa trên kinh nghiệm và con người chỉ có thể học hỏi nếu biết nối kết kinh nghiệm với quá khứ và tương lai. Công thức nổi tiếng của ông: "giáo dục là kinh nghiệm liên tục được tái tạo". Vậy, kinh nghiệm là gì? Ông trả lời: đó là tiến trình tuần hoàn liên tục giữa hành động của ta và thế giới chung quanh. Một khi vòng tuần hoàn này gặp rắc rối, bị tắt nghẽn và không thể giải quyết bằng thói quen được nữa, ta gặp phải "vấn đề". Bấy giờ tình huống buộc ta phải suy nghĩ và tiến hành "có phương pháp". Phần đóng góp của tư duy phương pháp càng lớn, chất lượng giáo dục của kinh nghiệm càng cao. Để kinh nghiệm có thể trở thành "kinh nghiệm giáo dục", ta cần phân biệt hai loại kinh nghiệm: kinh nghiệm cấp một, bằng "thử và sai"; kinh nghiệm cấp hai, như là hệ thống và khoa học. Chỉ có kinh nghiệm cấp hai này mới có giá trị trong giáo dục. Ở cấp hai này, ta phải trải qua "toàn bộ hành trình tư duy" gồm năm bước:

-     nhận diện tình huống như là "có vấn đề";
-     làm rõ tình huống bằng cách xác định vấn đề và phác họa một kế hoạch.
-     nghiên cứu vấn đề, đặt và kiểm tra các giả thuyết;
-     suy nghĩ thấu đáo những hệ quả của giải pháp; và sau cùng
-     quyết định chọn một giải pháp, rồi lại kiểm tra lần nữa trước khi chấp nhận hoặc bác bỏ.

Vậy, chỉ khi ta suy nghĩ và hành động có phương pháp, ta mới thu thập tri thức và kinh nghiệm để tiến tới kinh nghiệm cao hơn, xa hơn.

Wednesday, March 25, 2015

Nước Nhật đã cải cách nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông các môn xã hội như thế nào sau chiến tranh thế giới thứ hai?

 Nguyễn Quốc Vương

Tính từ thời điểm năm 1945 tới nay, giáo dục Nhật  đã trải qua nhiều lần cải cách. Trong đó lần cải cách lớn nhất tạo nên bước ngoặt lịch sử cho dân tộc Nhật  xuất phát ngay sau khi  Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và cuộc cải cách giáo dục gần đây nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của Bản hướng dẫn học tập sửa đổi do Bộ giáo dục ban hành tháng 3 năm 2008. Bài viết này xin được điểm qua những nét lớn về sự thay đổi nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông qua những lần cải cách ấy.

Vượt qua khủng hoảng
 Sau ngày 15-8-1945, giáo dục Nhật trải qua một khoảng thời gian “hỗn loạn” ngắn  do hậu quả của chiến tranh. Bất ngờ trước kết cục  chiến tranh, phần lớn  người dân Nhật chìm trong tâm trạng bi quan, chán nản và tuyệt vọng. Hai thành phố bị dội bom nguyên tử, nhiều trường học bị cháy vì những trận không kích của quân Đồng minh, kinh tế đình trệ và nạn khan hiếm lương thực trở nên trầm trọng. Trong  tình thế ấy Bộ giáo dục Nhật đã nhanh chóng có những bước đi cần thiết để đưa họat động trường học trở lại bình thường. Tròn một tháng sau ngày Thiên hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Bộ giáo dục Nhật công bố bản “Phương châm giáo dục nhằm xây dựng nước Nhật Bản mới”. Bản phương châm 11 điểm  này nêu rõ nước Nhật cần xây dựng ngay một nền giáo dục mới để “loại trừ chủ nghĩa quân phiệt”, “giáo dục tư duy khoa học”, “làm sâu sắc văn hóa quốc dân”, “ xây dựng quốc gia hòa bình” và “đóng góp vào sự tiến bộ thế giới”. Bản phương châm cũng nêu lên những nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xử lí nền giáo dục thời chiến,  tổ chức lại các đoàn thể học sinh, tái đào tạo giáo viên , tái tổ chức lại Bộ giáo dục…  Trong thời gian chờ sách giáo khoa mới xuất bản, Bộ giáo dục Nhật chỉ đạo các trường loại bỏ khỏi sách giáo khoa hiện hành những nội dung ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt và đưa vào sử dụng đảm bảo cho kì học mới bắt đầu từ tháng 9 được tiến hành bình thường. Môn  Tu Thân vốn là môn học đóng vai trò  trụ cột  giáo dục cho học sinh lòng trung thành với Thiên hoàng và chủ nghĩa quân phiệt bị đình chỉ vĩnh viễn.